Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trách nhiệm của Bộ trong việc Chùa Dơi ở Sóc Trăng bị xâm hại

09/07/2014 | 07:00

Trách nhiệm của Bộ trong việc chậm trễ xử lý những vi phạm di tích hùa Wathserâytêchô Mahatup - chùa Mã Tộc, hay Chùa Dơi? Quan điểm của Bộ trưởng về dự án du lịch của Công ty Satraco. (ĐBQH Trần Khắc Tâm - Sóc Trăng)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tại Giấy ghi chất vấn số 174/SYCV-KH5 ngày 14/6/2013, nội dung như sau:

Từ tháng 01/2013 đến tháng 02/2013, các cơ quan thông tấn báo chí thông tin di tích Chùa Wathserâytêchô Mahatup - chùa Mã Tộc, hay Chùa Dơi bị xâm hại. Đây là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ và thuộc vào hàng các ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng, từng được xếp hạng Di tích nghệ thuật quốc gia. Và đây được Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chọn là 7 điểm dừng chân tiêu biểu của vùng; trở thành niềm tự hào không riêng gì của người dân Sóc Trăng. Nhắc đến Chùa Dơi, người dân cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long rất tự hào bởi chùa có kiến trúc đặc trưng riêng của Nam Bộ. Năm 1999, Chùa Dơi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng chưa phân vùng bảo vệ đúng theo quy định của Bộ. Khi báo chí phản ánh, Bộ đề nghị tỉnh lập lại hồ sơ phân vùng để bảo vệ sau 14 năm bị lãng quên. Xin Bộ trưởng cho biết, ai phải chịu trách nhiệm việc chậm trễ đáng tiếc này?

- Tại Điều 4, những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa của Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ:

1. Những hành vi làm sai lệch di tích:

a) Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích;

b) Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích, không được làm sai lệch di tích, làm thay đổi môi trường cảnh quan, ảnh hưởng xấu đến di tích…”

Thế nhưng, ngày 28/12/2011, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Satraco thực hiện dự án du lịch không xin ý kiến Bộ Văn hóa và chưa có đánh giá tác động môi trường. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về hành vi trên?  

- Khi báo chí phản ánh, Bộ có cử đoàn công tác đến kiểm tra nhưng đến nay, cử tri vẫn chưa biết quan điểm của Bộ. Bộ “lắp vá” chính quyền địa phương bằng cách lập lại thủ tục xác định phân vùng cần bảo vệ, địa phương xin ý kiến dự án. Cử tri cho rằng, Bộ chưa xem xét hết trách nhiệm. Trong khi cần có quan điểm rõ ràng cán bộ liên quan, việc thực hiện dự án thì Bộ kiểm tra rồi im lặng hướng dẫn làm lại thủ tục từ đầu. Việc làm trên gây bức xúc dư luận. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào? Quan điểm của Bộ trưởng về dự án trên.


Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Chùa Dơi được xếp hạng di tích quốc gia năm 1999 theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh năm 1984. Pháp lệnh quy định căn cứ vào tình hình thực tế, di tích có từ một tới ba khu vực bảo vệ. Vào thời điểm lập hồ sơ, tỉnh Sóc Trăng xác định Chùa Dơi có một khu vực bảo vệ, điều này không có gì trái với quy định của Pháp lệnh. Theo quy định của Pháp lệnh trước đây cũng như Luật di sản văn hóa hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn trong việc lập hồ sơ di tích quốc gia Chùa Dơi, trong đó có việc khoanh vùng bảo vệ di tích này.

2. Khu đất phía trước Chùa Dơi trước đây là nơi người dân che lều buôn bán, xe lôi, xe ôm, ăn xin chèo kéo, đeo bám khách, hộ dân thuê nuôi cá, chăn thả gia súc gây mất thẩm mỹ. Vì vậy, thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã cho chủ trương đầu tư khu dịch vụ để giải quyết những bất cập nêu trên (nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích) là cần thiết, góp phần cải tạo môi trường cảnh quan phía trước di tích Chùa Dơi, tạo điều kiện phục vụ du khách đến tham quan di tích và phù hợp với thực tế tại di tích. Tuy nhiên, việc này cần triển khai theo quy hoạch với sự tham góp của các ngành có liên quan. Việc tổ chức dịch vụ gì tại khu vực gần di tích tôn giáo, tín ngưỡng cần tính toán, lựa chọn phù hợp với tính chất của di tích.

3. Sau hai lần Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra di tích đầu năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự án tu bổ di tích Chùa Dơi với những nội dung: Quy hoạch tổng mặt bằng; hoạch định các khu vực bảo vệ di tích; tôn tạo sân vườn, xây dựng hạ tầng, xác định tính chất dịch vụ và quy hoạch khai thác dịch vụ. Lưu ý cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cộng đồng địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại di tích Chùa Dơi.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×