Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27/9/2021
27/09/2021 | 16:16Hai tác giả Việt Nam giành Giải thưởng văn học ASEAN; Đội tuyển Việt Nam rèn kỹ chiến thuật, chuẩn bị gặp đội tuyển Trung Quốc; Công nhận "Hộ chiếu vaccine" giữa Việt Nam với các quốc gia là đặc biệt cần thiết là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 27/9 đưa tin:
Không tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
Ngày 25/9, Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng có văn bản thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2021. Trước đó, tại cuộc họp ngày 24/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thống nhất việc không tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2021. Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo (gồm 2 phần là Lễ cúng trăng và hội đua ghe Ngo) là một trong 3 lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Theo thông lệ, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng thường được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 10 âm lịch hằng năm.
Đánh thức giá trị không gian văn hóa Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Sáng 26/9, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt". Trong buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp để Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể trở thành một không gian văn hóa sống động. Theo ông Trương Quốc Toàn, cố vấn cho hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dịch COVID-19 làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có nhu cầu tham quan.
-Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27/9 đưa tin:
Khuyến khích các mô hình thư viện thích ứng với dịch
Nhằm đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức phục vụ học tập và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, Bộ VHTTDL khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, tổ chức các hoạt động phục vụ sách, báo và các hoạt động thư viện tại vùng dịch. Trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ VHTTDL đề nghị cùng phối hợp chỉ đạo ngành VHTTDL tại địa phương linh hoạt triển khai một số mô hình thư viện phù hợp.
Tiện ích từ nghệ thuật số
Dưới sự tác động của nền kinh tế số, trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, nghệ thuật số không ngừng phát triển và phân nhánh liên tục: tranh số, thực tế tăng cường, thực tế ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Nhờ vậy, tác phẩm nghệ thuật không chỉ đẹp mà còn ứng dụng, tương tác với người xem nhiều hơn. Nghệ thuật số, hay nói cách khác là đưa công nghệ, kỹ thuật vào quá trình sáng tạo, trình bày tác phẩm. Trong xu thế công nghệ 4.0, giới chuyên môn lẫn khán giả đều nhìn nhận sự song hành của nghệ thuật số và truyền thống, mỗi bên đều có một giá trị, chỗ đứng riêng.
Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021
Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021 - hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ, sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 9-10 và phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội từ 15-18 giờ (giờ Việt Nam). Chương trình có sự tham gia của nhiều "sứ giả" ngoại giao, nghệ sĩ, vận động viên tiêu biểu, gồm 5 phần: Xin chào Thụy Sĩ! Xin chào châu Âu!; Văn hóa cội nguồn; Việt Nam diệu kỳ; Các thế hệ tương lai; Hẹn gặp tại Việt Nam. Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021 diễn ra tại các điểm cầu: Đài Truyền hình Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
Giới làm phim Việt lên tiếng về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi
"Ai góp ý giơ tay lên" là cuộc thảo luận, tọa đàm online của giới làm phim Việt, được tổ chức nhằm đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Sự kiện quy tụ các nhân vật hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng trong làng điện ảnh. Trong đó, danh sách các đạo diễn xác nhận tham gia gồm: Phan Đăng Di (Bi, đừng sợ!), Nguyễn Hoàng Điệp (Đập cánh giữa không trung), Nguyễn Quang Huy (Chàng trai năm ấy), Phan Gia Nhật Linh (Cô gái đến từ hôm qua, Em và Trịnh); đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (Dành cho tháng sáu, Mặt trời con ở đâu)…Các đạo diễn khác như Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Tạ Nguyên Hiệp... cũng tham gia tọa đàm.
- Báo Hà Nội mới ngày 26/9 đưa tin:
Chương trình nghệ thuật đặc biệt ''Nối vòng tay lớn'' lan tỏa tinh thần chống dịch
Tối 26-9, tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến đặc biệt mang tên "Nối vòng tay lớn". Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phát biểu chào mừng. Đêm nghệ thuật đặc biệt diễn ra trong bối cảnh đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 là liều thuốc tinh thần thắp sáng niềm tin chiến thắng đại dịch.
