LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
---------------------------------------
 

Kể từ khi thành lập đến nay, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.

Lịch sử phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể chia thành các giai đoạn sau:

1.  Giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám

Lĩnh vực Văn hóa - Thông tin:

Năm 1943, Đảng ta đã công bố “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó nêu rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị và văn hóa). Như vậy, ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấy vai trò quan trọng của văn hóa, định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong nội các quốc gia Bộ Thông tin, Tuyên truyền được thành lập (sau đó ngày 1/1/1946 đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động) - tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay. Từ đó, ngày 28/8 hàng năm đã trở thành Ngày Truyền thống của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sau khi Quốc hội khóa 1 họp ngày 2-3-1946, thành lập Chính phủ Liên hiệp chính thức thì Bộ Tuyên truyền và Cổ động không còn tồn tại. Đến ngày 13-5-1945, Nha Tổng giám đốc thông tin, tuyên truyền mới được tổ chức dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ, và đến ngày 27-11-1946 đổi thành Nha thông tin. Các cơ quan phụ thuộc có Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, thành lập ngày 7-9-1945.

Ngày 24-11-1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch khai mạc Hội nghị, Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của Ngành Văn hóa và Thông tin.

Lĩnh vực Thể dục thể thao:

Sắc lệnh ngày 30/1/1946 là “Thực hành thể dục trong toàn quốc”. Phát động phong trào “Khỏe vì nước” thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

2. Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (19-12-1946 đến tháng 7/1954).

Lĩnh vực Văn hóa - Thông tin:

Công tác thông tin, tuyên truyền lúc này chiếm vị trí hàng đầu trong năm bước công tác cách mạng với khẩu hiệu của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II họp vào tháng 7-1948 và Hội nghị cán bộ văn hóa lần thứ I vào tháng 2-1949: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.

Ngày 10-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 38/SL sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng Phủ và Sắc lệnh số 83/SL hợp nhất Nha thông tin thuộc Thủ tướng Phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng Phủ do đồng chí Tố Hữu phụ trách.

Cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm diễn ra ác liệt. Song ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa kháng chiến. Những “Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” qua các thời kỳ cách mạng đã biết cách tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời lại biết cách đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền. Đây là một thành tựu lớn của nền văn hóa - nghệ thuật - thông tin - tuyên truyền của Ngành chúng ta.

Lĩnh vực Thể dục thể thao:

Ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14 thiết lập Bộ Thanh niên một Nha thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành Thể dục thể thao ngày nay. Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 38 thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục, gồm có một phòng Thanh niên Trung ương và một Phòng Thể dục Trung ương.

Lĩnh vực Du lịch:

Thành lập Công ty Du lịch Việt Nam (tiền thân của Tổng cục Du lịch) trực thuộc Bộ Ngoại thương (Nghị định số 26/CP ngày 9/7/1960). Ngày 16/3/1963 Bộ Ngoại thương ban hành Quyết định số 164- BNT-TCCB quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Công ty Du lịch Việt Nam.

3. Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975)

Lĩnh vực Văn hóa - Thông tin:

* Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1964)

Bộ Tuyên truyền được Hội đồng Chính phủ thành lập từ trung tuần tháng 8-1954 và được Quốc hội V thông qua ngày 20-5-1955 đổi tên là Bộ Văn hóa, do giáo sư Hoàng Minh Giám làm Bộ trưởng. Giai đoạn này, sự nghiệp văn hóa và thông tin được phát triển toàn diện theo định hướng rõ ràng để đi sâu vào chuyên ngành hoạt động, phát triển có bài bản về nội dung, về đào tạo cán bộ và phương thức hoạt động, tăng cường lực lượng văn hóa, thông tin để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tham gia chiến đấu ở miền Nam.

Có thể nói đây là thời kỳ phát triển cơ bản, toàn diện nhất, xây dựng cơ sở nền văn hóa mới khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc.

* Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại và chi viện miền Nam (1965-1975)

Giai đoạn này, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng động viên toàn quân, toàn dân chiến đấu chống quân xâm lược. Đặc biệt trong thời kỳ này có hai hoạt động văn hóa, văn nghệ nổi bật đó là phong trào  “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn” đã góp phần giáo dục lòng căm thù sâu sắc của nhân dân đối với bọn xâm lược và bè lũ tay sai, cổ vũ tinh thần yêu nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

 Công tác thông tin trở thành “mũi nhọn” với việc thành lập Tổng cục Thông tin (Quyết định số 165-NQ/TVQH ngày 11-10-1965). Chỉ thị về công tác thông tin trong quần chúng của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 118/CT-TW ngày 25-12-1965 đề ra cho công tác thông tin nhiệm vụ nặng nề: “Phải cổ động thường xuyên bằng các hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, có tính chất quần chúng rộng rãi” để “Nhà nhà đều biết, người người đều nghe”.

  * Miền Nam chống Mỹ, ngụy (1954-1975)

Ở miền Nam, sau khi chuyển quân, tập kết, ngành Văn hóa, Thông tin thực tế không còn tồn tại. Mọi hoạt động phải chuyển vào bí mật, lấy tuyên truyền miệng là phương thức hoạt động chính. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chính thức ra đời ngày 20-12-1960 tại tỉnh Tây Ninh, Ngành Thông tin Văn hóa ở miền Nam nhanh chóng được khôi phục. Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập ngày 6-6-1969, đồng chí Lưu Hữu Phước làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa. Trải qua bao hy sinh, gian khổ, đất nước đã giành được tự do, độc lập: Đại thắng mùa xuân 1975 đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất diệt; người người nồng nhiệt xuống đường với rừng cờ, biểu ngữ, ảnh Bác Hồ, cất cao tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Giai đoạn củng cố hậu phương lớn, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, tiến lên “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” là giai đoạn sôi động nhất của ngành Văn hóa và thông tin trong cả nước.

