Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 12/7/2021
12/07/2021 | 15:32Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên - Huế; Khởi động dự án ''Trang vàng du lịch Việt Nam''; Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức Lễ xuất quân dự Olympic là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Văn hóa ngày 12/7 đưa tin:
Hội đồng xét tặng giải thưởng, danh hiệu về VHNT: Áp lực và trách nhiệm với "ghế nóng"
Mùa xét tặng Giải thưởng, danh hiệu nào cũng vậy, luôn có những "cơn sóng" và đằng sau đó là sự xét nét nhiều chiều của dư luận về cách làm việc, sự công tâm, khách quan của Hội đồng các cấp. Áp lực và trách nhiệm của những người ngồi "ghế nóng" vì thế ngày càng cao hơn… Bởi hơn ai hết, mỗi thành viên Hội đồng đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của những người "cầm cân nẩy mực", nhằm đảm bảo sự công bằng, dân chủ và củng cố niềm tin trong công tác xét tặng mang ý nghĩa tôn vinh cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.
Bảo tồn hệ thống ma nhai cổ trên Ngũ Hành Sơn
Theo khảo sát, Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn hiện còn lưu dấu rất nhiều bút tích của các bậc tiền nhân, trong đó có hệ thống ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá). Đây là nguồn tư liệu quý, chứa đựng nhiều thông tin có giá trị và vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại và hình thức. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, hiện đơn vị đã hoàn tất hồ sơ về hệ thống ma nhai để đệ trình UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới.
First News gửi đơn tố cáo đề nghị xử lý 54 trang mạng bán sách lậu
First News - Trí Việt vừa gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị kiên quyết xử lý 54 trang mạng bán sách lậu. Theo đơn vị này, hàng vạn bản sách lậu kém chất lượng tiêu thụ công khai trái pháp luật trên các Fanpage mạng xã hội, tại Hà Nội và các tỉnh, thành ngay giữa đại dịch. Theo đó, Muôn kiếp nhân sinh phần 2 của tác giả GS John Vu - Nguyên Phong được ê-kíp thực hiện liên tục 68 ngày đêm để cho ra đời ngay giữa đại dịch biến thể Delta lần 4 quay lại Việt Nam và tạo nên một hiện tượng văn hoá độc lan tỏa mạnh mẽ hơn cả Muôn kiếp nhân sinh phần 1, khi tác giả đã lý giải phân tích nguyên nhân sâu xa của đại dịch và các biến động tai ương đang diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới… Tuy nhiên, chỉ mới sau hơn 2 tuần phát hành, nhiều bạn đọc đã gửi thư phản ánh về việc sách giả sai sót, kém chất lượng đang được rao bán ngang nhiên trên các Fanpage mạng xã hội, tại các nhà sách Hà Nội và các tỉnh, thành, gây bức xúc cho rất nhiều bạn đọc và những người trân trọng giá trị cuốn sách này.
Tập trung xây dựng môi trường văn hóa
Văn hóa là dấu vết của con người in trong tự nhiên. Là những gì thuộc về con người, do con người sáng tạo ra, trong cuộc sống và vì cuộc sống của chính mình. Đó là tính người, chất người, là cái đẹp của nhân cách. Còn môi trường văn hóa là không gian mà trong đó con người chịu sự tác động của nó để trở thành Người. Văn hóa là cái đẹp, nhưng trong môi trường văn hóa thì có đẹp và có xấu, có tác động tích cực và tiêu cực đối với quá trình hình thành nhân cách. Tác động tới nhân cách trước tiên và mạnh mẽ nhất là các yếu tố văn hóa. Văn hóa nuôi dưỡng văn hóa. Văn hóa sinh ra văn hóa. Văn hóa "di truyền" từ đời này sang đời khác, làm cho một dân tộc có thể trường tồn và phát triển. Đồng thời với quá trình đó, các yếu tố tự nhiên cũng góp phần đáng kể trong hình thành nhân cách, thành thơ, thành nhạc, thành ký ức trong đời sống tâm hồn.
Vượt khó trong hoạt động đào tạo sáng tác văn học
Sáng tác văn học là một ngành đào tạo đặc thù, bởi vậy bên cạnh cơ hội riêng cũng có những khó khăn không nhỏ. Thực tế hoạt động đào tạo Sáng tác văn học tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang đối diện với những thách thức lớn đó là số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học Viết văn ngày một thưa vắng. PV Văn hóa đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội về vấn đề này.