Xây dựng mô hình thư viện phục vụ cộng đồng đáp ứng phòng, chống dịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng mô hình thư viện phục vụ cộng đồng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương (lĩnh vực thư viện) thực hiện đổi mới hình thức, phát huy sự sáng tạo, linh hoạt trong việc tổ chức phục vụ sách, báo tại cơ sở thông qua phát triển các mô hình tủ sách phục vụ cộng đồng, thư viện lưu động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chuyển động trong mùa dịch
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh quyết định tổ chức triển lãm trực tuyến "Sắc màu bình yên" trên trang Facebook Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (HCM City Fine Arts Association), từ nay đến hết ngày 20-10. Đây là triển lãm trực tuyến đầu tiên do Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, giới thiệu 103 tác phẩm tranh, tượng của 63 hội viên. Hầu hết tác phẩm đều là những sáng tác mới trong năm 2021, được thể hiện trên nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, sơn mài, lụa, thủy mặc, gỗ, nhôm… và mang nặng tâm tư, tình cảm của tác giả về tình yêu, gia đình, cuộc sống, đặc biệt là đề tài phòng, chống dịch Covid-19.
Hỗ trợ các nhà làm phim trẻ: Tạo sức bật cho điện ảnh Việt
Cùng với đội ngũ kỳ cựu, các nhà làm phim trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề ở Việt Nam đã và đang nỗ lực dấn thân, tạo nên những tác phẩm điện ảnh chất lượng, gặt hái nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Họ chính là lực lượng nòng cốt của điện ảnh nước nhà trong tương lai. Nếu được hỗ trợ hoạt động sáng tạo, lực lượng này sẽ tạo sức bật cho điện ảnh Việt Nam cất cánh.
Nghiêm cẩn khi tu bổ, tôn tạo di tích
Tu bổ, tôn tạo di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo tồn di sản, song hoạt động này hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề, tác động xấu tới di tích. Thực trạng đó đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo, nhất là khâu giám sát, nắm bắt thông tin, thực hiện một cách nghiêm cẩn, không để làm sai, sửa ẩu.
-Báo Hà Nội mới, báo Thể thao và văn hóa cùng nhiều báo khác ngày 26/9 đưa tin: "Hai tác giả Việt Nam đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN" cho biết: Theo tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, hai tác giả Việt Nam đã được chọn nhận Giải thưởng văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan và Hội Nhà văn Thái Lan tổ chức dành cho các nhà văn, nhà thơ xuất sắc của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đó là nhà thơ Trần Quang Đạo, đoạt Giải thưởng văn học ASEAN năm 2019, với tập thơ "Bay trong mơ" và nhà văn Võ Khắc Nghiêm, đoạt Giải thưởng văn học ASEAN năm 2020, với tiểu thuyết "Thị Lộ chính danh".
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Giải thưởng văn học ASEAN năm 2019 và 2020 được xét chung một lần. Hai tác giả của Việt Nam sẽ tham dự bằng hình thức trực tuyến lễ trao giải thưởng dự kiến diễn ra đầu năm 2022 tại Bangkok, Thái Lan. Ngày 25-9, Ban Tổ chức có hoạt động giao lưu trực tuyến với các tác giả đoạt giải. Theo đó, hai tác giả của Việt Nam cùng với các tác giả đoạt giải của nước khác đã đọc trích đoạn tác phẩm của mình.
2.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Hà Nội mới ngày 27/9 đưa tin:
Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh: Những tín hiệu tích cực
Huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi (khu vực "vùng xanh" - vùng an toàn Covid-19) là 2 địa phương đầu tiên mà ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh thí điểm mở các chuyến du lịch (tour) theo hình thức "bong bóng khép kín" trong lúc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây là những tín hiệu tích cực để thành phố Hồ Chí Minh sớm tái khởi động ngành dịch vụ quan trọng này thời gian tới.
