Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/7/2021

07/07/2021 | 16:48

AFC công bố địa điểm thi đấu mới của VCK Asian Cup nữ 2022; Đầu tư trọng điểm để thúc đẩy công nghiệp văn hóa trong điện ảnh; Việt Nam trong khu vực thiệt hại nhất của du lịch toàn cầu là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Văn hóa ngày 7/7 đưa tin:

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhắc người dân không đặt lễ tại bia Hạ Mã

Sau thông tin đăng tải trên báo chí về việc các sĩ tử và người nhà làm lễ cầu may trước kỳ thi THPT quốc gia 2021 tại 2 bia Hạ Mã bên ngoài di tích, sáng 6.7, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Công an phường Văn Miếu tổ chức thu dọn bát hương, đồ lễ tự phát tại đây nhằm chấm dứt tình trạng đặt lễ, hành lễ sai trong những ngày vừa qua. Cụ thể, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đăng thông tin lý giải: "Bia Hạ Mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ". Bên cạnh việc thu dọn gọn gàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực 2 tấm bia, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp với Công an phường thường xuyên túc trực, nhắc nhở mọi người không đặt lễ tại vị trí 2 tấm bia trên.

Cho ý kiến bước đầu Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật: Điều chỉnh những bất cập để phù hợp với thực tiễn

Chiều ngày 6.7, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, lãnh đạo Vụ Đào tạo, Vụ Pháp chế cùng nhiều đơn vị liên quan đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với đại diện các cơ sở đào tạo và nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghệ thuật. Cuộc gặp ghi nhận những ý kiến, chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết về các vấn đề tồn tại, vướng mắc của công tác đào tạo nghệ thuật, cần được điều chỉnh để đưa vào Dự thảo Nghị định sao cho thật chặt chẽ và phù hợp với lĩnh vực đặc thù này. Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao những ý kiến đóng góp và đề nghị các chuyên gia, đại diện cơ sở đào tạo nghệ thuật tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Nghị định để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Ban soạn thảo sẽ có những tổng hợp trao đổi theo từng nhóm vấn đề nổi cộm, như tuyển sinh, chấm thi, đào tạo chuyên sâu, chứng chỉ hành nghề sư phạm...

Đầu tư trọng điểm để thúc đẩy công nghiệp văn hóa trong điện ảnh

Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt tại buổi làm việc chiều ngày 6.7 với Cục Điện ảnh. Tại buổi làm việc, báo cáo về nội dung phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục đã được Bộ trưởng phê duyệt Đề án "Quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam" trong khuôn khổ Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai xây dựng các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ công trong lĩnh vực điện ảnh về sản xuất phim, phát hành, phổ biến phim và lưu trữ phim. Đồng thời, Cục đang triển khai Đề án cơ sở dữ liệu, thống kê ngành điện ảnh; đề xuất lãnh đạo Bộ đồng ý giao Cục xây dựng đề án cung cấp trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực cho các Trung tâm điện ảnh, Trung tâm văn hóa điện ảnh ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo...

Cover nhạc: Hồn nhiên với bản quyền

Trong thời đại công nghệ và truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi "ngóc ngách" của đời sống, thì cover (làm lại ca khúc theo một phiên bản mới) là hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn để kiếm tiền cũng như thỏa mãn đam mê ca hát. Việc cover ca khúc một cách hồn nhiên của các ca sĩ trẻ đã cho thấy sự thiếu và yếu về ý thức cũng như kiến thức luật pháp. Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: Tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Và để có được chỗ đứng vững chắc và bền lâu trong lòng công chúng, sự sáng tạo thực thụ của riêng nghệ sĩ, thông qua những sản phẩm âm nhạc của cá nhân mình mới là hướng đi đúng đắn.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 7/7 đưa tin:

Tiến hành khai quật khảo cổ tại Hải Dương

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định cho phép Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam thăm dò, khai quật khảo cổ tại 3 địa điểm. 3 địa điểm gồm Chùa Sùng Nghiêm, phường Phả Lại, chùa Huyền Thiên, phường Văn An và chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Diện tích thăm dò, khai quật là 420 m2, trong đó thăm dò 20 m2 và khai quật 400 m2.

