Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/10/2021
07/10/2021 | 14:52Đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Trung Quốc lúc 0h ngày 8/10 Vòng loại World Cup 2022; Nhiều hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Hội thảo trực tuyến "Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam" là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-Báo Thể thao và Văn hóa ngày 7/10 đưa tin: "Liên hoan phim quốc tế Busan 2021: Phim 'Miền ký ức' của Việt Nam tranh giải chính" cho biết: Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan (BIFF) là một trong những đại hội điện ảnh quan trọng nhất tại châu Á, bên cạnh LHP quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) và LHP quốc tế Thượng Hải. Diễn ra từ ngày 6 đến 15/10, BIFF năm nay hứa hẹn mang nhiều điều mới mẻ tới cho khán giả sau lần tổ chức trực tuyến hồi năm 2020 do dịch COVID-19. Trên chuyên trang của BIFF 2021, đạo diễn Park Sung Ho - thành viên Ban tổ chức, chịu trách nhiệm mảng điện ảnh châu Á - đã có lời giới thiệu về tác phẩm đại diện Việt Nam rằng: "Miền ký ức mở đầu bằng cái chết của một người mẹ. Mặc dù nhịp tim của bà ngừng đập nhưng ý thức vẫn tiếp tục lo lắng và mong những điều tốt lành đến với con trai mình. Một người hàng xóm đào một cái huyệt trên rẫy để chôn cất người mẹ, nhưng con trai nhất quyết không đồng ý về việc làm này...
-TTXVN ngày 6/10 đưa tin:
Phát hành bộ tem kỷ niệm 50 năm Cuộc thi viết thư quốc tế UPU
Ngày 6/10, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Kỷ niệm 50 năm Cuộc thi viết thư quốc tế UPU (1971-2021)". Bộ tem gồm một mẫu tem, có khuôn khổ 37x37mm, do họa sỹ Phạm Quang Diệu (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Tem có gam chủ đạo là màu xanh của UPU. Số 50 biểu thị cho 50 năm hành trình thi viết thư quốc tế UPU được cách điệu gắn liền với logo UPU và hình ảnh quả địa cầu có 5 màu tượng trưng cho 5 châu lục. Hình ảnh thiết kế mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần thiếu nhi toàn thế giới luôn gắn kết và tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi. Nền tem là hình ảnh những phong bì thư, trích đoạn nội dung lá thư với bàn tay đang nắn nón từng nét chữ.
- Báo Hà Nội mới ngày 7/10 đưa tin:
Thủ đô Hà Nội anh hùng qua những trang sách
Ngày 7-10, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo "Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021)" tại cơ sở 1 (47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm). Triển lãm giới thiệu khoảng 100 ấn phẩm, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về đường lối lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp; lịch sử, diễn biến cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, anh dũng của quân dân Hà Nội cùng quân dân cả nước đến Ngày Giải phóng Thủ đô; giá trị về truyền thống lịch sử, văn hiến, anh hùng nghìn năm đất Kinh kỳ cùng những triển vọng, thành tựu đáng tự hào của Thủ đô hôm nay.
Bồi đắp tình yêu Hà Nội: Mỗi bức ảnh là một câu chuyện
Nhiếp ảnh, bằng sự phản ánh khách quan và chân thực, là nguồn sử liệu quý báu. Trong đó, sách ảnh về Hà Nội ra đời những năm gần đây là một minh chứng, tiếp nối và bồi đắp sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật, yêu lịch sử, đồng thời nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu Hà Nội. "Một bức ảnh thay ngàn lời nói". Dẫu là ảnh về Hà Nội ngày xưa hay Hà Nội hôm nay, dẫu là ảnh nghệ thuật hay ảnh đời thường, được chụp bởi tác giả chuyên nghiệp hay không chuyên, thì những cuốn sách ảnh vẫn luôn là kho tư liệu vô giá về Hà Nội cho hôm nay và mai sau.
