Hiệu quả sử dụng cụm công trình Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
24/03/2014 | 16:20Đề nghị Bộ trưởng cho biết về hiệu quả sử dụng cụm công trình Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam; việc khai thác và gắn kết công trình với các dân tộc Việt Nam sao cho công trình “sống” cùng đời sống văn hoá không chỉ trong các dịp lễ hội. (ĐBQH Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận)
Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Ngày 12/5/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 540/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015, trong đó xác định rõ lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện với mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành toàn bộ dự án.
Thực hiện chủ trương “để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng và thực hiện một Quy trình xây dựng Khu các làng dân tộc, trong đó quan điểm xuyên suốt và mang tính nguyên tắc là: Đồng bào dân tộc và địa phương được tham gia từ khâu thiết kế, thi công đến quá trình khai thác, vận hành.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan và sự nỗ lực phấn đấu của Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam, ngày 19/9/2010, Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được khai trương đúng tiến độ với việc hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và không gian văn hoá tiêu biểu của 54 dân tộc và bước vào khai thác, vận hành giai đoạn I, mở cửa đón du khách tham quan, du lịch.
Sau khi khai trương, Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được khai thác ngày càng có hiệu quả trên cơ sở gắn kết với hoạt động của đồng bào các dân tộc, là các chủ thể văn hoá. Hàng năm, Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các địa phương trong cả nước đón hàng ngàn lượt đồng bào các dân tộc về tham gia các hoạt động tại chính ngôi nhà của mình giữa lòng thủ đô Hà Nội. Tại đây, đồng bào đã thể hiện các nét sinh hoạt thường nhật, tái hiện các lễ hội dân gian và nghề thủ công truyền thống của dân tộc...
Khai thác lợi thế là “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, trong các năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tại đây nhiều sự kiện có ý nghĩa văn hoá-chính trị sâu sắc. Tất cả các sự kiện được tổ chức tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam đều có sự tham gia của đông đảo đồng bào các dân tộc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.
Trong những năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng và tổ chức thường niên 3 sự kiện văn hoá, du lịch để vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, vừa khai thác phục vụ khách du lịch, dần tạo thương hiệu, điểm nhấn cho hoạt động.
+ Vào dịp đầu năm mới hàng năm: Lễ hội “Sắc Xuân trên mọi miền của Tổ quốc” sẽ diễn ra các giao lưu giới thiệu nét văn hoá đặc sắc, truyền thống về ngày Tết của các dân tộc. Trong dịp này, Chủ tịch Nước chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
+ Vào dịp Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam -19/4 hằng năm: Các hoạt động giao lưu, văn hoá, du lịch sẽ được tổ chức với điểm nhấn là Chương trình “Bản sắc văn hoá Việt”.
+ Vào dịp từ 18-23/11 hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và Ngày Di sản văn hoá Việt Nam: Tổ chức tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” với chủ đề “Đại đoàn kết các dân tộc -Di sản văn hoá Việt”.
Ngoài việc tổ chức thành công các sự kiện văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động ngày càng phong phú, đi vào chiều sâu và phục vụ hơn 20 nghìn lượt khách thăm quan mỗi tháng.
Để hoạt động của Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam được ổn định, thường xuyên, không chỉ trong các dịp lễ hội và ngày càng đạt hiệu quả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Phối hợp tốt với các địa phương trong việc huy động đồng bào các dân tộc về tham gia các hoạt động tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp trong quản lý, khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc”, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với các Bộ, ngành và các địa phương trong hoạt động của Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
2. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành, sự phối hợp với các địa phương để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa văn hoá - chính trị, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.
3. Đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung nhằm tăng tính hấp dẫn của dự án và tạo quần thể đồng bộ, thực sự là một trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch và khu vui chơi giải trí thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
4. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo việc tăng cường công tác xã hội hoá, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước vào đầu tư phát triển, tạo nên một sản phẩm du lịch ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn, đáp ứng các dịch vụ du lịch và các nhu cầu khác của khách tham quan.
5. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch để giới thiệu hình ảnh Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhân dân trong nước và khách quốc tế.
Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện dự án không đáp ứng so với kế hoạch nên quá trình thực hiện còn gặp khó khăn. Cùng với việc tăng cường công tác xã hội hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kính đề nghị Quốc hội xem xét, bố trí đủ nguồn ngân sách nhà nước để dự án Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam được triển khai đúng tiến độ, trở thành một thiết chế văn hoá lớn của cả nước, đóng góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khoá XIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc.
Xin cám ơn và chúc Đại biểu mạnh khỏe!
Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh