Trả lời cử tri thành phố Hồ Chí Minh về chọn quốc phục và quy định ý thức nơi tôn nghiêm
14/05/2018 | 08:30Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện chuyển đến nội dung các kiến nghị như sau:
1. Cử tri đề nghị chọn “áo dài, khăn đóng" là quốc phục vì phù hợp với người Việt Nam, cũng như với tập quán, phong tục của dân tộc; các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên mặc áo dài khăn đóng trong các buổi lễ quan trọng, hay khi tiếp các đoàn khách quốc tế, bởi nó thể hiện đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam (Công văn số 215/BDN ngày 26/6/2014).
2. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm ban hành những quy định cụ thể về ý thức văn minh lịch sự tại các nơi tôn nghiêm, trang trọng như: đền, chùa, nhà thờ...; đồng thời, có các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm (Công văn số 401/BDN ngày 07/12/2016).
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1407/BVHTTDL-VP ngày 06/4/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:
Nội dung các kiến nghị trên của cử tri thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời tại Công văn số 2867/BVHTTDL-VP ngày 25/8/2014 (nội dung kiến nghị số 01) và Công văn số 443/ BVHTTDL -VP ngày 14/02/2017 (nội dung kiến nghị số 02). Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật kết quả và giải trình, thông tin lại với cử tri như sau:
1. Về đề nghị sớm ban hành quy định lễ phục của dân tộc
Vấn đề lựa chọn quốc phục, lễ phục đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức lựa chọn thiết kế; sau nhiều lần tổ chức lựa chọn, thiết kế, hội thảo lấy ý kiến nhân dân, đa số đồng thuận chọn áo dài của nữ là quốc phục, lễ phục cho nữ giới.
Tuy nhiên, đối với bộ quần áo làm quốc phục, lễ phục của nam giới thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau.
Mặt khác, do pháp luật chưa quy định thẩm quyền phê duyệt quốc phục, lễ phục Việt Nam nên chưa có căn cứ để tiếp tục thực hiện.
2. Về đề nghị ban hành những quy định cụ thể về ý thức văn minh lịch sự tại các nơi tôn nghiêm, trang trọng.
Để có cơ sở pháp lý cao hơn trong quản lý và hoạt động lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội và có Tờ trình số 36/TTr-BVHTTDL ngày 08/02/2018 trình Chính phủ xem xét, ban hành. Trong dự thảo Nghị định có quy định trách nhiệm của người tham gia lễ hội phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hoá trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; không thực hiện việc đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội và không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh để thông tin lại với cử tri./.
Cổng TTĐT