Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam

03/09/2015 | 11:06

Sáng ngày 02.9, Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945-19.8.2015) và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam (02.9.1945-02.9.2015) đã được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

>> Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư - Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư - Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước - Lê Đức Anh; nguyên Chủ tịch nước - Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước - Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ - Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Văn An; Chủ tịch UBTƯ MTTQVN - Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phạm Quang Nghị; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện khách mời quốc tế, các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, cơ quan ngoại giao đoàn; đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành, địa phương, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh, đại diện các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí…

 
Toàn cảnh buổi lễ

Đúng 7 giờ 00 phút, ngọn lửa truyền thống biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc Việt Nam, được những vận động viên tiêu biểu cho phong trào thể dục, thể thao cả nước, rước từ Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến vào Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngọn lửa cháy sáng trên đài lửa như lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, muôn người như một quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau đó là Lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử và 21 loạt đại bác rền vang.
 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, trong những ngày mùa Thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2.9, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.

Cách mạng Tháng Tám thành công với sự ra đời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, đập tan ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Nước ta từ một xứ thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của nhân dân ta 70 năm qua được bạn bè thế giới công nhận, đánh giá cao. Trở thành hành trang cho dân tộc vững bước trên con đường hội nhập.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ niềm thành kính, tưởng nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với đất nước cùng toàn thể đồng bào và chiến sỹ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta. Đồng thời, mãi mãi ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước anh em, các lực lượng tiến bộ cùng bầu bạn khắp năm châu đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hôm nay.

Đề cập đến những thành tựu, cũng như những khó khăn, thách thức đất nước đang phải đối mặt, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước.

Đồng thời, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đặc biệt là tiềm lực và thế trận lòng dân. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng và Nhà nước, thường xuyên nêu cao cảnh giác, đánh bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Không ngừng nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, uy tín và vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; góp phần tích cực vào việc giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực, vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền ở một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; mọi cơ quan nhà nước, mọi cán bộ công chức phải chịu sự giám sát của nhân dân. Đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, đồng thời đề cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, dân tộc ta - một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, đã từng làm nên những chiến công hiển hách, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Sau diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là chương trình diễu binh, diễu hành với sự tham gia của hơn 30.000 người, Trong đó có 52 khối diễu binh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội, công an, du kích, dân quân, tự vệ) và 09 khối diễu hành thuộc lực lượng quần chúng đại diện các thành phần, như: cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ và các dân tộc Việt Nam.

Khép lại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành là màn diễu hành nghệ thuật với sự tham gia của gần 2.500 nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương, địa phương, nghệ nhân các tỉnh trên khắp cả nước, sinh viên của các Trường Văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội. Màn diễu hành nghệ thuật tái hiện tám xe mô hình biểu tượng cho tám thời đại thịnh trị trong lịch sử Việt Nam, từ thời Nhà nước Văn Lang đến thời đại Hồ Chí Minh. Phần hai là các đoàn diễu hành gồm các khối nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận như Cồng Chiêng Tây Nguyên, Hát Xoan Phú Thọ, dân ca Ví Giặm, dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca Tài tử… biểu dương thành tựu giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa Việt Nam trong 70 năm qua.

Sau khi diễu binh, diễu hành qua Quảng trường Ba Đình, các khối đã chia theo hai hướng qua các tuyến phố: Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Liễu Giai và Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn - Trần Khánh Dư. Hàng vạn người dân Thủ đô đã tập trung dọc các con đường để xem đoàn diễu binh, diễu hành trên các tuyến phố.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:


Xe mô hình Quốc huy dẫn đầu đoàn diễu binh, diễu hành tiến vào Quảng trường
 
Xe rước ảnh Bác
 
Xe mô hình biểu tượng 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
 
Khối Nam sỹ quan chỉ huy tham mưu Quân đội nhân dân
 
Khối Nam dân quân các dân tộc Việt Nam
 

Hồng kỳ


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×