Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 18/10/2021
18/10/2021 | 16:55Bảo tàng Hà Nội sẽ đón khách vào tháng 10/2023; Giao hữu bóng đá: U23 Việt Nam thắng đậm U23 Kyrgyzstan; Nhiều địa phương đón khách du lịch ngoại tỉnh là thông tin đáng chú ý trên các báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-Báo Hà Nội mới ngày 18/10 đưa tin:
Chiếu nhiều phim về chủ đề sức khỏe tại Liên hoan phim khoa học năm 2021
Liên hoan phim khoa học lần thứ 11 năm 2021 tại Việt Nam, do Viện Goethe tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững… tổ chức, diễn ra từ ngày 18-10 đến 24-12, với chủ đề "Hiểu rõ hơn để có sức khỏe tốt hơn". Liên hoan năm nay đã chọn ra 43 phim khoa học từ các kênh truyền hình và nhà sản xuất phim quốc tế gửi đến, để giới thiệu với khán giả Việt Nam. Những bộ phim này bao trùm nhiều chủ đề đa dạng xoay quanh các vấn đề về sức khỏe, sức khỏe tinh thần và khoa học tự nhiên.
Ngăn chặn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật: Hành động quyết liệt hơn
Vấn nạn làm tranh giả, chép tranh, xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số tín hiệu tích cực từ việc bảo vệ quyền tác giả của giới nghề trong và ngoài nước đã cho thấy, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn đã ngăn chặn hiệu quả nạn xâm phạm bản quyền, góp phần đem lại môi trường lành mạnh cho mỹ thuật Việt Nam.
Mở triển lãm điêu khắc đá "Biến chuyển"
Triển lãm điêu khắc đá "Biến chuyển", do Trung tâm nghệ thuật đương đại Việt Nam (VCCA) phối hợp với Lương Art Space tổ chức, đang diễn ra tại B1-R3 Royal City (số 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) với 35 tác phẩm ấn tượng. Đây là kết quả chuỗi hoạt động lưu trú, sáng tác, trưng bày tác phẩm điêu khắc đá của các nghệ sĩ điêu khắc đương đại nổi bật, như: Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Thái Nhật Minh…
Phim tài liệu trước những vấn đề thời đại: Phải luôn dấn thân, luôn đổi mới
Dám dấn thân vào những điểm nóng, lăn lộn theo đuổi đề tài nhiều năm liền cũng như đau đáu tìm cách thể hiện mới sao cho chân thực nhất, theo kịp xu hướng làm phim tài liệu của thế giới - đó là những gì mà những nhà làm phim tài liệu Việt đang nỗ lực thực hiện và họ đã có nhiều thước phim chạm đến những vấn đề nóng của cuộc sống đương đại. Dưới đây là ý kiến của một số nhà làm phim tài liệu về vấn đề này.
-TTXVN ngày 17/10 đưa tin:
Nỗ lực đưa nghệ thuật Tuồng đến giới trẻ
Trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật Tuồng gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận công chúng, đặc biệt là với giới trẻ. Để tìm cho mình một "cánh cửa" - dù là hẹp, nhiều năm qua Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng các chương trình, tác phẩm để hướng tới những người trẻ. Trong chương trình báo cáo "Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ năm 2021" mới đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu 4 trích đoạn được coi là mẫu mực, đặc sắc nhất của nghệ thuật Tuồng, đó là: "Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Ôn Đình chém Tá", "Trần Quốc Toản ra quân".
Chương trình nghệ thuật 'Màu hoa đỏ' lần thứ 14
Trong những năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ về công tác "đền ơn, đáp nghĩa", Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện, bảo đảm cuộc sống cho các thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và đất nước. Tối 16/10, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật "Màu hoa đỏ" lần thứ 14 năm 2021 nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021). Chương trình đã được ấn định phát sóng vào đúng dịp 27/7, song để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 nên chương trình được lùi thời gian tổ chức.
