Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 1/7/2021

01/07/2021 | 16:05

Tập quán xã hội 'Chợ tình Khâu Vai' trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; Xác định các đội ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022; Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 1/7 đưa tin: "Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030" cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 1014/QĐ-TTg. Theo quyết định trên, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm: Toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các hải đảo, quần đảo, vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

- Báo Nhân Dân ngày 1/7 đưa tin:

Giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, từ tháng 7, Trung tâm khởi động lại chương trình "Taikan Japan" nhằm giới thiệu văn hóa Nhật Bản tới đông đảo người Việt. Những đặc trưng văn hóa của Nhật Bản, từ nghệ thuật truyền thống cho đến văn hóa đại chúng sẽ được giới thiệu, giải thích một cách dễ hiểu. Chuỗi chương trình này gồm hai mảng: Video hướng dẫn và Workshop thực hành.

Xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Đình Hưng Học

Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1985/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đối với đình Hưng Học, phường Nam hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đình Hưng Học, nằm ở xóm Đình thôn Hưng Học, sau đổi thành xóm 3 xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng, nay là Khu 3, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Vị trí của đình nằm ở trung tâm khu Hưng Học, phường Nam Hòa; nhân dân lấy tên làng (Hưng Học) đặt tên đình Đình Hưng Học. Làng Hưng Học nhiều lần thay đổi tên gọi: Khi mới được quai đê lấn biển lập làng gọi là làng Huyền Quang, sau kiêng húy đổi thành làng Tả Quan, rồi làng Quan, làng Hương, sau là làng Hưng Học.

Khám phá "Chợ quê - Ký ức tuổi thơ"

Tháng 7 này, một số hoạt động tiếp tục được mở lại tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với chủ đề "Chợ quê - Ký ức tuổi thơ", trong điều kiện tuân thủ triệt để các quy định phòng chống bệnh dịch. Ban Quản lý Làng cho biết, nếu trong tháng 7, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động sẽ thực hiện theo quy mô tập trung cho chương trình hằng ngày. Còn nếu dịch đã được kiểm soát, các hoạt động sẽ được tổ chức đầy đủ.

- Báo Văn hóa ngày 1/7 đưa tin:

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III sẽ diễn ra vào tháng 9

Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch số 2191/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021 sẽ diễn ra vào tháng 9.2021, với sự tham gia của 14 tỉnh Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk. Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông/Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động VHTTDL đặc sắc như Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội; Thi giã bánh giầy; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; Hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; Tổ chức đoàn Famtrip của các hãng lữ hành trong nước, khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu.

Bảo đảm an ninh, an toàn cho các tài sản văn hóa: Nhận diện để hoàn trả nguyên gốc di sản

Gần 20 năm tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các quy định của Công ước, ngăn chặn xuất nhập khẩu, buôn bán trái phép các di sản văn hóa. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh điều này tại Phiên khai mạc Hội nghị quốc tế kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa do Văn phòng UNESCO Bangkok (Văn phòng cấp khu vực của UNESCO) phối hợp với Ban Thư ký Công ước UNESCO 1970 tổ chức.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Chuyển biến trong nhận thức cộng đồng

Nếu như cách đây vài năm, dư luận thường xuyên lên tiếng về một số lễ hội "điểm nóng" với những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, trái ngược thuần phong mỹ tục, thì nay bức tranh đời sống lễ hội đã ngày càng đi vào nề nếp, những biểu hiện tiêu cực, phản cảm dần được dẹp bỏ, đẩy lùi. Nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội ngày càng có chuyển biến tích cực, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Nghệ sĩ - Anh là ai: Đã đến lúc "dẹp loạn" danh xưng

Sau khi đăng bài Nghệ sĩ - Anh là ai?: Một phút thành "sao", Văn Hóa đã nhận được ý kiến của nhiều nghệ sĩ tên tuổi về vấn đề cần thiết phải có sự định danh đối với những nghệ sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Trân trọng danh xưng với ý nghĩa là thành quả của những sáng tạo, tài năng và cống hiến, nhiều nghệ sĩ cho rằng, danh xưng đó không phải được hình thành trong phút chốc, càng không phải từ những "hào quang" sớm nở, tối tàn.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 1/7 đưa tin: "Nhà hát trực tuyến: Đem nghệ thuật đến với khán giả" cho biết: Trước những tác động của dịch Covid-19, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang dần phải thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới. Việc áp dụng hình thức sân khấu trực tuyến đã phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng.