Du lịch Đông Nam Á tìm hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19
Các quốc gia Đông Nam Á đang phải trải qua làn sóng dịch với diễn biến phức tạp và khó lường nhất từ trước đến nay. Trước khó khăn chung, các quốc gia cũng có chiến lược riêng để phục hồi kinh tế - xã hội trong đó có du lịch. Hoạt động du lịch tại nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam bắt đầu có chuyển biến khi nhiều chính sách phục hồi và phát triển đã được đưa ra để thích nghi với trạng thái "bình thường mới".
Hội An tiếp tục vào tốp 15 thành phố tuyệt vời nhất châu Á năm 2021
Chuyên trang du lịch Travel + Leisure (Mỹ) vừa tổ chức bình chọn cho giải thưởng The World's Best Awards 2021 dành cho các điểm đến và dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới. Với số điểm 86,98/100, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đứng ở vị trí 13 trong danh sách 15 thành phố tuyệt vời nhất châu Á. Giải thưởng The World's Best Awards 2021 dành cho các điểm đến và dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới của trang Travel + Leisure được dựa trên đánh giá của các độc giả theo các tiêu chí như địa điểm tham quan, văn hóa, ẩm thực, sự hiếu khách, mua sắm....
Xây dựng chương trình phục hồi du lịch nội địa trên toàn quốc
Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa có công văn số 68/CV-HHDL gửi các địa phương về việc triển khai Chương trình phục hồi du lịch nội địa. Trong Chương trình này, Hiệp hội Du lịch cũng đề cập các tiêu chí an toàn. Cụ thể: Đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên, phải tiêm đầy đủ các liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch nội tỉnh, thành phố.
-TTXVN ngày 26/9 đưa tin:
Du lịch Nam Bộ linh hoạt thích ứng, xây dựng kế hoạch phục hồi
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt nhiều kết quả khả quan và chiến lược thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đang dần mở ra cơ hội phục hồi cho hoạt động du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam sau thời gian dài "đóng băng". Giữ kết nối với du khách, quảng bá những điểm đến nằm trong "vùng xanh", các địa phương cũng có phương án khởi động, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm với mong muốn khôi phục hoạt động du lịch trong thời gian tới.
Khôi phục du lịch nội địa: Ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch 'xanh'
Để thích ứng và chuẩn bị sẵn sàng khôi phục các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, các số Du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) cùng với các hiệp hội du lịch lên kế hoạch về tổ chức du lịch theo tiêu chí 'xanh', trước mắt thí điểm nội tỉnh. Cụ thể, các tiêu chí xanh được Hội Lữ hành Hà Nội xây dựng để lấy ý kiến các thành viên và cơ quan quản lý du lịch địa phương như: Khách du lịch phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi di chuyển ngoại tỉnh; doanh nghiệp "xanh" (lực lượng lao động kinh doanh du lịch của đơn vị đã được tiêm đủ vaccine, có năng lực tổ chức tour an toàn); chuỗi dịch vụ "xanh" .
Ninh Bình 'đón khách' bằng loạt tour du lịch trực tuyến
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các khu, điểm du lịch tại tỉnh Ninh Bình phải đóng cửa để phòng chống dịch. Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến du khách trong và ngoài nước, ngành Du lịch tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm qua các nền tảng số bằng hình thức livestream trên các trang mạng xã hội, qua đó thu hút hàng nghìn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ. Qua chương trình này, du khách được trải nghiệm, thưởng ngoạn những hình ảnh tại các khu, điểm du lịch của tỉnh Ninh Bình và được cung cấp các thông tin hữu ích do các hướng dẫn viên du lịch địa phương giới thiệu.
Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái ở Yên Bái
Kết hợp giá trị thiên nhiên kỳ vĩ cùng văn hóa truyền thống đa sắc, mang đậm bản sắc dân tộc đang trở thành xu hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững, hiệu quả, góp phần đưa Yên Bái thành điểm đến hàng đầu khu vực Tây Bắc. Mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Yên Bái sẽ là xanh, bản sắc, hấp dẫn, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Yên Bái tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh; nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm tour du lịch cảm ơn các lực lượng tuyến đầu chống dịch
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, sau khi triển khai thành công 2 tour du lịch thí điểm về Cần Giờ và Củ Chi, ngày 25/9 các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai thêm 8 tour du lịch khác để cảm ơn các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Theo Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), sau thành công của tour tri ân 119 y, bác sĩ tuyến đầu đến từ các tỉnh, thành tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị tiếp tục tài trợ và tổ chức 8 tour tham quan Cần Giờ và Củ Chi trong tuần tới.