- Báo Văn hóa ngày 17/10 đưa tin:
Thông qua 5 dự án tu bổ, bảo tồn các di tích quan trọng của di sản Huế
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 13 (nhiệm kỳ 2021-2026) vừa thông qua 15 nghị quyết quan trọng, liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương này. Trong đó, đáng lưu ý có 5 dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích Huế, với kinh phí khoảng 460 tỷ đồng. Cụ thể, 5 dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng được thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 13, gồm: Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh (Hoàng thành Huế) với kinh phí gần 200 tỷ đồng; dự án bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao (phần còn lại) với kinh phí hơn 40,3 tỷ đồng; dự án bảo tồn thích nghi di tích Quốc Tử Giám sau khi Bảo tàng Lịch sử tỉnh hoàn thành việc di dời đến địa điểm mới, với kinh phí hơn 60,5 tỷ đồng; dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy di tích lăng Thiệu Trị giai đoạn 3 có kinh phí hơn 60,5 tỷ đồng và dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng Tự Đức (phần còn lại) với kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ phố đi bộ Hoàng thành Huế
UBND TP. Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp xây dựng đề án tổ chức phố đi bộ ở Hoàng thành tại đường Lê Huân và đường 23 tháng 8 (xung quanh Đại Nội Huế). Phố đi bộ Hoàng thành sẽ tái hiện không gian về một Huế xưa để du khách thưởng thức các loại hình diễn xướng, trải nghiệm trò chơi dân gian, các nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực Huế… Nhằm nâng cao chất lượng cho phố đi bộ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cũng xây dựng các chương trình biểu diễn đặc sắc dựa trên nền tảng chất liệu truyền thống. Chương trình biểu diễn được xây dựng công phu, gồm các loại hình nghệ thuật: Ca Huế, tuồng Huế, múa hát cung đình…
Đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc
Những trăn trở về thực trạng hoạt động ngành xuất bản vừa được nêu ra tại tọa đàm "Văn hóa đọc và sự phát triển ngành xuất bản trong tương lai" do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức. So sánh trong những năm gần đây có thể thấy, ngành xuất bản đã có những bước tiến quan trọng, tuy vậy tỉ lệ người đọc sách chưa tăng tương xứng. Thông tin về thực trạng hoạt động xuất bản Việt Nam từ năm 2014-2019 (do năm 2020 bị ảnh hưởng dịch Covid-19), ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM dẫn số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho thấy, lượng sách đã phát triển tới 30%, tăng từ 28.000 đầu sách năm 2014 lên 37.000 đầu sách năm 2019. Tương tự, số bản in cũng tăng trưởng 19%; tỉ lệ sách chia cho đầu người tăng từ 4,1 lên 4,6 đầu sách/người/năm. Số liệu cũng cho biết số sách phát hành năm 2014 là 378 triệu bản lên 440 triệu bản năm 2019, chỉ tăng 16%.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 18/10 đưa tin:
Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 27, Hạng mục phim điện ảnh - truyền hình: Nhiều bộ phim ấn tượng
Số lượng tác phẩm điện ảnh ra rạp không nhiều nhưng đều là các bộ phim được đầu tư chu đáo. Mảng truyền hình cũng có nhiều phim hấp dẫn, chinh phục được khán giả. Điện ảnh Việt năm 2021 gặp khó khăn ngay từ đầu năm khi mất mùa Tết do các rạp phải tạm đóng cửa vì dịch Covid-19. Có lợi thế hơn điện ảnh, phim truyền hình đã khởi sắc với nhiều tác phẩm chất lượng, được đầu tư chỉn chu và chinh phục được khán giả.
Giải thưởng 200 triệu đồng cho cuộc thi ảnh "Việt Nam sẽ chiến thắng"
Hội Nhiếp ảnh TP HCM (HOPA) chính thức phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật "Việt Nam sẽ chiến thắng" với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 200 triệu đồng. HOPA chính thức nhận tác phẩm dự thi của các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên trên toàn quốc kể từ ngày 17-10 đến hết ngày 5-12-2021. Mỗi tác giả được gửi tối đa 10 tác phẩm được sáng tác cho chủ đề: "Việt Nam sẽ chiến thắng" và gửi tối đa 8 ảnh cho mỗi bộ "Giải Nhà tài trợ".
