Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời kiến nghị liên quan đến nội dung quyền tác giả và quyền liên quan
17/11/2017 | 14:30Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhận được một số kiến nghị của ông Lê Du Kiếm do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, trong đó có một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quyền tác giả, quyền liên quan. Liên quan đến các kiến nghị của ông, Cổng TTĐT của Bộ xin đăng tải toàn văn nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này:
1. Ngày 18/4/2002, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) có Văn bản số 28/BTCCBCP-TCPCP cho phép thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Trung tâm). Ngày 19/4/2002, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam ban hành Quyết định số 19/2002/QĐ-NS thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và phê duyệt Điều lệ Trung tâm.
Trung tâm là đơn vị trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam có con dấu, tài khoản riêng; được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hội Nhạc sĩ Việt Nam có trách nhiệm về tổ chức quản lý, chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Trung tâm. Trung tâm hoạt động theo Điều lệ của Trung tâm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt và thực hiện theo Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
2. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có hoạt động đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền.
3. Theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì các quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 35 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan có quy định tổ chức, cá nhân khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh, thương mại là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng; mức trả tiền nhuận bút, thù lao do hai bên thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Việc xác định tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được khai thác, sử dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại và việc thỏa thuận mức tiền nhuận bút, thù lao thuộc quan hệ dân sự, quyền thỏa thuận của các bên. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật./.
Cổng thông tin Bộ VHTTDL