Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chính sách đầu tư cho sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn

16/04/2014 | 16:20

Nguyên nhân thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao và những chính sách để đầu tư cho sáng tạo tác phẩm nghệ thuật biểu diễn hay phục vụ công chúng. (ĐBQH Nguyễn Trung Thu - Long An)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tại Giấy ghi chất vấn số 128/SYCV-KH5 ngày 05/6/2013, nội dung như sau:

"Hiện nay dư luận xã hội đề cập nhiều đến thực trạng đời sống nghệ thuật biểu diễn của nước ta thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, gắn với đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu tính nhân văn, không hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Với vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân và cho biết đã có những chính sách gì để đầu tư cho sáng tạo tác phẩm hay phục vụ công chúng?"

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Nhiều năm qua lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh những mặt tích cực, đời sống nghệ thuật hiện nay còn thiếu vắng các tác phẩm đỉnh cao.

a) Nguyên nhân:

- Sau khi đội ngũ văn nghệ sỹ được đào tạo ở Liên Xô trước đây và các nước Đông Âu không còn khả năng làm nghề do tuổi cao, sức yếu, đời sống nghệ thuật biểu diễn ở nước ta bị thiếu hụt lực lượng sáng tạo tài năng. Khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật chưa theo kịp đời sống xã hội, chưa lý giải được bản chất, hạt nhân mâu thuẫn, xung đột của con người xã hội trong thời kỳ đổi mới nên đa số các tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lại hiện thực, chưa phản ánh sâu sắc mọi chuyển biến của xã hội và con người đang thay đổi từng ngày nên tính định hướng thẩm mỹ và tính nghệ thuật chưa cao.

- Hai mươi năm qua, lực lượng sáng tạo nghệ thuật chủ yếu được đào tạo trong nước. Trình độ giảng viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế đời sống về nguồn lực con người cho văn học nghệ thuật; chất lượng đào tạo còn thấp, mức đầu tư cho đào tạo nghệ thuật chưa cao nên không khuyến khích được các thầy giỏi, có kinh nghiệm làm nghề tham gia giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực.

- Các chế độ chính sách về tiền lương, nhuận bút, bồi dưỡng luyện tập, ưu đãi nghề đối với văn nghệ sỹ còn thấp, không phù hợp với đời sống, giá cả thực tế và sức sáng tạo của văn nghệ sỹ. Vấn đề này đã làm cho một bộ phận không nhỏ văn nghệ sỹ không còn tâm huyết, tập trung trí tuệ, thời gian cho công việc sáng tạo. Hiện nay chưa có chính sách đầu tư cụ thể cho văn nghệ sỹ nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm. Kinh phí đầu tư sáng tạo chủ yếu trích từ nguồn kinh phí hoạt động của các đơn vị và sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các Hội Văn học Nghệ thuật, nên chưa tập hợp được đội ngũ sáng tạo đầu tư toàn diện, mọi mặt cho công tác sáng tạo nên những tác phẩm đỉnh cao.

- Do tác động của cơ chế thị trường, một số văn nghệ sỹ đã chạy theo lợi nhuận bỏ qua trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sỹ đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nên đã chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận khá giả và sáng tác những tác phẩm yếu kém về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, không hướng khán giả đến các giá trị chân, thiện, mỹ…

b) Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Chính phủ và phối hợp ban hành theo thẩm quyền một số chính sách cho đầu tư, sáng tạo tác phẩm như sau:

+ Đề án Xây dựng, rà soát các chế độ chính sách đối với hoạt động văn học nghệ thuật và văn nghệ sỹ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học nghệ thuật, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2011.

+ Đề án Xây dựng chính sách thẩm định, quảng bá, thuế ưu đãi... đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong nước; văn hoá phẩm của Việt Nam đưa ra nước ngoài và giới thiệu tinh hoa văn học, nghệ thuật của thế giới vào Việt Nam; chính sách sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn học, nghệ thuật dân tộc và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 29/4/2011.

+ Đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 06/01/2011.

- Về công tác đào tạo lực lượng sáng tạo nghệ thuật:

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hoá, nghệ thuật giai đoạn 2011-2020 tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25/7/2011. Ngày 13/10/2011, Bộ đã ban hành Quyết định số 3248/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo chuyên nghiệp về văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2010-2020.

+ Ngày 8/01/2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 102/QĐ-BGDĐT phê duyệt Đề án thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo về nghệ thuật chủ động trong công tác tuyển sinh, đào tạo lực lượng sáng tạo nghệ thuật. Bộ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án để tuyển chọn nguồn nhân lực sáng tạo nghệ thuật đưa đi đào tạo tại nước ngoài.

- Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tích cực triển khai Đề án “Xây dựng và rà soát các chế độ chính sách mang tính đặc thù đối với các đơn vị nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Bộ đang tổ chức đặt hàng tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật; phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975, nhằm thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các Hội Văn học Nghệ thuật mở các trại sáng tác, các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế để lấy tư liệu nhằm sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×