-TTXVN, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 17/10 đưa tin: "Bảo tàng Hà Nội sẽ đón khách vào tháng 10/2023" cho biết: Sau một thời gian đóng cửa để thực hiện công tác chuẩn bị nội dung, Bảo tàng Hà Nội sẽ khởi công trưng bày từ ngày 19/5/2022 và tháng 10/2023 sẽ mở cửa đón khách tham quan. Với khối lượng công việc đồ sộ, Bảo tàng Hà Nội đang gấp rút thực hiện để kịp thời đón khách theo mục tiêu đề ra.
Những người làm công tác trưng bày Bảo tàng kỳ vọng, khi hoàn thành, cùng với kiến trúc độc đáo, Bảo tàng Hà Nội sẽ trở thành một bảo tàng tiêu biểu, đặc trưng cho Hà Nội với ngôn ngữ hiện vật gắn với chiều dài lịch sử cả Thủ đô và đất nước, tạo điểm đến hấp dẫn du khách. Tại đây sẽ trưng bày trên 7000 hiện vật với diện tích trưng bày trong nhà là 9.000m2, ngoài trời là trên 22.000m2. Ngoài số lượng hiện vật, tài liệu được coi là lớn nhất thì điều tinh túy nhất trong nội dung trưng bày của Bảo tàng, là truyền tải được giá trị văn hóa nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội và là Thủ đô của Đông Dương xưa. Tài liệu, hiện vật được sưu tầm và trưng bày một cách công phu, độc đáo, từ nguồn lưu trữ khắp trong và ngoài nước.
2.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Hà Nội mới ngày 18/10 đưa tin:
Du lịch Hà Nội dần khởi động sau dịch
Ngay khi thành phố Hà Nội cho phép một số hoạt động, dịch vụ hoạt động trở lại, trong đó có hoạt động lưu trú nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch, hoạt động không quá 50% công suất, nhiều khu homestay, nhà nghỉ tư nhân ở khu vực ngoại thành Hà Nội bỗng "kín" khách đặt phòng vào cuối tuần. Xu hướng du lịch theo nhóm gia đình, bạn bè với kỳ nghỉ ngắn ngày trở lại.
Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khởi động chuỗi sự kiện phục hồi ngành Du lịch
Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh vừa chính thức công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch www.visithcmc.vn. Sở Du lịch thành phố Hồ chí Minh công bố Bộ Tài nguyên du lịch thành phố, gồm 366 tài nguyên đã được hoàn thiện và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Maps, Google Earth. Trong số này có 13 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên tự nhiên, sinh thái; 225 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể; 8 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống và 120 điểm đến gắn với giá trị công trình nhân tạo.
Nhiều địa phương đón khách du lịch ngoại tỉnh
Với chương trình khôi phục lại hoạt động du lịch theo phương châm "Du lịch thích ứng an toàn với dịch", nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai đón đoàn khách du lịch ngoại tỉnh. Đây được xem là những tín hiệu vui để nhen lên hy vọng cho sự phục hồi du lịch vào cuối năm nay. Hi vọng những "đốm lửa nhỏ" đang được nhen nhóm ở những "vùng xanh" du lịch sẽ dần làm "ấm" thị trường du lịch vốn bị "đóng băng" suốt thời gian dài kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát.
''Mùa vàng'' du lịch Đông - Tây Bắc
Bắt đầu từ cuối tháng 9 cho đến tháng 3 của năm sau là thời điểm thiên nhiên vùng núi Đông - Tây Bắc bước vào độ đẹp nhất. Trên các triền đồi, dốc núi, rừng lau trổ bông trắng tinh khôi làm ngơ ngẩn nhiều du khách. Bên cạnh đó, những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng núi chín vàng óng ả, tạo nên cảnh sắc vô cùng quyến rũ. Với khách du lịch, đây chính lúc nên "xách ba lô" lên đường khám phá "mùa vàng" của vùng núi phía Bắc. Năm nay, với diễn biến dịch còn phức tạp, hoạt động du lịch vẫn đang được lên phương án để dần khởi động trở lại.
