Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố cần Thơ về những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
27/08/2018 | 09:55
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 251/BDN ngày 15/6/2018, nội dung kiến nghị như sau:
1. Đề nghị có những giải pháp mang tính chiến lược để đầu tư phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; khắc phục tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, trùng lắp làm hạn chế tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền, địa phương (Câu số 11).
2. Đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và có giải khắc phục tình trạng mất an ninh trật tự, bạo lực, “thương mại hóa ” hoạt lễ hội, tín ngưởng, tâm linh (Câu số 16).
3. Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định về chế độ công, tiền ăn, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao phù hợp với tình hình hiện nay vì công sức, thành tích đóng góp của họ đối với ngành thể thao nước nhà (Câu số 25).
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn Số: 3430/B VHTTDL-VP ngày 02/8/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:
1. Về giải pháp mang tính chiến lược để đầu tư phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định mục tiêu phát triển du lịch để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngày 06/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103-NQ/CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp về tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch. Khuyến khích đầu tư, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tại Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ hệ thống các giải pháp thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm cả việc giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 15 đề án, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có những đề án mang tính tổng thể để huy động nguồn lực tổng hợp của các ngành, các cấp và toàn xã hội như: Đề án cơ cấu lại ngành du lịch; đề án phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; đề án nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch...
Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, qua đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch, cụ thể:
- Rà soát các quy định của pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các quy định không họp lý, không còn phù hợp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính; cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh, tăng mức độ an toàn và giảm chi phí kinh doanh.
- Xem xét tiến độ đầu tư phát triển các trung tâm, công trình hạ tầng du lịch hiện có; xác định những khó khăn, vướng mắc; trực tiếp hỗ trợ giải quyết, đồng thời khuyến khích đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng.
- Nghiên cứu thuê tư vấn (có thể tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài) xây dựng quy hoạch sử dụng các tài nguyên du lịch (thiên nhiên và văn hóa); xây dựng các trung tâm, điểm du lịch; thực hiện đấu thầu xây dựng, sử dụng và phát triển tài nguyên du lịch theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)...
- Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ ,quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển hạ tầng du lịch.
- Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch, trước mắt là tại các khu vực có định hướng phát triển trở thành đặc khu kinh tế của cả nước.
2. Về kiến nghị đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh
Trong thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có sự chuyển biến so với các mùa lễ hội trước, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội được phát huy, các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống ngày càng hấp dẫn đối với nhân dân và du khách. Có được kết quả đó là do có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức lễ hội phù hợp, hiệu quả, hạn chế những những vấn đề tồn tại trong mùa lễ hội trước.
Tuy nhiên, tại một số lễ hội vẫn còn hiện tượng chen lấn, xô đẩy, bạo lực, thương mại hóa. Để tăng cường công tác quản lý lễ hội trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
- Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thống nhất, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Phân loại, phân cấp và giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội cho các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp; quy định rõ trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội...
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội, có những quy định về trường hợp phải tạm ngừng tổ chức lễ hội như: Lợi dụng việc tổ chức lễ hội để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức lễ hội sai lệch nội dung giá trị di sản văn hóa của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, cháy nổ, làm chết người...
3. Về kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định về chế độ tiền công, tiền ăn, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao phù hợp với tình hình hiện nay
a) Về chế độ tiền công, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao:
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu để thay thế Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định trên. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc điều chỉnh thẩm quyền ban hành văn bản (Công văn số 9224/VPCP- KGVX ngày 30/8/2017 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ liên quan điều chỉnh thể thức văn bản thành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 1353/VPCP-KGVX ngày 06/02/2018 về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định; căn cứ nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2018 (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018), theo đó: “Đồng ý về nguyên tắc nâng mức tiền công cho huấn luyện viên, vận động viên; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở đảm bảo phù hợp với nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao và điều chỉnh mức tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị định dựa trên căn cứ mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/7/2018. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Về chế độ dinh dưỡng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao:
Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư để thay thế Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ngày 21/5/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5847/BTC-HCSN gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương để hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần Thơ để trả lời cử tri./.
Cổng TTĐT