Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 14/10/2021

14/10/2021 | 15:21

Triển lãm về biển, đảo và đường Hồ Chí Minh trên biển; U23 Việt Nam dốc sức tập luyện tại UAE, hướng tới vòng loại U23 châu Á 2022; Đà Nẵng dự kiến sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào đầu tháng 11 là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 14/10 đưa tin:

Lan tỏa tình yêu Hà Nội

Trước những tác động của Covid-19, các hoạt động văn hóa của Thủ đô gần như bị "đóng băng". Tuy nhiên, bằng sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng tình yêu Hà Nội, nhiều sản phẩm văn hóa thiết thực đã được ra đời. Với những đề cử ở hạng mục "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" lại cho thấy sự "lên ngôi" của các sản phẩm công nghệ và những điều mà Hà Nội cần phải triển khai để tạo nên những cảnh quan cho Thủ đô.

Đề nghị Lễ hội Dinh Thầy Thím là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nhằm bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của Lễ hội Dinh Thầy Thím, UBND tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình đề nghị Bộ VHTTDL ban hành Quyết định đưa Lễ hội này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh nói chung và Lễ hội Dinh Thầy Thím nói riêng; góp phần phục vụ phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương phát triển.

Lùi thời gian tổ chức Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa có thông báo về việc dời Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 11/2022. Lý do lùi thời gian tổ chức là để chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện thật tốt nhất cho các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan.

-Báo Tin tức ngày 13/10 đưa tin: "120 ngày mây thì thầm với gió - Ký ức về cuộc chiến sống còn với COVID-19" cho biết: Lấy bối cảnh đại dịch COVID-19, Nuage Rose - tác giả người Việt đang sống tại Paris (Cộng hòa Pháp) - đã sáng tác nên tác phẩm văn chương phi hư cấu "120 ngày Mây thì thầm với gió – Ghi chép từ cuộc chiến sống còn xua đuổi Cô Vy". Tác phẩm là câu chuyện được ghi chép thành các tuyến song song giữa Việt Nam và Pháp, trong thời gian 120 ngày (từ tháng 2 đến tháng 5/2020), giữa tiếng còi xe cứu thương và những phản chiếu của tâm hồn, giữa những nỗi niềm dành cho nơi mình sinh ra lớn lên và nơi đã chở che mình trưởng thành...

-Báo Nhân Dân ngày 13/10 đưa tin:

Công chiếu trực tuyến tác phẩm nhạc kịch và nghệ thuật thị giác "Chuyện người lính"

Được dàn dựng công phu với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, vở nhạc kịch và nghệ thuật thị giác "Chuyện người lính" sẽ công chiếu trực tuyến thay vì lưu diễn tại nhiều địa phương vì lý do bệnh dịch. Vở diễn được Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Thụy Sĩ và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam thực hiện. Đảm nhiệm phần hòa nhạc là các nghệ sĩ từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, các diễn viên tham gia vở diễn thuộc sân khấu ATH. Vở diễn được dàn dựng độc đáo, kết hợp giữa sân khấu và tranh minh họa do họa sĩ trẻ Nguyễn Mỹ Anh thực hiện.

Phát hiện hàng trăm công cụ lao động thời văn hóa Hòa Bình

Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp thực hiện khai quật khảo cổ tại mái đá ngườm Nà Khậu, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 1/10 và đã phát hiện hàng trăm công cụ lao động ghè, đẽo, nhóm dìu mài, cuốc bằng đá và đồ gốm thời văn hóa Hòa Bình. Dựa vào những đặc trưng của loại hình di vật, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng mái đá ngườm này là nơi tạm trú của những cư dân săn bắn và hái lượm có niên đại dự đoán cách ngày nay khoảng 5.000 năm.

Thi "Điểm sách văn học Hàn Quốc 2021"

Theo thông tin từ Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam, NXB đang phối hợp với Viện Dịch Văn học Hàn Quốc tổ chức cuộc thi online Điểm sách Văn học Hàn Quốc 2021. Năm tác phẩm văn học mà NXB Phụ nữ Việt Nam chọn để điểm sách trong cuộc thi này là "Chiếc thang cao màu xanh", "Hoàng hôn đỏ rực", "Cảm ơn tất cả", "Trộm hay Lời thú tội của một chiếc gai", "Chuyện đời Sương". Đây là những cuốn sách gắn bó với đời sống thường nhật của người Hàn Quốc cũng như người Việt Nam.