-Báo Nhân Dân ngày 12/7 đưa tin:
Xiếc Việt đổi mới để chinh phục công chúng
Trong tình hình mọi hoạt động sân khấu gần như phải đóng băng vì dịch Covid-19, cũng như những đơn vị nghệ thuật khác, Liên đoàn Xiếc Việt Nam không được biểu diễn, không có nguồn thu, khó bảo đảm lương hợp đồng cho những diễn viên trẻ… Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực tập luyện để sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ có ngay những món ăn tinh thần hấp dẫn phục vụ khán giả. Như vở xiếc kết hợp cải lương Thượng thiên Thánh Mẫu đang được liên đoàn và Nhà hát Cải lương Việt Nam từng bước hoàn thiện.
Kết nối quá khứ và hiện tại
Bên cạnh một Hà Nội sôi động, hấp dẫn vẫn còn một Hà Nội khác - Hà Nội "cũ". Có những cái cũ tưởng như sẽ nhanh chóng và cần thiết bị phủ nhận, để nhường đường cho sự phát triển, như những nhà máy xí nghiệp trong nội đô, hay những khu tập thể xây dựng 40, 50 năm về trước. Nhưng bây giờ, chúng đang được tái tạo thành những không gian mới. Và người ta nhận ra bản sắc Hà Nội chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Tu sửa cấp thiết ba tòa Thái miếu ở Lam Kinh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 2384/VHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu sửa cấp thiết ba tòa Thái miếu thuộc Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Văn bản nêu rõ, Bộ thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu sửa cấp thiết mái ba tòa Thái miếu số 4, 5, 6 thuộc Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh với nội dung: Lợp lại ngói (ngói lót và ngói mũi hài); thay thế, bổ sung phần diềm mái bị hỏng; tu bổ bờ mái, con giống, bổ sung con giống bị mất; chống mối xung quanh các công trình.
Tạm dừng tổ chức lễ hội đền Hàn Sơn ở Thanh Hóa
Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) vừa quyết định tạm dừng hoạt động đón tiếp và thực hành tâm linh, tín ngưỡng, tham quan tại các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ (xã Hà Sơn) và đền Cây Thị (xã Hà Ngọc) từ ngày 10/7 (tức ngày 1/6 âm lịch) cho đến khi có thông báo mới. Theo thông lệ, từ ngày 10 đến 21/7 (tức ngày 1/6 đến 12/6 âm lịch) sẽ diễn ra lễ hội Hàn Sơn tại cụm di tích văn hóa đền Cây Thị, đền Hàn Sơn và đền Cô Bơ trên địa bàn xã Hà Ngọc và xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
- Báo Hà Nội mới ngày 11/7 đưa tin:
Chinh phục hồ Tây - hành trình mới chỉ bắt đầu
Cuốn sách "Từ Everest Marathon đến Chinh phục hồ Tây" của tác giả Phạm Duy Cường vừa được xuất bản không chỉ ghi lại hành trình của một người đam mê chạy, truyền cảm hứng chạy bộ cho người khác cũng như đứng ra tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, mà trong đó còn có cả một tình yêu Hà Nội, đặc biệt là với hồ Tây huyền thoại.
"Làn gió mới" cho phim tài liệu
Sau hơn 2 năm thực hiện, "Đại thi hào Nguyễn Du" với hình thức khá mới mẻ - phim tài liệu nghệ thuật, vừa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến rộng rãi. Phim do Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng viết kịch bản, đạo diễn Nguyễn Văn Đức thực hiện, gồm 3 phần "Gia thế và tuổi thơ", "Mười năm gió bụi", "Nghiệp văn và quan trường", với thời lượng 180 phút, tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du, tôn vinh di sản văn hóa "Truyện Kiều" do ông sáng tác.
Khơi dậy sáng tạo từ sân chơi về đọc sách
Bên cạnh việc hướng đến hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, các cuộc thi, sân chơi về đọc sách được nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức gần đây còn góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo, rèn luyện kỹ năng viết, vẽ, diễn thuyết, tự tin thể hiện quan điểm của người đọc. Đây là những nhân tố hữu ích trong đời sống, cần được trau dồi, phát huy.
Sức sống mới từ những không gian cũ
"Tái sinh" cơ sở sản xuất cũ thành không gian sáng tạo là hướng đi được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, giúp mang lại lợi ích đa chiều. Tại Hà Nội, cách làm này đã, đang tạo sức sống mới cho những không gian cũ, vừa bảo vệ được ký ức lịch sử, vừa mang lại lợi ích kinh tế, thúc đẩy sáng tạo và kinh tế sáng tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.
