Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau về những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình

24/08/2018 | 15:50

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 251/BDN ngày 15/6/2018, nội dung kiến nghị như sau:

1. Trong thực tế, nhiều trường hợp người bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) mà không có khả năng nộp phạt thì cha, mẹ, vợ, chồng... của người vi phạm là người nộp phạt thay cho người vi phạm và sau đó người gây ra bạo lực vẫn không nhận ra sai phạm của mình. Cử tri kiến nghị nên quy định đưa người vi phạm ra kiểm điểm phê bình trước cuộc họp của khu dân cư; đưa đi lao động phúc lợi xã hội và có nơi cải tạo tập trung để người vi phạm lao động, có thời gian giáo dục người vi phạm nhận thức được sai phạm, sửa chữa, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung (Câu số 20).

2. Cử tri đề nghị nâng mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ (Câu số 21).

3. Cử tri kiến nghị xem xét, quy định Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thay cho quy định đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình. Thực tế cho thấy, cán bộ nữ lại rất thuận lợi trong công tác vận động, tuyên truyền, là nơi để người vợ tạm lánh, bộc bạch... khi có vụ việc bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra thì thường người vi phạm trong lĩnh vực PCBLGĐ là người chồng nên Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình là nam thì rất khó vận động, tuyên truyền và có đôi lúc còn làm cho tình hình căng thẳng (Câu số 22).

4. Công tác PCBLGĐ không chỉ thực hiện phương thức vận động, tuyên truyền là đủ, mà cần phải thực hiện nhiều biện pháp xử lý can thiệp khi có hành vi vi phạm. Do vậy việc quy định ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước công tác này là chưa phù hợp, chưa mang lại hiệu quả. Cử tri kiến nghị xem xét quy định ngành phụ trách, chỉ đạo công tác PCBLGĐ cho phù hợp (Câu số 23).

5. Cử tri phản ánh những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện quy định trong lĩnh vực PCBLGĐ tại một số văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định, cụ thể như sau:

- Tại khoản 2, Điều 1 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể xác, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”, với cụm từ “có khả năng’’ chưa phù hợp cho việc xác định hành vi đế thống kê xử lý (theo Thông tư số 23/2011/TT-BVHTTDL có tới 48 chỉ số phải thu thập, trong đó có những chỉ số khá phức tạp, khó thu thập: Hành vi bạo lực tình dục; bạo lực tinh thần; loại hình gia đình,...). Đây là một trong những vấn đề không thể xác định hành vi của người gây ra bạo lực.

- Theo điểm a, Điều 20 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có quy định: Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cam tiếp xúc trong trường hợp “Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình”. Nhưng trên thực tế nạn nhân hầu hết là vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ,... của người vi phạm, nên rất khó có được đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ. Đây là một trong những quy định mà thực tế UBND cấp xã khó áp dụng thực hiện. Cử tri đề nghị điều chỉnh nội dung này theo hướng: Khi nạn nhân BLGĐ yêu cầu và có biên bản của chính quyền địa phương thì đủ điều kiện cách ly người gây bạo lực.

- Cử tri đề nghị sửa đổi bổ sung nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính về hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình vào quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, để quá trình triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao (Câu số 24).

6. Cử tri phản ánh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định từ Điều 36 đến Điều 41 về trách nhiệm của một số bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên đến năm 2016, sau 09 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới ban hành Quy chế phối hợp liên ngành (Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình). Vì vậy việc thực hiện cơ chế phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành trong công tác tuyên truyền, phát hiện, thống kê, báo cáo đến xử lý hành vi vi phạm, hỗ trợ nạn nhân trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác PCBLGĐ. Cử tri đề nghị cho biết nguyên nhân vì ban hành quy chế chậm? (Câu số 27).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn Số: 3429/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

1. Về kiến nghị nên quy định đưa người vi phạm ra kiểm điểm phê bình trước cuộc họp của khu dân cư; đưa đi lao động phúc lợi xã hội...

Hầu hết nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau đã được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản có liên quan. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cần báo cáo các cấp có thẩm quyền của tỉnh những vấn đề cử tri phản ánh, để có giải pháp hỗ trợ trong thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Về kiến nghị đưa người gây bạo lực gia đình đi lao động công ích, nội dung kiến nghị này vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận kiến nghị của cử tri để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Về kiến nghị nâng mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình

Việc xử phạt người có hành vi bạo lực gia đình cũng như những vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những giải pháp về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tăng nặng hay giảm nhẹ hình thức xử phạt cần được xem xét toàn diện cả phương diện pháp lý và thực tiễn nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi trong áp dụng biện pháp xử phạt.

Ngày 10/4/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết 10 năm thi hành Luật.

Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đánh giá toàn diện, khách quan tính thực thi của pháp luật, cũng như thực hiện rà soát các vặn bản pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp.

3. Về kiến nghị xem xét, quy định Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thay cho đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân

Căn cứ Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 26- TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; sau khi thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1316/BVHTTDL-GĐ ngày 15/4/2013 hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình nhằm giải quyết những vấn đề về gia đình nói chung, phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.

Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã gồm Trưởng ban là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp; thành viên gồm các cơ quan có liên quan, đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ là Phó Trưởng ban chỉ đạo. Mỗi thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó Trưởng ban đóng vai trò điều hành các hoạt động của Ban Chỉ đạo. Mặt khác, khi xảy ra bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực có thể tìm đến thành viên của Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ để “bộc bạch tâm sự” như kiến nghị của cử tri. Vì vậy, việc quy định Trưởng Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân trong điều kiện hiện nay là phù hợp.

4. Về kiến nghị xem xét quy định ngành phụ trách, chỉ đạo công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp

Công tác gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng là nhiệm vụ có tính liên ngành, không phải do một cơ quan, tổ chức nào có thể tự đảm nhiệm tốt vai trò nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan khác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần kiện toàn bộ máy tổ chức cho lĩnh vực gia đình theo hướng trao quyền nhiều hơn cho bộ máy này để tạo sự năng động, chủ động trong triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.

Mặt khác, để tăng cường tính phối hợp trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, các tỉnh/thành đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình theo quy định của pháp luật. Việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình (độc lập hoặc lồng ghép với Ban Chỉ đạo có liên quan) là giải pháp tốt hiện nay trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực, phối hợp, quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Về những bất cập, khó khăn trong thực hiện và kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu phản ánh của cử tri và sẽ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, nhằm nâng cao tính thực thi của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và sẽ có kiến nghị bổ sung sửa đổi cho phù hợp.

6. Về kiến nghị cho biết nguyên nhân ban hành chậm Quy chế phối hợp liên ngành

Việc phối hợp triển khai, tham gia quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình đã được quy định rõ trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (từ Điều 33 đến Điều 41). Căn cứ vào nhiệm vụ các cơ quan liên quan đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không quy định hay giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Trên thực tế, việc xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình là một giải pháp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật, nhằm nâng cao tính phối hợp giữa các cơ quan không chỉ với Ngành văn hóa, thể thao và du lịch mà còn giữa các cơ quan có liên quan với nhau. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế này (Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau để trả lời cử tri./.

Cổng TTĐT

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×