-Báo Nhân Dân ngày 26/9 đưa tin:
Công nhận "Hộ chiếu vaccine" giữa Việt Nam với các quốc gia là đặc biệt cần thiết
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận "Hộ chiếu vaccine". Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng "Hộ chiếu vaccine" để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận "Hộ chiếu vaccine" lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Giảm thiểu tác động của đại dịch, Nam Á bắt đầu mở cửa lại du lịch
Không thể hứng chịu thêm những tổn thất kinh tế sau thời gian dài đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Sri Lanka đang lần lượt mở cửa đón du khách quốc tế quay lại. Nhằm hồi sinh ngành du lịch bị tàn phá sau 18 tháng đóng cửa vì đại dịch, từ ngày 23/9, Nepal đã mở cửa trở lại cho khách du lịch và bãi bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với người nước ngoài đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19.
Phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu du lịch
Sau khi kiểm soát, khống chế được dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phía bắc đã nới lỏng việc giãn cách, cho phép hoạt động trở lại các ngành kinh doanh dịch vụ, từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho du khách, các ngành, các cấp tại các địa phương cần siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu du lịch.
TP Móng Cái lên kế hoạch kích cầu du lịch sau dịch Covid-19
TP Móng Cái đã chủ động lên kế hoạch triển khai các giải pháp kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch vào những tháng cuối năm, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19. Dự kiến sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện kích cầu du lịch được tổ chức như: Lễ công bố, trao giải cuộc thi "Sáng tác clip, ảnh đẹp du lịch Móng Cái" gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương; Cuộc thi "Nét đẹp phụ nữ với tà áo dài Việt Nam" 2021; Khánh thành vườn sinh thái Hồng Vận; Liên hoan tiếng hát khu dân cư; Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Hải Sơn; Đại hội Thể dục thể thao thành phố Móng Cái và Lễ hội chào năm mới 2022.
- Báo Văn hóa ngày 26/9 đưa tin:
Quảng Ninh: Đón khách với mô hình du lịch lưu trú dài ngày, dịch vụ khép kín
Tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan đang gấp rút xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình đón du khách với mô hình du lịch lưu trú dài ngày, khép kín và được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh. Cùng với việc quyết liệt triển khai các biện pháp giữ môi trường an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, thời gian qua, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều chính sách kịp thời, hiệu quả, đồng hành, tháo gỡ một phần khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp du lịch như miễn 100% vé tham quan, lưu trú Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích danh thắng Yên Tử, ưu tiên sớm triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân lực du lịch… Các chính sách này đã phát huy hiệu quả ngay sau khi ban hành và tạo động lực từng bước lấy lại đà tăng trưởng.
Ninh Thuận: Lên kịch bản "mở cửa" đón du khách từ vùng an toàn
Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đã tập trung nghiên cứu phương án, đề xuất UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương "mở cửa" đón khách du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL, hướng đề xuất của ngành là sẽ "mở cửa" đón khách du lịch khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được đánh giá ở trạng thái "bình thường mới". Trước hết là mở cửa đón khách du lịch nội tỉnh với chương trình "Người Ninh Thuận đi du lịch Ninh Thuận"; sau đó sẽ mở rộng đón khách du lịch ngoại tỉnh (khách ngoài tỉnh) từ các vùng không có dịch "Vùng xanh" đến Ninh Thuận với Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Đối với khách du lịch (kể cả khách nội tỉnh và khách ngoại tỉnh): chỉ đón khách du lịch đến từ các địa phương không có dịch "Vùng xanh"; đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, có giấy chứng nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định.