- Báo Quốc Tế ngày 1/7 đưa tin: "Không gian thư viện Trung Âu giữa lòng thủ đô Hà Nội" cho biết: Ngày 30/6, Thư viện Visegrad Corner được ra mắt với sự hợp tác của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, The Slavic Tea House và các Đại sứ quán Hungary, CH Czech và Slovakia. Thư viện Visegrad Corner ra mắt nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập Visegrad (1991-2021) - Liên minh gồm 4 nước Trung Âu: Ba Lan, Hungary, CH Czech và Slovakia. Nơi đây tạo cơ hội để những người yêu mến văn hóa châu Âu có thể khám phá và tìm hiểu về một không gian văn hóa-xã hội, cũng như những thông tin về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú của các quốc gia thuộc Visegrad (V4).

- Báo điện tử Người Lao động ngày 1/7 đưa tin: "Giới họa sĩ chung tay vì lực lượng tuyến đầu" cho biết: Với niềm đam mê sáng tác, các họa sĩ tại TP HCM đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trên nền tảng trực tuyến nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh. Những ngày qua, chương trình đấu giá tranh online nhằm gây quỹ cho bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chống dịch đã thu hút 50 họa sĩ tham gia. Các họa sĩ đã gửi đến sàn giao dịch trên không gian mạng xã hội và nền tảng số để giới thiệu và bán đấu giá các tác phẩm với đủ các chất liệu: sơn dầu, thủy mặc, điêu khắc...

- Báo Pháp luật Việt Nam ngày 1/7 đưa tin: "Khơi mạch" cho âm nhạc dân gian cho biết: Ngay từ thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, Việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian nói chung, âm hưởng dân ca, dân nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi đã được các nhạc sĩ coi trọng. Từ xưa đến nay, việc khai thác, sáng tạo tác phẩm âm nhạc khởi nguồn từ chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc luôn được các nhạc sĩ coi trọng như một mạch ngầm trôi chảy cùng thời gian.

- Báo Nhân Dân, báo điện tử Chính Phủ và nhiều báo khác ngày 1/7 đưa tin: 'Chợ tình Khâu Vai' trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa tin: "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai (chợ tình Khâu Vai) không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa. Nơi đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung; quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 1/7/2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Chính Phủ

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Văn hóa ngày 1/7 đưa tin:

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước khó khăn trên, một số cơ quan chức năng (Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bộ VHTTDL…) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Xem xét giảm thuế VAT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm tiền thuê đất và giãn nộp thuế…Sau khi xem xét kiến nghị của các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: VHTTDL; Công Thương; Tài chính; Y tế; LĐ,TB&XH và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đà Nẵng dành gói hỗ trợ gần 65 tỉ đồng hỗ trợ lao động ngành Du lịch

Ngày 30.6, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch (XTPTDL) TP Đà Nẵng cho biết, hơn 1.000 lao động ngành Du lịch Đà Nẵng hiện có nhu cầu vay vốn sẽ được hướng dẫn thủ tục vay thông qua buổi họp trực tuyến do Quỹ XTPTDL TP Đà Nẵng phối hợp cùng Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) thành phố và Hiệp hội Du lịch tổ chức từ hôm nay. Theo đó, lao động ngành Du lịch Đà Nẵng sẽ được ưu tiên vay tín chấp đến 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm, thời hạn tối đa 10 năm từ gói hỗ trợ gần 65 tỉ đồng. Gói cho vay này được xem là một trong những chính sách nhân văn của chính quyền thành phố giúp người lao động ngành Du lịch tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do dịch Covid-19.

Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài cuối): Để nông dân hào hứng nhập cuộc

Rất muốn và sẵn sàng tham gia phát triển du lịch nông thôn trên chính quê hương mình nhưng nhiều nông dân đang tập làm, đã làm du lịch nông thôn mong muốn được Nhà nước định hướng, hỗ trợ; các chuyên gia, doanh nghiệp hợp tác để có thể phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Ông Dương Minh Bình, người sáng lập ra CBT Travel (Du lịch cộng đồng) cho rằng: "Du lịch cộng đồng chỉ phát triển được khi người nông dân làm chủ, người nông dân hưởng lợi và người nông dân hiểu về mảnh đất của mình. Du lịch cộng đồng không chỉ là để vào nhà mấy tấm đệm mới, chăn gối mới; làm mấy cái nhà vệ sinh, cho khách lưu trú lại mà nó phải là cộng đồng làm du lịch, homestay phải đủ tiện nghi, đủ để thoải mái, hoạt động du lịch cộng đồng phải đủ trải nghiệm, đủ khám phá bản sắc địa phương, giá trị văn hóa khác biệt".

Đồng quản lý bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm

Mô hình quản lý tổng hợp, thích ứng và chia sẻ lợi ích giữa các nhóm cộng đồng địa phương mà Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) đang tiếp cận là một minh chứng sinh động về hiệu quả phương thức đồng quản lý trong bảo tồn biển. Việc áp dụng mô hình này không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà qua đó sẽ góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững biển khu DTSQTG Cù Lao Chàm.

- Báo Hà Nội mới ngày 1/7 đưa tin: "Hà Nội: Xây dựng điểm đến an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ" cho biết: Sở Du lịch Hà Nội vừa có văn bản số 486/SDL-QHPTTNDL gửi các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội về việc xây dựng các điểm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi động lại hoạt động đón và phục vụ khách du lịch, Sở Du lịch đề nghị các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 gắn với xây dựng và tuyên truyền điểm đến an toàn cho du khách.

-Báo Nhân Dân ngày 30/6 đưa tin:

Thời cơ cho du lịch Phú Quốc khi thực hiện thí điểm "hộ chiếu vaccine"

Ngay sau khi Bộ Chính trị đồng ý cho thí điểm hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", thành phố Phú Quốc đang khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đủ điều kiện mở cửa đón khách quốc tế trong thời gian tới. Đến thời điểm này Phú Quốc vẫn là điểm đến an toàn, thế nhưng hiện nay lượng khách đến Phú Quốc giảm rất sâu trên 95% đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của thành phố. Chủ trương của Bộ Chính trị thí điểm chọn Phú Quốc mở cửa đón khách du lịch quốc tế thông qua "hộ chiếu vaccine" vừa thu hút sự chú ý của thế giới vừa là cơ hội cho Phú Quốc phục hồi phát triển du lịch, dịch vụ trong thời gian tới.

Thái Lan chào đón du khách theo mô hình "hộp cát Phuket"

Hôm nay, 1/7, mô hình "hộp cát Phuket", một dự án thí điểm nhằm khôi phục ngành du lịch Thái Lan trong đại dịch Covid-19, đã chính thức đi vào hoạt động trong niềm hy vọng của chính phủ và sự lo lắng của người dân địa phương. Trong lúc các doanh nghiệp trông chờ nền kinh tế địa phương sẽ đạt được sự bùng nổ mạnh mẽ nhờ dòng du khách đổ vào Phuket, rất nhiều người dân địa phương lo ngại rằng chương trình thúc đẩy du lịch này sẽ tạo ra nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch Covid-19 mới.

Du lịch toàn cầu sẽ không thể phục hồi hoàn toàn trước 2023

Lượng khách du lịch toàn cầu sẽ vẫn đứng yên tại chỗ trong năm nay, ngoại trừ một số thị trường phương tây. Ngành công nghiệp xanh này sẽ "bốc hơi" khoảng 2,4 nghìn tỷ USD, đồng thời sẽ không thể phục hồi hoàn toàn trước năm 2023. Nhận định này được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), công bố ngày 30/6. Nhắc tới các hành lang khu vực, bà Carvao nói rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực đóng cửa nhất trong thế giới cho tới nay khi hầu hết các đường biên giới vẫn hoàn toàn đóng cửa hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

- Báo Vietnamplus ngày 1/7 đưa tin:

Vì sao người Việt Nam chọn du lịch bền vững hậu COVID-19?

