Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Về quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, phòng thu âm nhạc trên nền nhạc karaoke, vũ trường, nhạc sống

23/03/2018 | 08:30

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 07/BDN ngày 05/01/2018, nội dung kiến nghị như sau:

1. "Thời gian qua, hoạt động trò chơi điện tử (phổ biến nhất là máy bắn cá) phát sinh những biểu hiện thiếu lành mạnh, lợi dụng để đánh bạc hoặc có thưởng không đúng quy định pháp luật, gây bức xúc, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử. Theo đó, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện dán tem, nhãn kiểm soát đối với toàn bộ máy trò chơi điện tử sản xuất trong nước và nhập khẩu. Quy định thiếu căn cứ pháp lý của Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 gây khó khăn, bất cập trong việc quản lý hoạt động trò chơi điện tử hiện nay ở địa phương. Cụ thể để hợp thức hóa việc lợi dụng trò chơi điện tử này để đánh bạc, trả thưởng trái pháp luật, nhiều cơ sơ kinh doanh trò chơi điện tử đã đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin phép được dán tem theo yêu cầu tại Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016. Tuy nhiên, theo quy định khoản 3 điều 8, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 28/2014/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ thực hiện việc kiểm tra hoặc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với hàng hóa (trong đó bao gồm máy trò chơi điện tử) do thương nhân thuộc địa phương nhập khẩu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với máy trò chơi điện tử sản xuất hoặc lắp ráp trong nước (kể cả quy định về hình thức xử phạt đối với máy trò chơi điện tử không có dán tem, nhãn sản xuất, lưu hành). Mặt khác, văn bản pháp quy về việc quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử ban hành trước đây là Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT ngày 28/4/2000 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến nay không còn phù hợp để điều chỉnh, quản lý loại hình hoạt động này. Từ tình hình trên, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bãi bỏ Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT và xem xét lại một phần nội dung của Công văn số 96/BVHTTDL –KHTC ngày 13/01/2016, đồng thời kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử thống nhất trong cả nước ” (câu số 3).

2. “Về hoạt động kinh doanh “Phòng thu âm trên nền nhạc karaoke”, đây là một hình thức biến tướng của hoạt động kinh doanh karaoke khi cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, đến nay chưa có văn bản quy phạm điều chỉnh” (câu số 4).

3. "Về hoạt động kinh doanh “quán bar”, hiện nay, hoạt động kinh doanh quán bar có hình thức như hoạt động kinh doanh vũ trường, bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để tổ chức hoạt động kinh doanh vũ trường” (câu số 5).

4. "Hoạt động “nhạc sống”, hiện nay, tình hình hoạt động của các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê “dàn nhạc sống, karaoke di động” đang phát triển rất mạnh, bên cạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân hiện đang có chiều hướng diễn biến phức tạp... Đề nghị ban hành văn bản quản lý hoạt động mới phát sinh này'' (câu số 6).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung kiến nghị của cử tri:

1. Về đề nghị bãi bỏ Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT và xem xét lại một phần nội dung của Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC, đồng thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử thống nhất trong cả nước.

Trước đây, hoạt động kinh doanh “cờ bạc trá hình” núp bóng kinh doanh trò chơi điện tử, phổ biến nhất là dưới dạng “máy bắn cá” xảy ra rất phức tạp, nhiều điểm “nóng” ở các địa phương gây mất trật tự an ninh xã hội.

Thực hiện Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến nay máy trò chơi điện tử nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ thông qua việc thẩm định, dán tem của cơ quan văn hóa trước khi được phép đưa vào kinh doanh. Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, phần lớn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu, mua bán trang thiết bị, dán tem kiểm soát nội dung trò chơi và có thể lệ chơi niêm yết công khai theo quy định, khắc phục được cơ bản tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử xảy ra trước đây, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước (văn hóa, hải quan, thị trường...) cũng được tăng cường hơn, do đó nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các địa phương đối với quy định quy trình quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa nhạy cảm, nhiều khả năng biến tướng thành “cờ bạc” này.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các loại máy mới chủ yếu do Trung Quốc sản xuất ra ngày càng đa dạng, dễ sử dụng dễ biến tướng vào hoạt động cờ bạc, cá cược trá hình một cách tinh vi và có cách thức chơi tương tự như các loại máy trò chơi điện tử có thưởng thuộc đối tượng quy định của Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (như máy Rolex, Slot, Baccarat...). Trong khi một số Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chưa nắm vững nghiệp vụ do không theo kịp được sự phát triển, thay đổi công nghệ của loại máy trò chơi điện tử này, nhất là chưa hiểu thống nhất, đồng bộ các từ quy định của pháp luật chuyên ngành về kinh doanh trò chơi điện tử đến đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, cam kết quốc tế... dẫn đến không quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh này trên địa bàn (nhất là ở các tỉnh vùng sâu xa, biên giới...).