Nghĩa tình trong tâm dịch

Với tinh thần cả nước chung tay phòng chống Covid-19, bằng những hành động thiết thực, các nghệ sĩ đã góp phần không nhỏ trong việc động viên, chia sẻ với các y bác sĩ nơi tuyến đầu và bệnh nhân trong vùng dịch. Một trong những hình ảnh ấn tượng với công chúng thời gian qua là việc các nghệ sĩ đã xung phong đến những "điểm nóng", đóng góp công sức cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử tại TP HCM, Hoa hậu H'hen Niê, Mai Phương Thúy, Á hậu Hoàng My, người mẫu Mâu Thuỷ, Ngọc Châu... cùng nhiều nghệ sĩ đã tham gia điều phối người dân đến tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ trong trang phục bảo hộ kín mít.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 7/7 đưa tin: "Các nhóm kịch tìm cách trụ lại" cho biết: Các nhóm kịch theo mô hình xã hội hóa tại TP HCM đang nỗ lực giữ lửa cho sân khấu để phục vụ khán giả trong mùa dịch Covid-19. Hiện nay, sân khấu TP HCM có 3 nhóm kịch đã tạo được thương hiệu: "Ngẫm nghĩ cùng kịch" diễn tại Sân khấu Minh Nhí, "Đời" diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang và "Son" diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM.

- Báo điện tử VOV ngày 7/7 đưa tin: "8 thể loại âm nhạc cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Việt Nam" cho biết: Nền âm nhạc cổ truyền là sự kết tinh của những sáng tạo nghệ thuật vô giá được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ, là minh chứng sống động cho một nền văn hóa dân tộc đa dạng, giàu bản sắc và có lịch sử lâu đời. 8 thể loại âm nhạc cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Việt Nam đó là: chèo, xẩm, quan họ, chầu văn, ca trù, nhã nhạc cung đình, đờn ca tài tử, hò.

- Báo Nhân Dân ngày 6/7 đưa tin:

Bảo tàng chuyển mình thời công nghệ số

Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, những khái niệm công nghệ hiện đại tưởng chỉ tồn tại ở những quốc gia phát triển như "số hóa 3D", "tiếp xúc không chạm", "trợ lý ảo", "thực tế ảo tăng cường"... đã dần trở nên quen thuộc với công chúng đam mê khám phá bảo tàng trong nước. Bước chuyển mình ấn tượng của hàng loạt bảo tàng thời gian gần đây đã cho thấy nỗ lực thay đổi để bắt nhịp với xu hướng hiện đại tất yếu trong trưng bày và giới thiệu trưng bày, nhờ đó tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút số đông tìm đến trải nghiệm, làm giàu vốn tri thức.

Đặc sắc lễ hội Văn hóa dân gian thế giới tại Liên bang Nga

Lễ hội Văn hóa dân gian thế giới lần thứ 6 (Folkloriada VI), được tổ chức bởi Hội đồng quốc tế về tổ chức lễ hội văn hóa dân gian và nghệ thuật dân gian (CIOFF), đang diễn ra với nhiều sự kiện đặc sắc tại thành phố Ufa (Cộng hòa Bashkortostan, Liên bang Nga). Trong lời chào gửi tới những người tham gia Folkloriada VI, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, lễ hội đang diễn ra tại Cộng hòa Bashkortostan hiếu khách, nơi có nhiều dân tộc với các tôn giáo khác nhau chung sống hòa bình. Tổng thống nhấn mạnh, quan tâm bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa và tâm linh của người dân là một trong những ưu tiên quốc gia.

