Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công tác tổ chức lễ hội

24/03/2014 | 15:03

Trả lại việc tổ chức lễ hội cho nhân dân là biện pháp cần thiết? (ĐBQH Huỳnh Nghĩa)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tại Giấy ghi chất vấn số 16/SYCV-KH5 ngày 28/5/2013, nội dung như sau:

1. Những năm qua, Bộ và các địa phương đã phối hợp phục hồi nhiều lễ hội có giá trị được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, việc quản lý của Bộ như thế nào mà dẫn đến tình trạng lễ hội tổ chức quá nhiều, tốn thời gian, tiền của của Nhà nước và nhân dân. Bộ có cho rằng, trả lại việc tổ chức lễ hội cho nhân dân (xã hội hóa) là biện pháp đúng và cần thiết để hạn chế tình trạng này hay không?

2. Từ việc tổ chức lễ hội, thời gian qua, dư luận đã lên tiếng rất nhiều việc lợi dụng lễ hội, buôn thần, bán thánh, dị đoan, mê tín... Việc này Bộ đã suy nghĩ và làm gì? Có biện pháp nào để tăng cường quản lý, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực này? Sự ngăn chặn đó hiệu quả đến đâu?


Về nội dung trả lời chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về ý kiến đại biểu cho rằng lễ hội tổ chức quá nhiều, tốn thời gian, tiền của của nhà nước và nhân dân và việc trả lại việc tổ chức lễ hội cho nhân dân là biện pháp đúng và cần thiết để hạn chế tình trạng này hay không?

Kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay, thực hiện quan điểm và chủ trương của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các hoạt động văn hóa khác, lễ hội đã dần trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống, nhằm thỏa mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ sáng tạo văn hóa của nhân dân.    

Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 8000 lễ hội, trong đó:

- Lễ hội dân gian (do nhân dân thực hiện): 7.039, chiếm 88,36%.

- Lễ hội tôn giáo (thực hiện theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo): 544, chiếm 6,83%.

- Lễ hội lịch sử cách mạng (do Nhà nước quyết định tổ chức): 332, chiếm 4,16%.

- Lễ hội du nhập từ nước ngoài 10, chiếm 0,1%. (phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch của các cơ quan, tổ chức nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam).

- Lễ hội khác (do Bộ, ngành, địa phương tổ chức là các ngày hội vùng, miền: vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vùng Khmer Nam Bộ, vùng đồng bào Chăm...; sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại ngành, nghề có gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: các festival thủy sản, cà phê, lúa gạo, điều, lâm sản; quảng bá, xúc tiến du lịch: các festival pháo hoa Đà Nẵng, Biển Nha Trang, Hoa Phượng đỏ Hải Phòng, Carnaval Quảng Ninh...): 41, chiếm 0,55%.

Trong những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, một số lễ hội dân gian ở các địa phương được khôi phục với mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, tránh bị thất truyền hoặc bị làm sai lệch trong quá trình thực hành lễ hội, đây là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Việc tổ chức lễ hội dân gian sau khi được khôi phục được bàn giao lại để cộng đồng nhân dân địa phương thực hành, có sự tham gia quản lý của chính quyền và ngành văn hóa các cấp. Việc người dân đứng ra trực tiếp tổ chức lễ hội không chỉ là giải pháp xã hội hóa, mà thực tiễn chỉ ra rằng, lễ hội chỉ được giữ gìn và phát huy giá trị khi chủ thể là cộng đồng trực tiếp tham gia thực hiện và về cơ bản các lễ hội dân gian do nhân dân tổ chức theo truyền thống, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Nhìn chung trên địa bàn cả nước, tuyệt đại đa số lễ hội được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ
tục, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp, độc đáo, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, có một số lễ hội dư luận đánh giá là tổ chức với quy mô lớn, tốn kém tập trung phần lớn là các lễ hội (festival) ngành nghề; các lễ hội này thực chất là các sự kiện tôn vinh, xúc tiến thương mại ngành, nghề.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng có đề cập đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí; các Chỉ thị, Công điện hàng năm của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán, về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09/02/2011 đã xác định vai trò, chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Nhiều địa phương đã quán triệt, tăng cường vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động lễ hội nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý phù hợp với từng loại hình lễ hội, cụ thể:

- Đối với loại hình lễ hội dân gian: Bên cạnh hệ thống văn bản quản lý hiện nay đã tương đối đầy đủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiến hành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc năm 2013; phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch về thực hiện nếp sống văn minh nơi cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng. Hàng năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đều dành thời gian quan tâm chỉ đạo và tiến hành thanh tra, kiểm tra các biểu hiện tiêu cực nơi lễ hội, tập trung công tác tuyên truyền và vận động, hướng dẫn nhân dân về ý nghĩa của lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội.

- Đối với lễ hội lịch sử cách mạng, lễ kỷ niệm liên quan đến kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của danh nhân: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định quy định tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài. Nội dung dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể: chỉ tổ chức lễ kỷ niệm năm chẵn (10 năm/lần), các năm khác tập trung thực hiện các hoạt động tuyên truyền.

- Đối với lễ hội (festival) ngành nghề: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tích cực hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức lễ hội (festival) ngành nghề theo hướng giảm tần suất tổ chức; phân cấp quy mô tổ chức; chủ yếu sử dụng kinh phí xã hội hóa, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

2. Từ việc tổ chức lễ hội, thời gian qua, dư luận đã lên tiếng rất nhiều việc lợi dụng lễ hội, buôn thần, bán thánh, dị đoan, mê tín... Việc này Bộ đã suy nghĩ và làm gì? Có biện pháp nào để tăng cường quản lý, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực này? Sự ngăn chặn đó hiệu quả đến đâu?

Lễ hội là hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong sinh hoạt tín ngưỡng hiện nay, tại một số lễ hội còn tồn tại hoặc phát sinh mới một số hoạt động mê tín, dị đoan như: bói toán, lên đồng phán truyền, xóc thẻ, giải thẻ thu tiền, xem tướng, khấn thuê; quăng ném tiền, cài giắt tiền lên tay tượng, cây hương, thả tiền xuống giếng nước; xô đẩy, tranh giành xin ấn, mua bán ấn giả…

Nguyên nhân:

- Tác động mặt trái của kinh tế thị trường; một bộ phận cộng đồng và cá nhân coi lợi ích kinh tế lấn át, coi nhẹ các giá trị đạo đức và nhân cách.

- Một số Ban Tổ chức lễ hội còn buông lỏng quản lý, né tránh thiếu nhắc nhở, xử lý chủ thể hoạt động này.

- Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín chưa định hình rõ nét.

- Có hoạt động mê tín núp bóng “khoa học tâm linh”; trong khi các hiện tượng lạ liên quan đến hoạt động tâm linh, ngoại cảm chưa được giải thích, hướng dẫn kịp thời.

- Việc thực hiện nếp sống văn minh của một bộ phận tham gia lễ hội còn yếu, trong đó có sự  thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên.

- Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, thiếu răn đe.

Biện pháp chấn chỉnh đã và đang thực hiện:

Thực hiện theo Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ với 06 nội dung :

a. Tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận số 51-KL/TW ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

b. Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Việc mời khách Trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

c. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt "tiền giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...

d. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông.

đ. Các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, đưa tin có thời lượng hợp lý, chủ yếu phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm.

e. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn.

Lễ hội thuộc về lĩnh vực đời sống văn hóa cơ sở, liên quan đến nhận thức, tâm lý, tập quán, phong tục của mỗi cá nhân, cộng đồng, dân tộc, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Nên đây là lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến người dân. Vì vậy, việc quản lý nhà nước và vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh về lễ hội còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng, tiến hành thường xuyên, liên tục, không nóng vội.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×