Phát động triển lãm ảnh Covid-19 online ''Những khoảnh khắc từ trái tim''
Ngày 9-7, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phát động triển lãm ảnh Covid-19 online năm 2021, với chủ đề "Những khoảnh khắc từ trái tim". Triển lãm dành cho các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên, người yêu thích nhiếp ảnh cả nước tham gia bằng các tác phẩm giới thiệu hình ảnh thực tiễn sinh động về cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, về những tập thể, cá nhân có nghĩa cử, hành động đẹp, thiết thực và ý nghĩa; những chiến sĩ trên tuyến đầu, những tấm gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...
- Báo điện tử Người Lao động ngày 12/7 đưa tin: "Giải thưởng sáng tạo TP HCM: Chắp cánh cho tác phẩm đỉnh cao" cho biết: Những tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng Sáng tạo TP HCM sẽ là nền tảng cho sự sáng tạo đỉnh cao phục vụ công chúng. Tiếp nối thành công của mùa giải trước, Hội đồng Xét duyệt Giải thưởng Sáng tạo TP HCM lần thứ 2-2021 đang tìm kiếm các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm ở 7 lĩnh vực với giải nhất là 200 triệu đồng.
- Báo An ninh Thủ đô ngày 11/7 đưa tin: "Ở nhà chống dịch, nghe hòa nhạc trực tuyến từ 4 quốc gia trên thế giới" cho biết: Do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Viện Goethe sẽ tổ chức hai chương trình hòa nhạc bằng hình thức online. Cả hai chương trình sẽ phát trực tiếp trên trang Facebook của viện. Đây là một dự án âm nhạc do 5 nữ nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Đức, Pháp, Ghana. Từ ý tưởng của nghệ sỹ Lương Huệ Trinh, mỗi tác giả, nghệ sĩ biểu diễn thể hiện góc nhìn cá nhân bằng âm nhạc về việc trao đổi văn hóa Việt Nam-Đức. Do dịch bệnh nên buổi hòa nhạc được thực hiện từ 4 quốc gia nói trên, nơi 5 nữ nghệ sĩ đang sinh sống.
-TTXVN, báo Công an Nhân Dân, báo Văn Hóa và nhiều báo khác ngày 12/7 đưa tin: "Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên - Huế" cho biết: Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ khánh thành công trình chỉnh lý Nhà trưng bày bổ sung cụm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế. Nhà trưng bày được chỉnh lý bám sát ba chủ đề: Dương Nỗ - đất và người; Dương Nỗ - nơi ghi dấu chân Người; gìn giữ và phát huy giá trị di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế sắp xếp lại bố cục, bổ sung tư liệu, hình ảnh lịch sử, thông tin về quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Văn hóa ngày 12/7 đưa tin:
Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng (Khánh Hòa): Vẫn hoạt động dù Giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi?
Ngày 20.2.2019, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Hải Đăng (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) do Công ty TNHH Hải Đăng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý cho doanh nghiệp trên thuê lại chính dự án vừa bị thu hồi để kinh doanh du lịch mà không qua đấu giá. Điều này gây bất bình trong dư luận! Theo ghi nhận của chúng tôi, việc Công ty TNHH Hải Đăng lập cổng, bán vé khiến khách không thể vào tham quan Khu Di tích căn cứ cách mạng Đồng Bò nằm phía trong. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Thơm quanh co giải thích, nếu khách muốn vào tham quan di tích căn cứ cách mạng Đồng Bò thì phía Công ty sẽ cho người dẫn lên tận nơi. Nhưng thực tế khi chúng tôi đến tham quan Khu Di tích này thì chẳng có nhân viên nào của Công ty hướng dẫn và đường lên Khu Di tích đã bỏ hoang, cỏ mọc rậm rạp.
Đà Nẵng: Giải đua thuyền buồm trên sông Hàn góp phần quảng bá du lịch
UBND TP Đà Nẵng có công văn phê duyệt đề xuất tổ chức Giải đua thuyền buồm trên sông Hàn và phát triển tàu thuyền công nghệ vật liệu mới PPC, khai thác thí điểm hoạt động du lịch trên sông Hàn (do Công ty Cổ phần Vũng tàu Marina tổ chức), Đà Nẵng yêu cầu đơn vị tổ chức thực hiện sản phẩm theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát và kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu thể thao, vui chơi giải trí. Đơn vị tổ chức đã đề nghị thành phố cho doanh nghiệp được sử dụng các cơ sở hạ tầng đã đầu tư, xây dựng để phục vụ giải đua và khai thác các dịch vụ phục vụ du lịch phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách gia đình, nhóm khách nhỏ muốn trải nghiệm khám phá trên sông Hàn. Đồng thời đề xuất UBND TP giao Sở Giao thông Vận tải cho phép doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều cầu bến nổi hai bên bờ sông Hàn để làm vị trí đón trả khách, neo đậu tàu thuyền; cấp phép hoạt động sử dụng vùng nước trên sông Hàn.
