Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận về công tác quản lý hoạt động du lịch

04/09/2018 | 11:05

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 251/BDN ngày 15/6/2018, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh hiện nay tình trạng tour du lịch không đồng cho khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Cử tri cho rằng, mô hình kinh doanh trên không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Cử tri kiến nghị tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý trong hoạt động du lịch, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên (Câu số 1).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn Số: 3438/B VHTTDL-VP ngày 02/8/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Tour giá rẻ hay còn gọi là tour “0 đồng” là loại tour du lịch trong đó có giá cạnh tranh thấp để thu hút khách. Tour du lịch loại này có cơ cấu chi phí gồm 2 phần chính:

- Chi cố định cho tour du lịch bao gồm: Vé máy bay, ăn uống, lưu trú, đi lại, hướng dẫn viên...

- Chi khác ngoài tour chủ yếu gồm: Mua sắm...

Gần đây tour du lịch loại này xuất hiện nhiều ở các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... và gắn với thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Về mặt tích cực: Khách du lịch theo tour giá rẻ đều phải chi cho các dịch vụ cơ bản: ăn, ở, ngủ, nghỉ, tham quan, qua đó mang lại thu nhập, việc làm cho các cơ sở dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Về mặt tiêu cực: Do cạnh tranh hạ giá tour quá mức nên các công ty lữ hành tập trung vào tăng thu từ mua sắm; có hiện tượng các hãng lữ hành cấu kết với hướng dẫn viên và hệ thống cửa hàng mua sắm chuyên biệt (chỉ bán cho khách đi tour này, không bán cho khách khác với giá cao, không kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa...) điều này dẫn tới việc khách bị cắt giảm chương trình, bị ép mua hàng giá cao gấp nhiều lần, có dấu hiệu bị lừa đảo, làm méo mó hình ảnh của điểm đến du lịch và nhà nước không thu được thuế...

Để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động du lịch, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành chui, kiểm soát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường kiểm soát đối với hệ thống cửa hàng, trung tâm mua sắm chuyên phục vụ khách du lịch đi tour loại này (siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ; trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài...)

- Chỉ đạo UBND các tỉnh/thành nâng cao trách nhiệm quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thuyết minh tại điểm đến để giảm tải việc thiếu hụt hướng dẫn viên tại các điểm đến.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận để trả lời cử tri./.


Cổng TTĐT

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×