Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giải pháp nào cho phát triển văn hóa gia đình Việt Nam

25/03/2014 | 10:40

Công tác gia đình được Bộ VHTTDL đặt ở vị trí nào trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt nam giai đoạn 2010-2020 (ĐBQH Lê Thị Tám - Nghệ An)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tại Giấy ghi chất vấn số 173/SYCV-KH5 ngày 14/6/2013, nội dung như sau:

Kính thưa Bộ trưởng!

Vấn đề gia đình đang được Đảng, nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo. Bộ VHTTDL là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình nhưng cử tri thấy rằng: Tại sao chưa bao giờ thấy Bộ có kế hoạch hoạt động gì lớn, cụ thể nhằm khuyến khích đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình.


Trong khi cử tri lại thấy rằng Bộ đang quá tập trung nguồn lực cho việc tổ chức các lễ hội, đón rước, các hoạt động tâm linh, hoạt động thi hoa hậu, thi người đẹp một cách thái quá, gây tốn kém lãng phí ngân sách nhà nước.


Xin hỏi Bộ trưởng


- Công tác gia đình được Bộ VHTTDL đặt ở vị trí nào trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020?


- Giải pháp phát triển văn hóa gia đình Việt Nam?


Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1) Về một số nội dung Đại biểu nêu:

- Về công tác quản lý và tổ chức lễ hội:

Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có:

- Lễ hội dân gian: 7.039, chiếm 88,36%; Lễ hội tôn giáo: 544, chiếm 6,83%; (chiếm 95,19%)

- Lễ hội lịch sử cách mạng: 332, chiếm 4,16%;

- Lễ hội du nhập từ nước ngoài 10, chiếm 0,1% (phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch của các cơ quan, tổ chức nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, như: Lễ hội ngày Tình nhân (Valentin’s Day - ngày 14/2); Lễ hội Loy Krathong (Thái Lan - giữa tháng 11 đến tháng 12 đương lịch); Lễ hội Diwlim (lễ hội ánh sáng của Ấn Độ - 01/11); Lễ hội Halowoen (lễ hội hoá trang mặt nạ - 31/10); Lễ hội Hoa Anh Đào (Nhật Bản); Canarval Hạ Long (lễ hội tổng hợp có yếu tố nước ngoài); Lễ kỷ niệm Quốc khánh của các nước tại thành phố Hồ Chí Minh được (tổ chức từ tháng 7 đến cuối năm do người nước ngoài đang làm việc trong các cơ quan đại diện tại Việt Nam và kiều bào của quốc gia tổ chức lễ hội như Cu Ba, Anh, Pháp, Malaisia, Nhật); Lễ Giáng Sinh (25-12); Ngày của Mẹ (Chủ nhật – Thứ 2 của tháng 5 Dương lịch); Ngày của Cha (Chủ nhật – Thứ 3 của tháng 6 Dương lịch).

- Lễ hội khác: 41, chiếm 0,55% (do Bộ, ngành, địa phương tổ chức là các ngày hội vùng, miền: vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vùng Khmer Nam Bộ, vùng đồng bào Chăm...; sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại ngành, nghề có gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: các festival thủy sản, cà phê, lúa gạo, điều, lâm sản; quảng bá, xúc tiến du lịch: các festival pháo hoa Đà Nẵng, Biển Nha Trang, Hoa Phượng đỏ Hải Phòng, Carnaval Hạ Long - Quảng Ninh...).

Đặc điểm của lễ hội truyền thống là lễ hội Dân gian của cư dân nông nghiệp diễn ra ở làng, xã. Thời gian tổ chức lễ hội tập trung vào mùa xuân và chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Một số lễ hội lớn tiêu biểu như: Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh)... Các lễ hội này do nhân dân tự đóng góp tổ chức, Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đảm bảo an ninh, an toàn. Việc trả lại lễ hội cho nhân dân (chủ thể tổ chức) là biện pháp đúng và cần thiết, phù hợp trong tình hình hiện nay.

Như vậy, việc tổ chức lễ hội ở nước ta là không tràn lan và Bộ đã và đang tập trung chỉ đạo để công tác tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng văn minh, tiết kiệm hơn.

- Về công tác quản lý và tổ chức thi hoa hậu, thi người đẹp:

Theo quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/01/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, mỗi năm trên toàn quốc được phép tổ chức 02 cuộc thi hoa hậu và 03 cuộc thi  người đẹp vùng, ngành, đoàn thể chính trị. Năm 2013, Bộ chỉ cấp phép cho tổ chức 01 cuộc thi hoa hậu toàn quốc và 03 cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể chính trị.

- Tất cả các hoạt động tổ chức thi Hoa hậu, người đẹp đều được tổ chức theo hình thức xã hội hoá, do các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thực hiện và tuyệt đối không sử dụng Ngân sách nhà nước.
Vì vậy, trong những năm vừa qua, hoạt động tổ chức thi hoa hậu, người đẹp được quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Bộ cũng kiên quyết xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này, cụ thể đầu tháng 6 vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ phát hiện Công ty Rồng Việt (Nha Trang-Khánh Hoà) tổ chức cuộc thi người đẹp "Nữ Hoàng biển Việt Nam 2013" không đúng quy định của pháp luật và đề án được duyệt, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đã cấp.

2) Về nội dung các vấn đề Đại biểu hỏi:

a) Công tác gia đình được Bộ VHTTDL đặt ở vị trí nào trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, tập trung xây dựng các văn bản về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền: 01 Luật, 01 Chiến lược, 03 Nghị định, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 04 Thông tư, 03 Đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, 01 Đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.

Công tác quản lý nhà nước về gia đình trước đây và hiện nay có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành như Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp... Kể từ năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao làm đầu mối, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình trên phạm vi toàn quốc tại Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 quy định về công tác gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước trên 4 lĩnh vực: văn hóa,  gia đình, thể thao, du lịch. Đến nay, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển của từng lĩnh vực.

- Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt sau Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam nhưng để đạt được mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lồng ghép việc triển khai công tác gia đình với việc thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam với mục tiêu: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình là giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng văn hoá gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3391/QĐ-BVHTTDL ngày 01/10/2009 phê duyệt "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020". Đề án này đã và đang được triển khai tại các địa phương.

b) Về giải pháp phát triển văn hóa gia đình Việt Nam

1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác gia đình, nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác gia đình, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

2) Kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đủ mạnh để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình.

3) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác gia đình; chi ngân sách nhà nước cho công tác gia đình theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi còn nhiều tập tục lạc hậu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4) Lồng ghép, phối hợp việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các chiến lược, kết hoạch có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước.

5) Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình, thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình.

6) Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

7) Giáo dục, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.

8) Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia dình và công tác gia đình, các chính sách, chương trình về an sinh xã hội.

9) Xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình phù hợp với thực tế từng vùng, địa phương và nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng.

10) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 sau khi được phê duyệt.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×