- Báo Văn hóa ngày 13/10 đưa tin:

Tiếng đàn bầu Việt Nam ở EXPO 2020 Dubai

Lần đầu tiên đàn bầu Việt Nam hòa tấu cùng ban nhạc truyền thống Trung Đông và ngôi sao nổi tiếng người Ả-rập, nam ca sĩ Aseel Abu Baker trong Đêm nhạc Jalsat, tại Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai (UAE). Tại sân khấu ngoài trời lớn nhất trong khu tổ hợp EXPO 2020 Dubai, một trong những chương trình nghệ thuật hàng đầu của EXPO 2020 đã diễn ra với sự góp mặt của NSƯT đàn bầu Việt Nam Lệ Giang. Đêm nhạc Jalsat là loạt chương trình tổ chức hàng tháng, từ tháng 10.2021 đến tháng 3.2022 trong khuôn khổ EXPO 2020. Chương trình nhận được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông và người dân các nước Vùng Vịnh.

Nâng cao năng lực chuyển đổi số và quản trị thư viện số

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2021, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao năng lực chuyển đổi số và quản trị thư viện số" theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu tại Hà Nội và 150 điểm cầu trong 02 ngày, từ ngày 14 - 15 tháng 10 năm 2021. Hội nghị tập huấn giúp lãnh đạo và cán bộ thư viện có nhận thức đầy đủ cũng như có kỹ năng tổ chức các hoạt động nhằm ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ số trong lĩnh vực thư viện góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu

Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác văn hóa và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Sở VHTTDL Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn với sự tham gia 55 học viên là cán bộ làm công tác văn hóa và học viên là những già làng, trưởng thôn, bản, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các địa phương thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Dự kiến lớp tập huấn được tổ chức trong quý IV, năm 2021.

Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ: Cần phô diễn những chuẩn mực, tinh hoa

Tại chương trình báo cáo Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, nỗ lực đưa Tuồng đến với giới trẻ là hướng đi cần thiết, tuy nhiên cần cung cấp những chương trình, tiết mục thực sự chuẩn mực để khán giả có thể thẩm thấu được những tinh hoa của môn nghệ thuật này một cách trọn vẹn nhất. Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ đưa ra cách thức tiếp cận mới hiệu quả, làm cho người trẻ từ biết, rồi hiểu và gần gũi hơn với Tuồng. Đây cũng chính là phương thức đào tạo mang tính khoa học, phù hợp và cũng là cách bảo tồn nghệ thuật truyền thống một cách hiệu quả, bền vững.

Thẩm định và phân loại phim: Cởi mở và đối thoại

Xung quanh việc thẩm định và phân loại phim hiện có nhiều góp ý, tranh luận thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, trên các diễn đàn điện ảnh và báo chí, một số nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đạo diễn... đã nêu nhiều vấn đề được cho là "bất cập, cản trở hoạt động sáng tạo, phát triển điện ảnh Việt", bao gồm vấn đề về Hội đồng duyệt phim mà Báo Văn Hóa đã đề cập ở các số báo trước. Từ khóa "Hội đồng duyệt phim" vốn đã nóng lại càng nóng hơn. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có hay không việc ngay trong Hội đồng cũng không thống nhất quan điểm khi đánh giá một tác phẩm? Kỷ luật phát ngôn trong Hội đồng bị vi phạm sẽ xử lý như thế nào?...

-TTXVN, báo Nhân Dân và nhiều báo khác ngày 13/10 đưa tin: "Triển lãm về biển, đảo và đường Hồ Chí Minh trên biển" cho biết: "Biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân - Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển" là tên gọi triển lãm trưng bày do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp với Cục Chính trị Hải Quân - Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức tại Bảo tàng Hải Phòng, ngày 13/10. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021). Trưng bày diễn ra từ ngày 13/10 đến hết 19/10/2021, trưng bày 180 ảnh t¬¬ư liệu; 35 tài liệu, hiện vật lịch sử; 2 sơ đồ (Ь-ường Hồ Chí Minh trên biển, Vùng biển Việt Nam) và 10 bản thống kê số liệu, thành tích của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 14/10/2021 - Ảnh 1.

Lễ khai mạc triển lãm “Biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân - Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển”, báo Nhân Dân

2.Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN ngày 14/10 đưa tin:

Xây dựng chương trình kích cầu du lịch cho di sản Mỹ Sơn

Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) Phan Hộ cho biết, cùng với Hội An, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ đã có, xây dựng nhiều sự kiện, sản phẩm độc đáo, mới mẻ để phục vụ du khách khi du lịch từng bước mở cửa, dịch COVID-19 được kiểm soát.

Trên 100 y, bác sĩ miền Bắc được trải nghiệm du lịch đáng nhớ tại Củ Chi

Ngày 13/10, trên 100 y, bác sĩ đến từ các tỉnh, thành phía Bắc tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã có chuyến trải nghiệm du lịch đáng nhớ tại Củ Chi. Đây là tour du lịch đặc biệt do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Công ty TST Tourist phối hợp tổ chức nhằm tri ân đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu đã tích cực tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch trong gần 3 tháng qua. Theo đó, các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, điều dưỡng ở các tỉnh, thành phía Bắc đã được tham quan, trải nghiệm những điểm đến đặc sắc tại huyện Củ Chi như: Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định, Khu di tích đền Bến Dược, nghe và xem những thước phim tài liệu, thưởng thức món ăn đặc sản tại "Chợ quê"...

- Báo Nhân Dân ngày 14/10 đưa tin:

Du lịch nỗ lực "phá băng" để thích ứng với dịch Covid-19

Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 60 năm của ngành Du lịch phải chứng kiến khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay. Trải qua 4 lần bùng dịch Covid-19, du lịch và lữ hành như người vừa ốm dậy liên tiếp gặp bão, cơn sau mạnh hơn cơn trước. Đại dịch đã khiến ngành Du lịch đóng băng nhưng dưới lớp băng ấy, "mầm cây" vẫn chắt chiu sự sống, chỉ chờ cơ hội để vươn mình khỏi lớp băng giá và phát triển mạnh mẽ.

- Báo Vietnamplus ngày 13/10 đưa tin:

Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh năng động với thế giới vào 2022

Sự kiện được tổ chức sẽ quy tụ nhiều hãng hàng không, đơn vị kinh doanh du lịch, là cơ hội giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh năng động, thân thiện, mến khách đến với thế giới vào năm 2022. "Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 là cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh năng động, thân thiện, mến khách không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà còn của Việt Nam đồng thời cũng là sự kiện xúc tiến các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng góp phần phục hồi kinh tế, đặc biệt là du lịch. Với việc đăng cai sự kiện này, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, là trung tâm phát triển hàng không, du lịch năng động của Việt Nam và khu vực." Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

Hà Nội: Những vùng du lịch xanh sẽ đón khách trong thời gian tới

Các dịch vụ du lịch sẽ mở cửa hoạt động theo diễn biến dịch bệnh vào tháng 10, chia làm 2 giai đoạn để có thể cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong địa bàn thành phố Hà Nội. Các dịch vụ du lịch sẽ mở cửa hoạt động theo diễn biến dịch bệnh vào tháng 10, chia làm 2 giai đoạn để có thể cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong địa bàn thành phố Hà Nội. Tháng 11 tới thành phố sẽ áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo giai đoạn 3, dựa theo đánh giá tình hình thực tế. Cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong Hà Nội và các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Tháng 12 áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo trạng thái bình thường mới ở giai đoạn 4.

Doanh nghiệp du lịch Nam Bộ tăng cường quảng bá trên nền tảng số

Để các hoạt động quảng bá du lịch Nam Bộ đạt được hiệu quả cao, cần có sự đổi mới, gắn với chuyển đổi số, tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để hình ảnh các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù. Xây dựng điểm đến và chuỗi dịch vụ đảm bảo an toàn, đáp ứng các tiêu chí phòng dịch COVID-19, đồng thời gắn với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch, chuẩn bị các chính sách kích cầu trong thời gian tới là những giải pháp được ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến ở Nam Bộ có những bước khởi động, triển khai theo lộ trình một cách linh hoạt, gắn liền với nhiệm vụ kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.