- Báo Công an Nhân Dân ngày 6/7 đưa tin:

Thêm nhiều tư liệu để bảo tồn văn hóa triều Nguyễn

Với mong muốn có thêm nhiều đóng góp cụ thể hơn cho lịch sử, văn hóa triều Nguyễn; Trung tâm BTDT Cố đô Huế liên kết cùng Trung tâm Lưu Trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước) đã ký kết biên bản thỏa thuận việc phối hợp dịch thuật, xuất bản sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên hậu thứ, với sự thống nhất và đồng thuận triển khai dịch thuật 55 quyển Hội điển tục biên hậu thứ bằng Hán văn. Công trình này ghi chép nhiều chuyên mục của triều Nguyễn từ năm 1890-1914 sẽ đem lại nguồn tư liệu quan trọng về mọi mặt trong thể chế chính trị xã hội của triều Nguyễn đương thời. Việc làm thiết thực này sẽ đóng góp cụ thể trong công tác bảo tồn văn hóa triều Nguyễn…Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng Phòng Nghiên cứu Trung tâm BTDT Cố đô Huế, trong lịch sử nền quân chủ Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, có sự đóng góp khá to lớn cho nền văn hiến của dân tộc.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Luôn "tin ở hoa hồng"

Tôi thật sự ngạc nhiên khi được nghe ca sĩ Tùng Dương biểu diễn bài hát "Niềm tin" (Phổ thơ Lê Tự Minh) của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác trong đợt chống dịch Corona mới đây. Cuộc chiến chống dịch đã diễn ra rất cam go, bất ngờ trong hai năm qua. Bài hát của Đỗ Hồng Quân luôn vang lên với ý chí cả dân tộc ta cùng kề vai sát cánh với các bác sĩ cứu người, cứu đất nước trong cơn hiểm nguy.

- Báo Nhân Dân, báo điện tử Đại Đoàn Kết và nhiều báo khác ngày 7/7 đưa tin: "Tái hiện lịch sử nhà Trần trên sách tranh" cho biết: Nhằm giới thiệu tới bạn đọc lịch sử, văn hóa, xã hội thời Trần, NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt cuốn sách tranh mang tên "Hành trình Đông A" của họa sĩ Trần Tuyết Hàn. "Hành trình Đông A" là câu chuyện kể về thời Trần, qua một cách thể hiện rất hiện đại. Thông qua bảo vật được người ông thuộc Trần tộc trao lại, trong buổi du xuân tại lễ hội Đền Trần, một cách ngẫu nhiên cô gái nhỏ Trần Đông A đã có chuyến xuyên không về gặp các bậc tiền nhân ở thế kỷ 13. Bên cạnh các chiến công cùng các vị danh tướng, một dung lượng đáng kể của cuốn sách khái quát khung cảnh, đời sống đất nước, con người Đại Việt. 

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Văn hóa ngày 7/7 đưa tin:

Phải thay đổi cả về nhận thức và hành động

Đặt ra nhiệm vụ "Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%". Hoạt động kích cầu du lịch cũng không phải chỉ là giảm giá dịch vụ mà phải kết hợp giữa giảm giá với nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc bổ sung dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ mới, hấp dẫn; phát triển các loại hình dịch vụ trọn gói cùng với các quà tặng đa dạng cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt là phải kết hợp hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm du lịch. Đây là điểm yếu của Du lịch Việt Nam và cần thông qua Chương trình này để triển khai, từ đó tăng nhanh lượng khách, khôi phục du lịch một cách bền vững. Trong đó cần có tổ chức phù hợp để phối hợp các doanh nghiệp, các địa phương, tập hợp các dịch vụ để tạo ra sản phẩm hấp dẫn nhất.

