Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giải pháp để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử

24/11/2014 | 14:48

Loại hình nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử đã ra đời và phát triển rộng lớn ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ; gần đây đã lan rộng ở một số nơi khác, vì vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết Ngành văn hóa đã và sẽ có giải pháp gì để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này? Vì sao đến nay chưa được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới? (ĐBQH Nguyễn Thanh Bình - Vĩnh Long)

Đó là nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tại Giấy ghi chất vấn số 30/SYCV-KH5 ngày 28/5/2013

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL xin trả lời như sau:

Về thực trạng của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử

Kết quả kiểm kê năm 2011 cho thấy hiện có hơn 29.000 người đang thực hành Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại 21 tỉnh/thành ở miền Nam gồm: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trong đó, tập trung đông nhất ở: Bạc Liêu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang.

Kết quả đó cho thấy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đang được bảo tồn tốt và có khả năng tồn tại bền vững.

Những hoạt động Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong thời gian qua

- Từ năm 1997 đến nay, bằng nguồn kinh phí Nhà nước dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ VHTTDL thường xuyên cấp kinh phí và hướng dẫn các địa phương sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê di sản văn hóa trong đó có Nghệ thuật Đờn ca tài tử và hỗ trợ cho các câu lạc bộ, nhóm, gia đình tổ chức truyền dạy di sản này.
- Tháng 6/2007, Bộ VHTTDL đã tổ chức đoàn 39 nghệ nhân Việt Nam trong đó có 6 nghệ nhân Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu tham gia trình diễn tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian lần thứ 41 tại Hoa Kỳ.
- Từ năm 2005-2009, Quỹ Sida Thuỵ Điển tài trợ cho sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại các tỉnh: Sóc Trăng, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau.
- Năm 2010-2012, Bộ VHTTDL giao các cơ quan chức năng (Cục Di sản văn hoá, Viện Âm nhạc) tổ chức tập huấn hàng năm về kiểm kê và đã tổ chức được 15 cuộc tọa đàm bàn kế hoạch bảo tồn, truyền dạy với các địa phương có di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
- Năm 2011, Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự có mặt của hơn 150 nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong nước và quốc tế nhằm xác định rõ những giá trị của Đờn ca tài tử, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản.
- Năm 2010, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12/2012, Bộ VHTTDL đã có Quyết định đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt I). Danh cầm Đờn ca tài tử Nguyễn Thiện Vũ (34 tuổi) đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú trong năm 2012.
- Tại các địa phương, nhiều chương trình biểu diễn, sáng tạo Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được tổ chức, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh như: Liên hoan Đờn ca tài tử do các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng liên kết tổ chức suốt 10 năm qua; Nhạc hội Đờn ca tài tử, tôn vinh nghệ nhân câu lạc bộ, nhóm, gia đình được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh; các cuộc giao lưu, trình diễn do Nhà văn hóa các địa phương hỗ trợ kinh phí cũng diễn ra thường xuyên.

Về việc xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO:

- Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai công tác xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đã được trình UNESCO đúng hạn (31/3/2011) cùng với hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ để được xét vào năm 2012.

- Tuy nhiên, do quy định mới của UNESCO là hạn chế số lượng hồ sơ xem xét, mỗi nước chỉ được xét duy nhất 01 hồ sơ/năm. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được xét trước và được UNESCO công nhận tháng 12/2012. Vì vậy, hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ được xem xét tại kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 8 diễn ra từ 02-08/12/2013 tại Baku, thủ đô Azerbaijan.

- Ngày 09/5/2013, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch Quảng bá Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đang đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với mục đích tôn vinh giá trị của di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ thông qua nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong những năm tới

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa, kiểm kê Nghệ thuật Đờn ca tài tử và tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

- Xuất bản sách, tạp chí, CD, VCD và DVD về Nghệ thuật Đờn ca tài tử cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho công chúng trong nước và ngoài nước.

- Thúc đẩy công tác truyền dạy tại cộng đồng. Xây dựng các chương trình giáo dục chính thức và ngoại khóa về Nghệ thuật Đờn ca tài tử.

- Xây dựng chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, người thực hành, truyền dạy, học viên theo học Đờn ca tài tử. Ngày 25/4/2013, Bộ VHTTDL đã hoàn thiện Dự thảo “Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể” gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Theo kế hoạch dự kiến, Nghị định sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6/2013.

- Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm, gia đình. Hỗ trợ tổ chức liên hoan, giao lưu trình diễn và sáng tạo Đờn ca tài tử. Khuyến khích các tỉnh/thành duy trì tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử quốc gia định kỳ 3-5 năm/lần, trên cơ sở Liên hoan theo địa bàn tỉnh 2 năm/lần, huyện, xã 01 năm/lần.

- Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng duy trì, phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Viện Âm nhạc theo hình thức mở, phục vụ việc nghiên cứu, khai thác thông tin để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận.

Xin cám ơn và chúc Đại biểu mạnh khỏe!

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×