Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ về cơ chế, chính sách cho sự nghiệp gia đình

05/09/2018 | 09:57

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 251/BDN ngày 15/6/2018, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh: Thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình, những năm qua Phú Thọ đã triển khai đồng bộ công tác thi hành Luật tại các cấp, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình...Để thực hiện công tác thi hành Luật bên cạnh các nguồn lực khác, kinh phí đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp tỉnh và huyện còn rất hạn chế, cấp xã chưa được bố trí kinh phí. Nhằm giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng khu dân cư, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại các địa bàn, đề nghị thống nhất cơ chế, chính sách, quy định chung nguồn kinh phí chi hàng năm cho sự nghiệp gia đình; xem xét nâng mức hỗ trợ cho các địa phương (Câu số 18).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số: 3439/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3 Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính Quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước thì kinh phí đầu tư cho sự nghiệp gia đình (ký hiệu khoản 141) thuộc loại y tế, dân số, gia đình (ký hiệu loại 130) bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên. Phòng, chống bạo lực gia đình nằm trong nhiệm vụ của công tác gia đình. Vì vậy, kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Ngoài quy định nêu trên, một số nội dung chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập và Hướng dẫn số 355/BTC-HCSN ngày 10/01/2017 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình.

Hiện nay, kinh phí đầu tư cho sự nghiệp gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Không chỉ tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn trong xây dựng dự toán và bảo vệ kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp khó khăn tương tự.

Để có số liệu cụ thể về tình hình đầu tư kinh phí cho sự nghiệp gia đình (trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1236/QĐ-BVHTTDL ngày 10/4/2018 ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Công văn số 2070/BVHTTDL-GĐ ngày 16/5/2018 hướng dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gửi Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp tình hình đầu tư kinh phí cho sự nghiệp gia đình trên toàn quốc từ năm 2008 đến nay. Kết quả rà soát là cơ sở để hai Bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục có giải pháp đầu tư kinh phí cho sự nghiệp gia đình trên toàn quốc, đảm bảo kinh phí để triển khai nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Trên tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ và sẽ chuyển ý kiến của cử tri đến Bộ Tài chính tiếp nhận giải quyết.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ để trả lời cử tri./.

Cổng TTĐT

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×