Lạng Sơn: Xây dựng thư viện thân thiện gắn với văn hóa đọc
21/09/2018 | 14:35Thời gian qua, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được đầu tư xây dựng mô hình thư viện thân thiện, giúp học sinh làm quen với văn hóa đọc.
Mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” được tổ chức Room to Read (tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ) tại Việt Nam tài trợ cho các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 2 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc quốc gia tổ chức Room to Read tại Việt Nam cho biết: Mô hình thư viện thân thiện là phương pháp đưa sách đến gần hơn với trẻ em, tạo môi trường thân thiện, thu hút cán bộ, giáo viên, học sinh đến đọc sách, báo, tài liệu… từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học xã Yên Trạch đọc sách tại thư viện thân thiện.
Trường Tiểu học xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc là trường đầu tiên xây dựng mô hình này vào tháng 7/2018. Thư viện được trang bị kệ sách, giỏ đựng sách, bàn đọc, thảm xốp và 1 thư viện ngoài trời. Ở đây, các em có trên 1.500 cuốn sách, bao gồm: 1.000 cuốn do tổ chức Room to Read tài trợ và 500 cuốn của nhà trường. Từ khi thư viện đi vào hoạt động, điều dễ nhận thấy khi đến với Trường Tiểu học Yên Trạch, trong giờ chơi, có thể bắt gặp hình ảnh những học sinh tranh thủ đọc sách, trên hành lang, sân trường, nơi nhà trường đã xây dựng “thư viện mở”.
Em Lâm Thị Hoài Thu, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Yên Trạch chia sẻ: Chúng em rất vui khi thư viện của trường ngày càng có nhiều loại sách, truyện hay. Trong phòng, các kệ sách, bàn được sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt, học sinh được chủ động chọn sách và chỗ ngồi đọc… Ngoài việc được tự do lựa chọn loại sách mình thích, chúng em còn được mượn sách về nhà đọc, nên em rất thích đến thư viện của trường.
Với sự hỗ trợ của tổ chức Room to Read, đã có 20 thư viện thân thiện trường tiểu học tại các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình được đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học 2018 – 2019 này. Các thư viện được xây dựng mở, có thư viện trong nhà và ngoài trời thuận tiện cho người đọc. Nội dung các cuốn sách đều được kiểm định, phù hợp với lứa tuổi và đảm bảo cho các bạn nhỏ thoải mái nhất khi đắm mình theo các câu chuyện trong sách. Khi đến thư viện của trường, học sinh có thể lựa chọn cho mình những cuốn sách hay, bổ ích; những cuốn sách cung cấp thông tin chính thống có giá trị văn học, khoa học và lịch sử… với danh mục sách tham khảo ngày càng phong phú.
Tại thư viện thân thiện, sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày trên kệ. Học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy sách để đọc, trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý, học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách. Thư viện có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động cá nhân, cặp đôi, nhóm. Đồng thời, có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Ngoài ra, thư viện còn có hệ thống hướng dẫn việc quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng, có cán bộ thư viện chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Với sự hỗ trợ của tổ chức Room to Read, nhiều trường tiểu học trên địa bàn đã có được hệ thống thư viện với số lượng đầu sách phong phú, qua đó khuyến khích được học sinh đến với thư viện, góp phần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh. Theo ghi nhận, hiện ở các trường này học sinh đã gắn bó với không gian đọc của thư viện như một thói quen khi đến giờ nghỉ. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai, huy động sự chung sức của nhà trường, cộng đồng để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các thư viện, đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình thư viện này, nhằm giúp học sinh có môi trường học tập, rèn luyện tốt nhất./.
Theo baolangson.vn