Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Về việc tu bổ di tích Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và di tích Ga Đà Lạt (Lâm Đồng)

08/11/2017 | 15:04

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng theo Công văn số 1178/TTKQH-GS ngày 23/10/2017 của Tổng thư ký Quốc hội, nội dung chất vấn như sau:

Hiện nay, tình hình quản lý, sử dụng, đầu tư, tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh còn nhiều bất cập. Việc phân cấp quản lý còn hạn chế, chưa xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương về quản lý, bảo vệ, phát huy di tích. Điều này dẫn đến nhiều di tích bị xâm hại, một số di tích bị lấn chiếm, xuống cấp, thiếu kinh phí để sửa chữa, tu bổ. Tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có 02 di tích kiến trúc cấp quốc gia là Di tích lịch sử - văn hóa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Di tích văn hóa Ga Đà Lạt. Đây là những công trình kiến trúc rất đặc biệt đã được xây dựng từ những năm 1930, các công trình hiện nay đều đã xuống cấp khá nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn nhưng việc tu bổ di tích rất hạn chế (Trường CĐSP Đà Lạt được NSĐP phẩn bổ 10 tỷ đồng trong vốn đầu  tư công trung hạn 2017-2020/ tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo cấp thiết). Trong khi đó, những công trình này đang rất cần được kiểm định chất lượng, gia cố, tu bổ một cách tổng thể để đảm bảo an toàn, giá trị và công năng sử dụng của công trình.

Kính đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã có những giải pháp gì để khắc phục những bất cập nêu trên, trong đó có công tác phối hợp để kiểm định chất lượng, gia cố, tu bổ di tích cấp quốc gia đối với các di tích lịch sử - văn hóa nói chung và Di tích lịch sử - văn hóa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Di tích Ga Đà Lạt nói riêng?

Xin trân trọng cảm ơn!

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin được trả lời như sau:

1. Đối với tình hình quản lý, sử dụng, đầu tư, tôn tạo khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và việc phân cấp quản lý, ban hành quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

Để thực hiện công tác quản lý, sử dụng, đầu tư, tôn tạo khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian vừa qua đã tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành:

- Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa.

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa.

-Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, lập  phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Việc quản lý trông nom di tích thuộc thẩm quyền của các cấp, địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp huyện, cấp xã danh mục di  tích quản lý – trông nom thuộc thẩm quyền. Vì vậy, trong những năm gần đây, hầu hết các tỉnh/thành (Hà Nội, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Tây Ninh, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… ) đã ban hành quy chế quản lý di tích trên địa bàn để xác định rõ trách nhiệm quản lý – trông nom di tích nên đã hạn chế được việc phân cấp thiếu rõ ràng dẫn đến việc buông lỏng quản lý và đùn đẩy trách nhiệm khi di tích bị vi phạm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH ngày 27/8/2014 chỉ đạo các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý di tích theo hướng:

- Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

- Kiện toàn bộ máy quản lý – trông nom ở các di tích không để xảy ra tình trạng di tích được xếp hạng nhưng không xác định rõ tổ chức, cá nhân được giao quyền bảo vệ, chăm sóc, trông nom trực tiếp di tích. Nhân sự của Ban/Tổ bảo vệ này cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với đại diện cộng đồng, dòng họ và Hội Phật giáo…

Nhìn chung, việc phân cấp quản lý di tích đang ngày càng cụ thể, rõ ràng, giảm bớt nhiều sự trồng chéo nên việc bảo vệ trông nom di tích ngày một tốt hơn, các vụ việc nổi cộm ở di tích giảm hẳn so với các năm trước.

2. Về vấn đề di tích bị xâm hại, lấn chiếm, xuống cấp, thiếu kinh phí để sửa chữa, tu bổ:

Hiện nay, cả nước có gần 4.000 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Để thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, trong đó có dự án  hỗ trợ các di tích quốc gia bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ chương trình còn rất hạn chế (từ năm 2012-2015 là 315 tỷ đồng) dẫn đến việc thực hiện chống xuống cấp các di tích quốc gia trên phạm vi cả nước rất khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh/thành còn lúng túng, thiếu tính đồng bộ, các nội dung cần lồng ghép như việc đầu tư hạ tầng xung quanh khu vực của di tích chưa được chú trọng. Công tác huy động xã hội hóa ở một số địa phương còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp di tích cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

3. Đối với công tác kiểm định chất lượng, gia cố, tu bổ, các di tích một cách tổng thể để đảm bảo an toàn, giá trị và công năng sử dụng công trình.

Để tăng cường công tác kiểm định chất lượng các dự án tu bổ tôn tạo di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Theo đó, quy định nguyên tắc trong hoạt động thiết kế, tu bổ di tích, điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề khi tham gia lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích và thi công tu bổ di tích.

4. Đối với việc tu bổ di tích Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và di tích Ga Đà Lạt:

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ kinh phí 2,5 tỷ đồng để thực hiện chống xuống cấp di tích Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và 500 triệu đồng đối với di tích Ga Đà Lạt. Kinh phí của chương trình chỉ hỗ trợ hạng mục di tích gốc, ngoài ra địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động vốn hợp pháp khác để thực hiện.

Ngày 20/01/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 215/BVHTTDL-DSVH thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (bao gồm các hạng mục: tu bổ, tôn tạo, nhà ga, nhà kho, nhà sửa chữa đầu máy, nhà sửa chữa toa tàu, nhà nghỉ nhân viên, nhà vệ sinh công cộng; tôn tạo cổng chính, tường rào, vườn hoa cây cảnh).

Đối với việc phối hợp kiểm định chất lượng, gia cố tu bổ di tích cấp quốc gia: Tại Điều 19 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định nội dung dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có: “Báo cáo khảo sát chi tiết về các vấn đề lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, quá trình xây dựng, tu bổ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng di tích; đánh giá tình trạng kỹ thuật, tình hình quản lý, sử dụng di tích và các kết quả khảo sát theo quy định của Luật Xây dựng”. Như vậy, pháp luật về di sản văn hóa đã quy định cụ thể việc kiểm định chất lượng, đề xuất giải pháp gia cố, tu bổ di tích là những việc cơ quan tư vấn phải làm trong quá trình lập hồ sơ dự án tu bổ di tích.

Về việc hỗ trợ kinh phí đối với các di tích trong giai đoạn tới, trên cơ sở kế hoạch hàng năm và nhu cầu của địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, tổng hợp việc bố trí kinh phí từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đối với các dự án trên.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×