Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn di tích và phát huy vai trò trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch

16/04/2014 | 11:27

Về chủ trương và giải pháp để khắc phục hiện tượng "bê tông hóa", "làm mới" di tích? Làm thế nào để bảo tồn và phát huy vai trò của những di tích lịch sử, văn hóa trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch? (ĐBQH Phạm Tất Thắng - Vĩnh Long)

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tại Giấy ghi chất vấn số 196/SYCV-KH5 ngày 18/6/2013, nội dung như sau:

Mặc dù Luật Di sản văn hóa có quy định rõ nhưng trong thực tế thì di tích lịch sử được trùng tu theo kiểu "bê tông hóa", "làm mới". Sự việc ở chùa Trăm Gian chưa kịp lắng thì dư luận lại băn khoăn, lo lắng khi lễ động thổ trùng tu di tích lăng Ngô Quyền được tổ chức rất hoành tráng và bí mật, theo dư luận thì dự kiến hạ giải và "làm mới".

Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này, chủ trương và giải pháp để khắc phục hiện tượng trên? Làm thế nào để bảo tồn và phát huy vai trò của những di tích lịch sử, văn hóa trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch?

Về nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Từ quan điểm, chủ trương cho đến việc chỉ đạo xem xét, thẩm định các hồ sơ tu bổ di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều không cho phép "bê tông hóa" và "làm mới" di tích.

Về việc tu bổ di tích Đền thờ và Lăng Ngô Quyền: Ngay sau khi nhận được thông tin phản ảnh từ báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa kiểm tra thông tin và báo cáo, kết quả như sau:

Thứ nhất, đúng là có việc làm lễ tại di tích, nhưng theo vị đại diện dòng họ Ngô cho biết, đây chỉ là lễ xin phép động thổ, do Ban liên lạc dòng họ Ngô Việt Nam tổ chức theo nhu cầu tâm linh của dòng họ.

Thứ hai,
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ và Lăng Ngô Quyền đã được lập theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật di sản văn hóa trên cơ sở khảo sát kỹ về lịch sử di tích, giá trị di tích, tình trạng kỹ thuật các hạng mục hiện có của di tích. Trong quá trình lập dự án, chính quyền địa phương đã tổ chức 02 hội nghị xin ý kiến nhân dân và một số nhà khoa học ngay tại di tích. Khi thẩm định dự án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy nội dung dự án đáp ứng các nguyên tắc khoa học về bảo tồn di tích, trong đó có việc tu bổ để giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích (bao gồm Tiền tế, Hậu cung của đền thờ và kiến trúc hiện có của Lăng mộ). Bên cạnh đó, do yêu cầu chuyên môn và nhu cầu thực tế tại di tích, Dự án có đề xuất điều chỉnh một số chi tiết để phù hợp với văn hóa truyền thống và xây dựng một số công trình phụ trợ nằm ngoài khu vực có các yếu tố gốc cấu thành di tích để phục vụ hoạt động phát huy giá trị di tích. Việc điều chỉnh một số chi tiết và xây dựng một số công trình phụ trợ này là phù hợp và tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa.

Tu bổ di tích là hoạt động mang tính đặc thù, không giống như việc xây dựng một công trình kiến trúc mới. Do đó, về nguyên tắc, khi tiến hành thi công tu bổ di tích, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực tế để lựa chọn, quyết định giải pháp tu bổ, đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với trường hợp di tích Đền thờ và Lăng Ngô Quyền, hiện nay chưa tiến hành hoạt động thi công, nhưng ở giai đoạn lập dự án, Dự án đã được thực hiện đúng quy định của Luật di sản văn hóa, đáp ứng các nguyên tắc khoa học về bảo tồn di tích. Trong giai đoạn thi công sau này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Cục Di sản văn hóa giám sát chặt chẽ quá trình triển khai ở địa phương theo đúng nguyên tắc và quy định.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý hoạt động tu bổ di tích nói chung, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Bộ đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; từ ngày 01/7/2013, Bộ sẽ thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận hành nghề cho tổ chức và Chứng chỉ hành nghề cho cá nhân có đủ điều kiện, năng lực tham gia hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai các hội nghị, hội thảo trực tuyến và các đợt tập huấn định kỳ để tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, theo đúng chức năng quản lý ngành.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, nhằm thực thi tốt nhất các nguyên tắc pháp lý và khoa học về tu bổ di tích, sẽ đảm bảo di tích được bảo tồn bền vững - một trong những điều kiện tiên quyết để đưa di tích trở thành một sản phẩm thu hút khách du lịch.

Xin cảm ơn và chúc Đại biểu mạnh khoẻ./.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL -  Hoàng Tuấn Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×