Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đánh giá về công tác pháp chế và thanh tra của Bộ

17/11/2017 | 17:01

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh theo Công văn số 1315/TTKQH-GS ngày 02/11/2017 của Tổng thư ký Quốc hội. Nội dung chất vấn: Đề nghị Bộ trưởng có đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở các lĩnh vực sau: 1. Công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ?; 2. Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ?; 3. Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ hay chưa?

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Cổng TTĐT xin đăng tải toàn văn nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

I. Về công tác pháp chế Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đối với công tác triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013: Qua các năm 2016-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 22/3/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Việc triển khai nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và phát huy vai trò, trách nhiệm của Bí thư cấp ủy trong chỉ đạo cũng như trực tiếp truyền đạt, giới thiệu Nghị quyết tới từng đảng viên, cán bộ, công chức.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ban hành so với các quy định của Hiến pháp. Qua rà soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có văn bản quy phạm nào có nội dung trái với các quy định của Hiến pháp.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, góp ý văn bản QPPL: Công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL, văn bản quản lý nhà nước được các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động thực hiện, bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành, bảo đảm chất lượng, tiếp tục hoàn thiện từng bước hệ thống QPPL của Ngành.

Triển khai Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, hàng năm, Bộ đã thực hiện tốt công tác lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lập Chương trình xây dựng văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Bộ và triển khai thực hiện đúng tiến độ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Việc xây dựng văn bản QPPL cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước, kịp thời chuyển tải sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến các địa phương, đơn vị, tạo hành lang pháp lý và bảo đảm sự vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả của bộ máy tổ chức Ngành từ trung ương đến cơ sở.

Đối với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức tự kiểm tra văn bản QPPL thuộc thẩm quyền và kiểm tra công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch của các Bộ, ngành và địa phương. Hàng năm, tổ chức các Đoàn kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL tại địa phương, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, ban hành văn bản bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn tại địa phương.

Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản: Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch làm được thực hiện thường xuyên và hàng năm. Qua rà soát, Bộ đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình mới (như: Xây dựng Luật Du lịch sửa đổi bổ sung, được Quốc hội thông qua năm 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo...).

Qua rà soát văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã thực hiện sửa đổi bổ sung, bãi bỏ nhiều Thông tư do Bộ trưởng ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, rà soát hệ thống pháp luật Ngành theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và hiện đang rà soát, công bố văn bản QPPL hết hiệu lực năm 2017.

Đối với công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL: Bộ thường xuyên làm công tác hợp nhất khi có văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, công bố văn bản hợp nhất trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện quy định của Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2024 (Quyết định số 64/QĐ- BVHTTDL ngày 12/01/2015); ban hành Kế hoạch pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm, đã thực hiện pháp điển được 7 đề mục, đang hoàn thiện 02 đề mục để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong năm 2017.

Đối với công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật: Hàng năm, Bộ giao tổ chức pháp chế tham mưu để Bộ trưởng ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật Ngành văn hóa, thể thao và du lịch và tổ chức thực hiện. Bộ cũng giao Vụ Pháp chế làm thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội đồng như phổ biến các văn bản QPPL mới ban hành, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện với các hội nghị, tập huấn về Hiến pháp năm 2013, về các văn bản pháp quy của Nhà nước và của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch mới được ban hành.

Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, theo đó, đã xây dựng 8 nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số xã theo Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, giúp bổ sung tủ sách pháp luật cho một số xã điểm để trên cơ sở đó, cán bộ các xã tổ chức tuyên truyền trên phương tiện phát thanh công cộng, phổ biến pháp luật đến tận thôn, ấp, bản, khu dân cư.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2021.
- Triển khai công tác xây dựng hương ước, quy ước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện còn gặp một số khó khăn: Kinh phí hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo Kế hoạch diễn ra còn chậm hoặc chưa được triển khai thực hiện đúng tiến độ; Cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu và ít kinh nghiệm, do vậy việc triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số địa phương chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đối với công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật: Ngay từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tiến hành rà soát và đề xuất xây dựng nội dung Nghị định xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).

Bộ giao Vụ Pháp chế theo dõi, tổng hợp, thực hiện quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, hàng năm ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên công tác này gặp một số khó khăn như: Về cơ chế thực hiện còn nhiều bất cập, giao nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho tổ chức pháp chế là khó khả thi trong điều kiện hạn chế về nhân lực cũng như kinh phí.

Đối với công tác cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: Thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Nghị định (Quyết định số 2936/QĐ-BVHTDL ngày 23/8/2016).