Trước tình hình đó và lường trước được nguy cơ biến tướng phát sinh phức tạp của các loại máy này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời hướng dẫn các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành tại Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016. Đây là văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thống nhất nghiệp vụ cho các cơ quan văn hóa địa phương về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử (không phải văn bản quy phạm pháp luật). Theo đó, giúp các địa phương xác định và phân biệt được loại hình máy trò chơi điện tử vui chơi giải trí lành mạnh thông thường và loại máy trò chơi điện tử mang tính may rủi không được phép kinh doanh (khác với loại máy của các cơ sở lưu trú đủ điều kiện kinh doanh dành cho người nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài). Nếu phát hiện có dấu hiệu hoặc người chơi/tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử lợi dụng vui chơi trò chơi điện tử để đánh bạc trá hình thì cơ quan văn hóa phải thông báo kịp thời chuyển cho cơ quan công an và cấp có thẩm quyền chỉ đạo, xem xét giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Thời gian tới, để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có nói chung, máy trò chơi điện tử nói riêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy định pháp luật, vướng mắc, bất cập thời gian qua để xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử, trong đó dự kiến quy định toàn bộ hoạt động kinh doanh ngành nghề này, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan nói chung và các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đối với việc nhập khẩu, sản xuất máy/chương trình trò chơi điện tử nói riêng theo đúng Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử để thực hiện Luật Đầu tư, đối với máy hoặc phần mềm trò chơi điện tử sản xuất trong nước, doanh nghiệp tiếp tục được quyền yêu cầu các cơ quan văn hóa địa phương thẩm định theo đúng quy định tại Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT ngày 28/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, đảm bảo cơ quan văn hóa chỉ phê duyệt các máy móc, thiết bị có nội dung vui chơi giải trí lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư số 28/2014/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chuẩn bị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến kế hoạch sớm làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An để nắm bắt, trao đổi những vướng mắc khó khăn trong thực thi pháp luật thời gian qua, đồng thời tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến quán triệt chính sách về quy trình thủ tục đối với nhập khẩu, sản xuất máy trò chơi điện tử, về quy định pháp luật thương mại, hải quan, thanh kiểm tra, xử phạt... để các cán bộ nắm rõ được toàn diện các chính sách có liên quan, từ đó thực hiện quản lý nhà nước, tham mưu được hiệu quả, chất lượng, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, an ninh trật tự ổn định tại địa phương.

2. Về đề nghị có văn bản quy phạm điều chỉnh hoạt động kinh doanh ‘‘Phòng thu âm trên nền nhạc karaoke”

Tại Điều 2 Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ, phần thu âm được giải thích là phòng thu nhạc và lời, điều này được hiểu, các phòng thu âm này phải có ban nhạc, dụng cụ hòa âm phối khí. Tuy nhiên, hầu hết các phòng thu hiện nay chỉ sử dựng nhạc hát trên nền bản phối karaoke. Đối với hoạt động trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu để bổ sung quy định chi tiết hoạt động kinh doanh karaoke, trong đó có nội dung quy định chi tiết các hoạt động nêu trên.

3. Về việc hoạt động kinh doanh “quán bar” hiện nay, có hình thức như hoạt động kinh doanh vũ trường

Hoạt động kinh doanh “quán bar” do cơ quan quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư quản lý và cấp phép hoạt động.

Để quản lý hoạt động biến tướng như vũ trường tại các quán bar, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng kết thực tiễn việc thực hiện Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ, qua đó sẽ đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, theo đó sẽ phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra các biện pháp để quản lý đối với hoạt động biến tướng phát sinh này.

4. Về đề nghị ban hành văn bản quản lý hoạt động “nhạc sống”, tình hình hoạt động của các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê “dàn nhạc sống, karaoke di động”...

Hoạt động kinh doanh karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện, đã được Quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

Các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê “dàn nhạc sống, karaoke di động” không thuộc hoạt động kinh doanh karaoke. Để tăng cường công tác quản lý đối với loại hình hoạt động này cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành liên quan để đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./. 

Cổng TTĐT


 


 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×