Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời cử tri tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

12/04/2018 | 08:30

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 208/BDN ngày 26/6/2015, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế hỗ trợ, tăng ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bảo tồn, nhân rộng, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1393/BVHTTDL-VP ngày 06/4/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Nội dung kiến nghị trên của cử tri tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời tại Công văn số 3732/BVHTTDL-VP ngày 08/9/2015. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật kết quả và giải trình, thông tin lại với cử tri như sau:

1. Về đề nghị ban hành các cơ chế hỗ trợ, tăng ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa giai đoạn 2012-2015 đã kết thúc. Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Văn hóa giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 02 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Để tránh trùng lắp và đầu tư tập trung nhằm thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới thì Dự án tăng cường hỗ trợ thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được chuyển sang Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để thực hiện (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Chương trình này).

Đồng thời, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (đặc biệt các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nội dung dự án này vào trong Chương trình mục tiêu phát triển Văn hóa giai đoạn 2016-2020. Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Văn hóa giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung nhiệm vụ sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

2. Về đề nghị bảo tồn, nhân rộng, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

- Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung tổ chức liên hoan cồng chiêng hàng năm, mở chuyên mục dạy cồng chiêng trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh, biên soạn và đưa giáo trình giảng dạy cồng chiêng vào chương trình phổ thông của các tỉnh và chương trình trung cấp, đại học của Học viện Âm nhạc Huế. Triển khai Chương trình Hành động quốc gia bảo vệ di sản Cồng chiêng Tây Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện các công việc: Điều tra, sưu tầm về Nghệ thuật đúc và chỉnh cồng chiêng tại Quảng Nam; điều tra, sưu tầm, nghiên cứu Lễ hội ăn trâu mừng chiến thắng của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; điều tra di sản cồng chiêng trên địa bàn huyện Chư Păh (Gia Lai), huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), huyện Đắk Hà (Kom Tum); thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ nghệ nhân Cồng chiêng Tây Nguyên; tổ chức các khóa học chỉnh chiêng và trình diễn múa xoang, trình diễn cồng chiêng tại hai trường văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, Gia Lai cho thanh thiếu niên; tổ chức Festival Nghệ nhân chỉnh chiêng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp sản xuất 01 bộ phim quảng bá cồng chiêng Tây Nguyên song ngữ Pháp - Việt và xuất bản một số đầu sách giới thiệu về cồng chiêng Tây Nguyên; tổ chức tổng kết 10 năm (2016) triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

- Tính đến năm 2016; tỉnh Đắk Nông đã phục dựng được 60 lễ hội truyền thống có thực hành cồng chiêng và sưu tầm, phục hồi 60 bài chiêng cổ; tỉnh Đắk Lắk phục dựng trên 16 lễ hội với 330 đội cồng chiêng trẻ tuổi và bảo tồn 01 buôn cố của dân tộc M’nông; tỉnh Gia Lai phục dựng được 03 lễ hội truyền thống; tỉnh Kon Tum phục dựng 41 lễ hội truyền thống có thực hành cồng chiêng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để thông tin lại với cử tri./.

Cổng TTĐT
 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×