Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời cử tri tỉnh Long An về ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử

08/05/2018 | 10:22

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 07/BDN ngày 05/01/2018, nội dung kiến nghị như sau:

Thời gian qua, hoạt động trò chơi điện tử (phổ biến nhất  là máy bắn cá) phát sinh những biểu hiện thiếu lành mạnh, lợi dụng để đánh bạc hoặc có thưởng không đúng quy định pháp luật, gây bức xúc ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 về tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử. Theo đó, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm duyệt và dán tem nhãn kiểm soát đối với toàn bộ máy trò chơi điện tử sản xuất trong nước và nhập khẩu. Quy định thiếu căn cứ pháp lý của Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 gây khó khăn, bất cập trong việc quản lý hoạt động trò chơi điện tử hiện nay ở địa phương. Cụ thể để hợp thức hóa việc lợi dụng trò chơi điện tử này để đánh bạc, trả thưởng trái pháp luật, nhiều cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử đã đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin phép được dán tem theo yêu cầu tại Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 8, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ thực hiện việc kiểm tra hoặc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với hàng hóa (trong đó bao gồm máy trò chơi điện tử) do thương nhân thuộc địa phương nhập khẩu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với máy trò chơi điện tử sản xuất hoặc lắp ráp trong nước (kể cả quy định về hình thức xử phạt đối với máy trò chơi điện tử không có dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành). Mặt khác, văn bản pháp quy về việc quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử ban hành trước đây là Thông tư số 08/2000/TT- BVHTT ngày 28/4/2000 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến nay không còn phù hợp để điều chỉnh, quản lý loại hình hoạt động này. Từ tình hình trên, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bãi bỏ Thông tư số 08/2000/TT- BVHTT và xem xét lại một phần nội dung của Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016, đồng thời kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử thống nhất trong cả nước.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1400/BVHTTDL-VP ngày 06/4/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Nội dung kiến nghị trên của cử tri tỉnh Long An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời tại Công văn số 793/BVHTTDL-VP ngày 07/3/2018. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật kết quả và giải trình, thông tin lại với cử tri như sau:

Thực hiện theo thẩm quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ và chủ động ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, chính sách để quản lý hoạt động trò chơi điện tử (trong đó bao gồm máy loại hình “bắn cá” - là tên của một trò chơi) như: Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT ngày 28/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn quản lý trò chơi điện tử, Nghị định số 103/2009/NĐ- CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định số 103/2009/NĐ-CP; Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và các cam kết quốc tế, văn bản hướng dẫn có liên quan.

Các văn bản pháp luật nêu trên đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý đối với dịch vụ trò chơi điện tử, nhất là các hình thức dễ biến tướng đánh bạc như máy bắn cá, đồng thời thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, trong thẩm quyền của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân, cơ quan văn hóa địa phương có các biện pháp cụ thể để tăng cường quản lý chặt chẽ theo quy định các máy trò chơi điện tử trên địa bàn quản lý (Công văn số 4001/BVHTTDL-TTr ngày 11/11/2011 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ngăn chặn trò chơi điện tử có thưởng (đánh bạc trá hình) như đua ngựa, đua heo, đua chó, bắn bi, quay số...; Công văn số 4617/BVHTTDL-KHTC ngày 19/12/2013 hướng dẫn về việc giải quyết phê duyệt nội dung máy trò chơi điện tử nhập khẩu có hình thức, cách chơi mới như “Pachinko”, “Máy bắn cá”, “Rồng bắt thú”; Công văn số 117/BVHTTDL-KHTC ngày 23/12/2016 gửi các địa phương về tăng cường kiểm soát nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa văn hóa; Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 gửi các địa phương trên cả nước yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, nhất là các máy bắn cá đánh bạc trá hình hoặc có thưởng vi phạm pháp luật; Công văn số 3859/BVHTTDL-KHTC ngày 13/9/2017 yêu cầu các đơn vị quản lý chuyên ngành, các cơ quan quản lý văn hóa cả nước tăng cường nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành...).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tăng cường quản lý, giám sát và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để xử lý theo thẩm quvền như hải quan, công an, quản lý thị trường. Kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật; giảm tối đa các nội dung có hình ảnh, âm thanh mang tính bạo lực, đồi trụy, kinh dị mô tả kèm theo, hạn chế tác hại xấu của trò chơi điện tử đối với người tham gia. Tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất đến các tỉnh, thành phố để phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, xử lý các cơ sở vi phạm và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý nếu nghi ngờ hoặc phát hiện máy trò chơi điện tử có dấu hiệu biến tướng cờ bạc để xử lý theo thẩm quyền. Chủ động nghiên cứu, đánh giá tổng thể tình hình và ban hành Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử" để có kế hoạch tổng thể thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tích cực phối hợp với Bộ Công an trong quá trình chỉ đạo và xử lý các máy trò chơi điện tử đánh bạc trên cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử và người chơi nắm vững các quy định của pháp luật để tuân thủ chấp hành trong hoạt động kinh doanh, vui chơi giải trí lành mạnh. Nếu vi phạm trong quá trình hoạt động thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, quản lý để kịp thời nắm bắt thông tin về trò chơi điện tử, về các loại máy trò chơi điện tử không được phép kinh doanh, thực hiện tốt công tác, quản lý nhà nước ở địa phương, không để các đối tượng sử dụng trò chơi điện tử để chơi dưới hình thức cờ bạc. Vận động nhân dân tham gia ngăn chặn, đấu tranh tố giác các cơ sở lợi dụng việc kinh doanh trò chơi điện tử để tổ chức cờ bạc trá hình, phổ biến các trò chơi bạo lực.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố và kết quả làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua cho thấy, đến nay về cơ bản các địa phương đã đạt kết quả khá tích cực sau thời gian quyết liệt xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử; hầu hết các địa phương đã ban hành các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo về các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trên địa bàn; thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giáo dục, tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh tuân theo pháp luật, người dân tránh xa, không bị lôi kéo vào các trò chơi biến tướng của cơ sở kinh doanh trái phép, vi phạm pháp luật... 

Lực lượng có thẩm quyền (công an, văn hóa, thị trường...) các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, đã xử phạt hàng trăm triệu đồng các cơ sở vi phạm trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, thu giữ, tiêu hủy hàng trăm máy bắn cá không rõ nguồn gốc, nhập khẩu, sản xuất trái phép, vi phạm giờ chơi, biến tướng cờ bạc, đánh bạc, xử lý hình sự các cơ sở tổ chức và người chơi đánh bạc... (như Bình Dương, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ....) đã mang lại kết quả, dần dẹp bỏ được hiện tượng vi phạm pháp luật trong kinh doanh trò chơi điện tử.

Tuy nhiên vẫn còn một số nơi, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ vẫn còn tình trạng phức tạp “cờ bạc trá hình” trong kinh doanh trò chơi điện tử cần có sự quyết liệt, thường xuyên hơn nữa trong công tác chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng sở tại để thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để thông tin lại với cử tri./. 

Cổng TTĐT


Xem chi tiết tại đây

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×