Ký ức sống động về Hà Nội qua triển lãm tranh trực tuyến
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021), từ ngày 8-10, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở triển lãm trực tuyến "Ký ức Hà Nội" trên website vnfam.vn và Facebook Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm giới thiệu 25 tác phẩm hội họa, đồ họa về Hà Nội bằng các chất liệu đa dạng như sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, chì, khắc gỗ... được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Tại Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như:Chương trình nghệ thuật "Lời ca dâng Bác" do Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sẽ diễn ra vào tối 7-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ngày 7-10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức công bố và trao giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội" lần thứ nhất - năm 2021. Sự kiện sẽ vinh danh các học sinh, sinh viên Hà Nội đã có những bài dự thi, video khơi dậy niềm đam mê đọc sách, chia sẻ, lan tỏa tình yêu sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
- Báo Văn hóa ngày 7/10 đưa tin:
1.276 bài dự thi tham dự vòng Chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021
Từ ngày 6 – 10.10, Ban Giám khảo vòng Chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 sẽ tổ chức chấm bài để lựa chọn ra các bài thi xuất sắc nhất. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 do Bộ VHTTDL tổ chức được phát động từ tháng 02.2021. Đây là một trong những hoạt động triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, vòng Chung kết cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 sẽ có 04 giải Đại sứ, 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 42 giải Ba, 180 giải Khuyến khích và các giải Chuyên đề theo từng lứa tuổi.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc
Ngày 6.9, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 2576/QĐ-BVHTTDL về việc triển khai Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Tuyên truyền về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với các hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín, trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa dân tộc, tôn giáo, đời sống nhân dân. Theo đó, nội dung cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa dân tộc đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Di tích lịch sử Gò Kho cần sớm được tôn tạo
Di tích lịch sử Gò Kho được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1996. Đây là một trong những di tích lịch sử về thời đại Tây Sơn, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Mặc dù đã gắn bia di tích để nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến khu vực bảo vệ di tích, nhưng đến nay di tích lịch sử Gò Kho không những không được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo mà còn trở nên nhếch nhác, bị xâm phạm. Văn Hóa đã có bài phản ánh nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện…Theo hồ sơ di tích, di tích lịch sử Gò Kho có diện tích khu vực bảo vệ I là 61.583m2, bao gồm cả khu vực dân cư (không có khu vực bảo vệ 2), nằm tại ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát (Bình Định). Thời gian qua bia di tích đã xuống cấp, khuôn viên bị người dân khu vực lân cận dùng để chứa rơm rạ và tập kết phế liệu gây mất mỹ quan.
Đưa Cửu đỉnh trở thành Di sản Ký ức thế giới
Hội đồng thẩm định cấp cơ sở Hồ sơ di sản ký ức thế giới tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành cuộc họp để đánh giá hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế trước khi trình Bộ VHTTDL theo quy định. Các thành viên Hội đồng đã thống nhất cao và đề nghị cơ quan chức năng, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện để kịp gửi hồ sơ này đến UNESCO. Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh bằng đồng do Hoàng đế Minh Mạng cho đúc từ năm 1835-1837, sau khi hoàn thành được đặt trong sân của Thế Tổ miếu, bên trong Hoàng cung Huế và vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay.
Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuậ: Kịp thời và hoàn toàn khả thi
Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Khẳng định tính cần thiết của Quy tắc, dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người hoạt động nghệ thuật, các chuyên gia và đông đảo công chúng. Trước những ứng xử thiếu chuẩn mực của người hoạt động nghệ thuật thời gian qua, việc Bộ VHTTDL soạn thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở thời điểm hiện nay là rất kịp thời. Đó là những khuyến cáo hữu ích đối với người hoạt động nghệ thuật; ngăn chặn những điều không tốt, không nên có thể xảy ra. Chuyện của nghệ sĩ nổi tiếng cũng trở thành chuyện của xã hội, nếu không có những quy định chặt chẽ thì có thể có những hành vi, ứng xử lệch lạc, dẫn đến hệ lụy không đáng có.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 7/10 đưa tin:
"Mai Vàng nhân ái" chia sẻ khó khăn với hai nghệ sĩ ưu tú
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" khởi động lại sau những ngày giãn cách xã hội và đã đến thăm, trao tặng quà hỗ trợ cho NSƯT Lê Thiện và NSƯT - nhạc sĩ Văn Hai, mỗi người 5 triệu đồng. Đón nhận món quà bất ngờ từ chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhạc sĩ Văn Hai bày tỏ: " Món quà của chương trình thật ấm lòng nghệ sĩ nhằm san sẻ những khó khăn trong cơn đại dịch. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái".
"Tham quan ảo" lên ngôi
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua, các bảo tàng, di tích… phải đóng cửa, không đón khách tham quan, dẫn đến việc quảng bá di sản văn hóa, lịch sử gặp khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ để quảng bá các di sản văn hoá, lịch sử ngày càng trở nên phổ biến. Du khách có thể ngồi ở nhà và chỉ một cú nhấp chuột là có thể khám phá tất cả các tour "tham quan ảo".