Sắp công bố chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc
Ngày 24.9, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết sẽ công bố "Chương trình khôi phục Du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đợt 4" vào cuối tháng 9 này. Chương trình hành động này của các doanh nghiệp du lịch sẽ góp phần đưa du lịch trở lại vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với việc khởi động lại chương trình đón khách quốc tế tới Phú Quốc mà Bộ VHTTDL đang xây dựng, việc có thể làm được ngay là khôi phục du lịch nội địa. Để chuẩn bị cho việc này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã dự thảo chương trình và xin ý kiến của lãnh đạo các địa phương, Hiệp hội Du lịch các địa phương, trao đổi ý kiến với các Sở quản lý du lịch trên cả nước.
3.Lĩnh vực Thể thao
-Báo Tin tức ngày 27/9 đưa tin:
Ngày 1/10, tuyển Việt Nam lên đường sang UAE chuẩn bị cho trận gặp đội tuyển Trung Quốc
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ lên đường sang UAE để chuẩn bị cho trận đấu gặp đội tuyển Trung Quốc, nên cả bộ máy đều hoạt động hết công suất nhằm cải thiện lối chơi và hướng tới kết quả tốt nhất. Hai trận đấu tới được xác định là hai trận đấu có ý nghĩa rất quan trọng đối với đội tuyển Việt Nam trong cuộc cạnh tranh tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trong những ngày qua, thầy trò HLV Park Hang-seo đang dồn sự tập trung tối đa để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi di chuyển sang UAE vào ngày 1/10 tới.
Xác định danh sách 'bát đại anh hào' tại futsal World Cup 2021
Iran, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 3 đội cuối giành quyền vào vòng tứ kết FIFA futsal World Cup Lithuania 2021. Trước đó, 5 đội giành vé đi tiếp gồm Nga, Marốc, Kazakhstan, Argentina và Brazil. Ngày 25/9, Bồ Đào Nha đã vượt qua Serbia với tỷ số 4 - 3 sau hiệp phụ (sau khi hòa nhau 2-2 ở 2 hiệp chính) để giành tấm vé cuối vào tứ kết futsal World Cup 2021. Đây cũng là trận duy nhất ở vòng 1/8 phải bước vào hiệp phụ để phân định thắng thua.
AFF Cup 2020: Nơi khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam ở Đông Nam Á
Đội tuyển Việt Nam đang hướng đến những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021 là vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020. Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam được tham dự. Đây là cơ hội để bóng đá Việt Nam được thi đấu cùng những đội bóng hàng đầu châu lục, mang đến cho tuyển Việt Nam những bài học, trải nghiệm vô cùng quý giá. Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ nỗ lực bảo vệ thành công ngôi vô địch tại AFF Cup 2020.
Vòng loại U23 châu Á 2022: Xác định địa điểm thi đấu của U23 Việt Nam
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), các trận đấu trong khuôn khổ bảng I vòng loại U23 châu Á (AFC U23 Asian Cup) 2022 sẽ diễn ra tại Kyrgyzstan thay vì tại Đài Bắc Trung Hoa như kế hoạch ban đầu. Trước đó, Đài Bắc Trung Hoa (Trung Quốc) nhận quyền đăng cai tổ chức bảng I, tuy nhiên sau khi cân nhắc các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức giải cũng như quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Đài Bắc Trung Hoa, Liên đoàn bóng đá Đài Bắc Trung Hoa đã quyết định gửi đơn tới AFC để xin rút đăng cai vòng loại U23 châu Á 2022.
-Báo Nhân Dân ngày 27/9 đưa tin:
Bóng rổ tự chuyển mình để phát triển
Quả trứng gà được ấp mãi trong lòng mẹ mà không thành chú gà con, đó là hình ảnh được ông Lê Hoàng Anh – Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF), sử dụng để nói về thực trạng của bộ môn này trước khi có được sự tự chuyển mình trong vài năm trở lại đây. Lãnh đạo Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tin tưởng, những sự thay đổi này sẽ kích hoạt được niềm tin, sự đầu tư của xã hội cho thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng, giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ cho sự phát triển, phá vỡ những "vỏ trứng" giúp "đàn gà con" sớm trưởng thành, đạt được những bước phát triển mới.