Giám sát thực hiện Luật Du lịch 2017: Vẫn còn những quy định gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện

Ngày 6.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Tuyết làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về việc thực hiện Luật Du lịch 2017. Tiếp thu ý kiến, nội dung đề nghị của Đoàn giám sát, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết sẽ hoàn chỉnh, bổ sung báo cáo về việc thực hiện Luật Du lịch 2017. Thứ trưởng khẳng định: "Đây là một trong số ít luật đi vào thực tế cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch. Hai năm đầu Luật có hiệu lực (2018- 2019) cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của ngành Du lịch. Rõ ràng, Luật ra đời đã tạo động lực phát triển, "cởi trói" cho ngành ở nhiều chỗ, duy trì tốc độ phát triển cao, vị thế của du lịch Việt Nam trên thế giới được nâng lên".

- Báo Vietnamplus ngày 7/7 đưa tin:

Cần cân bằng 'nội-ngoại' cho tương lai ngành du lịch Việt Nam

Thời điểm này, không chỉ lao động du lịch, các doanh nghiệp trong ngành căng mình chờ ngày "mở cửa lại bầu trời" mà lãnh đạo ngành cũng buộc phải dịch chuyển tích cực vì một tương lai xanh. Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được coi là bước tiến góp phần giải quyết điểm nghẽn của du lịch Việt. Bởi theo dự thảo, quỹ sẽ chi cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong ngành du lịch nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm với mức hỗ trợ từ 50%-100% kinh phí tùy quy mô, đối tượng.

Đẩy mạnh hợp tác thương mại và du lịch Việt Nam-Ai Cập

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 6/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Bộ phận Thương vụ Đại sứ quán đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề "Triển vọng Hợp tác Thương mại, Văn hóa và Du lịch Việt Nam-Ai Cập" tại thành phố Hurghada, tỉnh Biển Đỏ của Ai Cập, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản, thỏa thuận hợp tác mà hai nước đã ký kết. Đại sứ Trần Thành Công cho rằng Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng và lợi thế để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh Biển Đỏ là tỉnh du lịch chủ chốt của Ai Cập, thu hút lượng lớn du khách quốc tế và đóng góp phần lớn vào doanh thu du lịch của đất nước Kim tự tháp mỗi năm. Bên cạnh đó, tỉnh Biển Đỏ cũng có thế mạnh về phát triển kinh tế biển.

Thái Lan sẽ tiếp tục mở cửa thêm ba hòn đảo nghỉ dưỡng

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan sẽ tiếp tục mở cửa cho du khách nước ngoài đến ba hòn đảo nghỉ dưỡng thuộc tỉnh Surat Thani là Koh Samui, Kok Phangan and Koh Tao vào giữa tháng này sau khi thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ theo mô hình "Hộp cát Phuket" từ ngày 1/7. Các điều kiện nhập cảnh đối với ba hòn đảo nói trên có phần nghiêm ngặt hơn những điều kiện được áp dụng theo chương trình "Hộp cát Phuket" được triển khai từ ngày 1/7.

- Báo Nhân Dân ngày 7/7 đưa tin: "Du lịch trong tình hình mới" cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch cùng các ngành liên quan trên lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Báo điện tử VOV ngày 7/7 đưa tin:

Việt Nam trong khu vực thiệt hại nhất của du lịch toàn cầu

Từng là nơi tăng trưởng nhanh nhất của du lịch thế giới năm 2019, đại dịch Covid-19 khiến châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực thiệt hại nhất trong năm 2020. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), đóng góp của ngành du lịch cho GDP toàn cầu năm 2020 đã sụt giảm 49,1%. Khoảng 62 triệu việc làm trong lĩnh vực này đã biến mất. Theo WTTC, trong khi chi tiêu du lịch nội địa giảm 45% trên toàn thế giới, thì tại một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương con số này ở mức dưới 31% như Thái Lan (giảm 28%), Việt Nam (giảm 28,2%), Nhật Bản (giảm 30,3%), New Zealand (giảm 30,4%), Ấn Độ (giảm 30,7%)…