Quảng Ninh xây dựng mô hình du lịch dài ngày, khép kín đảm bảo an toàn

Bước đầu Quảng Ninh dự kiến sẽ đón khách du lịch ngoài tỉnh tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, vịnh Hạ Long và Khu di tích danh thắng Yên Tử với điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Mô hình du lịch dài ngày, khép kín đang được Quảng Ninh ưu tiên xây dựng, áp dụng để đón khách trong và ngoài tỉnh, đảm bảo an toàn cao nhất trong bối cảnh dù dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng vẫn có diễn biến khó lường. Hiện Quảng Ninh đã tiêm được 1.491.091 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi (đối với người trên 18 tuổi) đạt 159,33%.

- Báo điện tử VOV ngày 14/10 đưa tin:

Đà Nẵng sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào đầu tháng 11

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, dự kiến đầu tháng 11 tới, thành phố sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Sở Du lịch thành phố đã trình UBND thành phố Đà Nẵng 2 phương án đón khách du lịch trở lại. Đối với khách nội địa, dự kiến từ 20/10 tới sẽ khôi phục hình thức du lịch tại chỗ để phục vụ người dân thành phố. Từ tháng 11, sẽ tổ chức mô hình "bong bóng du lịch" giữa Đà Nẵng và một số địa phương để khai thác, trao đổi nguồn khách như: Quảng Nam, Quảng Ninh.

Indonesia mở cửa trở lại hòn đảo du lịch Bali cho du khách từ 19 quốc gia đủ điều kiện

Hòn đảo nghỉ mát Bali của Indonesia ngày 14/10 bắt đầu mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài sau 18 tháng ngành du lịch "đóng cửa" vì đại dịch Covid-19. Với tiềm năng lớn về biển đảo, du lịch được xem là động lực chính của đảo Bali. Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết việc phục hồi du lịch là điều cần thiết cho hòn đảo này, vì 54% doanh thu đóng góp cho nền kinh tế của Bali là dựa vào ngành du lịch.

Singapore cấp phép nhập cảnh cho hàng nghìn khách quốc tế trong ngày đầu tiên

Hôm (12/10), Singapore chính thức nhận hồ sơ xin nhập cảnh của du khách quốc tế đã tiêm vaccine, theo chương trình hành lang du lịch với 8 quốc gia gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Từ ngày 19/10, Singapore sẽ mở rộng chương trình du lịch song phương "Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vaccine" - (VTL) với 8 quốc gia gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Trong ngày đầu tiên nhận đăng ký hôm 12/10, Singapore đã phê duyệt hơn 2.400 hồ sơ xin nhập cảnh của các du khách nước ngoài đã tiêm đủ vaccine Covid-19. Trong đó nhiều nhất là du khách Anh với 976 hồ sơ, tiếp theo là Pháp (537 người) và Mỹ (440 người). Trẻ em dưới 12 tuổi không cần xin cấp phép để vào Singapore theo VTL.

- Báo Văn hóa ngày 13/10 đưa tin:

Bảo tồn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Điện Biên gắn với phát triển du lịch

Nghệ thuật múa dân gian truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên được bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị qua nhiều thế hệ. Đây là di sản văn hóa giàu giá trị, chứa đựng bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc cần được quan tâm gìn giữ, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Xuất phát từ quan điểm đó, mới đây Sở VHTTDL, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh Điện Biên và các đơn vị liên quan đã đã tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên phục vụ phát triển du lịch, đồng thời nghiệm thu 10 tiết mục, thể hiện các điệu múa đặc trưng của 5 dân tộc đại diện là Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì.

Kon Tum: Đẩy mạnh các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch của tỉnh Kon Tum, khiến cho lượng du khách sụt giảm mạnh, doanh thu từ hoạt động du lịch cũng giảm theo. Đáng chú ý, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum, kể cả doanh nghiệp lữ hành, lưu trú phải ngừng hoạt động. Hiện ngành du lịch tỉnh Kon Tum đang chuẩn bị các giải pháp để sẵn ang cho giai đoạn phục hồi du lịch sau dịch bệnh. Ngoài ra, tạo điều kiện hợp tác công – tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động mọi nguồn lực, tham gia từ các cá nhân, tổ chức quan tâm; khuyến khích hình thành các liên minh, liên kết hợp tác cùng xúc tiến quảng bá điểm đến hoặc sản phẩm du lịch.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Tin tức ngày 14/10 đưa tin: "Ngày 28/10, bốc thăm Vòng chung kết Giải bóng đá Nữ vô địch châu Á 2022" cho biết: Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã ấn định thời gian tiến hành bốc thăm chia bảng và xếp lịch thi đấu Vòng chung kết Giải bóng đá Nữ vô địch châu Á 2022 (Asian Cup Nữ 2022) vào ngày 28/10. Lễ bốc thăm sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến. Vòng loại hiện đã xác định được 6/8 đội vào vòng chung kết gồm: Việt Nam (nhất bảng B), Indonesia (nhất bảng C), Hàn Quốc (nhất bảng E), Philippines (nhất bảng F), Iran (nhất bảng G) và Thái Lan (nhất bảng H). Hai đại diện còn lại của bảng A và D sẽ được xác định trong tháng 10 này.