Thể thao dù lượn tại Kon Tum: Tiềm năng phát triển du lịch
Qua nhiều lần tiến hành khai phá, bay thử, "làng" dù lượn đã khám phá tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) có những địa điểm rất đẹp để trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm này, qua đó, đã gợi mở nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Định hướng của huyện Sa Thầy trong thời gian đến sẽ kết hợp việc tổ chức môn thể thao dù lượn gắn với việc phát triển các tour du lịch sinh thái (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray), du lịch tâm linh liên quan đến các di tích lịch sử cấp tỉnh đã được xếp hạng (di tích Chư Tan Kra, Sạc Ly, Delta). Trong đó, chú trọng việc bảo tồn bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể phải mất hàng chục năm mới khôi phục lại du lịch
"Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch của các địa phương đã tạm hoãn, chuyển thời gian tổ chức. Hoạt động du lịch nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm vẫn cầm chừng, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh". Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết khi nói về hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm nay tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, vừa diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
-Báo Hà Nội mới ngày 11/7 đưa tin:
Trong 6 tháng, khách du lịch tại Việt Nam đạt 30,5 triệu lượt
Tổng cục Du lịch cho biết, trong nửa năm 2021, khách du lịch nội địa tại Việt Nam ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, đồng thời nhanh chóng khôi phục thị trường, Tổng cục Du lịch đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang); triển khai đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nghiên cứu khoa học - công nghệ - môi trường, hợp tác quốc tế, truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch...
Khởi động dự án ''Trang vàng du lịch Việt Nam''
Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2021), Tổng cục Du lịch khởi động dự án "Trang vàng du lịch Việt Nam". Đây là một hoạt động của Tổng cục Du lịch nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng từ môi trường số. Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch, Tổng cục Du lịch xây dựng một nền tảng số tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng có thể gặp nhau, kết nối, tìm hiểu thông tin về sản phẩm.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì: ''Bản hòa tấu'' nơi núi rừng Đông Bắc
Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 110km, huyện Hoàng Su Phì có địa hình đa dạng, phức tạp, từ đó hình thành nên hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Ấn tượng nhất phải kể đến những ngọn núi "cõng" trên mình những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, nối tiếp nhau như những khuông nhạc trên một bản hòa tấu bất tận. Di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được xếp hạng quốc gia và là một trong những điểm du lịch quan trọng của tỉnh Hà Giang.
- TTXVN ngày 11/7 đưa tin: "Hướng dẫn viên du lịch khó nhận hỗ trợ vì vướng thủ tục" cho biết: Quyết định 23 có tới 5 điều quy định về quy trình, hướng dẫn hướng dẫn viên du lịch nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, với đặc thù của nghề hướng dẫn viên du lịch, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về một số thuật ngữ chuyên ngành khiến nhiều hướng dẫn viên tự do có nguy cơ không nhận được hỗ trợ. Trao đổi về vấn đề trên, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong vài ngày gần đây, nhiều HDV đã gọi điện đến Sở và đến bộ phận 1 cửa hỏi thủ tục. Sở cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, điều kiện về hợp đồng lao động là cần thiết để xác định HDV đã làm cho đơn vị du lịch và có hướng dẫn thực sự; tránh tình trạng trục lợi chính sách.
- Báo Vietnamplus ngày 12/4 đưa tin: "Lãnh đạo ngành chuẩn bị gì cho tương lai du lịch 6 tháng tới?" cho biết: Ảnh hưởng của đại dịch khiến hầu hết các hoạt động du lịch trên cả nước bị đứt gãy và gián đoạn. Nhưng vượt qua 6 tháng doanh thu gần như về 0, lãnh đạo ngành đang lên kế hoạch cho 6 tháng cuối năm. Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2021, COVID-19 bùng phát đã gần như "quét sạch" bóng du khách quốc tế đến Việt Nam, làm đứt gãy hầu hết các đường bay thương mại trong nước với thế giới, "hủy diệt" toàn bộ nền kinh tế xanh vốn đã trở nên mong manh, yếu ớt từ hậu quả hai đợt dịch trước. Trước bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã làm gì để chuẩn bị cho chặng đường đầy rẫy những khó khăn phía trước?
