Đặt câu hỏi, góp ý

+ Đặt câu hỏi

Danh sách câu hỏi và câu trả lời

Độc giả: Nguyễn Duy Thanh - huyện Hòn Đất
22/07/2024

Kính gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch! Thực hiện quy định về Nghị định 111/2018/NĐ-CP về Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương. Trong Điều 2: Đối tượng áp dụng thấy chỉ có cấp Trung ương và cấp tỉnh, như vậy cấp huyện có thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này hay không? Nếu không thì cấp huyện muốn tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng thì theo quy định nào? Rất mong nhận được giải đáp của quý Bộ. Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Sau khi lấy ý kiến phối hợp của Cục Văn hóa cơ sở, Vụ pháp chế có ý kiến như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 08 năm 2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này: "Tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống;". Đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 111/2018/NĐ-CP là: "Các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổ chức, cá nhân có liên quan."

2. Để triển khai thi hành Nghị định, tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này, Chính phủ giao: "Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của đơn vị, địa phương trực thuộc.".

Do vậy, căn cứ vào các quy định trên, cấp huyện muốn tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của đơn vị, địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

22/07/2024 15:14

Độc giả: Nguyễn Ly
22/07/2024

1. Theo Quyết định 60/QĐ-BVHTTDL ngày 07/1/2020, tại Phụ lục số 03, phần I, nội dung 3 xây dựng đề cương sơ bộ nội dung trưng bày đối với ít hơn 100 tài liệu hiện vật có định mức là 5/5 (người / ngày), nội dung ghi chú có viết Di sản viên.. Xin cho hỏi, như vậy có phải nội dung xây dựng này là của di sản viên thực hiện và số lượng là 5 người làm trong 5 ngày phải không ạ? khi xây dựng dự toán kinh phí để triển khai trưng bày thì nhân công thực hiện nội dung này là số ngày công của 05 di sản viên trong 5 ngày làm việc có được đưa vào dự toán và thực hiện chi trả thù lào này cho Di sản viên của Bảo tàng hay không? 2. Cũng theo Quyết định 60/QĐ-BVHTTDL ngày 07/1/2020 trong các biểu phục lục nội dung về Hội đồng khoa học có nghi Điều 9 thông tư liên tich 55/2015TTLT-BTC-BKHCN. tuy nhiên hiện nay Điều 9 thông tư 55 đã hết hiệu lực, xin hỏi nội dung này giờ thực hiện theo Thông tư nào

Trả lời:

Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau:

1. Phụ lục số 03, Phần I, nội dung 3 tại Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ngày 07/1/2020 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hoá của bảo tàng công lập quy định "Xây dựng đề cương sơ bộ nội dung trưng bày đối với ít hơn 100 tài liệu hiện vật có định mức là 5/5 (người/ngày)" được hiểu là 05 người làm việc trong 05 ngày.

2. Hiện tại, Cục Di sản văn hoá đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế-kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông của bảo tàng công lập trình Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, ban hành (để thay thế Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL).

22/07/2024 08:37

Độc giả: Nguyễn Đình Hùng - P401 nhà A2 Tổ 6 Phường Cầu Diễn Nam Từ Liêm Hà Nội
17/07/2024

Di tích lịch sử văn hóa (LSVH) Đình Keo, xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (cũ), nay là phường Phù Chẩn, Tp Từ sơn, tỉnh Bắc Ninh được Bộ công nhận là Di tích LSVH cấp Quốc gia năm 1994 (Quyết định số 295-QĐ/BT ngày 12/02/1994) đang trong tình trạng có thể bị làm mất nguyên trạng. Do hiện nay, một số cán bộ địa phương đang định xây dựng thêm một ngôi nhà Tiền tế, bất chấp ý kiến đóng góp của những người hiểu biết về Luật di sản, luật pháp và thực tế (sân đình vốn hẹp, nếu xây nhà Tiền tế sẽ vừa mất sân, vừa che khuất ngôi đình). Họ đã lập Báo cáo (Tờ trình) lên trên là “xin trùng tu”, trong khi Di tích này chưa từng có nhà Tiền tế bao giờ. Là công dân, với trách nhiệm gìn giữ giá trị của Di sản Quốc gia, gửi thư này, chúng tôi muốn Bộ VHTT&DL (Cục Di sản) cho biết ý kiến về việc này?

