Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

24/03/2014 | 15:30

Trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước và giải pháp của Bộ đối với di sản thế giới đã được quan tâm đến đâu, đặc biệt là đối với di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội? (ĐBQH Chu Sơn Hà - Hà Nội)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại Giấy ghi chất vấn số 83/SYCV-KH5 ngày 31/5/2013, nội dung như sau:

Ngày 01/8/2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được Ủy ban Di sản thế giới công nhận là di sản thế giới. Từ ngày được công nhận đến nay, Trung tâm Di sản Thăng Long - Hà Nội đã chủ động làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản. Ngày 08/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 696/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, khu di tích thế giới còn chưa được các cơ quan nhà nước quan tâm, đặc biệt là để cho một số chủ thể không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng và vi phạm Luật di sản. Với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết một số vấn đề sau:

1. Trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của Bộ đối với các di sản, đặc biệt là di sản thế giới đã được quan tâm đến đâu, đặc biệt là đối với di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nói riêng?

2. Đồng chí có suy nghĩ gì và giải pháp trong thời gian tới để chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện cam kết quốc tế để di tích Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản. Với trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng thì bao giờ các kiến nghị của khu Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và của UBND thành phố Hà Nội được giải quyết. (Vì nội dung dài, tôi xin gửi tới đồng chí các văn bản đề nghị của UBND thành phố Hà Nội và Trung tâm di sản để đồng chí tiện nghiên cứu).

Tôi hy vọng đồng chí nghiên cứu kỹ từng kiến nghị cụ thể và sớm thông tin tới tôi bằng văn bản, không trả lời chung chung mà cần đề ra các giải pháp, kế hoạch thời gian thực hiện để các đề nghị của cơ sở được đáp ứng và điều cơ bản là pháp luật về di sản được thực hiện trên thực tế, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Xin trân trọng cám ơn và chúc sức khỏe đồng chí Bộ trưởng!

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của Bộ đối với các di sản, di sản thế giới, đặc biệt là đối với di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nói riêng

Tính đến nay, Việt Nam đã có 14 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, trong đó có 07 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994), Khu phố cổ Hội An (1999), Khu di tích Chăm Mỹ Sơn (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 07 Di sản này là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong tổng số 34 Di tích quốc gia đặc biệt trên cả nước tính đến thời điểm tháng 6/2013.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về di sản đã có nhiều hoạt động nhằm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới này, cụ thể.    

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ di sản, nhờ đó nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản thế giới đã được quan tâm nhiều hơn.

- Trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích nói chung, di sản thế giới nói riêng (Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là những văn bản pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ đối với di sản thế giới.

- Hướng dẫn chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể 34 Di tích quốc gia đặc biệt, trong đó 22 quy hoạch tổng thể của các di tích này đã được phê duyệt (điển hình trong số đó có thể kể tới Quy hoạch tổng thể Quần thể Di tích Huế với tổng mức đầu tư từ 2010-2020 với 1.284 tỷ đồng và một số di tích khác như Mỹ Sơn, Hạ Long... Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu và Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Hiện nay, 07 di tích quốc gia đặc biệt đang được triển khai lập quy hoạch tổng thể (Di tích lịch sử những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang), Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Khu lưu niệm Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa  Vũng Tàu), Hội An (Quảng Nam), Dinh Độc lập (Hồ Chí Minh), 05 di tích còn lại (Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (An Giang) chưa tiến hành lập quy hoạch tổng thể. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai lập Quy hoạch tổng thể 05 di tích này theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, cùng với các nguồn kinh phí hỗ trợ khác, nhiều di tích trong các di sản thế giới bị hư hỏng nghiêm trọng do chiến tranh và thiên tai đã được khôi phục. Một số công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu được tu bổ, tôn tạo, đảm bảo giữ vững giá trị nổi bật toàn cầu của các Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, khu Di tích Chăm Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ...).

- Quan hệ hợp tác song phương, đa phương được đẩy mạnh, nhiều di sản thế giới của Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến những dự án lớn có sự giúp đỡ của quốc tế như: Dự án tu bổ, tôn tạo nhóm tháp G ở Mỹ Sơn do Chính phủ Italia tài trợ thông qua UNESCO với tổng số tiền là 1.628.458 USD; Dự án “Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long” do Quỹ Tín thác (Nhật Bản) tài trợ thông qua UNESCO, với tổng số tiền là 1.124.721 USD. Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án “Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long”, nhiều nghiên cứu mới về di sản thế giới này đã được áp dụng vào việc quản lý, bảo tồn khu di sản, đặc biệt việc xây dựng “Kế hoạch quản lý” cho di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sẽ góp phần quan trọng vào việc triển khai các cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với những khuyến nghị của UNESCO; đồng thời là cơ sở để xây dựng một khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan quản lý di sản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý di sản.