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo Hà Nội mới ngày 12/7 đưa tin:
Tấm vé từ sự kiên trì và nỗ lực
Vận động viên cử tạ Hoàng Thị Duyên đã được Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam lựa chọn tham dự Thế vận hội mùa hè 2020 sẽ diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020) từ ngày 23-7 đến 8-8-2021. Nhìn vào thông số thi đấu và phong độ ấn tượng trong thời gian qua, việc vận động viên Hoàng Thị Duyên được góp mặt tại Olympic Tokyo 2020 là hoàn toàn xứng đáng nhờ sự kiên trì và nỗ lực...
Viettel FC thắng tối thiểu Kaya FC trong trận tạm biệt AFC Champions League 2021
Chiều 11-7, Viettel FC đã có trận đấu với Kaya FC, trong khuôn khổ lượt trận cuối của bảng F, AFC Champions League 2021. Sau ba trận thua liên tiếp trước BG Pathum United và Ulsan Hyundai, đại diện Việt Nam - Viettel FC gặp đối thủ yếu nhất bảng là Kaya FC ở trận đấu cuối cùng của vòng bảng AFC Champions League.
Đội tuyển futsal Việt Nam hội quân vào ngày 2-8
Nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết futsal World Cup 2021, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những kế hoạch tốt nhất cho đội tuyển futsal Việt Nam. Theo đó, đội tuyển Futsal Việt Nam dự kiến sẽ hội quân trở lại vào ngày 2-8 tới, với khoảng 22 cầu thủ được triệu tập. Đội sẽ tập luyện trong nước đến ngày 25-8, sau đó lên đường sang Tây Ban Nha tập huấn và tham dự giải fustal tứ hùng tại đây.
Bắn súng Việt Nam: Tập trung cao độ cho Olympic
Thế vận hội mùa hè 2020 sẽ diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020) từ ngày 23-7 đến 8-8-2021. Đội tuyển bắn súng Việt Nam chỉ có duy nhất một suất vé mời tham dự và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được nhận vinh dự này. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển bắn súng quốc gia vẫn tập trung cao độ về chuyên môn, quyết tâm chinh phục đấu trường quan trọng này.
- Báo Văn hóa ngày 12/7 đưa tin:
Tối mai Đoàn Thể thao VN sẽ tổ chức Lễ xuất quân dự Olympic
Theo kế hoạch, Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức vào tối mai 13.7 tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội). Buổi lễ được tổ chức nhằm tiếp lửa, truyền cảm hứng cho Đoàn Thể thao Việt Nam trước khi đến với đấu trường lớn và danh giá nhất thế giới. Tại buổi lễ, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT sẽ báo cáo về quá trình chuẩn bị của Thể thao Việt Nam trong những năm qua cho kỳ Thế vận hội rất đặc biệt, đã phải trì hoãn 1 năm vì đại dịch này. Đặc biệt tại buổi lễ, VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn sẽ được trao huy chương và tiền thưởng cho tấm HCĐ tại Olympic London 2012. Đây là tấm huy chương mà Toàn được nhận sau hơn 8 năm kết thúc Đại hội do được đôn lên từ vị trí thứ 4 (VĐV đoạt HCĐ bị phát hiện dương tính với doping trong thời điểm thi đấu tại Olympic London 2012).
Cầu lông Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020: Không ngại khó khăn
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh đã xác định được đối thủ tại nội dung đánh đơn của môn Cầu lông Olympic Tokyo 2020 sau buổi bốc thăm, chia bảng mới đây của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Đó đều là những thử thách khó nhằn cho Tiến Minh và Thùy Linh vì các đối thủ đều rất mạnh. Nhưng chắc chắn cả hai tay vợt Việt Nam sẽ nỗ lực chiến đấu để giành kết quả tốt nhất có thể. Đó cũng giống như cái cách mà họ đã vượt qua khó khăn ở chiến dịch vòng loại trong suốt hai năm qua.
-TTXVN ngày 11/7 đưa tin:
Thành lập Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Italy
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 10/7, Hội thảo Võ cổ truyền Việt Nam đã diễn ra tại Auditorium, Piacenza, miền Bắc Italy. Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại võ sư Nguyễn Công Tốt - Phó chủ tịch Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, bà Vittorio Andrea Vaccaro - đại diện Ủy ban Olympic quốc gia Italy, bà Elena Baio - Phó Thị trưởng Piacenza, ông Trần Minh Châu - Chủ tịch Hiệp hội Tương trợ Italy, cùng đông đảo võ sư, môn sinh võ cổ truyền Việt Nam tại Italy.
