Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

11/07/2014 | 08:40

Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong thời gian tới? (ĐBQH Điểu Huỳnh Sang - Bình Phước)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tại Giấy ghi chất vấn số 190/SYCV-KH5 ngày 17/6/2013, nội dung như sau:

Hiện nay, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được quan tâm, đầu tư. Bộ trưởng nghĩ gì khi văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ngày càng bị “sân khấu hóa” mà ít được tổ chức, thậm chí không được tổ chức trong đời sống của mỗi dân tộc. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói riêng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đời sống, tâm lý, tập quán của đồng bào cũng có biến đổi. Một số yếu tố văn hóa truyền thống không còn điều kiện duy trì, dẫn đến sự mai một. Việc tổ chức hoạt động ngày hội là cần thiết để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Hàng năm, các tỉnh đều có các hoạt động được tổ chức dưới dạng Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trước đây, các Ngày hội, giao lưu giữa các vùng, miền, toàn quốc được tổ chức định kỳ 2-3 năm 1 lần, hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, các Ngày hội này được tổ chức định kỳ 3-4 năm/lần. Đến nay đã tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc đến lần thứ XII, Ngày hội vùng Đông Bắc lần thứ VIII, Liên hoan Nghệ thuật Hát Then, Đàn tính toàn quốc lần thứ IV, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam Bộ tại Phú Yên năm 2006; Festival cồng Chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai...

Từ năm 2008, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 được xác lập theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) và tại các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động, giao lưu, gặp mặt cộng đồng các dân tộc, trong đó các chương trình nghệ thuật do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng thể hiện; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Tổ chức Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam (năm 2011); Khánh thành quần thể Tháp Chăm (năm 2012) gắn với chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và kỷ niệm Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (năm 2013) gắn với Năm Gia đình Việt Nam và Hội thảo Tuổi trẻ với việc gìn giữ truyền thống gia đình… Bên cạnh đó, hàng năm, từ năm 2010 đến nay, cũng tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đều tổ chức các hoạt động giới thiệu, trình diễn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Khmer, Chăm, Lô Lô, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Mường… tại các không gian văn hóa của các dân tộc do các nghệ nhân thực hiện, phục vụ đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và giao lưu tại đây.

- Ban Tổ chức các Ngày hội, lễ hội không giới hạn đối tượng tham gia, chú trọng đến văn hóa truyền thống các dân tộc: dân ca, dân vũ, dân nhạc, trích đoạn lễ hội, ẩm thực, giới thiệu và trình diễn trang phục truyền thống… đối tượng tham gia chủ yếu là các nghệ nhân, diễn viên người dân tộc thiểu số, không có diễn viên chuyên nghiệp và các tiết mục nội dung mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của lễ hội.

- Đối với việc tổ chức Ngày hội của từng dân tộc, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành và các địa phương liên quan tổ chức một số Ngày hội văn hóa riêng cho một số dân tộc, như: dân tộc Mông (năm 2005), Mường (năm 2007), Hoa (năm 2007), Chăm (hai lần được tổ chức tại Ninh Thuận, năm 2001, 2012), Khmer Nam Bộ (05 lần)… Một số dân tộc rất ít người, chưa có điều kiện để tổ chức Ngày hội văn hóa riêng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ngành văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương tạo điều kiện tham gia các Ngày hội văn hóa của khu vực, vùng miền được tổ chức tại địa phương hoặc tại Hà Nội: Những Ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội (tổ chức 02 lần, năm 2002, 2012); Ngày hội trang phục dân tộc và nghề truyền thống toàn quốc tại Hà Nội; Ngày hội văn hóa vùng miền hướng tới 1000 năm Thăng Long… Tại các tỉnh có số đông dân tộc (H’Mông, Khmer…) sinh sống, hàng năm đều tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa, như trong năm 2013, tại Ninh Thuận tổ chức Ngày Văn hóa dân tộc Raglai.

Trách nhiệm và giải pháp của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch:

- Trước hết, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là tài sản chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ban hành các chính sách kịp thời nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong từng thời kỳ, giai đoạn của đất nước, đồng thời nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, đồng bào là chủ thể cho các hoạt động văn hóa, qua đó nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, là cơ hội giới thiệu và quảng bá nét đẹp văn hóa của mình tới bạn bè trong nước và quốc tế, khích lệ tính tự tôn, tự hào của từng dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” tại Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 (Đề án 1270), nhằm tập trung ưu tiên cho phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc mình. Trong đó tập trung vào địa bàn: Miền núi, dân tộc thiểu số. Ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; những vùng phải di dời để phát triển kinh tế; vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

Giai đoạn đến năm 2015, Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Tổng kiểm kê các di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; Hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân rất ít người (dưới 5000 người); Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người dân tộc thiểu số làm công tác văn hoá; Hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, nghệ nhân; Từng bước phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống các thiết chế văn hoá cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số; Bước đầu đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào các trường học trên địa bàn; Xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hoá của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để triển khai các nhiệm vụ, nhằm đạt được mục tiêu của Đề án đã đề ra, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan và các địa phương đã và đang chỉ đạo, triển khai xây dựng 06 Dự án thành phần, cụ thể:

1) Dự án 1: Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số đến năm 2020. Tổng kiểm kê diosản văn hoá các dân tộc thiểu số.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); Uỷ ban Dân tộc, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thời gian thực hiện: 2011-2015

    2) Dự án 2: Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Uỷ ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, các địa phương có thuỷ điện.

- Thời gian thực hiện: 2011-2020

3) Dự án 3: Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở vùng dân tộc thiểu số.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thời gian thực hiện: 2011-2020

4) Dự án 4: Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thời gian thực hiện: 2011-2020

5) Dự án 5: Giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hoá truyền thống của các dân tộc vào trường học.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học, Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Di sản văn hoá, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thời gian thực hiện: 2011-2020

6) Dự án 6: Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hoá, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2011-2020.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Uỷ ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thời gian thực hiện: 2011-2020

* Các giải pháp để thực hiện Đề án 1270:

1. Giải pháp đột phá: Đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, ở địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa phát triển văn hoá và kinh tế; hài hoà giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.

2. Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hoá của các dân tộc thiểu số rất ít người.

3. Xây dựng các chương trình hoạt động, lễ hội, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia định kỳ hàng năm và cả giai đoạn 2011-2020.

4. Huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hoá, các nguồn viện trợ chính thức; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai các hoạt động có liên quan đến Đề án; tiếp tục đầu tư và phát huy có hiệu quả hoạt động của Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

5. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông: tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc thiểu số; phối hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình tại các địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc.

6. Kết nối, lồng ghép giữa các chương trình dự án về phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá; giữa Đề án với các chương trình, dự án đã và đang triển khai.

7. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng các dân tộc thiểu số. Trong đó chú ý các chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu các di sản văn hóa. Chính sách này lồng ghép với các chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân ở các dân tộc.

Xác định mục tiêu và đề ra các giải pháp thực hiện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành thành lập Ban Chỉ đạo, Nhóm công tác Đề án 1270 Trung ương; tổ chức Họp báo giới thiệu về Đề án 1270; thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án năm 2012, 2013, tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1270, đến nay nhiều địa phương đã xây dựng các dự án bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai 06 dự án thành phần của Đề án 1270, rà soát lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và các chương trình đầu tư phát triển.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×