Trả lời:

Cục Di sản văn hóa trả lời như sau:

Di tích đình Keo, phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử - văn hóa tại Quyết định số 295 –VH/QĐ ngày 12/02/1994. Do đó, việc tu bổ, tôn tạo di tích cần thực hiện theo quy định của Nghị định số 166/2028/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đối với việc xây dựng mới Tiền tế đình Keo, ngày 06/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 5382/BVHTTDL-DSVH góp ý Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tôn tạo di tích đình Keo, trong đó đề nghị làm rõ:

- Cơ sở khoa học của việc xây dựng mới công trình Tiền tế phía trước Đại đình (thông qua các tư liệu lịch sử, các công trình có tính chất tương đồng…).

- Công trình đề xuất xây dựng mới có tên gọi "Tiền tế", tuy nhiên vị trí, quy mô, hình thức kiến trúc của công trình là công trình Phương đình, không phải kiến trúc tòa Tiền tế. Vì vậy, hồ sơ cần làm rõ tính chất cũng như kiến trúc công trình xây dựng mới.

17/07/2024 15:08

Độc giả: Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh - Số 17 phố Cây Tháp phường Hồng Gai
03/07/2024

Kính gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch! Tôi hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao). Tôi có một thắc mắc muốn hỏi như sau: Theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 1 có quy định về Quy hoạch đất sử dụng như sau: Thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa; Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi; Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động), quy hoạch đất sử dụng tối thiểu 5000 m2 . Diện tích đất các công trình thể dục, thể thao thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 có quy định về Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của Trung tâm Văn hóa như sau: Bảo đảm trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí. Vậy tôi muốn hỏi QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA cấp TỈNH (đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao) được quy định như thế nào về: 1. Diện tích đất được quy hoạch (không kể diện tích của các công trình thể dục thể thao trong nhà và ngoài trời)? 2. Diện tích hoạt động trong nhà: ( Văn phòng; Phục vụ hoạt động chuyên môn) ? 3. Diện tích hoạt động ngoài trời ? 4. Quy mô xây dựng (Hội trường, phòng làm việc, phòng hoạt động chuyên môn…) ? 5.Trang thiết bị ? 6. Đối với Trung tâm Văn hóa có cả nhiệm vụ về lĩnh vực điện ảnh (do sáp nhập trung tâm Văn hóa và Trung tâm Phát hành phim) thì TIÊU CHÍ trang thiết bị của trung tâm được quy định như thế nào? Rất mong nhận được sự giải đáp của Quý Bộ.

Trả lời:

Cục Văn hóa cơ sở trả lời như sau:

1. Hiện nay, chưa có quy định về tiêu chí của Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh.

2. Về "quy hoạch đất sử dụng" của Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh thực hiện theo ý 4 điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi chung là Quyết định số 2164/QĐ-TTg), cụ thể như sau: "Thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa; Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi; Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động), quy hoạch đất sử dụng tối thiểu 5.000m2 . Diện tích đất các công trình thể dục, thể thao thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia".

3. Về "quy mô xây dựng, cơ sở vật chất-kỹ thuật, trang thiết bị hoạt động" thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 2164/QĐ-TTg, cụ thể: "Các công trình văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân; kiến trúc hiện đại, bền vững phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng, miền, dân tộc; Quy mô xây dựng tương xứng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương; Bảo đảm trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí".

4. Bên cạnh các quy định về quy hoạch đất, quy mô xây dựng tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg, bạn đọc có thể tham khảo một số văn bản sau: - Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09 ngày 02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao. - Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

5. Về diện tích phòng làm việc, đề nghị tham khảo các quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

6. Về tiêu chí trang thiết bị về "Điện ảnh" đối với Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh có sáp nhập lĩnh vực Điện ảnh, về đề nghị Trung tâm Công nghệ thông tin xin ý kiến giải đáp của Cục Điện ảnh.

03/07/2024 09:24

Độc giả: Bảo Ngọc
01/07/2024

Chào anh/chị, Công ty mình hiện có nhu cầu phát trực tiếp 1 số buổi livestream ngoài trời, với nội dung về thi đấu nhảy múa giữa các đội với nhau trên nền tảng mạng xã hội. Công ty mình là công ty 100 phần trăm vốn Việt Nam. Sau khi livestream bên công ty mình sẽ cắt ra một số đoạn ngắn để phát lại trên các nền tảng mạng xã hội. Vậy anh chị vui lòng cho mình hỏi hai vấn đề như sau: 1. Nếu Công ty tự thực hiện như trên thì Công ty mình có cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam hay không? 2. Nếu công ty mình cung cấp dịch vụ livestream cho bên thứ 3 là đối tác nước ngoài, Công ty mình có cần xin Giấy phép như trên không? Cảm ơn các anh chị. Trân trọng/./