Độc đáo Hồ Gươm xưa qua triển lãm 100 hình ảnh, tư liệu quý
Người dân truy cập vào http://archives.org.vn và fanpage https://facebook.com/luutruquocgia1 để xem tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ được trưng bày tại triển lãm trực tuyến với chủ đề "Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây", từ ngày 8-10. Triển lãm "Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây" do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức, nhân kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2021).
2.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Hà Nội mới ngày 7/10 đưa tin:
Xử lý khủng hoảng kinh doanh du lịch
Hoạt động kinh doanh du lịch luôn thường trực những rủi ro đến từ yếu tố khách quan và chủ quan, khiến các đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển, điểm đến phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Mỗi lần gặp rủi ro ngoài ý muốn, các doanh nghiệp du lịch lại thêm bài học để tích lũy kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng, nhằm "biến nguy thành cơ", phục vụ du khách tốt hơn.
Du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam: Khai thác chưa xứng với tiềm năng
Ngày 6-10, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến "Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam" với sự tham gia của cơ quan quản lý du lịch các địa phương và nhiều doanh nghiệp lữ hành. Nhiều lợi thế, tiềm năng cũng như hình thức khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được nhìn nhận rõ ràng hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh từng bước tái khởi động ngành Du lịch
Sau 8 chuyến thí điểm tổ chức tour du lịch khép kín an toàn cho hơn 1.000 lượt nhân viên y tế tuyến đầu đến các địa danh nổi tiếng tại hai huyện Củ Chi và Cần Giờ, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang mở rộng đối tượng tham gia các tour du lịch này, từng bước tái khởi động ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Ước tính, từ tháng 4 đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đón khách quốc tế) đã tạm ngừng hoạt động.
- TTXVN ngày 7/10 đưa tin:
Xây dựng cẩm nang du lịch 'Dòng chảy tinh hoa' quảng bá tiềm năng sản phẩm du lịch
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị đang triển khai xây dựng nội dung cuốn cẩm nang du lịch "Dòng chảy tinh hoa" của 7 tỉnh, thành phố trong liên kết hợp tác giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung,gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2022. Đây là dự án nhằm góp phần vực dậy du lịch 3 miền Bắc - Trung - Nam sau gần 1 năm chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 và bão lụt miền Trung. Cuốn cẩm nang du lịch này không chỉ quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và những thế mạnh, tinh hoa về sản phẩm du lịch phong phú của 7 tỉnh, thành phố, mà còn cho thấy tiềm năng, lợi thế trong liên kết giữa các vùng du lịch.
Du lịch TP Hồ Chí Minh mở lối đi 'bình thường mới'
Hoạt động du lịch lữ hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không phát sinh doanh thu trong tháng 9/2021 và đây là tháng thứ 4 liên tiếp, ngành này tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, trước bối cảnh chính quyền TP Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, ngành du lịch đang nỗ lực không ngừng để mở lối đi "bình thường mới". Do đó, ngành du lịch nghiên cứu, thiết kế sản phẩm tour hướng vào thị trường nội địa nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nếu tại TP Chí Minh có trên 10 triệu dân, kết nối thêm liên vùng sẽ mở ra nhiều điểm đến sẵn sàng đón khách cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Phát triển du lịch sức khỏe, tăng trải nghiệm cho khách du lịch ở Việt Nam
Hội thảo trực tuyến "Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức ngày 6/10, kết nối với các cơ quan quản lý du lịch ở nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch và nhiều hội, hiệp hội liên quan... Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ: Hoạt động du lịch gắn với tăng cường chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm trên toàn cầu. Nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cùng các loại dịch bệnh gia tăng khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, giải tỏa căng thẳng. Điều này khiến thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, cùng với đó là du lịch chăm sóc sức khỏe.
Lào – Vẻ đẹp tiềm ẩn và những điểm đến hút hồn du khách
Lào có tiềm năng du lịch lớn, với vô số danh lam thắng cảnh. Quốc gia Đông Nam Á này đang chờ đợi một làn gió mới để du khách quốc tế coi đây là một điểm đến thú vị, yêu thích. Theo trang travelanddestinations.com, Lào có lẽ là một trong những quốc gia chưa được đánh giá xứng tầm về tiềm năng phát triển du lịch ở Đông Nam Á. Quốc gia này mở cửa chào đón du khách nước ngoài từ năm 1989 và từ đó tới nay du lịch trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Tuy vậy, dù có tiềm năng rất lớn, du lịch Lào vẫn còn kém xa về danh tiếng so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam.
