Trả lời cử tri tỉnh Ninh Bình về quy định mức tổ chức lễ hội
09/05/2018 | 08:30Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 6937/VPCP-QHĐP ngày 05/7/2017 nội dung kiến nghị như sau:
Tình trạng lãng phí trong việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Cử tri tiếp tục đề nghị Nhà nước cần xem xét và có quy định cụ thể về mức tổ chức lễ hội.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1402/BVHTTDL-VP ngày 06/4/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:
Nội dung kiến nghị trên của cử tri tỉnh Ninh Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời tại Công văn số 3333/BVHTTDL-VP ngày 07/8/2017. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật kết quả và giải trình, thông tin lại với cử tri như sau:
Nhằm tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản:
- Công văn số 5635/BVHTTDL-VHCS ngày 29/12/2017 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
- Công văn số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12/02/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
- Công văn số 669/BVHTTDL-VHCS ngày 27/02/2018 về việc triển khai thực hiện Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 623/KH-BVHTTDL ngày 12/02/2018 phân công nhiệm vụ về công tác quản lý hoạt động lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018, trong đó có nội dung: chỉ đạo, phân công các đồng chí Thứ trưởng phụ trách, theo dõi, chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với các địa phương trọng điểm, tổ chức các lễ hội lớn; giao cho 01 đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo trực tiếp công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018. Đồng thời phân công các Cục, Vụ liên quan các nhiệm vụ cụ thể để mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 được diễn ra an toàn, thiết thực, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị di sản văn hóa của nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, các đơn vị liên quan của Bộ đã tổ chức các đoàn công tác tới các điểm nóng để làm việc, đối thoại với Ban tổ chức lễ hội và người dân như Đền Sóc (Hà Nội). Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), Lễ hội Đúc Bụt (Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc), Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc), chọi trâu và cướp phết (Phú Thọ) và đề nghị các địa phương, Ban tổ chức các lễ hội phải cam kết thực hiện các giải pháp đối với các hiện tượng phản cảm, hạn chế đã diễn ra ở từng lễ hội năm 2017.
Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước trong đầu Xuân Mậu Tuất năm 2018 đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội để trực tiếp quản lý các hoạt động trong thời gian lễ hội diễn ra; chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình lễ hội để phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Tổ chức; thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích thực hiện tốt. Hầu hết các lễ hội được tổ chức như: Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (Hà Nội), Lễ hội chùa Bái Đính năm 2018 (Ninh Bình), Hội Cổ Loa (Hà Nội), Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2018 (Hà Nam)... diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm: Hội chọi trâu Phù Ninh, Hội chọi trâu ở Hải Lựu được tổ chức an toàn; Ban tổ chức lễ hội không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Bên cạnh đó, các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ.
Để có cơ sở pháp lý cao hơn trong quản lý và hoạt động lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng xong dự thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội. Ngày 08/02/2018 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình số 36/TTr-BVHTTDL trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình để thông tin lại với cử tri./.
Cổng TTĐT