Đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam
15/04/2025 | 15:13Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã ban hành văn bản về việc đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Thời gian qua, thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc chăm lo phát triển văn hóa đọc đã trở thành phong trào, thành nhu cầu, thành nếp văn hóa và đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ngày càng được tổ chức sâu rộng, thiết thực, ý nghĩa, chuyên nghiệp với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, với các chương trình khuyến đọc đã tạo ra không gian văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân; tạo dựng nét đẹp văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa.
Hướng tới kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay (21/4/2025), để văn hóa đọc trở thành giá trị bền vững, tôn vinh các giá trị của sách, khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống; góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng, để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; Ban Tuyên giáo và Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan chủ quản xuất bản; các nhà xuất bản, đơn vị in và phát hành sách, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc ban hành và triển khai chủ trương, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, coi phát triển văn hóa đọc là trách nhiệm của mỗi ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị và toàn xã hội. Nghiên cứu phát động, khuyến khích phong trào "Toàn dân đọc sách" từ Trung ương đến địa phương bằng nhiều hành động cụ thể, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị; xem xét, xây dựng Quỹ hỗ trợ Xuất bản, Quỹ dịch thuật để hỗ trợ, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; cổ vũ, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả, dịch giả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách; xuất bản nhiều sách hay, sách tốt, sách có chất lượng phù hợp với nhu cầu độc giả. Đa dạng hóa các thể loại sách, bao gồm cả sách in và sách điện tử để đáp ứng thị hiếu đa dạng của bạn đọc.
Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thư viện và không gian đọc: Đầu tư phát triển thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện di động, thư viện số; hình thành các câu lạc bộ đọc sách khác nhau trong toàn xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận sách cho cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tạo không gian đọc tại các địa điểm công cộng như phố sách, đường sách, công viên sách... phát triển thói quen đọc sách mọi nơi và tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí.
Đẩy mạnh các hoạt động khuyến đọc, dần thúc đẩy sâu phong trào toàn dân đọc sách gắn với học tập suốt đời thông qua phát động tuần lễ đọc sách, Ngày hội đọc sách, giới thiệu sách, giao lưu tác giả - tác phẩm, thi kể chuyện theo sách và các chương trình khuyến đọc hấp dẫn; các sự kiện tôn vinh sách, trao giải thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thúc đẩy văn hóa đọc ... để nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ, lan tỏa tinh thần yêu sách trong cộng đồng. Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng đọc sách trong trường học và tổ chức các khóa tập huấn cho tình nguyện viên hỗ trợ người yếu thế tiếp cận sách hiệu quả hơn; tập trung vào việc tiếp cận sách của mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần phát triển văn hóa đọc qua việc phát triển kho sách điện tử, sách nói và ứng dụng đọc sách trực tuyến để người dân dễ dàng tiếp cận tri thức; tổ chức các buổi đọc sách, hội sách, triển lãm sách trực tuyến kết nối người yêu sách trên toàn quốc. Tăng cường biên tập chuyên sâu và ứng dụng công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông và quảng bá văn hóa đọc. Huy động sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan báo chí để quảng bá, giới thiệu sách, chương trình hay về sách, truyền cảm hứng và lan tỏa thông điệp về văn hóa đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội với nhiều cách thức khác nhau đến đông đảo độc giả. Tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc nhằm lan tỏa ý nghĩa của việc đọc trong xã hội./.