Đại dịch toàn cầu đã góp phần thay đổi nhận thức của du khách Việt theo hướng bền vững hơn, từ đó tạo ra những hành vi có tác động tích cực lên hoạt động này. Vậy du lịch bền vững thế nào cho đúng? Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, có tới 88% du khách Việt tiết lộ rằng đại dịch đã thúc đẩy họ thay đổi nhận thức và mong muốn theo đuổi lối sống tích cực hơn. 79% du khách Việt Nam tin rằng mọi người phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai và du lịch bền vững chính xác là những gì con người cần phải hướng tới trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp du lịch 'kêu cứu' trước chuỗi ngày 'bão ở trong bão'

Gần chục doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ vừa có đơn "cầu cứu" gửi tới các cơ quan chức năng với mong muốn được hỗ trợ để có thể sống sót trong tâm dịch... Thời điểm này, khi dịch bệnh đang bủa vây tất cả, mọi chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý đều sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến "sức khỏe" các doanh nghiệp vốn đang như cá mắc cạn, thoi thóp "chờ chết" vì COVID-19. Đặc biệt, loạt "cá" đang ngày ngày phơi mình trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) vừa đồng loạt "kêu cứu."

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 - Bàn đạp khôi phục du lịch châu Âu

Ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 với hy vọng đây sẽ là "bàn đạp" để khôi phục ngành du lịch khu vực sau một năm đìu hiu dưới tác động của đại dịch. Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU được thiết lập với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU. Đây là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc thẻ cứng để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia.

Guam triển khai chương trình "nghỉ dưỡng vaccine" để thúc đẩy du lịch

Chính quyền đảo Guam đang lên kế hoạch giới thiệu với du khách mô hình "nghỉ dưỡng vaccine." Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm vực dậy ngành du lịch đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nằm trên Thái Bình Dương này. Được đặt tên là "Air V&V," chương trình nghỉ dưỡng kết hợp tiêm chủng ngừa COVID-19 của đảo Guam dành cho người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Mỹ sống tại châu Á-Thái Bình Dương. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày thứ 6 của thời gian cách ly này, du khách sẽ được phép thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ một cách không hạn chế kể từ ngày thứ 7 trở đi.

- Báo điện tử VOV ngày 1/7đưa tin:

Du lịch sôi động trở lại nhờ chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19

Ngành du lịch tại nhiều nước trên thế giới bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại, mở cửa nhiều điểm du lịch sau khi chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 được triển khai rộng rãi. Chính phủ Thái Lan hôm 22/6 đã thông qua một chương trình mang tên "Phuket Sandbox", cho phép du khách quốc tế đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể đến hòn đảo xinh đẹp này mà không cần phải cách ly 14 ngày. Chương trình dự kiến bắt đầu từ tháng 7, du khách sẽ được tự do du lịch trên đảo Phuket, tham gia các hoạt động tắm biển, thể thao dưới nước và mua sắm. Tất nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc ở nơi công cộng.

Gợi ý cách đơn giản để có chuyến du lịch bền vững

Du lịch bền vững sẽ là xu hướng của tương lai, khi ngày càng nhiều du khách chọn lối sống tích cực, giảm thiểu tác động đến môi trường và tham gia hỗ trợ cộng đồng tại điểm đến. Du lịch bền vững hay du lịch có trách nhiệm sẽ là xu hướng thời kỳ hậu Covid-19. Theo Báo cáo thường niên về Du lịch bền vững 2021 của Booking.com, 88% du khách Việt tiết lộ rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy họ thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn; 79% du khách Việt Nam tin rằng mọi người phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị giảm phí du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ

Chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, không chỉ ngành lữ hành, khách sạn, các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền, tàu ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng lâm vào tình trạng "thoi thóp". Trước tình hình này, gần chục doanh nghiệp kinh doanh du thuyền tại vịnh Lan Hạ đã làm đơn kiến nghị tới các cơ quan liên quan ở thành phố Hải Phòng: Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hải Phòng; Sở Du lịch Thành phố Hải Phòng, Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện Cát Hải, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà về việc xin giảm giá vé tham quan; phí, lệ phí; và hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 1/7 đưa tin: "Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch" cho biết: Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo). Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi hành các nghị định xử phạt còn gặp một số khó khăn trên thực tế do hành vi chưa đủ hoặc chưa rõ ràng trong lĩnh vực du lịch như hành vi không lưu giữ hồ sơ liên quan đến kinh doanh dịch vụ lữ hành, hành vi không có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong quá trình kinh doanh dịch vụ lữ hành…