UNWTO kêu gọi các nước khởi động lại hoạt động du lịch

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng các chính phủ giữ vai trò quan trọng nhất trong việc phục hồi du lịch, thông qua hợp tác, chia sẻ dữ liệu và các giải pháp số. Trong thông báo phát đi ngày 5/7, UNWTO cho biết mới chỉ có 3 điểm đến là Albania, Costa Rica, Cộng hòa Dominica (chiếm 1%) là mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế và không có hạn chế. Vẫn còn 29% điểm đến trên toàn thế giới đóng cửa hoàn toàn với du khách quốc tế; 34% đóng cửa một phần và 36% yêu cầu du khách có xét nghiệm âm tính Covid-19.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, báo điện tử VOV, báo điện tử VTV và nhiều báo khác ngày 7/7 đưa tin: "Công bố địa điểm thi đấu mới của Vòng chung kết giải vô địch Asian Cup nữ 2022" cho biết: Ngày 6/7, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và LĐBĐ Ấn Độ - đơn vị chủ nhà đăng cai Asian Cup nữ 2022 đã công bố địa điểm thi đấu mới và các thành phố được sử dụng để tổ chức Vòng chung kết giải vô địch Asian Cup nữ 2022 gồm: SVĐ Mumbai Football (thuộc khu liên hợp thể thao Andheri, Mumbai) và khu liên hợp thể thao Shiv Chhatrapati (tại Balewadi, Pune). Quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhằm giảm thiểu thời gian di chuyển giữa các điểm thi đấu của các đội bóng và thành viên tham dự, đồng thời đảm bảo môi trường tối ưu để thực hiện "nguyên tắc bong bóng". Theo kết quả bốc thăm ngày 24/6/2021, ĐT nữ Việt Nam tranh tài tại bảng B với các đội Tajikistan, Maldives và Afghanistan để chọn ra đội đầu bảng giành vé vào VCK Asian Cup nữ 2022.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/7/2021 - Ảnh 2.

Sân vận động D.Y.Patil tại Navi Mumbai - một trong ba SVĐ tổ chức vòng chung kết Asian Cup nữ 2022. (Ảnh: AFC)

- Báo Thể thao và Văn hóa ngày 7/7 đưa tin: "V-League thi đấu tập trung: Vượt khó từ Nam ra Bắc" cho biết: Thời điểm này, mỗi đội bóng trong nước đều gặp những khó khăn chung do dịch bệnh. Tất cả đều mong giải về đích sớm để làm mới bản thân. Tựu trung lại, thời điểm này, tất cả các đội bóng đang gồng mình cho câu chuyện sinh hoạt, ăn tập hàng ngày của mình trong điều kiện có nhiều địa phương đang oằn mình chống dịch. Tất cả đang ở vào tâm thế siết tay nhau cùng cộng đồng xã hội vượt qua dịch bệnh để cuộc sống bình thường, bóng được lăn trở lại.

-TTXVN ngày 6/7 đưa tin: "Ngưỡng cửa World Cup: Tuyển Việt Nam có thể kiếm điểm ở những trận nào?" cho biết: Đội tuyển Việt Nam đã chạm đến cột mốc lịch sử là lần đầu tiên lọt đến vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup. Giấc mơ đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của bóng đá Việt Nam tưởng như rất gần, nhưng vẫn rất xa xôi. Thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn toàn có thể nghĩ đến việc kiếm điểm, thậm chí là chiến thắng trước những đối thủ vừa sức, không quá khác biệt về trình độ với mình như Oman hay Trung Quốc chẳng hạn. Tất nhiên, đây mới chỉ là những suy nghĩ chủ quan và lạc quan, kết quả cụ thể chỉ thực tế sân cỏ mới có thể trả lời được. Hơn nữa, đội tuyển Việt Nam ngoài việc tìm ra những phương án khắc chế được đối phương thì còn cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình trước khi bước vào tranh tài tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

- Báo Văn hóa ngày 6/7 đưa tin: "Lai Châu đăng cai Giải cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc năm 2021" cho biết: Tin từ UBND tỉnh Lai Châu cho biết, từ ngày 19.7 đến 26.7, Lai Châu sẽ đăng cai tổ chức Giải cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc năm 2021 tại nhà thi đấu Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu. Được biết, Giải cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc 2021 là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021 - 2030 và chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của đất nước; khuyến khích việc tập luyện thể dục, thể thao vì sức khỏe của các thế hệ trong mỗi gia đình, góp phần xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản văn hóa, khu phố văn hoá.

-Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 6/7 đưa tin:

V. League 2021 trở lại: Thầy Park kiếm tìm nhân tố mới?

Vòng 13 V. League 2021 dự kiến diễn ra cuối tháng 7. Sau đó, giai đoạn 2 sẽ bắt đầu bằng thể thức thi đấu tập trung ở 9 sân, tính từ Thanh Hóa trở ra Hà Nội. Giải kết thúc vào ngày 22-8 nhằm tạo điều kiện cho các tuyển thủ tập trung cho chiến dịch vòng loại cuối cùng của World Cup 2022. HLV Park Hang-seo dường như đã lường được những khó khăn ở vòng đấu này đến đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Trong giai đoạn ĐT Việt Nam tập trung cho vòng loại thứ 2 của World Cup 2022, HLV Park đã gọi 45 cầu thủ trong danh sách sơ bộ. Để rồi, ông chốt lại 37 người cho đợt tập trung trước khi rút gọn còn 29 cái tên lên đường sang UAE. Nếu tính luôn đội U22, hiện tại ông đã có từ 70 đến 80 sự lựa chọn cho các giải đấu khác vào cuối năm.

Sông Lam Nghệ An thử việc 3 ngoại binh

CLB SLNA vừa thông báo 3 ngoại binh đến thử việc bao gồm cả tiền đạo Michael Olaha đều đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại địa phương 21 ngày theo quy định. "Mẫu xét nghiệm Covid-19 của 3 cầu thủ đều đã 3 lần âm tính. Tất cả đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, sức khỏe và thể lực tốt. Hiện tại, những cầu thủ này hiện đang được cách ly thêm 7 ngày tại khách sạn", CLB SLNA thông tin.

- Báo Vietnamnet ngày 7/7 đưa tin: "Tuyển Việt Nam: Từ khát vọng đến thực tế Viettel và Đặng Văn Lâm" cho biết: Tuyển Việt Nam và HLV Park Hang Seo rất muốn bay cao trong thời gian tới và khát vọng ấy vừa có câu câu trả lời từ Đặng Văn Lâm, CLB Viettel ở cúp C1 châu Á. Những nỗ lực khẳng định bản thân từ Đặng Văn Lâm hay sự nghiêm túc khi ra biển lớn của Viettel đương nhiên đáng khen ngợi, nhưng tựu trung đây cũng là câu trả lời cho người hâm mộ rằng muốn tuyển Việt Nam bay cao chỉ như thế vẫn chưa đủ. Tất cả đều phải có lộ trình dài hơi, biết mình ở đâu và từng bước vươn lên. Đó mới là điều mà tuyển Việt Nam cần thay vì nghĩ cao, xa trong khi mới chỉ bắt đầu thành công đôi năm qua.

- Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 6/7 đưa tin "Trung Quốc thiếu chân sút nhập tịch trong trận gặp Việt Nam" cho biết: Theo Sohu, chân sút nhập tịch là cựu tuyển thủ U20 Brazil Alan Kardec sẽ không thể ra sân giữa đội tuyển Trung Quốc và Việt Nam ở lượt đi, vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Alan Kardec chỉ có thể chơi cho tuyển Trung Quốc vào tháng 1/2022. Anh đủ điều kiện để có quốc tịch nước này vào ngày 21/7, nhưng chừng đó là chưa đủ. Kardex cần thêm giấy chứng nhận từ FIFA về việc anh chưa từng thi đấu cho đội tuyển quốc gia Brazil ở một trận đấu chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Kardec sẽ vắng mặt trong 6 trận đấu đầu tiên của tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đó là các trận đấu với Nhật Bản, Australia (2 trận), Việt Nam, Saudi Arabia và Oman.