Lĩnh vực Thể dục thể thao:

Ban Thể dục thể thao Trung ương được thành lập năm 1957, đến năm 1960 đổi thành Ủy ban Thể dục thể thao.
Lĩnh vực Du lịch:

Chuyển giao Công ty Du lịch Việt Nam sang Phủ Thủ tướng quản lý (Nghị định 145 CP ngày 18/8/1969 của Hội đồng Chính phủ).

4.  Giai đoạn sau Đại thắng mùa xuân 1975

Lĩnh vực Văn hóa - Thông tin:

Tháng 6-1976, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, Chính phủ tổ chức Bộ Văn hóa do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng.

Năm 1977, Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam ra đời. Xưởng phim truyền hình thuộc Tổng cục thông tin đã chuyển từ trước, nay chuyển tiếp phần truyền thanh các tỉnh sang Ủy ban phát thanh và truyền hình. Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin theo Nghị quyết số 99/NQ/QHK6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và đến ngày 4-7-1981 đổi lại là Bộ Văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VII.

Có thể nói thời kỳ 1975-1985, ngành Văn hóa thông tin chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, tuy mấy năm đầu có lúng túng, bị động, khó khăn, nhưng đã vượt qua thử thách và phát triển toàn diện với một chất lượng mới trên phạm vi cả nước.

Lĩnh vực Thể dục thể thao:

Phát triển các phong trào thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Lĩnh vực Du lịch:

Thành lập Tổng cục Du lịch trực thuộc Hội đồng Chính phủ (Quyết nghị 262NQ/QHK6 ngày 27/6/1978 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 23/1/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch.

5. Giai đoạn đổi mới (1986 - 2006)

Lĩnh vực Văn hóa - Thông tin:

Trước yêu cầu đổi mới, Bộ Thông tin được lập lại trên cơ sở giải thể Ủy ban phát thanh và truyền hình và tách các bộ phận quản lý xuất bản, báo chí, thông tin, cổ động, triển lãm của Bộ Văn hóa theo Quyết định số 34 của Bộ Chính trị và Thông cáo ngày 16-2-1986 của Hội đồng Nhà nước để thống nhất quản lý các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng chí Trần Hoàn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin. Đồng chí Trần Văn Phác làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

Ba năm sau (1987-1990), một tổ chức mới được hình thành, hợp nhất 04 cơ quan: Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch thành Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 244 NQ/HĐNN8 ngày 31/3/1990 do đồng chí Trần Hoàn làm Bộ trưởng.

Vừa hợp lại xong đã thấy không hợp lý  nên mỗi năm lại tách dần một bộ phận: Du lịch sáp nhập vào Bộ Thương mại và Du lịch (Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 ngày 12/8/1991). Ngày 26/10/1992, thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ (Nghị định số 05-CP). Sau khi tách Du lịch, lại đến Thể dục thể thao, Phát thanh truyền hình thành các ngành trực thuộc Chính phủ.

Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin trở lại như trước đây, với chức năng, nhiệm vụ như Nghị định số 81-CP ngày 8/4/1994 của Chính phủ quy định. Việc liên tục tách ra nhập vào như trên đã ảnh hưởng về nhiều mặt hoạt động của Ngành. Rất may là thấy trước vấn đề này, nên với phương châm chỉ đạo “Giữ nguyên trạng, bộ phận nào làm việc nấy, không xáo trộn cả người và kinh phí” nên mọi công việc được tiến hành bình thường. Trong hai năm 1994 - 1995, ngành Văn hóa - Thông tin đã tập trung mọi cố gắng phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc. Đây là sự khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa, thông tin chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của toàn xã hội theo phương hướng đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 của Đảng đã đề ra.

Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp văn hóa Việt Nam. Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, toàn Ngành đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục khẳng định những thành tựu trong quá trình đổi mới.

Năm 2000, năm bản lề chuyển giao thiên niên kỷ đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành Văn hóa - Thông tin. Nhiều hoạt động văn hóa - thông tin kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc được tổ chức; bộ mặt văn hóa nước nhà khởi sắc, chuyển biến đồng đều, tích cực theo hướng mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra. 

Từ năm 2006, ngành Văn hóa - Thông tin chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa VIII), Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm “sự gắn kết giữ nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội” (Văn kiện Đại hội Đảng X).

Lĩnh vực Thể dục thể thao:

Năm 2000, thể thao tiếp tục con đường hội nhập quốc tế và chinh phục  các đỉnh cao thành tích mới, tham dự Olimpic mùa hè lần thứ 27 tại Sydney. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao đến năm 2010.
Lĩnh vực Du lịch:

Ngày 15/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 120-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch.

Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 ngày 12/8/1991 sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Thương mại và Du lịch.

Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 05-CP thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ.


6. Giai đoạn năm 2007 đến nay.


Ngày 31 tháng 7 năm 2007 lại đánh dấu một bước ngoặt lớn của Ngành:  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (Nghị quyết số: 01/2007/QH12) trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao; tiếp nhận phần quản lý nhà nước về gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

 Từ năm 2009 đến nay, toàn Ngành tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và các hoạt động của Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội; hoàn thành việc xây dựng các đề án lớn triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; Quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình v.v… Năm 2014, với tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, tiết kiệm, hiệu quả”,  phương hướng chung của toàn Ngành là tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể dục thể thao và du lịch theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại các văn kiện của Đảng, tích cực góp phần cùng Chính phủ và cả nước hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Quốc hội thông qua.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được trong gần 70 năm qua kể từ ngày thành lập, Ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Nhiều công việc đang đặt ra, đòi hỏi sự quyết tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.