Truyền thông Indonesia: Đội tuyển Việt Nam có thể tạo bất ngờ tại vòng loại thứ ba World Cup 2022
Theo truyền thông Indonesia, đội tuyển Việt Nam vẫn có cơ hội làm nên điều bất ngờ tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. "Vòng loại thứ ba chỉ có một đại diện duy nhất của Đông Nam Á là Việt Nam góp mặt. Đây là một thành công lớn với bóng đá Việt Nam, họ xứng đáng với chiến tích này vì đã nỗ lực hết mình. Vòng loại cuối cùng sẽ cực kỳ khó khăn vì ở bảng B của Việt Nam thì có tới 4 đội bóng đã từng góp mặt ở World Cup.
- Báo Công an Nhân Dân ngày 12/7 đưa tin: "HLV Park Hang-seo trở lại Việt Nam vào giữa tháng 8" cho biết: Do bố vợ của HLV Park, Choi Bong-kyung qua đời sáng 9-7, thọ 89 tuổi. HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và vợ, bà Choi Sang-a được sắp xếp để bay về Hàn Quốc ngay tối 9-7. Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải, cùng các thành viên ban huấn luyện và cầu thủ Việt Nam đã gửi lời chia buồn đến HLV Park và gia đình. HLV Park dự kiến trở lại Việt Nam vào giữa tháng 8, để chuẩn bị cho vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á. Việt Nam nằm ở bảng B cùng Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Theo lịch, đội sẽ đá trận mở màn ngày 2-9, trên sân của Saudi Arabia.
-Báo An ninh Thủ đô ngày 11/7 đưa tin: "Nếu tuyển Việt Nam phải tranh vé World Cup trên sân khách..." cho biết: Ngày 16-7 là hạn cuối để các liên đoàn có đội tuyển quốc gia tham dự gửi văn bản xác nhận với Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về việc có đủ điều kiện tổ chức các trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình hay không, cũng như phương án dự phòng là một sân trung lập tại quốc gia khác. Thiệt thòi, bị động cùng nhiều vấn đề phát sinh trong trường hợp thầy trò HLV Park Hang-seo phải chọn một sân trung lập thay cho sân nhà Mỹ Đình tại vòng loại thứ ba World Cup 2022.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 11/7 đưa tin: "U23 Việt Nam gặp Myanmar, Hồng Kông và Đài Loan ở vòng loại U23 châu Á" cho biết: Kết quả lễ bốc thăm chia bảng vòng loại U23 châu Á 2022 tương đối dễ chịu cho U23 Việt Nam khi gặp Myanmar, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc). Lễ bốc thăm chia bảng vòng loại U23 châu Á 2022 đã được tiến hành theo hình thức trực tuyến vào ngày 9-7 tại Tashkent (Uzbekistan). Theo đó, tuyển Việt Nam rơi vào bảng đấu có Myanmar, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Văn hóa ngày 11/7 đưa tin: "Tán dương, khen ngợi và quấy rối, đâu là ranh giới" cho biết: Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng, vấn nạn quấy rối tình dục trẻ em - đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đây vẫn còn là vấn đề phổ biến, chưa được chấm dứt triệt để. Tại một tọa đàm vừa diễn ra mới đây trong khuôn khổ dự án "Thành phố An toàn, thân thiện với em gái" do Tổ chức Plan International Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức, các diễn giả thảo luận cách hiểu về ranh giới giữa tán dương và quấy rối em gái bằng lời nói và cử chỉ.
Vậy làm thế nào để phòng, chống quấy rối nhằm chấm dứt mọi hình thức quấy rối tình dục với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở nơi công cộng? Nhiều ý kiến bình luận cho rằng việc này nói thì tưởng dễ nhưng rất khó bởi định kiến ăn sâu với quan điểm lỗi thời vô hình trung là tác nhân làm gia tăng các hành vi quấy rối. Chia sẻ quan điểm của mình, diễn viên Trần Nghĩa cho rằng cần thay đổi ở người trẻ, đó là xây dựng các hình tượng văn minh, lịch sự cho các bạn trẻ; xây dựng hình tượng thanh niên nói không với quấy rối và sẵn sàng lên tiếng và bảo vệ em gái khi bị quấy rối.