Hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong nhà trường
17/04/2025 | 10:42Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 trong các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa.
Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 trong các cơ sở giáo dục nhằm đẩy mạnh phong trào đọc sách trong học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó xây dựng thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực người học; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thư viện, tiếp cận tài nguyên số, phương pháp đọc hiện đại. Đồng thời khuyến khích các hoạt động sáng tạo, gắn kết đọc sách với chương trình giáo dục và kỹ năng sống, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và khả năng thích ứng với bối cảnh giáo dục số.
Về nội dung tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các sở GDĐT, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thông qua một số hoạt động được gợi ý như:
Tổ chức hoạt động đọc sách gắn với chương trình giáo dục: Tích hợp hoạt động đọc sách vào các môn học, nhất là các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm; Khuyến khích học sinh viết cảm nhận, trình bày ý kiến cá nhân, thảo luận nhóm, hoặc xây dựng dự án học tập từ sách đã đọc nhằm phát triển năng lực tư duy, phản biện và cảm thụ văn hóa.
Phát triển kỹ năng thông tin và tiếp cận tài nguyên số qua việc tổ chức hướng dẫn học sinh, sinh viên tra cứu, đánh giá và sử dụng thông tin hiệu quả trong môi trường số; Tăng cường khai thác thư viện số, tài nguyên học liệu mở, mã QR và ứng dụng đọc sách điện tử; Tích hợp giáo dục kỹ năng thông tin vào môn Tin học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ.
Đa dạng hóa hoạt động giáo dục tại thư viện trường học thông qua tổ chức sinh hoạt chuyên đề kết hợp đọc sách với giáo dục kỹ năng sống; Tạo môi trường tương tác qua hoạt động nhóm, thảo luận, chia sẻ sách hay, sơ đồ tư duy.
Phát động phong trào xây dựng "góc đọc thân thiện": Xây dựng "góc đọc thân thiện"; ưu tiên triển khai tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Khuyến khích sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc xây dựng môi trường đọc tại lớp và tại nhà.
Đa dạng hóa hoạt động khuyến đọc: Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các công cụ AI hỗ trợ đọc sách như: tóm tắt sách, tạo sơ đồ tư duy, gợi ý nội dung liên quan, đề xuất sách theo chủ đề và sở thích, các phương pháp đọc nhanh và liên kết sâu; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: ngày hội đọc sách, thi giới thiệu sách hay, vẽ tranh theo sách…; Tập huấn cho giáo viên và cán bộ thư viện về ứng dụng AI trong thiết kế hoạt động khuyến đọc và quản lý tài nguyên thư viện số, kết nối học sinh với tài nguyên mở; Khuyến khích sử dụng các thẻ hashtag chung như #NgaySach2025, #VanHoaDoc, #DocDeTruongThanh để lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội.
Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Các đại học, học viện, trường đại học tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam./.