- Báo Văn hóa ngày 6/10 đưa tin:
Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao song hành quảng bá mở cửa du lịch quốc tế
Ngày 6.10, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến với các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài về "Mở cửa lại du lịch quốc tế". Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đồng chủ trì Hội nghị. Tại Hội thảo, Đại sứ, đại diện Cơ quan ngoại giao ở các nước đã thông báo khá chi tiết về tình hình kiểm soát dịch bệnh, kinh nghiệm khôi phục kinh tế, mở cửa du lịch… của các nước; đồng thời thúc đẩy việc hình thành hành lang xanh, bong bóng du lịch và thừa nhận hộ chiếu vắc xin với các nước. Đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch sớm gửi thông tin quảng bá chính thức để triển khai ngay việc quảng bá việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế tới du khách nước ngoài.
Ninh Thuận: Lượng khách tham quan và lưu trú giảm sâu vì dịch Covid-19
Chiều 6.10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì buổi họp báo. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận: Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm nội tỉnh Ninh Thuận (GRDP) ước đạt 16.538 tỷ đồng, tăng 9,45% cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.319 tỷ đồng, bằng 85,1 % KH; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.835 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ; giải quyết việc làm mới cho 6.680 lao động, đạt 41,8% kế hoạch năm, bằng 68,8% cùng kỳ; đào tạo nghề cho 3.982 người, đạt 44,2% kế hoạch năm và bằng 64,4% cùng kỳ.
Dự án Khu du lịch Năm Sao Đại Lãnh vướng nhiều sai phạm
Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức "kiểm điểm trách nhiệm" khi cấp phép xây dựng không đúng quy định về mật độ xây dựng, không phát hiện việc xây dựng trái phép tại Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) do Công ty cổ phần Du lịch Năm Sao làm chủ đầu tư…Theo đó, đối với quy hoạch đô thị, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII kết luận việc Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong ban hành Đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 tại KCN Suối Dầu được phê duyệt ngày 19.2. 2019 để đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân là chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy chuẩn xây dựng Việt Nam và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình thoát nước. Đồng thời, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong có vi phạm khi không tổ chức lấy ý kiến cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan chịu ảnh hưởng trực tiếp về đồ án này.
3.Lĩnh vực Thể thao
-TTXVN, báo Thanh Niên, báo Lao động và nhiều báo khác ngày 7/10 đưa tin: "Vòng loại World Cup 2022: Tuyển thủ Việt Nam tự tin đối đầu đội tuyển Trung Quốc" cho biết: Chấn thương của Văn Lâm, Văn Hậu và Trọng Hoàng ít nhiều để lại mối lo với đội tuyển Việt Nam trong trận đấu sắp tới gặp đội tuyển Trung Quốc ở lượt trận thứ 3 vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, sẽ diễn ra lúc 21h00 ngày 7/10 (giờ địa phương), tức 0h00 ngày 8/10 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, trung vệ Thành Chung tự tin khẳng định toàn đội sẽ nỗ lực thi đấu với 100% sức lực để khỏa lấp những khoảng trống đó.
-TTXVN ngày 7/10 đưa tin:
HLV Park Hang-seo khẳng định một số trang báo Trung Quốc trích dẫn phát ngôn không đúng sự thật
Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Sau hai trận thua liên tiếp, Đội tuyển Việt Nam đang hướng tới trận đấu gặp Đội tuyển Trung Quốc với tinh thần quyết tâm rất lớn. Phát biểu tại cuộc họp báo trước trận đấu, Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo cũng nhấn mạnh, đây là trận đấu rất quan trọng và Đội tuyển Việt Nam cần phải có điểm để tạo bước chuyển đổi trong hành trình tại bảng B - Vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á. Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo cũng phản ứng mạnh trước thông tin một số trang báo Trung Quốc đã trích dẫn phát ngôn được cho là của ông, nhận định rằng các tuyển thủ Trung Quốc chỉ đủ thể lực thi đấu 30 phút.