Trả lời:

Cục Điện ảnh có ý kiến trả lời chung về 02 câu hỏi như sau:

Câu hỏi của Quý bạn đọc chưa thể hiện rõ nội dung cảnh nhảy múa giữa các đội với nhau được quay hình và phát livestream trên nền tảng mạng xã hội có phải các cảnh quay thuộc một bộ phim không hay chỉ đơn thuần chỉ là nội dung thi đấu nhảy múa giữa các đội với nhau. Nếu nội dung các cảnh quay này được xác định là phim theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Điện ảnh năm 2022, do tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất, quay tại Việt Nam thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Điện ảnh năm 2022 và phải đề nghị cấp Giấy phép quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Nếu nội dung các cảnh quay này không được xác định là phim, đề nghị Công ty tuân thủ quy định pháp luật có liên quan.

01/07/2024 16:28

Độc giả: nguyễn thị thương - hà tĩnh
27/06/2024

Kính thưa Quý Cơ quan! Tên tôi là: Nguyễn Thị Thương, tôi đã công tác trong nghề thư hiện được 13 năm. Tôi học chuyên ngành Thư viện thông tin, trình độ cử nhân. Tôi đang hưởng lương Hạng III của thư viện viên. Qua tìm hiểu, tôi biết TVV hạng III sẽ được nâng lên TVV hạng II nếu đầy đủ các điều kiện. Nay, tôi mong muốn được Quý cơ quan hướng dẫn và làm như thế nào để tôi và những đồng nghiệp trong ngành cập nhật thông tin về vấn đề tổ chức thi hoặc xét tuyển nâng ngạch lên thư viện viên chính ( TVV hạng II)? Trân trọng cảm ơn Quý Cơ quan.

Trả lời:

Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, theo đó, Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ các quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP. Như vậy, theo quy định của Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, hiện nay chỉ còn hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ Thư viện viên hạng III lên Thư viện viên hạng II.

Để biết được thông tin về vấn đề tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ Thư viện viên hạng III lên Thư viện viên hạng II, bạn đọc căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP) về phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập để liên hệ với cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức để được giải đáp.

27/06/2024 09:04

Độc giả: Nguyễn Thái Dũng - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
21/06/2024

Hiện nay Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập (nhóm 3) có thu hoạt động theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng trị được giao nhiệm vụ quản trị, quản lý Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Quảng Trị thực hiện theo Nghị ddinjhj 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên mối trường mạng. Căn cứ Luật Quảng cáo và Chương III Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/20123 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Để phục vụ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị có liên hệ và thỏa thuận kinh phí với một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng quảng cáo, giới thiệu thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh. Xin hỏi Quý Ban biên tập cho biết: - Việc đăng quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước như vậy có vi phạm phạm pháp luật hay không ? có được phép đăng quảng cáo hay không ? Ghi chú: Việc đăng quảng cáo của đơn vị thực hiện đúng Điều 23 Luật Quảng cáo năm 2012 Xin trân trọng cảm ơn Ban biên tập !

Trả lời:

Trước hết, Cục Văn hóa cơ sở cảm ơn bạn Nguyễn Thái Dũng đã đặt câu hỏi đối với việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. Về nội dung câu hỏi của bạn, Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau: Theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 23 Luật Quảng cáo 2012 thì tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nội dung sau đây:

- Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin;

- Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây. Như vây, cơ quan nhà nước được phép đăng quảng cáo trên Cổng (trang) thông tin điện tử của mình nhưng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luât về quảng cáo và các văn bản có liên quan, đảm bảo mục tiêu chuyền tải thông tin và bảo vệ quyền lợi của người tiếp nhận quảng cáo.

21/06/2024 11:04

Độc giả: NT Huyền Quảng Ninh - letun07gmailcom
13/06/2024

Kính gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch! Hiên cơ quan tôi đang có 05 viên chức giữ ngạch chức danh Diễn viên hạng IV (trình độ chuyên môn: tốt nghiệp trung cấp múa; Tốt nghiệp ĐH quản lý văn hóa). Nay 05 viên chức trên có nhu cầu chuyển ngạch sang Tuyên truyền viên văn hóa hạng IV thì có cần chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Tuyên truyền viên văn hóa không ?. Nếu cần thì cơ sở đào tạo nào mở các lớp bồi dưỡng đó ? Rất mong nhận được giải đáp của quý Bộ.