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Tin tức ngày 1/7 đưa tin: Bốc thăm vòng loại thứ 3 World Cup 2022:

Tuyển Việt Nam nằm ở bảng B cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Australia

Chiều 1/7, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã tổ chức lễ bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á tại Malaysia theo hình thức trực tuyến. Kết quả, tuyển Việt Nam nằm ở bảng B cùng các đội: Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Oman và Trung Quốc. Bảng A gồm các đội: Iran, Hàn Quốc, UAE, Iraq, Syria và Lebanon. Dự kiến, các lượt trận của Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ diễn ra từ 2/9/2021 - 29/3/2022. Theo đại diện VFF, VFF cùng với ban huấn luyện đội tuyển sẽ lên kế hoạch chi tiết để kết hợp các giải đấu trong nước và các chuyến tập huấn, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho các cầu thủ chuẩn bị về mặt chuyên môn. Theo VFF, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn hơn, bởi các đội tham dự vòng đấu này đều đến từ từ các quốc gia có nền bóng đá mạnh tại châu lục và thế giới.

Samoa rút khỏi Olympic Tokyo vì lo ngại COVID-19

Đảo quốc Thái Bình Dương Samoa đã quyết định không cử vận động viên đến Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 do lo ngại về đại dịch COVID-19. Đài phát thanh Radio New Zealand ngày 1/7 đưa tin quyết định trên được Chính phủ Samoa đưa ra một ngày trước đó. Bộ trưởng Bộ Truyền thông Samoa, ông Afamasaga Rico Tupa'i giải thích nguyên nhân là do Nhật Bản vẫn ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới hàng ngày cũng như có nguy cơ lây nhiễm virus cao. Theo hãng tin Kyodo, nếu thông tin là sự thật, Samoa sẽ là quốc gia thứ hai sau Triều Tiên rút khỏi sự kiện thể thao được tổ chức tại Tokyo vào cuối tháng này.

- Báo Hà Nội mới ngày 1/7 đưa tin:

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chính thức được chọn dự Olympic Tokyo 2020

Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn cho biết, ngày 30-6 đã ký tờ trình về danh sách vận động viên dự Olympic để gửi lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch. Ở môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được chọn tham dự Olympic Tokyo 2020. Đội tuyển bắn súng Việt Nam không giành được vé chính thức dự Olympic Tokyo 2020, nhưng Liên đoàn bắn súng quốc tế (ISSF) đã trao cho Việt Nam 1 suất mời thi đấu tại nội dung 10m súng ngắn hơi nam.

Bàn thắng của Hoàng Đức vào tốp 5 bàn thắng đẹp nhất lượt đấu thứ hai

Ngày 30-6, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố danh sách bình chọn bàn thắng đẹp nhất lượt thi đấu thứ hai AFC Champions League 2021 (khu vực phía Đông) tại ba địa điểm thi đấu Bangkok, Buriram và Tashkent. Lượt đấu này chứng kiến 34 bàn thắng với 10 trận đấu. Từ 34 bàn thắng, AFC lựa chọn 5 bàn thắng để khán giả bình chọn. Trong 5 bàn thắng được AFC đề cử bình chọn, có một bàn thắng thuộc về Hoàng Đức của Viettel FC (trong trận thắng 5-0 trước đối thủ Kaya FC của Philippines).

Đội tuyển Việt Nam hoàn thành 2 tuần cách ly y tế

Hôm nay (30-6), huấn luyện viên Park Hang-seo và các học trò đã hoàn thành cả hai giai đoạn cách ly y tế, sau khi kết thúc vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á tại UAE và trở về nước. Trước khi lên đường sang UAE thi đấu 3 trận còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, các thành viên đội tuyển đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong suốt thời gian tập trung, tập huấn trong nước và trong quá trình tập huấn, thi đấu tại UAE.

