Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức trẻ em

24/08/2014 | 16:35

Phối hợp với ngành giáo dục như thế nào góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (ĐBQH Trần Hồng Thắm)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Thắm - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại Giấy ghi chất vấn số 97/SYCV-KH5 ngày 03/6/2013, nội dung như sau:

Đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch với các giải pháp cụ thể nào của Bộ để thực hiện nội dung sau:

Phối hợp với ngành Giáo dục như thế nào để “đưa Di sản văn hóa vào trường học” nhằm tiếp tục góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII?

Trong các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa có lồng ghép nội dung và biện pháp chế tài cụ thể nhằm tích cực phối hợp với các nhà trường giáo dục đạo đức trẻ em?


Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về việc phối hợp với ngành Giáo dục để “đưa Di sản văn hóa vào trường học” nhằm tiếp tục góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để “đưa di sản văn hóa vào trường học”, cụ thể:

a) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”:

Từ năm học 2008-2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phát động và trực tiếp chỉ đạo Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ký kết Kế hoạch liên ngành triển khai Phong trào này (Từ năm 2010, Kế hoạch liên ngành còn có sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam).

- Trong Kế hoạch phối hợp liên ngành này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ: tạo điều kiện tốt nhất để “Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương”, cụ thể:

+ Bàn giao, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương để học sinh tham gia chăm sóc, tìm hiểu và phát huy giá trị  (Đến nay, đã có trên 7.000 di tích đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn giao và giới thiệu cho ngành Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ chăm sóc, phát huy).

+ Đẩy mạnh việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trường học (Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biên tập, giới thiệu giá trị các di sản văn hoá phi vật thể của địa phương (các làn điệu dân ca, nghệ thuật sân khấu truyền thống, trò chơi dân gian...) cho ngành Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, hướng dẫn giáo viên lồng ghép vào nội dung bài giảng các môn học hoặc chương trình ngoại khóa.

+ Phát huy tác dụng của hệ thống bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ ở địa phương đối với việc tạo cơ hội cho các đối tượng công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ, thực hiện học tập suốt đời (Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho các em học sinh đến tham quan học tập, thực hiện miễn giảm vé tham quan và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho các đối tượng học sinh trong dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5), ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), ngày Hội khai trường (5/9), ngày Di sản văn hóa Việt Nam - Ngày về nguồn (23/11); xây dựng các tủ sách cơ sở, đưa sách báo đến phục vụ học sinh các trường học trên địa bàn; các nhà văn hóa, câu lạc bộ tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với tuổi trẻ, trở thành điểm vui chơi giải trí tích cực cho các em…).

b) Ngày 16/01/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành “Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16 tháng 01 năm 2013 về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên”, cụ thể:

- Mục đích: sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh.

- Nội dung: các đơn vị Ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các đơn vị Ngành giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai các kế hoạch, hoạt động giới thiệu về văn hóa địa phương, dân ca, trò chơi dân gian, di tích, di sản tại địa phương, tổ chức dạy học di sản văn hóa tại bảo tàng.

- Công tác triển khai: đã tổ chức tập huấn thí điểm cho giáo viên 03 bộ môn Lịch sử, Địa lý và Âm nhạc của 7 tỉnh/thành: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Nam.

c) Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

- Nội dung chính của Đề án là Xây dựng cơ chế chỉ đạo liên ngành về giáo dục thông qua di sản văn hóa, củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ hướng dẫn viên để các nhà trường, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ tham gia tích cực vào việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời.

- Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2013.

2. Trong các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa có lồng ghép nội dung và biện pháp chế tài cụ thể nhằm tích cực phối hợp với các nhà trường giáo dục đạo đức trẻ em?

Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương, tại  Điều 4, Tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa” đã quy định một số nội dung chung và cụ thể có liên quan đến trẻ em như sau:

1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:

a) Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan;

b) Gia đình nề nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc  các giá trị văn hóa mới về gia đình...

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả:

a) Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;...”


Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới (Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011) đều quy định phải đảm bảo tỷ lệ thời gian phục vụ hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ cho trẻ em (đồng bằng 30%, miền núi 20%).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có trách nhiệm chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào, nội dung văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình (Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011).

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh



Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×