Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cơ hội mới cho du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập

03/07/2025 | 08:49

Du lịch của Quảng Ngãi mới sẽ có sức hút toàn diện với các điểm đến đặc sắc như di sản địa chất, văn hóa biển đảo Lý Sơn và sinh thái, cảnh quan Măng Đen.

Cơ hội mới cho du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập - Ảnh 1.

Du lịch Măng Đen đang đứng trước vận hội phát triển mới

Tỉnh Quảng Ngãi có sự kết hợp độc đáo giữa kinh tế biển với kinh tế rừng và nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối thông suốt từ vùng núi đến vùng biển, hình thành các hành lang kinh tế quan trọng, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển du lịch.

Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã dần khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch và trở thành một điểm hội tụ trong hành trình khám phá Tây Nguyên hùng vỹ của du khách gần xa.

Với định hướng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nơi đây bước đầu hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch để phục vụ du khách. Trong đó, lưu trú cộng đồng là thế mạnh để du lịch Măng Đen tiếp tục được phát huy khi trở thành trung tâm của tỉnh mới.

“Tỉnh Quảng Ngãi mới có hệ thống giao thông thuận lợi, có cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai và sắp tới là sân bay Măng Đen, tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển đô thị. Là một địa phương có quy mô đủ lớn, có tiềm năng và khả năng bứt phá mạnh mẽ, nhất định tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ trở thành một cực tăng trưởng quan trọng, tạo động lực lan tỏa phát triển cho vùng Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước”, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh”.
Cơ hội mới cho du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập - Ảnh 3.

Những sợi chỉ đa sắc màu đang cùng nhau dệt nên một tấm thổ cẩm lớn mang tên Quảng Ngãi

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, tương lai của Quảng Ngãi là phát triển nông nghiệp nhưng là nông nghiệp mang giá trị xanh từ những tiềm năng xanh. Phát triển du lịch với những lợi thế nhằm lan tỏa hình ảnh của biển cả bao la, của đại ngàn Tây Nguyên trùng điệp, của con người hiền hậu, của những giá trị văn hóa được gìn giữ nguyên vẹn qua năm tháng.

Sau khi hợp nhất, ba vùng sinh thái chủ đạo của tỉnh Quảng Ngãi mới là vùng núi cao nguyên, vùng đồng bằng và biển đảo sẽ cùng hiện diện trong một địa bàn thống nhất, mở ra một khả năng phát triển kinh tế đa ngành, bền vững, từ nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ đến kinh tế biển, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Cơ hội mới cho du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập - Ảnh 4.

Đặc khu Lý Sơn nhìn từ trên cao

Đặc khu Lý Sơn có vẻ đẹp hoang sơ, ẩn chứa trong mình vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ. Lý Sơn được biết đến như là nơi không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa cổ và những lễ hội văn hóa đặc sắc.

Trong đó, nổi bật nhất trong cụm di tích ở đảo là các di tích về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự cùng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo. Đình làng An Vĩnh và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các sản phẩm nông nghiệp OCOP đã có thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước là hành, tỏi Lý Sơn để phát triển du lịch nông nghiệp. Các tour trải nghiệm nét đặc sắc của nghề trồng hành, tỏi trên cát đang là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Cơ hội mới cho du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập - Ảnh 5.

Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh ở Lý Sơn

Du khách đến với Lý Sơn không chỉ khám phá những di sản Hoàng Sa, Trường Sa mà còn tìm hiểu về các hang động núi lửa hình thành từ hàng triệu năm trước, như: Hang Câu, Chùa Hang, Chùa Đục, Hồ chứa nước Thới Lới, Giếng Tiền, Cổng Tò Vò.

“Giờ đây 43 dân tộc anh em, những sợi chỉ đa sắc màu đang cùng nhau dệt nên một tấm thổ cẩm lớn mang tên Quảng Ngãi. Từ tiếng cồng chiêng bên mái nhà rông của đồng bào Kon Tum đến tiếng hát bả trạo của ngư dân nơi cửa biển Quảng Ngãi, chúng ta cùng nhau bước vào hành trình mới.

Chung một niềm tin, chung một một khát vọng để tỉnh Quảng Ngãi mới trở thành miền đất hội tụ bản sắc, lan tỏa sức mạnh và bừng sáng tương lai”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân bày tỏ.

Quảng Ngãi sẽ phát triển du lịch với những lợi thế nhằm lan tỏa hình ảnh của biển cả bao la, của đại ngàn tây nguyên trùng điệp, của con người hiều hậu, của những giá trị văn hóa được gìn giữ nguyên vẹn qua năm tháng.

Theo báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×