Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời cử tri tỉnh Tiền Giang về khắc phục trang phục biểu diễn phản cảm và ngăn chặn hướng dẫn viên hành nghề chui

09/05/2018 | 08:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện chuyển đến, nội dung các kiến nghị như sau:

1. Cử tri cho rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là kênh truyền hình, các ca sĩ, diễn viên vẫn còn sử dụng các trang phục biểu diễn phản cảm; nội dung các bộ phim Việt Nam có nhiều cảnh nhạy cảm... không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt Nam. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này để bảo tồn bản sắc dân tộc, tránh các ảnh hưởng tiêu cực từ việc hội nhập quốc tế (Công văn số 401/BDN ngày 07/12/2016).

2. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có biện pháp thắt chặt quản lý, xử lý và ngăn chặn tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hành nghề chui tại các địa điểm du lịch của Việt Nam, tránh để các đối tượng thù địch lợi dụng việc bất đồng ngôn ngữ để xuyên tạc, bóp méo lịch sử, chính trị, văn hóa của nước ta (Công văn số 415/BDN ngày 15/6/2017).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1406/BVHTTDL-VP ngày 06/4/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Nội dung các kiến nghị trên của cử tri tỉnh Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời tại Công văn số 435/BVHTTDL-VP ngày 14/02/2017 (nội dung kiến nghị số 01) và Công văn số 3449/BVHTTDL-VP ngày 15/8/2017 (nội dung kiến nghị số 02). Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật kết quả và giải trình, thông tin lại với cử tri như sau:

1. Về đề nghị khắc phục tình trạng các ca sĩ, diễn viên vẫn còn sử dụng các trang phục biểu diễn phản cảm; nội dung các bộ phim Việt Nam có nhiều cảnh nhạy cảm... không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt Nam.

Việc quản lý đối với các chương trình nghệ thuật biểu diễn trên truyền hình hiện nay có sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối với các chương trình ghi hình, phát sóng, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều biện pháp chấn chỉnh các Đài Truyền hình về mặt nội dung trong hoạt động này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao quản lý đối với các chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp trước khán giả, trong đó có các chương trình do các cơ quan phát thanh, truyền hình tổ chức.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành văn hóa tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kịp thời chấn chỉnh những bất cập và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Ngày 22/02/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 634/BVHTTDL-NTBD, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh/thành đề nghị tăng cường công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, dự kiến trình Chính phủ năm 2019.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ chỉ đạo đơn vị liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc nhập khẩu, phổ biến, lưu chiểu, lưu trữ phim theo quy định; Hướng dẫn, kiểm tra việc phổ biến phim trên hệ thống rạp, chiếu phim lưu động và kịp thời có ý kiến đối với tác phẩm điện ảnh phát trên truyền hình nhưng không tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động điện ảnh; kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động điện ảnh; kiến nghị xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về phổ biến phim.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, một số hành vi như tổ chức các chương trình có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam sẽ bị xử lý phạt tiền ở mức cao hơn và đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 03 đến 06 tháng. Việc bổ sung các chế tài xử lý vi phạm này là biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

2. Về đề nghị có biện pháp thắt chặt quản lý, xử lý và ngăn chặn tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hành nghề chui .

Để thắt chặt quản lý, xử lý và ngăn chặn tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hành nghề chui tại các địa điểm du lịch của Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua năm 2017, cụ thể:

Tại Khoản 3, Điều 58, Chương VI, Luật Du lịch năm 2017 đã quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:

- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch.

- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp dịch vụ cung cấp hướng dẫn viên du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn viên du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa.

- Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Tại Khoản 1, Điều 59, Chương VI, Luật Du lịch năm 2017 đã quy định điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa bao gồm:

- Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam.

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy.

- Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa.

Tại Khoản 1, Điều 64, Chương VI, Luật Du lịch năm 2017 đã quy định thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch trong trường hợp hướng dẫn viên du lịch có một trong các hành vi sau:  

- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh.

- Cho cá nhân khác sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch để hành nghề.

- Không đảm bảo điều kiện hành nghề, điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017.

- Giả mạo hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành một loạt các công văn chỉ đạo điều hành nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn trên toàn quốc.

Song song với công tác chỉ đạo, điều hành trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng vào công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch nói chung; và quản lý hoạt động hướng dẫn nói riêng, cụ thể:

- Thực hiện chủ trương phát triển chính phủ điện tử, hiện đại hóa nền hành chính công của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp phần mềm quản lý hướng dẫn viên trên trang web http://huongdanvien.vn. Trang web này giúp Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành trong công tác cấp thẻ, quản lý đội ngũ hướng dẫn viên trên, kiểm soát và hạn chế tình trạng người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Đồng thời, đây cũng là trang web công bố chính thức danh sách các hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và các độc giả có nhu cầu tìm hiểu nắm bắt được chính xác về số lượng, thông tin của hướng dẫn viên, góp phần quan trọng trong định hướng lựa chọn dịch vụ hướng dẫn của doanh nghiệp, nhân dân và du khách quốc tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành và hướng dẫn phục vụ khách du lịch.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, phối hợp liên ngành và với các địa phương nắm tình hình, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, việc sử dụng hướng dẫn viên của các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương, đặc biệt tại các địa bàn du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Quảng Ninh. Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh... góp phần ổn định môi trường kinh doanh du lịch và định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác cấp thẻ hướng dẫn viên, công tác đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hoạt động hướng dẫn tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Bắc nhằm kiểm soát chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên được cấp thẻ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành và hướng dẫn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang để thông tin lại với cử tri./.

Cổng TTĐT

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×