Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công tác quản lý nhà nước về gia đình hiện nay

20/03/2014 | 09:30

Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt xã hội mới tốt. Công tác quản lý nhà nước về gia đình đang gặp khó khăn gì? Làm thế nào  để thu hút sự đầu tư của Nhà nước gắn với phát huy nội lực nhân dân, nội lực gia đình? (ĐBQH Đinh Thị Bạch Mai)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bạch Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tại Giấy ghi chất vấn số 166, 167/SYCV-KH5 ngày 14/6/2013, nội dung như sau:

Gia đình là tế bào xã hội; Gia đình tốt, xã hội mới tốt. Công tác quản lý nhà nước về gia đình đang gặp những khó khăn gì?
Công tác quản lý nhà nước về gia đình đang ẩn danh trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vậy có hạn chế gì trong chỉ đạo tổ chức thực hiện để thu hút sự đầu tư của Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương, cơ sở trong công tác gia đình?
Tại các báo cáo kinh tế-xã hội, phương hương tới của Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương thường không hề có hoặc nếu có thì được đề cập rất ít, mờ nhạt về công tác quản lý nhà nước về gia đình, về công tác gia đình, tại sao? Và Bộ trưởng có suy nghĩ gì, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?
Giải pháp để thu hút sự đầu tư của Nhà nước gắn với phát huy nội lực nhân dân, nội lực gia đình để xây dựng gia đình phát triển nhân văn, hạnh phúc, bền vững.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Một số khó khăn:

- Hệ thống văn bản quy phạm, văn bản hướng dẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình mới được thành lập nên kinh nghiệm, nhân lực làm công tác quản lý còn nhiều hạn chế.

- Nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay trong danh mục mã số ngành kinh tế (Phụ lục số 02 kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, kinh phí sự nghiệp gia đình ở khoản 533, loại 520 thuộc Y tế và các hoạt động xã hội không thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở địa phương còn thiếu, đặc biệt ở cấp xã thiếu, không ổn định; không có đội ngũ cộng tác viên.

2. Công tác quản lý nhà nước về gia đình đang ẩn danh trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vậy có hạn chế gì trong chỉ đạo tổ chức thực hiện để thu hút sự đầu tư của Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương, cơ sở trong công tác gia đình?

Về tên Bộ không có từ “gia đình”. Như vậy chỉ là sự “ẩn danh” trong tên gọi không phải “công tác quản lý nhà nước về gia đình” bị xem nhẹ hoặc “ẩn danh” như Đại biểu đặt vấn đề.

Ngày 03/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP về công tác gia đình, theo đó, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Khoản 15, Điều 2 dự thảo Nghị định quy định công tác gia đình như sau:

a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình;

c) Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng gia đình văn hóa;

đ) Thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng, nhân rộng các mô hình gia đình thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 81/NQ-CP về Kế hoạch hành động của Chính phủ trong việc thực hiện Chỉ thị số 49/CT-TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các văn bản khác để thu hút sự quan tâm và đầu tư cho công tác gia đình ở mỗi cấp.

3. Tại các báo cáo kinh tế-xã hội, phương hương tới của Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương thường không hề có hoặc nếu có thì được đề cập rất ít, mờ nhạt về công tác quản lý nhà nước về gia đình, về công tác gia đình, tại sao? Và Bộ trưởng có suy nghĩ gì, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?

- Trong các báo cáo của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, công tác gia đình được đặt mục riêng trong lĩnh vực văn hóa. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chấn chỉnh và yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thu thập dữ liệu về gia đình đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định: “Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổng kết, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” (Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình hiện đang xây dựng, trình Chính phủ tháng 9/2013).

4. Giải pháp để thu hút sự đầu tư của Nhà nước gắn với phát huy nội lực nhân dân, nội lực gia đình để xây dựng gia đình phát triển nhân văn, hạnh phúc, bền vững.

Giải pháp để thu hút sự đầu tư của Nhà nước gắn với phát huy nội lực nhân dân, nội lực gia đình để xây dựng gia đình phát triển nhân văn, hạnh phúc, bền vững đã thể hiện trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

- Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược này thì cả ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền của mỗi địa phương phải quán triệt thật rõ quan điểm: Công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình thuộc các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của các địa phương. Có như vậy mới thu hút sự được sự đầu tư của Nhà nước, tổ chức đoàn thể mỗi cấp để chăm lo cho công tác gia đình.

- Lồng ghép, phối hợp việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các chiến lược, kế hoạch có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong Đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành quan tâm, giám sát và có ý kiến để công tác gia đình ở các địa phương được quan tâm nhiều hơn, để xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội và thiết thực triển khai các hoạt động trong Năm Gia đình Việt Nam 2013 đạt kết quả.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×