-TTXVN ngày 18/10 đưa tin:
TP Hồ Chí Minh: Phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh
Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch TP Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.Thành phố Hồ Chí Minh hiện là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất so với cả nước, trong đó lực lượng lao động ngành du lịch có tỷ lệ tiêm đủ liều đạt 80%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa ngành du lịch TP Hồ Chí Minh khôi phục trở lại.
Hà Nội: Chuẩn bị điều kiện đưa, đón khách du lịch đến các vùng an toàn
Việc kết nối du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố và phối hợp chuẩn bị điều kiện đưa đón khách an toàn đang là những vấn đề được ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội thực hiện trong thời gian này. Trong khi Hà Nội và cả nước đang dần trở về trạng thái "bình thường mới", việc mở cửa du lịch trở lại đang là mong mỏi không chỉ ngành du lịch mà của chính du khách khi gần 6 tháng qua hoạt động du lịch rơi vào trạng thái "đóng băng".
Bà Rịa - Vũng Tàu thí điểm đón khách du lịch
Sau những nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, chiều 15/10, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với huyện Xuyên Mộc cùng 2 doanh nghiệp đón những đoàn khách đầu tiên đến tham quan, nghỉ dưỡng. Sự kiện này đã đánh dấu bước trở lại của ngành du lịch trong bối cảnh thích ứng với đại dịch COVID-19. Theo ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nova Dreams - Tập đoàn Novaland xác định, đây là bước khởi động nhằm thăm dò nhu cầu thị trường nên đơn vị không đặt nặng kinh doanh mà tập trung lắng nghe, hoàn thiện bộ sản phẩm, dịch vụ.
Quảng Bình đón đoàn khách du lịch ngoại tỉnh đầu tiên sau dịch COVID-19
Tối 15/10, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Cảng hàng không Đồng Hới đã tổ chức đón những vị khách ngoại tỉnh đầu tiên đến Quảng Bình tham quan, du lịch sau một thời gian dài ngành Du lịch tạm đóng cửa vì dịch COVID-19. Đoàn khách du lịch gồm 6 người đi trên chuyến bay VN1400 của Vietnam Airlines từ TP Hồ Chí Minh đã đến Quảng Bình an toàn. Đoàn sẽ tham quan, khám phá du lịch tại Quảng Bình theo chương trình tham quan trọn gói đã được UBND tỉnh Quảng Bình cho phép.
- Báo Văn hóa ngày 17/10 đưa tin:
Mỹ mở cửa với du khách đã tiêm phòng kể từ tháng 11
Du khách từ nước ngoài sẽ có thể nhập cảnh vào Mỹ cả bằng đường bộ và hàng không trong tháng tới khi Mỹ áp dụng thay đổi trong hạn chế du lịch. Bắt đầu từ tháng 11, những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ có thể đến Mỹ qua biên giới đất liền. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3.2020, sau những biện pháp giới hạn để ngăn chặn Covid-19, Mỹ cho phép khách du lịch nhập cảnh qua đường bộ. Mỹ đã thông báo họ có kế hoạch mở lại biên giới với Canada và Mexico, trước đó đều đóng cửa đối với trường hợp di chuyển không thiết yếu kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Mặc dù thời điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định, quyết định này dự kiến sẽ thực thi trong tháng 11. Các thông báo về việc du khách đã tiêm phòng có thể bay vào nước này bắt đầu từ tháng tới đã được đưa ra.
