Yên Bái, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số từ Chương trình 135
26/12/2019 | 17:13Yên Bái là tỉnh miền núi, có 81 xã và 177 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã thuộc khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Nhà nước.
Nhiều năm qua, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân vùng cao Yên Bái, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh hiện có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 55,5%, đời sống người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% hộ nghèo.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tạo nguồn lực cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là một trong những việc làm đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Chương trình 135 từ năm 2016 đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 447,6 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất 86 tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng trên 351 tỷ đồng, dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở hơn 10 tỷ đồng…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, từ nguồn vốn Chương trình 135 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 24 nghìn hộ gia đình ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, người dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Một số mô hình đem lại hiệu quả và được nhân rộng như mô hình trồng quế tại huyện Văn Yên, mô hình trồng nghệ, rừng cây lâm nghiệp tại huyện Trấn Yên, mô hình chăn nuôi dê sinh sản huyện Văn Chấn...
Hồng Ca là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), ở cách trung tâm huyện 40km, xã có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 90% dân tộc Tày và Mông. Đồng bào dân tộc thiểu số đông nên trình độ dân trí còn thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu.
Trước đây, người dân từ các thôn, bản xuống trung tâm xã phải mất nửa ngày bởi đường đi lại khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Hồng Ca đến các thôn, bản, việc đi lại của bà con trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn từ Chương trình 135 còn hỗ trợ bà con trong xã phát triển sản xuất và mang lại những hiệu quả thiết thực, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, đời sống người dân bước đầu được nâng lên. Có thể khẳng định nguồn vốn Chương trình 135 bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Diện mạo xã nông thôn miền núi đặc biệt khó khăn đang dần khởi sắc, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tại xã Hồng Ca, Chương trình 135 đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, mức thu nhập người dân tăng đáng kể từ 20 triệu đồng/người/năm lên mức 28 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã ngày càng giảm, từ 45% xuống còn 18%./.