Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

17/04/2014 | 11:17

Sẽ có những chương trình gì để phát triển du lịch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long một cách bài bản, quy mô hơn? (ĐBQH Nguyễn Thanh Thảo - Đồng Tháp)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thảo - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tại Giấy ghi chất vấn số 184/SYCV-KH5 ngày 14/6/2013, nội dung như sau:

Trong phiên chất vấn tại Hội trường chiều 13 tháng 6 năm 2013, tôi đã gửi đến Bộ trưởng câu chất vấn như sau:Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ có những chương trình gì để phát triển du lịch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long một cách bài bản, quy mô hơn?

 Trong phần trả lời của Bộ trưởng chưa thật rõ. Nhưng tôi hy vọng những điều Bộ trưởng hứa sẽ nhanh chóng được thực hiện. Những ý mà Bộ trưởng chưa trả lời rõ (có thể do chưa hiểu hết ý câu hỏi của tôi) kính mong Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Tôi rất cám ơn Bộ trưởng đã quan tâm trả lời câu hỏi của tôi.

Trân trọng kính chào Bộ trưởng!

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tài nguyên và tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, sông nước, miệt vườn; du lịch văn hóa với các đặc trưng văn hóa Óc Eo, các di tích lịch sử cách mạng và du lịch sinh thái biển, đảo mà trọng tâm là đảo Phú Quốc. Hiện nay, mỗi năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long đón khoảng 1,6 triệu lượt khách quốc tế; 4,8 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 11.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực này còn hạn chế, thời gian lưu trú ngắn, sản phẩm du lịch trùng lặp, kém sức cạnh tranh, giá trị thấp dẫn tới hiệu quả hoạt động du lịch thấp; giao thông kết nối điểm đến còn khó khăn, đầu tư chưa được nhiều, nhân lực thiếu chuyên nghiệp, tiếp thị điểm đến còn hạn chế…

Để thúc đẩy sự phát triển du lịch tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL, ngày 9/3/2010 phê duyệt Đề án Phát triển Du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Đề án này đã đề ra các quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như sau:

1) Quan điểm:

Phát huy tiềm năng về sinh thái và văn hóa đặc trưng Nam Bộ, dựa vào cộng đồng và nông nghiệp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Vùng, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.

2) Mục tiêu

- Mục tiêu chung là phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của vùng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và mở ra khả năng kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, liên vùng, liên quốc gia tạo ra những chương trình du lịch hấp dẫn... để xây dựng thương hiệu du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

- Mục tiêu cụ thể: Năm 2015 đạt 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách nội địa. Năm 2020 đạt 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa.

3) Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng:

- Du lịch tham quan sông nước, miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà dân, du lịch văn hóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong Vùng.

- Du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng của vùng, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp (tại Phú Quốc, Hà Tiên).

- Hình thành và phát huy các sản phẩm liên kết của từng khu vực tạo sức cạnh tranh cao cho các chương trình du lịch tổng hợp.

4) Tổ chức không gian du lịch vùng được chia thành 4 cụm du lịch:

- Cụm trung tâm: gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội của vùng là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp.

- Cụm bán đảo Cà Mau: gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.

- Cụm duyên hải phía Đông: gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng.

- Cụm Đồng Tháp Mười: gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.

5) Giải pháp:

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án đã đưa ra 05 nhóm giải pháp cơ bản sau:

- Thứ nhất, phát triển mạnh du lịch biển đảo Phú Quốc-Khu du lịch quốc gia, có kết nối hàng không thuận tiện, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, trung tâm du lịch có đẳng cấp và có thương hiệu trên thị trường thế giới.

- Thứ hai, phát triển mạnh trung tâm Vùng, cửa ngõ phân phối khách tại Cần Thơ; phát huy công suất sân bay Cần Thơ; sân bay Phú Quốc.

- Thứ ba, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề, nông sản, thủy sản.

- Thứ tư, phát triển mạnh du lịch sinh thái cộng đồng dựa vào văn hóa đặc trưng nam bộ, miệt vườn, sông nước; phát triển các tuyến du lịch đường sông: TP HCM-ĐBSCL - Phnom Penh.

- Thứ năm, phát triển hạ tầng, tăng cường kết nối các điểm đến nội vùng và liên kết với các vùng phụ cận; phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá có trọng điểm nhằm vào thị trường mục tiêu: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Úc, Mỹ; tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng, dịch vụ.

Ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, định hướng tổ chức không gian vùng sẽ theo 3 trục chính là: Trục quốc lộ 1A nối với quốc lộ 91; Trục dọc theo sông Tiền Giang và sông Hậu; Trục thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Phú Quốc.

Tháng 3/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp khảo sát và làm việc với một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam và các tỉnh trong vùng rà soát, xây dựng chương trình, kế hoạch liên kết phát triển sản phẩm đặc trưng vùng, quảng bá, xúc tiến du lịch có kết quả cụ thể đến năm 2015.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ hiệu chỉnh Đề án phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch cụ thể cũng như có các chính sách phù hợp trong việc thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch của toàn vùng.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×