Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng bá và xúc tiến du lịch có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm vùng miền

24/03/2014 | 16:05

Đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch với các giải pháp cụ thể nào của Bộ để  phối hợp với các địa phương quảng bá và xúc tiến du lịch có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm vùng miền? (Vì thời gian qua do chưa có giải pháp tổng thể của Quốc gia nên lĩnh vực này phát triển không đồng bộ và thiếu hiệu quả, chưa phát huy được tiềm lực du lịch của các địa phương). (ĐBQH Trần Hồng Thắm - Cần Thơ)

Đó là nội dung câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Thắm - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ (tại Giấy ghi chất vấn số 97/SYCV-KH5 ngày 3/6/2013).

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 đã xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và 2020, cụ thể: Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong khu vực. Năm 2015, Việt Nam sẽ thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 35-37 triệu lượt khách nội địa.

Để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ phê quyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013. Theo đó, tổ chức không gian du lịch cả nước gồm 7 vùng (vùng Trung du miền núi Bắc bộ; Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; Vùng Bắc Trung Bộ; Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển các vùng và tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ chế phối kết hợp liên vùng, liên ngành: Khuyến khích liên kết trong vùng, liên vùng trong thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu du lịch; xây dựng và phát huy các cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, các cơ chế về hỗ trợ giá giữa các ngành liên quan.

Những Năm du lịch quốc gia được Bộ chỉ đạo các địa phương theo hướng vùng miền, với sản phẩm tiêu biểu của vùng, liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch vùng, với chủ đề ấn tượng đã mang lại hiệu quả nhất định. Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 và chủ đề “Du lịch biển đảo”; Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ-Huế 2012 với chủ đề “Du lịch Di sản”; Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng”.

Riêng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long miền đất nhiều tiềm năng du lịch phong phú, với những sản phẩm du lịch đa dạng như: Du lịch sông nước-miệt vườn, du lịch di sản... Ngay từ năm 2008, Bộ đã chỉ đạo tổ chức Năm du lịch quốc gia Mekong Cần Thơ - 2008 với tên gọi “Miệt vườn sông nước Cửu Long”. Ngày 09/3/2010 Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Mục tiêu chung là phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của vùng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và mở ra khả năng kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, liên vùng, liên quốc gia tạo ra những chương trình du lịch hấp dẫn... để xây dựng thương hiệu du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Đây là Đề án du lịch vùng đầu tiên được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai. Tháng 3/2013 Đoàn công tác của Bộ do Bộ trưởng dẫn đầu đã khảo sát và làm việc với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam và các tỉnh trong vùng rà soát, xây dựng chương trình, kế hoạch liên kết phát triển sản phẩm đặc trưng vùng, quảng bá, xúc tiến du lịch có kết quả cụ thể đến năm 2015.

Xin cám ơn và chúc Đại biểu mạnh khỏe!

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×