Đồng chí Nguyễn Văn Linh với "Những việc cần làm ngay"
25/06/2015 | 14:56Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư Đảng ta nhiệm kỳ từ năm 1986 đến năm 1991, là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Ông cũng nổi tiếng với bút danh N.V.L với hàng loạt bài báo trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân dân bàn về những việc cần chấn chỉnh ngay trong xã hội.
Sự nghiệp đổi mới mở ra, là người đứng đầu Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh trăn trở, suy nghĩ nhiều vấn đề, phải bắt đầu từ đâu, cách làm như thế nào để từng bước đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, ổn định tình hình và đi vào quỹ đạo phát triển. Đồng chí suy nghĩ rất nhiều các vấn đề được thảo luận và thông qua ở Đại hội VI của Đảng. Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, ngay sau Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh chọn kinh tế làm trung tâm, mà trước mắt là giải quyết vấn đề phân phối, lưu thông – lấy đó làm mũi đột phá để tháo gỡ những rối ren nhằm ổn định tình hình kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đi liền với giải quyết vấn đề kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trương thực hiện xây dựng Đảng – là nhiệm vụ then chốt trong đổi mới.
Trong xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú ý phương châm được thông qua ở Đại hội VI: Hãy dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” để thấy rõ những sai lầm, yếu kém, vạch rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, xoay chuyển tình thế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và tiến lên. Dưới giác độ của phương châm này, đồng chí Nguyễn Văn Linh thấy rõ, việc thực hiện các quyết sách đổi mới bị cản trở bởi rất nhiều hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội; và sự trì trệ bởi cơ chế quan liêu bao cấp. Đặc biệt những cán bộ thoái hóa biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả… đã triệt để lợi dụng những sơ hở của cơ chế cũ, làm trầm trọng sự trì trệ và tiêu cực trong xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng, thực hiện đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tháo gỡ ách tắc phải đi đôi với việc kiên quyết loại trừ những kẻ đã từng lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước.
Để chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về binh chủng đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí. Chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng: “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: Yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét kẻ làm xấu, làm sai, làm ác để lên án”. Và “báo chí tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực cũng như cần chú ý nêu những gương sáng, những mô hình hay xuất hiện ở nhiều nơi và trên các lĩnh vực”.
Không phải chỉ suy nghĩ và chỉ đạo chống tiêu cực mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đi tiên phong trong trận chiến này. Ngày 25/5/1987, báo Nhân dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm "Những việc cần làm ngay", của tác giả N.V.L. "Những việc cần làm ngay" thành chuyên mục trên báo Nhân dân cho đến cuối năm 1990. Những việc cần làm ngay đã giúp cho quần chúng biết nghị quyết của Đảng, hiểu nghị quyết của Đảng để đấu tranh chống những kẻ làm không đúng, gây oan ức trong nhân dân. Đồng thời, đây cũng là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền “đem các vụ việc đó ra xử lý về mặt nhà nước, về mặt hành chính cũng như về mặt đảng”.
* Nhân dân đồng tình, ủng hộ "Những việc cần làm ngay"
Khi "Những việc cần làm ngay" ra đời, có ý kiến nói với tác giả là “nên cẩn thận hơn một chút”, nếu không, “tay phải sẽ đánh vào tay trái”. Cũng có ý kiến nói, những bài "Những việc cần làm ngay" sẽ không được hưởng ứng; đó là những việc nhỏ không đáng làm; phê bình và tự phê bình công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh trả lời: Có gì sai khi chúng ta dám nói lên sự thật, cho dù đó là sự thật đau lòng, để sửa chữa và khắc phục. Đồng chí cũng cho biết vì sao đồng chí phải viết "Những việc cần làm ngay". Đó là “Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai lầm rất lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự im lặng đáng sợ”. Đồng chí cho rằng, “từ nay phải “đổi mới”, chấm dứt tình trạng im lặng đáng sợ này”.
Có người hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích đó là "Nói và làm". Đúng như đồng chí đã từng giải thích: Thực chất của đổi mới tư duy và phong cách là nói phải đi đôi với làm, lý luận phải gắn liền với thực tế. Rõ ràng lấy bút danh N.V.L, đồng chí đã muốn nhắn gửi tới mọi người rằng, lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo. Điều này cũng cho thấy, đồng chí thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Người cách mạng “đã nói thì phải làm”, “đã hứa với dân thì phải làm”, “học phải đi đôi với hành”, phải biết “gắn lý luận với thực tế”.
Sau này, đồng chí cho biết: "Ngay sau Đại hội VI, tôi chủ trương khơi ra một số vụ việc tiêu cực, viết "Những việc cần làm ngay". Báo chí hưởng ứng đã có tác dụng tốt, tạo khí thế trong nhân dân để đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân”. Theo đồng chí, “Phải tiếp tục phanh phui các vụ, việc xử lý thật nghiêm”.
"Những việc cần làm ngay" đề cập đến nhiều lĩnh vực xã hội ở tầm vĩ mô, ở lĩnh vực nào đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng có những phát hiện mới và nêu cách giải quyết cụ thể. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư phát động khi Đảng vừa khởi xướng công cuộc đổi mới vì mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh này được thực hiện theo phương châm dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, nên đã tranh thủ được sự đồng tình và hưởng ứng rộng rãi của công luận, tạo ra hiệu quả xã hội to lớn, góp phần đẩy lùi tiêu cực, đem lại phấn khởi và niềm tin cho đông đảo nhân dân vào thắng lợi của công cuộc đổi mới.
Ngay sau các bài đăng trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" của N.V.L, mỗi ngày tòa soạn báo Nhân dân nhận được hàng trăm thư của bạn đọc hưởng ứng. Nhiều bộ, tỉnh, thành phố đã ra chỉ thị hưởng ứng "Những việc cần làm ngay" của tác giả N.V.L. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực được đồng chí Nguyễn Văn Linh khởi xướng đã mau chóng thành một phong trào rộng lớn trên báo chí và các phương tiện thông tin trong cả nước. Nhiều tờ báo ở trung ương và địa phương, các đài phát thanh và truyền hình, đã tích cực hưởng "Những việc cần làm ngay" trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, biểu dương những cái mới, cái tốt đang nảy nở và phát triển.
Các bài báo về "Những việc cần làm ngay" và phong trào hưởng ứng của nhân dân với loạt bài báo được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh kịp thời chính là những nhát búa mạnh mẽ đập vào “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức, có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo ra bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội. Đây là nhân tố quan trọng để thực hiện công khai hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội, để chống tiêu cực thắng lợi, để đổi mới thành công, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
"Những việc cần làm ngay" không chỉ có tác dụng lớn ở trong nước mà còn nhận được sự quan tâm của bạn bè thế giới. Ngày 21/01/1988, phóng viên Suzuky của tờ Akahata (Nhật Bản) đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Linh và cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến "Những việc cần làm ngay" của tác giả N.V.L. Đảng Cộng sản chúng tôi đã dịch sang tiếng Nhật và giới thiệu mấy bài cho độc giả Nhật Bản”.
Đảng ta đánh giá cao về tác dụng của "Những việc cần làm ngay". Khi đồng chí Nguyễn Văn Linh từ trần, trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (29/4/1998) có đoạn viết: “Đồng bào, đồng chí còn nhớ Những việc cần làm ngay trên báo Nhân dân vào năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình theo tinh thần mácxít – lêninit – Hồ Chí Minh.
CTTĐT
Nguồn www.tuyengiao.vn