Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Về việc xây dựng, giữ gìn, bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cho học sinh

22/03/2018 | 09:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 07/BDN ngày 05/01/2018, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và có cơ chế, chính sách để đưa vào sách giáo khoa ở các cấp bậc học để giáo dục học sinh sớm ý thức về việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam" (câu số 2).

Cổng TTĐT của Bộ xin trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung kiến nghị của cử tri:

1. Về nội dung “Đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”

Quan điểm xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cần có sự tham gia của tất cả các cấp, các ban ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng. Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân dân, dân chủ và khoa học và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chương trình hành động đang được các Bộ, ngành triển khai thực hiện.

2. Về đề nghị “Có cơ chế, chính sách để đưa vào sách giáo khoa ở các cấp bậc học để giáo dục học sinh sớm ý thức về việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam”

Việc biên soạn sách giáo khoa thuộc chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để sách giáo khoa các cấp bậc học có nội dung phù hợp và "giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam’’ nói riêng và về “văn hóa” nói chung, quá trình chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cần có sự tham gia của chuyên gia về văn hóa trong Hội đồng.

Từ năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực thúc đẩy việc đưa giáo dục di sản văn hóa vào trường học, góp phần giáo dục học sinh sớm ý thức về việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Hướng dẫn liên ngành số 73/HD-BGDĐT- BVHTTDL ngày 16/01/2013 về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ bảo tàng, di tích, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cốt cán các tỉnh, thành phố về dạy học thông qua di sản trong trường trung học.

Nhằm thể chế hóa hoạt động xây dựng xã hội học tập, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - trong đó có các bảo tàng, di tích - danh lam thắng cảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020’’ tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 và chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án (được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Quyết định số 2594/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2014).

Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn bảo tàng, di tích toàn quốc xây dựng các hoạt động giáo dục đặc biệt để phối hợp với các trường học trong việc giáo dục di sản văn hóa. Đồng thời, chỉ đạo các bảo tàng, di tích nghiên cứu, tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế trong việc phổ biến thông tin về di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể trong việc dạy và học tại các trường học. Trong đó có các tài liệu như Hướng dẫn "Các bước xây dựng Kế hoạch dạy học có sử dụng Di sản văn hóa phi vật thể’’ do Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xây dựng.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020. Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, thực hiện 03 dự án: Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; Dự án phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Việc triển khai thực hiện các nội dung nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số theo hình thức tổng thể, toàn diện.

Việc có cơ chế, chính sách để đưa vấn đề bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào chương trình sách giáo khoa là một trong các hình thức quan trọng, cần thiết nhằm phát huy và tạo ý thức từ sớm cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, chủ trì vấn đề này do Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương để trả lời cử tri./.

Cổng TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×