- Báo Thể thao và Văn hóa ngày 14/10 đưa tin:

Góc nhìn chuyên gia: Tuyển Việt Nam yếu tâm lý và thua kém thể lực ở trận thua Oman

Việt Nam nhận thất bại 1 - 3 trước Oman dù đã có bàn thắng dẫn trước trong hiệp 1. Theo chuyên gia Phan Anh Tú và HLV Đức Thắng, thất bại này chứng tỏ Việt Nam vẫn còn 'yếu tâm lý' và 'non kinh nghiệm' tại đấu trường lớn. Việt Nam đã phải chịu sức ép lớn từ phía Oman trong suốt 90 phút thi đấu. Tiến Linh đã giúp Việt Nam có lợi thế dẫn bàn ở phút 39. Tuy nhiên sau đó, Việt Nam đã để thua liền 3 bàn. Chung cuộc, Việt Nam nhận thất bại thứ 4 liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

U23 Việt Nam dốc sức tập luyện tại UAE, hướng tới vòng loại U23 châu Á 2022

Sáng 14-10 (giờ Việt Nam), đội tuyển U23 Việt Nam đã bước sang ngày tập huấn thứ 6 tại UAE nhằm chuẩn bị tham dự vòng loại U23 châu Á 2022. Buổi tập của đội diễn ra trên sân tập của Khu liên hợp thể thao Nas Sports Complex - địa điểm nổi tiếng thường được các câu lạc bộ, các ngôi sao bóng đá thể thao hàng đầu thế giới lựa chọn trong những dịp tới UAE tập huấn hoặc du đấu.

- Báo Nhân Dân ngày 5/11 đưa tin:

Trung Quốc rút lui khỏi vòng loại U23 châu Á 2022

Ngày 13/10, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã chính thức thông báo về việc rút lui khỏi vòng loại U23 châu Á diễn ra vào cuối tháng 10 tới đây. "Do nguyên tắc phòng dịch và khó khăn về đi lại, đội U22 Trung Quốc sẽ không thể di chuyển đến Tajikistan để tham dự vòng loại U23 châu Á theo kế hoạch. Chúng tôi rất tiếc sẽ phải rút lui khỏi giải đấu", thông cáo báo chí của CFA cho biết.

HLV Park di chuyển sang UAE để dẫn dắt U23 Việt Nam

Chiều 13/10, HLV Park Hang-seo sẽ tạm thời không huấn luyện đội tuyển quốc gia để cùng trợ lý Lee Young-jin sang UAE dẫn dắt U23 Việt Nam tranh tài tại vòng loại U23 châu Á. Sau lượt trận thứ tư của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển quốc gia đã có chuyến làm khách đầy sóng gió trên sân của đội tuyển Oman. Đoàn quân của HLV Park nhận thất bại thứ tư liên tiếp, qua đó tạm thời vẫn trắng tay trên Bảng xếp hạng.

- Báo điện tử VOV ngày 14/10 đưa tin:

Các đội tuyển Đông Nam Á chuẩn bị bước vào chiến dịch mới

Trong khi ĐT Việt Nam đang thi đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 thì hầu hết các đội tuyển còn lại trong khu vực Đông Nam Á đang chuẩn bị bước vào chiến dịch mới - vòng loại thứ ba Asian Cup 2023. Trong số các đội tuyển bóng đá ở Đông Nam Á, chỉ có ĐT Việt Nam vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2022 và giành vé sớm đến VCK Asian Cup 2023, hầu hết các đội tuyển còn lại sẽ phải tranh tài tại vòng loại thứ ba Asian Cup 2023 để tìm vé đến với giải đấu được tổ chức ở Trung Quốc.