Trả lời:

a) Theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL ngày 21/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa thì tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh tuyên truyền viên văn hóa (tuyên truyền viên văn hóa chính, tuyên truyền viên văn hóa, tuyên truyền viên văn hóa trung cấp) đều yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

b) Hiện nay, Chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở (nhóm chức danh Tuyên truyền viên văn hóa) đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm đinh, nghiệm thu để ban hành. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là hai cơ sở đào tạo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao tổ chức mở lớp đào tạo "Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa" sau khi Chương trình bồi dưỡng được ban hành.

13/06/2024 15:06

Độc giả: Nguyễn Thị Ngát - Tân Việt Thanh Hà Hải Dương
13/06/2024

Xin chào quý Bộ ạ! Chúng cháu là những nhân viên thư vên công tác tại trường học. năm 2009 tuyển dụng vị trí thư viện viên trung cấp mã 17171. Đến năm 2010 được chuyển sang hưởng lương cao đẳng mã 17a170, và chúng cháu cũng có bằng đại học 10 năm nay nhưng chưa được hưởng lương đại học. Tại Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện (Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL) đã quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III (điểm a, khoản 2, Điều 7) có quy định 2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Vậy cháu muốn quý bộ giải thích giúp chúng cháu "tổt nghiệp trung cấp trở lên" thì chữ trở lên có pahỉ là tôt nghiệp cao đẳng không và chúng cháu đang đang hưởng lương cao đẳng có được xếp vào thư viện viên hạng IV không ạ. Dưới tỉnh chúng cháu huyện thì được xếp vào chức danh thư viện viên hạng IV giữ nguyên bậc lương và hệ số, nhưng có huyện lại chuyển từ bậc lương cao đẳng xuống bậc lương trung cấp. Vừa qua cả huyện chúng cháu các bạn đã ăn lương đại học thì được bổ nhiệm hạng III, các bạn lương trung cấp được bổ nhiệm hạng IV còn những ai cao đẳng như chúng cháu thì không được bổ nhiệm và hạng nào cả. Vậy chúng cháu kính đề nghị quý bộ hướng dẫn giúp chúng cháu ạ! Chúng cháu chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời:

1. Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL), quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của thư viện viên hạng IV là: 

a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. 

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện. "Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên" theo quy định này bao gồm bằng tốt nghiệp trường trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. 

2. Việc xếp lương các hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thư viện thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL. Đối với trường hợp cụ thể về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, đề nghị bạn đọc liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền về quản lý, sử dụng viên chức để được giải đáp.

13/06/2024 15:05

Độc giả: Nguyễn Dũng - Buôn Ma Thuột tỉnh DakLak
13/06/2024

Họ và tên: Nguyễn Dũng Địa chỉ: Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh DakLak SĐT: 0985926013 Nội dung hỏi: Thăng hạng theo vị trí việc làm Năm 2014, tôi đậu biên biên chế vào làm tại Đài truyền thanh cấp huyện (nay là Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao huyện) và được xếp vào ngạch Tuyên truyền viên, mã ngạch 17.178, (Viên chức hạng IV- Bằng chuyên môn Trung cấp). Năm 2014, tôi học lên Đại học và tốt nghiệp vào năm 2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay tỉnh, nơi tôi công tác không tổ chức thi, hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên tôi không thể thăng hạng và xếp lương Đại học. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2023 sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020 về “Tuyển dụng và quản lý viên chức”, trong đó đáng chú ý là bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức trên toàn quốc và đặc biệt vào 01/07/2024 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm. Như vậy, từ giờ đến thời điểm trả lương theo vị trí việc làm chỉ còn 01 tháng nhưng hiện vẫn chưa thấy triển khai về việc thăng hạng cho viên chức để đảm bảo theo vị trí việc làm. Cho tôi hỏi hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Thông tư hướng dẫn về “Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức” theo Nghị định 85/2023, cũng như các văn bản hướng dẫn khác hay chưa?. Trong trường hợp chưa được thăng hạng thì tôi có được trả lương theo vị trí việc làm là viên chức hạng III hay không?.

Trả lời:

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 115/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 85/2023/NĐ-CP), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến ban hành Thông tư quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh trong tháng 6/2024.

Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, viên chức hạng IV "được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề nếu đang làm công việc ở vị trí việc làm phù hợp với chức danh nghề nghiệp được xét và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xét theo quy định tại khoản 1 Điều này."

 Đối với việc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương trong trường hợp cụ thể, đề nghị bạn đọc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức để được giải đáp.

13/06/2024 14:52