Trong công tác này, các Bộ ngành nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng gặp nhiều khó khăn về nhân lực thực hiện. Nên chăng, cơ quan đầu mối (Bộ Tư pháp) với thế mạnh của Cục Công nghệ thông tin cần liên kết chặt chẽ với trang Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để có nguồn cập nhật văn bản nhanh chóng và phù hợp điều kiện hiện tại.

Về đội ngũ cán bộ pháp chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Hiện nay, Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 15 công chức, người lao động. Cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế đã được Lãnh đạo Bộ quan tâm kiện toàn gồm Vụ trưởng, 03 Phó Vụ trưởng và được phân ra 3 phòng chuyên môn: Phòng Tổng hợp, Kiểm soát thủ tục hành chính; Phòng Pháp chế Văn hoá, Gia đình; Phòng Pháp chế Thể thao, Du lịch.

Về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị: 100% công chức, người lao động Vụ Pháp chế là Cử nhân, có 01 tiến sỹ, 07 thạc sỹ. Về trình độ lý luận chính trị, có 03 đồng chí đã tốt nghiệp cao cấp chính trị, 01 đồng chí đang học lớp cao cấp lý luận chính trị; còn lại là trung cấp chính trị hoặc tương đương. Về quản lý nhà nước, có 07 công chức là chuyên viên chính.

Tại Tổng cục Thể dục thể thao, đã thành lập Phòng Pháp chế với 03 biên chế đều có trình độ chuyên môn về luật. Tổng cục Du lịch thành lập Phòng Hành chính - Pháp chế với 2 biên chế có trình độ chuyên môn luật làm công tác pháp chế. Còn đối với các cơ quan thuộc Bộ đều có cán bộ được giao kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.

Tại các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ: Đã bố trí từ 1 đến 2 công chức, người lao động làm công tác pháp chế.

Với số lượng nhân sự còn hạn chế, lĩnh vực quản lý nhà nước rộng, phức tạp nhưng cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ là những người có năng lực, tâm huyết, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đạt chất lượng đề ra.

Những hạn chế và nguyên nhân: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, cơ cấu tổ chức pháp chế đã được kiện toàn. Tuy nhiên quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định rõ: “2. Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề” nhưng đến nay, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ chưa quan tâm thực hiện quy định này.

Do chế độ cho công tác pháp chế chưa được quan tâm, công việc khó và nhiều công việc mới triển khai như: pháp điển, hợp nhất, theo dõi thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi công tác giám định tư pháp, bồi thường Nhà nước nhưng không có nguồn kinh phí bổ sung, không có chế độ, chính sách khuyến khích người làm công tác pháp chế, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn của những người làm công tác xây dựng pháp luật của ngành còn chưa được chú trọng, đó là những nguyên nhân gây nên những khó khăn trong công tác pháp chế.

II. Về công tác thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo quy định tại Nghị định số 173/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ tổ chức thành hai cấp Thanh tra Bộ (ở Trung ương) và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch (ở địa phương).

Tính đến ngày 30/10/2017, theo biên chế được duyệt, Thanh tra Bộ có 37 biên chế, nhưng hiện nay, Thanh tra Bộ chỉ có tổng cộng 33 thanh tra viên, công chức và người lao động được chia thành 05 phòng. Cụ thể:

Về trình độ đào tạo: 10 thạc sỹ, 21 đại học, 02 trình độ phổ thông (lái xe);
- Về ngạch thanh tra viên: 01 chuyên viên cao cấp, 08 thanh tra viên chính; 17 thanh tra viên; 07 công chức và người lao động.

Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 Luật thanh tra và Điều 7 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra.

Về công tác thanh tra của Bộ trong thời gian qua, Thanh tra Bộ đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật như: Việc chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với Thanh tra Sở; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; Thực hiện công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thanh tra Bộ đã chủ động trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những lĩnh vực nóng của ngành; xử lý kịp thời, nghiêm đối với các vi phạm xảy ra. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân kịp thời, không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp.

Về công tác chỉ đạo đối với Thanh tra Sở, Thanh tra Bộ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch ở địa phương. Chỉ đạo về chuyên môn và trực tiếp phối hợp cùng Thanh tra Sở thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đặc biệt là việc trực tiếp chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời những vấn đề nóng phát sinh như: tổ chức, quản lý lễ hội; hoạt động dịch vụ văn hóa công cộng; lĩnh vực bản quyền; tổ chức biểu diễn nghệ thuật; hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao; kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch; kinh doanh lưu trú và bảo vệ môi trường du lịch.