Xác định đối thủ của ĐT nữ Việt Nam trên đường đến World Cup nữ 2023

Đối thủ của ĐT nữ Việt Nam tại VCK Asian Cup nữ 2022 (giải đấu được tính là vòng loại World Cup nữ 2023) sẽ được xác định vào ngày 28/10 tới. Tham dự VCK Asian Cup nữ 2022 gồm 12 đội, trong đó Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ (chủ nhà) được vào thẳng. 8 suất còn lại được xác định qua vòng loại. Hiện tại, đã xác định được 6/8 đội vượt qua vòng loại để vào VCK gồm Việt Nam (nhất bảng B), Indonesia (nhất bảng C), Hàn Quốc (nhất bảng E), Philippines (nhất bảng F), Iran (nhất bảng G) và Thái Lan (nhất bảng H). Hai đại diện còn lại của bảng A và D sẽ được xác định vào ngày 24/10.

-Báo điện tử Dân Trí ngày 14/10 đưa tin:

Báo Thái Lan: "HLV Park Hang Seo sẽ điều chỉnh nhân sự ở tuyển Việt Nam"

Sau trận đội tuyển Việt Nam thua Oman, truyền thông Thái Lan rất quan tâm đến phản ứng của HLV Park Hang Seo, đồng thời cho rằng vị HLV người Hàn Quốc sẽ có điều chỉnh ở giai đoạn tới. Tờ Siam Sport của Thái Lan viết: "HLV Park Hang Seo tiết lộ rằng sẽ điều chỉnh đội ngũ, điều chỉnh nhân sự ở đội tuyển Việt Nam, tự vấn mình trước tiên".

Sân Mỹ Đình có thể đón khán giả ở hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam

VFF đang xin giấy phép để đón khán giả tới sân Mỹ Đình trong hai trận đấu tới của đội tuyển Việt Nam trong tháng 11. Nhiều khả năng sẽ có khoảng 20.000 CĐV được vào sân cổ vũ cho thầy trò HLV Park. Được biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản trình Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc cho phép đón khán giả vào sân ở hai trận đấu trong tháng 11 khi đội tuyển Việt Nam tiếp đón Nhật Bản và Saudi Arabia ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022.

Đội tuyển Việt Nam: Hãy bước đi và đừng nghĩ suy…

Đội tuyển Việt Nam thua cả 4 trận đầu tiên ở vòng loại thứ ba, có những tiếc nuối, đau đớn và cả sự thất vọng. Nhưng sau thất bại đó, chúng ta cần những bước đi mạnh mẽ hơn trong hành trình lịch sử. Bóng đá Việt Nam đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt ở vòng loại thứ ba World Cup và ở đó, chúng ta được đối mặt với những đại diện hàng đầu châu lục. Mỗi trận đấu là một trải nghiệm quý giá để đội bóng biết được đẳng cấp của mình ở đâu.

Tiến Linh lên tiếng sau trận đội tuyển Việt Nam thua Oman

Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh thể hiện quyết tâm đứng dậy sau trận thua Oman, đồng thời cho biết anh và toàn đội sẽ chiến đấu hết mình ở phần còn lại của vòng loại World Cup. Tiến Linh là cầu thủ Việt Nam ghi bàn thắng duy nhất vào lưới đội tuyển Oman, trong trận đấu thuộc vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đêm 12/10 vừa qua.

Đội tuyển Việt Nam tiếp tục bị trừ điểm nặng sau khi thua Oman

Theo tính toán của tờ Footy Ranking, đội tuyển Việt Nam tiếp tục bị trừ điểm nặng và rớt hạng trên bảng xếp hạng FIFA sau trận thua trước Oman. Ở lượt trận thứ 4 bảng B vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam tiếp tục hứng chịu thất bại với tỷ số 1-3 trước Oman. Trận thua này khiến cho đội bóng của HLV Park Hang Seo tiếp tục xếp cuối ở bảng đấu khi chưa có được điểm nào. Không những vậy, đội tuyển Việt Nam còn bị trừ điểm nặng nề sau trận thua trước Oman. Theo tính toán của trang Footy Ranking, "Rồng vàng" đã bị trừ 10,81 điểm sau trận thua trước đại diện Tây Á.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Hà Nội mới ngày 14/10 đưa tin: "Cần phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em" cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng, các địa phương hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, diễn ra từ ngày 15-11 đến ngày 15-12, với chủ đề: "Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Trong tháng hành động, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực diễn ra trong môi trường gia đình, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×