HLV Park Hang-seo: 'Trận đấu với Đội tuyển Trung Quốc vô cùng quan trọng'
Trả lời phỏng vấn ở cuộc họp báo trước trận ĐT Trung Quốc-ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo khẳng định ông hiểu được ý nghĩa quan trọng của trận đấu này, và "với tư cách là HLV trưởng, tôi sẽ phải đáp ứng sự chờ đợi đó với kết quả tốt". Mở đầu phần phát biểu của mình ở cuộc họp báo, HLV Park Hang-seo cho biết: "Chúng ta cũng biết trận đấu ngày mai rất quan trọng, Việt Nam và Trung Quốc trong 2 trận đầu tiên đều thất bại, cả 2 đội đều đang nhắm tới trận thứ 3, hy vọng trận thứ 3 có điểm để tìm 1 bước chuyển đổi trong hành trình sắp tới. Chúng tôi cũng hiểu rõ người hâm mộ Việt Nam rất chờ đợi trận đấu với Trung Quốc.
-Báo Tin tức ngày 6/10 đưa tin:
HLV Li Tie đặt mục tiêu chiến thắng trước tuyển Việt Nam
Phát biểu trong buổi họp báo trước trận ĐT Trung Quốc-ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Li Tie của ĐT Trung Quốc tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là luôn hướng đến chiến thắng, cho dù đối thủ là Việt Nam, Nhật Bản, hay đội bóng nào khác". HLV Li Tie cho biết: "Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi dự định có 3-4 trận đấu giao hữu chuẩn bị cho trận gặp Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên chúng tôi chỉ thi đấu 1 trận với Syria. Đối thủ ngày mai của chúng tôi là ĐT Việt Nam. Chúng tôi tôn trọng họ như mọi đối thủ khác. Chúng tôi đã tập luyện rất nhiều và chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận gặp ĐT Việt Nam. Hy vọng ĐT Trung Quốc sẽ có 1 trận đấu tốt trước ĐT Việt Nam".
Duy Mạnh tiết lộ bí quyết của tuyển Việt Nam
Theo Duy Mạnh, ĐT Việt Nam có những cách làm riêng biệt để giảm nhẹ áp lực trước những trận đấu quan trọng. Mở đầu phần phát biểu của mình ở cuộc họp báo trước trận ĐT Trung Quốc-ĐT Việt Nam, Duy Mạnh cho biết: "Với cá nhân tôi, trận đấu ngày mai rất hấp dẫn. Đến vòng loại thứ 3, tất cả các đội bóng đều rất mạnh ở khu vực châu Á, cả 2 đội đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Là cầu thủ, chúng tôi phải tuân thủ chiến thuật, chiến lược BHL đề ra, chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt chỉ thị của BHL cũng như HLV trưởng đề ra để có thể làm tốt trên sân".
Vòng loại cuối FIFA World Cup 2022: Cơ hội giành điểm số lịch sử
Sau loạt đầu ra quân gặp các đối thủ mạnh ở vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, Đội tuyển Việt Nam có loạt trận thứ hai mở màn bằng trận đấu gặp Đội tuyển Trung Quốc trên sân trung lập. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo chắc chắn hướng đến việc có điểm trước các đối thủ được đánh giá là "ngang cơ" như Trung Quốc hay Oman, đặc biệt là Trung Quốc, đội đang có thứ hạng thấp hơn Việt Nam ở bảng đấu này.
Một số giải Điền kinh dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm
Theo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nếu dịch bệnh được kiểm soát tại Hà Nội và được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội cấp phép, Giải VPBank Hanoi Marathon 2021 sẽ được tổ chức ngày 26/12/2021, còn nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sự kiện dự kiến được tổ chức ngày 6/3/2022. Các phương án trên được đưa ra sau khi Ban tổ chức Giải đã tham vấn, xin ý kiến từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, các sở, ban, ngành và được lãnh đạo thành phố phê duyệt. Kế hoạch này cũng nhằm ưu tiên đảm bảo an toàn cho vận động viên.
-Báo Hà Nội mới ngày 7/10 đưa tin:
Huấn luyện viên Park Hang-seo chốt danh sách 23 cầu thủ cho trận gặp đội tuyển Trung Quốc
Trưa 7-10 (giờ Việt Nam), huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo đã chính thức chốt danh sách 23 cầu thủ được đăng ký thi đấu trong trận gặp đội tuyển Trung Quốc tại vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra trên sân vận động Sharjah (UAE). Theo đó, 4 cầu thủ không đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam trong trận gặp đội tuyển Trung Quốc là thủ thành Nguyễn Văn Hoàng, hậu vệ Trần Đình Trọng, Bùi Hoàng Việt Anh và tiền vệ Lý Công Hoàng Anh.
Huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm dẫn dắt câu lạc bộ Hải Phòng
Câu lạc bộ Hải Phòng xác nhận đã đạt được thỏa thuận cùng huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm kể từ mùa giải 2022. Sau thời gian dài đàm phán hợp đồng, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm và Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng đã chính thức ký hợp đồng. Cựu huấn luyện viên trưởng Hà Nội FC sẽ dẫn dắt Hải Phòng kể từ mùa giải 2022. Mục tiêu của CLB Hải Phòng đặt ra cho ông Chu Đình Nghiêm là vị trí trong tốp 6 chung cuộc V.League 2022.
HLV Park Hang-seo: ''Tuyển Việt Nam sẽ tìm cách khắc chế tuyển Trung Quốc''
Chia sẻ ở cuộc họp báo trước trận gặp Trung Quốc, HLV Park Hang-seo của tuyển Việt Nam cho biết, ông cũng chịu nhiều áp lực. "Trận đấu với đội tuyển Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng, đến mức khi đội tuyển rời Việt Nam sang UAE thì có một số người bạn đã nói với tôi, làm thế nào để tuyển Việt Nam thắng được tuyển Trung Quốc. Những người bạn này thường không bao giờ nói với tôi về áp lực thắng thua mà đến lần này lại nói như thế, chứng tỏ người dân Việt Nam rất quan tâm đến kết quả của trận đấu này", HLV Park Hang-seo mở đầu phần trả lời họp báo của đội tuyển Việt Nam.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 7/10 đưa tin:
Trận Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội để có điểm đầu tiên
Đội tuyển Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản tấn công mà HLV đội tuyển Trung Quốc sắp áp dụng. Dù đội tuyển Trung Quốc được đánh giá cao hơn khi sở hữu 4 cầu thủ nhập tịch và cả ngôi sao Wu Lei đang khoác áo đội bóng lừng danh giải La Liga là CLB Espanyol, đội tuyển Việt Nam vẫn tràn đầy tự tin trước cuộc chạm trán trên sân Sharjah ở UAE vào lúc 0 giờ ngày 8-10 (VTV6 trực tiếp).
Duy Mạnh: Trung Quốc là đội bóng mạnh, nhưng chúng tôi có lối chơi riêng để khắc chế
Trong buổi họp báo trước trận đấu vào tối 6-10 (theo giờ địa phương), trung vệ Duy Mạnh cho biết Trung Quốc là đội bóng mạnh với nhiều cầu thủ nhập tịch, nhưng chúng tôi có lối chơi riêng để khắc chế. Sau hai trận thua liên tiếp, đội tuyển Việt Nam đang hướng tới trân đấu gặp đội tuyển Trung Quốc với tinh thần quyết tâm rất lớn. Trung vệ Duy Mạnh cho biết đây là trận đấu rất quan trọng và đội tuyển Việt Nam cần phải có điểm để tạo bước chuyển đổi trong hành trình tại bảng B vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 7/10 đưa tin: "Dòng người từ vùng dịch đổ về quê: Cần đặc biệt quan tâm đến phụ nữ mang thai và trẻ em" cho biết: Những ngày qua, dòng người lao động từ nhiều tỉnh, thành như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tự phát về quê với số lượng đông. Đáng chú ý trong số này có nhiều phụ nữ, có cả phụ nữ mang thai và trẻ em, thậm chí có những người vì không có xe mà đành phải đi bộ vượt đường dài về quê.
Hiện nay trong quá trình di chuyển, có khá nhiều người dân đi bộ, đi nhờ xe của các tỉnh theo từng chặng. Không chờ người dân lên tiếng cầu cứu, việc triển khai ngay tất cả các kế hoạch để đón dân của từng địa phương phải chủ động hơn nữa. Và, cũng ngay từ bây giờ, các địa phương này cũng cần đưa ra các phương cách để tạo sự ổn định cho người dân qua mùa dịch. Nếu người dân có nhu cầu quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam, chính quyền các địa phương nên phối hợp trong việc đưa – đón, không để xảy ra tình trạng tự phát như hiện nay. Về lâu dài, thiết nghĩ cần có chính sách vĩ mô để hỗ trợ người lao động ngay tại nơi họ làm việc, tránh rơi vào tình trạng như hiện nay.