-Báo điện tử VTC News ngày 1/7 đưa tin: Phó Chủ tịch VFF "Cơ hội để tuyển Việt Nam khẳng định vị thế ở châu lục" cho biết: Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho rằng vòng loại World Cup 2022 là cơ hội trải nghiệm đáng quý để bóng đá Việt Nam khẳng định vị thế ở khu vực và châu lục. Đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu Á là cơ hội trải nghiệm quý giá đối với đội tuyển Việt Nam. Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn hi vọng bóng đá Việt Nam có thể rút ra được những bài học từ cơ hội lần này để hướng tới mục tiêu World Cup 2026.

- Báo Vietnamnet ngày 1/7 đưa tin "Quang Hải, Xuân Trường tự tin đấu Nhật Bản, Trung Quốc" cho biết: Quang Hải, Xuân Trường, Duy Mạnh rất tự tin khi tuyển Việt Nam gặp các đối thủ mạnh như Nhật Bản, Australia, Trung Quốc... Đúng như mong đợi của người hâm mộ, lá phiếu bốc thăm may mắn đã đưa đưa tuyển Việt Nam vào bảng B, gặp các đối thủ Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman, tại vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Đây là bảng đấu được đánh giá là dễ thở, và đặc biệt là thầy trò HLV Park Hang Seo đã tránh được Hàn Quốc và gặp đối thủ Trung Quốc, bên cạnh đó là Oman - đội bóng mà đội tuyển Việt Nam thường thắng trong quá khứ.

-Báo An ninh Thủ đô ngày 1/7 đưa tin: "CĐV Đông Nam Á tin tưởng và chúc tuyển Việt Nam thành công" cho biết: Ngay sau khi có kết quả bốc thăm vòng loại cuối cùng World Cup 2022, nhiều cổ động viên Đông Nam Á đã gửi lời chúc tốt đẹp tới đội tuyển Việt Nam - đại diện duy nhất của khu vực. Trên trang facebook Asian Cup 2023, cổ động viện Azuan Asri (Malalaysia) viết: "Chúc đội tuyển Việt Nam may mắn. Hãy làm cho Đông Nam Á tự hào. Các bạn đã làm rất tốt trước đây. Và tôi biết các bạn có thể làm điều đó một lần nữa". Một cổ động viên Malaysia khác có tên Malang viết: "Đội tuyển Việt Nam ơi, hãy làm cho Đông Nam Á tự hào. Tôi tin các bạn có thể làm được".

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 1/7 đưa tin: "HLV Park Hang-seo: Đội nào ở bảng B cũng mạnh hơn Việt Nam" cho biết: 13h45 chiều 1/7, tại Kuala Lumpur đã diễn ra lễ bốc thăm chia bảng Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Theo đó, đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng B, cùng với các đội Oman, Trung Quốc, Saudi Arabia, Úc và Nhật Bản. Đánh giá kết quả này, HLV Park Hang Seo cho biết: "Đội nào ở bảng B cũng mạnh hơn Việt Nam. Chúng tôi sẽ phải tập trung chuẩn bị tốt cho từng trận đấu, thi đấu với tinh thần cao nhất. Gặp các đội bóng lớn ở châu lục là cơ hội để bóng đá Việt Nam học hỏi, tích lũy kinh nghiệm".

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 1/7 đưa tin: Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng: Phấn đấu "ngày càng ít phụ nữ, trẻ em bị tổn thương" cho biết: Ngày 30/6/2021, Hội LHPN quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ quận lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu tại Đại hội, bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng, đề nghị cán bộ, hội viên phụ nữ (HVPN) các cấp trong quận tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện phương châm "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội", thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với từng đối tượng; phát huy tính sáng tạo và vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp vận động các nguồn lực xã hội cho công tác phụ nữ và thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho HVPN; phát huy hơn nữa tiềm năng, trí tuệ của lao động nữ trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng địa phương ngày càng phát triển bền vững. Tập trung nghiên cứu, tham mưu cấp ủy, chính quyền để triển khai có hiệu quả Đề án "Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em" trong thời gian đến, hướng đến Liên Chiểu "ngày càng ít phụ nữ, trẻ em bị tổn thương, ngày càng nhiều phụ nữ, trẻ em hạnh phúc".

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×