Trong năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành 10 cuộc thanh tra hành chính (09 cuộc theo kế hoạch, 01 cuộc thanh tra đột xuất); 145 cuộc thanh tra chuyên ngành (trong đó lĩnh vực văn hóa, gia đình 115 cuộc, lĩnh vực thể thao 13 cuộc, lĩnh vực du lịch 17 cuộc). Đã ban hành 97 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 2.380.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm tám mươi triệu đồng), giảm 22% so với năm 2015. Trong đó lĩnh vực thể thao 51.000.000 đồng (Năm mươi mốt triệu đồng), lĩnh vực văn hóa: 2.022.000.000 đồng (Hai tỷ không trăm hai mươi hai triệu đồng), lĩnh vực du lịch: 307.000.000 đồng (Ba trăm linh bảy triệu đồng). Đã tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế 9 tháng đối với 01 đơn vị; Đề nghị Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an xem xét trục xuất, hạn chế nhập cảnh đối với 66 trường hợp người Trung Quốc vào Việt Nam hoạt động du lịch trái phép.

Đồng thời, những kiến nghị đối với các đơn vị là đối tượng thanh tra của Thanh tra Bộ đều được các đơn vị tiếp thu, khắc phục và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ duy trì tốt công tác thường trực Trụ sở tiếp công dân của Bộ, giúp Bộ giải quyết nhanh chóng, kịp thời những thắc mắc, phản ánh của công dân, xử lý đơn thư theo thẩm quyền của Bộ. Các ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân đều được Thanh tra Bộ xem xét, giải quyết và trả lời nhanh chóng, thấu đáo, đúng pháp luật nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Trụ sở tiếp công dân của Bộ đã tiếp 50 lượt công dân, giảm 02 lượt so với năm 2015. Nội dung phản ánh của công dân chủ yếu về vấn đề xâm phạm khuôn viên bảo vệ di tích lịch sử và các tranh chấp đối với di tích, đất đai, nhà ở.

Năm 2017, tính đến ngày 30/10, Thanh tra Bộ đã thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác thanh tra đã được phê duyệt, không có nhiệm vụ tồn đọng phải chuyển sang năm sau. Triển khai 11 cuộc thanh tra hành chính về dự án đầu tư xây dựng và công tác quản lý thu chi tài chính. Tiến hành 110 cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra 376 cá nhân, tổ chức; Ra 79 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 1.712.000.000 đồng (Một tỉ bảy trăm mười hai triệu đồng). Trong lĩnh vực văn hóa phạt 1.500.000.000 đồng (Một tỷ năm trăm triệu đồng), thể thao phạt 45.500.000 đồng (Bốn mươi lăm triệu năm trăm nghìn đồng) và du lịch phạt 166 triệu đồng (Một trăm sáu mươi sáu triệu đồng). Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thời hạn 18 tháng của 01 doanh nghiệp.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiếp nhận 255 đơn, trong đó: 83 đơn khiếu nại, 52 đơn tố cáo, 120 đơn kiến nghị, phản ánh, tăng 32% so với năm 2015. Năm 2017, tiếp nhận trong kỳ 142 đơn (47 đơn khiếu nại; 39 đơn tố cáo; 56 đơn kiến nghị, phản ánh). Cho đến nay đã phân loại, xử lý kịp thời.

III. Về việc bố trí lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra

Đối với công tác pháp chế: Công tác pháp chế đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật nhưng chế độ đối với người làm công tác này chưa tương xứng với nhiệm vụ thực hiện. Quốc hội cần quan tâm ủng hộ để có phụ cấp cho người làm công tác pháp chế, bảo đảm ổn định đời sống của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, đồng thời tăng định biên nhân sự cho tổ chức này để bảo đảm hoàn thành khối lượng công việc với yêu cầu ngày càng nặng nề trong tình hình hiện nay.

Đối với công tác thanh tra: Về lực lượng làm công tác thanh tra của Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trong thời gian qua, mặc dù số lượng thanh tra viên và công chức thanh tra chưa đủ so với biên chế được giao, song cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ là phù hợp. Thanh tra Bộ đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, hoàn thành kế hoạch công tác hàng năm và giải quyết kịp thời những vụ việc do Lãnh đạo Bộ giao. Trong thời gian tới, để đáp ứng tốt hơn công tác quản lý trước yêu cầu của thực tiễn với sự phát triển của khoa học công nghệ, Thanh tra Bộ có kế hoạch bổ sung biên chế, tuyển dụng người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra./.

Cổng TTĐT 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×