- Số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan các di sản thế giới ngày một tăng, đã góp phần đáng kể thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch và sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong những năm qua, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, sinh thái và dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy nền kinh tế cộng đồng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động. Nguồn thu thông qua phục vụ tham quan du lịch tăng lên hàng năm. Chỉ riêng năm 2012, tiền bán vé vào cửa ở các di sản thế giới, như Quần thể Di tích cố đô Huế thu trên 100 tỉ đồng, Vịnh Hạ Long trên 196 tỉ đồng, năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2012, Hạ Long đã đón 2.568.204 lượt khách tới tham quan, du lịch; Huế đón 02 triệu lượt khách. Sau 3 năm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, số lượng khách tham quan du lịch khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã tăng lên đáng kể, năm 2012 đã đón hơn 70.000 lượt khách.

2. Về nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp gì để chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các cam kết với quốc tế về bảo tồn, tôn tạo di tích Hoàng thành Thăng Long

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm 02 bộ phận hợp thành là Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (diện tích 4,53ha) và Khu di tích Thành cổ Hà Nội (diện tích 13,86ha) hiện do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (đại diện là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Bộ Quốc phòng quản lý.

Quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Việt Nam cần thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết với UNESCO trong việc thống nhất quản lý Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mà đại diện là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội). Với quan điểm đó, kể từ năm 2010 tới nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều công việc liên quan tới việc thực thi các cam kết của Việt Nam, cụ thể như sau:

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2528/BVHTTDL-DSVH ngày 22/7/2010 và Công văn số 627/BVHTTDL-DSVH ngày 09/3/2011 thống nhất với các ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc thực hiện cam kết với UNESCO “Bảo đảm sự thống nhất quản lý khu di sản, chuyển giao toàn bộ vùng đất thuộc khu di sản cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý mà đại diện là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, di chuyển các hộ dân hiện đang sinh sống trong khu di sản ra phía ngoài trên cơ sở vận động tự nguyện và có chính sách đền bù thỏa đáng”.

- Trong năm 2010 và 2011, cùng với việc giao cơ quan chức năng kiểm tra trực tiếp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một số văn bản gửi Bộ Xây dựng và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội (Công văn số 4066/BVHTTDL-DSVH ngày 16/11/2010; Công văn số 775/BVHTTDL-DSVH ngày 21/3/2011; Công văn số 1075/BVHTTDL-DSVH ngày 09/4/2011) đề nghị thực hiện các biện pháp an toàn trong quá trình thi công, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến di tích, di vật của khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

- Ngày 01/7/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa có Công văn số 419/DSVH-DT đề nghị Viện Khảo cổ học báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội về tiến độ triển khai thực hiện Dự án khảo cổ khu vực 18 Hoàng Diệu và thời điểm bàn giao tài liệu, hiện vật theo quy định; tập trung hoàn chỉnh báo cáo sơ bộ, báo cáo khoa học và tổ chức bàn giao toàn bộ di tích, di vật cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

- Ngày 25/4/2012 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 1269/BVHTTDL-DSVH gửi Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có kế hoạch bàn giao toàn bộ di vật cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý; đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học và Trung tâm nghiên cứu Kinh thành tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan đến hiện vật cũng như triển khai các chương trình nghiên cứu tiếp theo.

Ngày 06/6/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2115/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị thực hiện các cam kết với UNESCO nhất thể hóa quản lý khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật và diện tích nhà, đất còn lại của Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Khu di tích Thành cổ Hà Nội do Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đang quản lý cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong năm 2013.

3. Về nội dung thời hạn giải quyết các kiến nghị của thành phố Hà Nội và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

Về các kiến nghị của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tại Công văn số 18/BC-TTHN ngày 13/5/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy rằng đây là những vấn đề chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và của thành phố Hà Nội.

Kể từ năm 2010 đến nay, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai việc nhất thể hóa quản lý khu Di sản, đã bàn giao một phần diện tích của khu Di sản cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội như trong báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã được gửi tới đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà. Với phần diện tích còn lại mà Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Bộ Quốc phòng chưa bàn giao hết.

Ngày 06/6/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2094/BVHTTDL-DSVH  báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm những nội dung cam kết với UNESCO và những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước đây, nhằm đẩy nhanh tiến độ nhất thể hóa quản lý toàn bộ diện tích khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; đẩy nhanh việc hoàn thiện bàn giao toàn bộ diện tích đất như đã cam kết với Bộ Quốc phòng.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×