Bộ VHTTDL đang gấp rút xây dựng hướng dẫn du lịch thích ứng an toàn để triển khai thống nhất trên toàn quốc
Báo Nhân Dân đã phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức tọa đàm với chủ đề Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19 nhằm làm rõ "bức tranh" của ngành Du lịch sau gần 2 năm hứng chịu những tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19 và những giải pháp để du lịch phục hồi, phát triển. Tại tọa đàm, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và các diễn giả đã tập trung thảo luận sâu nhiều nội dung như: Khó khăn của ngành Du lịch qua 4 lần bùng dịch Covid-19; cơ hội, điều kiện và sự chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế; vấn đề bảo đảm lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; các điều kiện để bảo đảm kết nối, liên thông du lịch nội địa trong bối cảnh mới; đề xuất những giải pháp để du lịch hồi phục và phát triển trong tình hình mới.
Làm mới sản phẩm du lịch cho giai đoạn phục hồi
Để loại bỏ tâm e lý e ngại đi du lịch ở thời điểm đầu của quá trình tái khởi động phục hồi du lịch, bên cạnh khẩn trưởng lên kế hoạch phục hồi, các địa phương và doanh nghiệp buộc phải làm mới sản phẩm theo hướng xanh - an toàn, hành trình khép kín… nhằm mang đến sự an tâm cho du khách, thích ứng với tình hình mới. Ngày 15.10, Công ty Vietravel cho biết, vào đầu tuần tới sẽ chính thức đưa hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc hoạt động trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Giai đoạn đầu mở cửa trong tháng 10 này, Vietravel tập trung vào nhóm sản phẩm tại TP.HCM đến các vùng xanh như tour Cần Giờ (1 - 2 ngày), Staycation, Vũng Tàu, Tây Ninh, tour hồi hương đón người Việt về nước hay các chuyên gia đến Việt Nam làm việc…
Du lịch Đà Nẵng: Uyển chuyển thích ứng với tình hình mới
Từng bước phục hồi, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, cho cộng đồng và cho nhân viên phục vụ du lịch là những mục tiêu ngành Du lịch Đà Nẵng đặt lên trên khi xác định mở cửa đón khách. Trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Sở Du lịch Đà Nẵng quyết định triển khai lần lượt cácD phương án đón cả 2 luồng khách nội địa và quốc tế. Cụ thể giai đoạn 1, giữa tháng 10.2021 sẽ đón khách du lịch tại chỗ là người dân thành phố Đà Nẵng, khách công vụ đến Đà Nẵng; giai đoạn 2 triển khai mô hình "bong bóng du lịch" với một số tỉnh thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh để khai thác và trao đổi nguồn khách; giai đoạn 3 hoạt động trong tình hình bình thường mới theo chỉ đạo của Chính phủ và cập nhật hướng dẫn mới của các Bộ ngành, địa phương.
-Báo Nhân Dân ngày 17/10 đưa tin:
Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
Hoạt động du lịch sinh thái (DLST) ở nước ta không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp vào mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học (ÐDSH) và các giá trị văn hóa bản địa ở nhiều địa phương. Hiện DLST đang thu hút sự quan tâm của du khách, bởi đây là loại hình du lịch thiên nhiên, hỗ trợ cho các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng; đem lại những nguồn lợi kinh tế.