-Báo điện tử Nghệ An ngày 6/7 đưa tin:

HAGL rộng cửa vô địch V.League khi ra Bắc thi đấu

Phương án giai đoạn 2 V.League 2021 thi đấu tập trung ở phía Bắc hóa ra lại có lợi cho chính CLB HAGL. Đội bóng phố Núi khá có duyên khi làm khách trên sân của các đội phía Bắc. Thống kê từ mùa giải 2019 cho đến nay, HAGL giành 14 điểm sau 13 lần làm khách ở các đội miền Trung và miền Nam. Ở phía Bắc, HAGL giành 20 điểm sau 16 trận hành quân xa nhà. Nhìn từ quỹ điểm mà HAGL có được thì thấy rằng, việc làm khách ở các sân phía Bắc hay miền Trung và miền Nam với đội bóng phố Núi xét trên khía cạnh kết quả là khá cân bằng.

ĐT Việt Nam sẽ hội quân vào cuối tháng 8 để chuẩn bị Vòng loại World Cup 2022

HLV Park Hang-seo dự kiến sẽ gọi hơn 30 cầu thủ lên tuyển tập trung ĐT Việt Nam vào cuối tháng 8 này để chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022. Theo kế hoạch dự kiến tổ chức V.League 2021, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam sẽ trở lại từ ngày 31/7 và 14 đội bóng sẽ thi đấu liên tục đến ngày 23/8 là khép lại mùa giải. Sở dĩ, V.League 2021 phải đá kiểu "dồn toa" là để đáp ứng cho việc ĐT Việt Nam chuẩn bị cho các trận đấu Vòng loại World Cup 2022.

- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 7/7 đưa tin: "Hà Nội thêm ca nhiễm COVID-19, bóng đá Việt Nam thêm lo" cho biết: Sáng 6-7, Hà Nội ghi nhận thêm 10 ca mắc COVID-19 mới khiến nỗi lo đội tuyển Việt Nam phải thi đấu vòng loại 3 World Cup 2022 trên sân trung lập ngày càng tăng. Với việc bốc thăm vào bảng B tại vòng loại cuối cùng của World Cup 2022, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ lần lượt tiếp các đội tuyển Úc (ngày 7-9), Nhật Bản (ngày 11-11), Saudi Arabia (ngày 16-11), Trung Quốc (ngày 1-2-2022), Oman (ngày 24-3-2022) trên sân nhà Mỹ Đình tại Hà Nội. Tuy nhiên cục diện có thể thay đổi nếu tình hình dịch bệnh tại Việt Nam không có tín hiệu khả quan trong thời gian sắp tới.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Công an Nhân Dân ngày 6/7 đưa tin: "Nhân rộng nét đẹp văn hóa gia đình Hà Nội" cho biết: Văn hóa Hà Nội xưa thường được nhắc đến với những chuẩn mực về văn hóa ứng xử và văn hóa gia đình. Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều xáo trộn do nhu cầu phát triển tất yếu về kinh tế - xã hội, song nét đẹp văn hóa gia đình vẫn lan tỏa, vừa phù hợp với những giá trị truyền thống, vừa thích ứng với đời sống hiện tại. Theo ông Ngô Văn Nam, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác xây dựng gia đình văn hóa là một nội dung quan trọng, được xác định là yếu tố hàng đầu trong việc xây dựng các hình mẫu văn hóa khác. Bởi vậy, ngành Văn hóa triển khai nhiều hoạt động trong xây dựng gia đình văn hóa; lồng ghép các hoạt động công tác gia đình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đưa tiêu chí gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét; xây dựng nhiều mô hình điểm. Ngành Văn hóa Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung, kỷ cương để xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tiến bộ góp phần xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×