Đội tuyển nữ Việt Nam hướng đến trận gặp chủ nhà Tajikistan
Chiều 25/9, sau chiến thắng đậm 16-0 trước Maldives, các cầu thủ nữ Việt Nam tiếp tục có buổi tập thứ hai để chuẩn bị cho trận đấu gặp đội chủ nhà Tajikistan, diễn ra vào ngày 29/9 tới. Theo kế hoạch, các cầu thủ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục có buổi tập vào sáng 26/9 tại sân chính. HLV Mai Đức Chung cũng phổ biến trước với các cầu thủ về buổi tập này; theo đó, các cầu thủ sẽ chia đôi đội hình thi đấu đối kháng (35 phút/hiệp). Buổi chiều cùng ngày, ban huấn luyện sắp xếp cho các cầu thủ đến sân theo dõi hiệp 1 trận đấu giữa chủ nhà Tajikistan và Maldives.
- Báo Thể thao và Văn hóa ngày 26/9 đưa tin:
AFF Cup 2020: Malaysia triệu tập 1 cầu thủ nhập tịch
Đội tuyển Malaysia đã tiến hành hội quân để chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Trong lần triệu tập này, HLV Tan Cheng Hoe đã gọi lên 6 cầu thủ trẻ bao gồm: Sharul Nazeem Zulpakar, Mukhairi Ajmal Mahadi, Quentin Cheng, Al Hafiz Harun, Kalamullah Al-Hafiz Mat Rowi và Hakimi Abdullah. Trong danh sách 24 cái tên được triệu tập vào hồi tháng 5 và tháng 6 hiện tại chỉ có 12 cầu thủ được giữ lại. Hiện tại trong đội hình của Malaysia thời điểm này chỉ còn duy nhất tiền đạo gốc Brazil Guilherme de Paula là cầu thủ nhập tịch.
Hải Phòng xin đăng cai tổ chức trận tuyển Việt Nam gặp các tuyển Trung Quốc, Oman
UBND TP Hải Phòng vừa ban hành công văn đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Công ty Cổ phần Sông Hồng về việc xin đăng cai tổ chức các trận thi đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam trên sân Lạch Tray. Theo đó, 2 trận đấu mà UBND TP Hải Phòng chủ trương xin tổ chức là các trận đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Trung Quốc (ngày 1/2/2022) và gặp đội tuyển Oman (ngày 24/3/2022) tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trước đó, Công ty cổ phần Sông Hồng, đơn vị chủ quản của CLB Hải Phòng, đã gửi công văn lên Sở Văn hóa & Thể thao và UBND TP Hải Phòng để đề xuất xin được tổ chức các trận thi đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam trên sân Lạch Tray.
- Báo Hà Nội mới ngày 26/9 đưa tin: "Đội tuyển futsal Việt Nam: Bước tiến mới đầy bản lĩnh" cho biết: Đội tuyển Việt Nam đã dừng bước ở vòng 1/8 Giải vô địch bóng đá trong nhà thế giới năm 2021 (FIFA Futsal World Cup 2021) sau thất bại 2-3 trước đội tuyển Nga. Song, màn trình diễn của thầy trò huấn luyện viên Phạm Minh Giang tại giải đấu này rất đáng tự hào, cho thấy bản lĩnh và bước tiến lớn của đội tuyển futsal Việt Nam. Những bước tiến và sự thành công của đội tuyển futsal Việt Nam tại FIFA Futsal World Cup 2021 sẽ là động lực để phong trào futsal trong nước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Giadinh.net.vn ngày 27/9 đưa tin: "Nâng cao sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi" cho biết: Nước ta hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Với sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, người cao tuổi dễ mắc Covid-19 và diễn biến bệnh thường nặng. Thêm vào đó, sự căng thẳng và tình cảnh khó khăn trong thời gian này, có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm. Do vậy, những người thân cần có sự chia sẻ, quan tâm để giúp người cao tuổi cảm thấy an toàn.