Đà Nẵng dự kiến đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Đà Nẵng đón khách quốc tế từ tháng 11. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hiện nay Đà Nẵng đã thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine cao của cả nước, với số người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 đạt 95%, mũi 2 đạt 15%. Thành phố đã có kinh nghiệm trong công tác đón khách nhập cảnh trong thời gian vừa qua, bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Du lịch… xanh trở lại
"An toàn đến đâu, mở cửa đến đó", nhiều địa phương trên cả nước đang nỗ lực xúc tiến, quảng bá hình ảnh và chuẩn bị các phương án chi tiết để tái khởi động đón khách "thẻ xanh" và "thẻ vàng". Hãy cùng Nhân Dân cuối tuần kết nối những "vùng xanh"!. Quảng Ninh, một trong những địa phương sớm mở cửa du lịch nội tỉnh (từ ngày 20/9), kỳ vọng đón từ 1,5-2 triệu lượt khách trong ba tháng cuối năm 2021 với chuỗi gần 50 sự kiện kích cầu du lịch. Các đơn vị lữ hành chủ động xây dựng chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn dựa vào lợi thế không gian tách biệt, tập trung vào du lịch biển đảo, tâm linh, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
3.Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN ngày 18/10 đưa tin: "Giao hữu bóng đá: U23 Việt Nam thắng đậm U23 Kyrgyzstan" cho biết: Tiếp tục hành trình chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á sắp tới, U23 Việt Nam có trận giao hữu thứ 2 khi gặp U23 Kyrgyzstan. Chiến thắng 3-0 trong trận giao hữu thứ 2 có thể coi là tín hiệu lạc quan cho U23 Việt Nam trước hành trình khó khăn sắp tới. Giờ là thời điểm HLV Park Hang-seo có khoảng 10 ngày để giải quyết một số vấn đề của đội, đặc biệt là sự tập trung nơi hàng phòng ngự.
-Báo Tin tức ngày 18/10 đưa tin:
Cập nhật giờ thi đấu các trận tuyển Việt Nam gặp tuyển Nhật Bản và Saudi Arabia trong tháng 11
Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa cập nhật giờ thi đấu các trận đấu trong tháng 11 tại vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á. Theo đó, hai trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình của tuyển Việt Nam trong tháng 11 sẽ diễn ra lúc 19 giờ, các ngày 11/11 gặp Nhật Bản và ngày 16/11 gặp Saudi Arabia. Người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem trực tiếp toàn bộ các trận đấu bóng đá của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trên các kênh VTV6, VTV5, VTV9 và các ứng dụng VTV Go, FPT Play.
Tuyển Việt Nam sẽ đi lên từ những thất bại
Phải thẳng thắn thừa nhận trình độ tuyển Việt Nam kém hơn so với đối thủ trong các trận đấu vừa qua ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Sau những trận thua đó, các tuyển thủ Việt Nam sẽ rút ra được rất nhiều bài học quý giá cho mình để học hỏi và tiến bộ. Trải qua 4 lượt trận tại vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam vẫn chưa thể có được điểm số và chặng đường phía trước của thầy trò HLV Park Hang-seo được nhận định sẽ ngày một khó khăn hơn.
-Báo Hà Nội mới ngày 17/10 đưa tin:
''Người hùng'' giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vào vòng chung kết AFC Asian Cup 2022
Tỏa sáng và đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở vòng loại Giải bóng đá nữ châu Á 2022 (Asian Cup nữ 2022), nữ cầu thủ của Hà Nội Phạm Hải Yến được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ca ngợi và hy vọng nữ cầu thủ này sẽ giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam góp mặt ở sân chơi World Cup. Qua hai lượt trận ở bảng B vòng loại Giải bóng đá nữ châu Á 2022, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng với 6 điểm sau 2 chiến thắng rất đậm trước Maldives (16-0) và Tajikistan (7-0).
Nguyễn Tiến Linh là cầu thủ xuất sắc nhất tháng 10 vòng loại World Cup 2022
Theo công bố của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ngày 17-10, tiền đạo tuyển Việt Nam Nguyễn Tiến Linh đã đứng đầu cuộc bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á trong tháng 10. Theo đó, Nguyễn Tiến Linh đã nhận được tổng cộng 73,38% lượt bình chọn, đạt số lượt bình chọn áp đảo so với 9 cầu thủ còn lại. Xếp thứ hai là tuyển thủ Saudi Arabia Firas Al Buraikan với 8,2% lượt bình chọn. Người đứng thứ 3 là tuyển thủ Sardar Azmoun của Iran chỉ được có 8,08% số phiếu bầu.
Nhìn lại để vươn xa hơn...
Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thất bại trong cả 4 trận đấu đầu tiên ở vòng loại cuối của Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 khu vực châu Á. Kết quả này không bất ngờ, bởi đội tuyển Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trận mạc, khi lần đầu tiên bước ra sân chơi lớn này. Song, thất bại chính là tiền đề để đội tuyển Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm, vươn xa hơn trong thời gian tới.
Tìm cơ hội tiếp lực cho cầu lông
Cuối tuần qua, giải cầu lông đồng đội Thomas và Uber Cup 2021 dành cho các đội tuyển nam và nữ hàng đầu thế giới đã khai mạc tại Đan Mạch. Như vậy là chỉ sau 6 ngày kể từ khi giải cầu lông đồng đội hỗn hợp thế giới Sudirman Cup 2021 kết thúc tại Phần Lan, các vận động viên (VĐV) hàng đầu thế giới lại có cơ hội tranh tài tại một giải đấu chất lượng, qua đó tiếp tục rèn luyện, cọ xát sau quãng thời gian dài phải thi đấu cầm chừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
-Báo điện tử Người Lao động ngày 18/10 đưa tin:
Nóng bỏng thị trường chuyển nhượng V-League
V-League 2022 còn 4 tháng nữa mới khởi tranh nhưng Topenland Bình Định, Hà Nội FC, SLNA hay HAGL… đã sớm kích hoạt hàng loạt bản hợp đồng chất lượng để sẵn sàng đua vô địch. Topenland Bình Định có lẽ là đội bóng chi mạnh tay nhất trên thị trường chuyển nhượng V-League cho đến thời điểm này khi hướng tới mục tiêu hoàn tất tối thiểu 10 bản hợp đồng mới cho mùa giải 2022. Không ít trong số tân binh của đội bóng đất võ là các học trò của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển quốc gia.
Tạo luồng gió mới cho tuyển Việt Nam
Trong thời gian tiếp quản U23 Việt Nam để chuẩn bị cho 2 trận vòng loại bảng I giải U23 châu Á năm 2022, HLV Park Hang-seo sẽ cho các thành viên đội tuyển Việt Nam về thăm gia đình 4 ngày. Sau đó, các cầu thủ tập trung lại để chuẩn bị cho 2 trận gặp Nhật Bản, Ả Rập Saudi vào tháng 11, cũng như giải AFF Suzuki Cup 2020 trong tháng 12. Trở về Việt Nam và cách ly ở khách sạn Grand Plaza (Hà Nội), các học trò của HLV Park Hang-seo được thông báo vẫn thực hiện "nguyên tắc bong bóng" và sẽ ra sân tập luyện bình thường.
Lý Hoàng Nam xuất sắc vào bán kết M15 Sharm El Sheikh
Đánh bại hạt giống số 7 người Pháp Nathan Seateun (hạng 741 ATP) sau 2 ván với cùng tỉ số 6-2 ngày 15-10, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam giành vé vào bán kết Giải M15 Sharm El Sheikh diễn ra tại Ai Cập. Vào bán kết M15 Sharm El Sheikh giúp tay vợt số 1 Việt Nam Hoàng Nam có thêm 4 điểm nhà nghề và sẽ tăng lên thành 6 điểm nếu góp mặt ở chung kết giải đấu kỳ này.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 17/10 đưa tin: "Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ theo cha mẹ về quê không bị gián đoạn học tập" cho biết: Cùng cha mẹ về quê tránh dịch, không ít học sinh bị gián đoạn việc học tập. Làm sao để ổn định việc học tập nhanh nhất có thể cho trẻ là điều khiến nhiều phụ huynh và địa phương nơi tiếp nhận công dân trăn trở. Đây là cách làm mà một số địa phương đã và đang thực hiện, liên quan đến việc đón học sinh mắc kẹt ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... về quê tránh dịch. Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ đầu tháng 9 đã cùng với Hội đồng hương huyện ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam kết nối với các "mạnh thường quân", xây dựng phương án để đón các em về quê học tập và các gia đình về quê an toàn trong mùa dịch. Dự kiến, có hơn 200 trẻ trở về huyện trong tháng 10 này.