Ý tưởng quảng bá văn hóa dân tộc H'Mông - Dao của cô sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam
20/11/2019 | 10:00Minh Ngọc là sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) duy nhất được vào chung kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào Tạo và giải Euréka 2019.
Phần giới thiệu của Minh Ngọc
Yêu thích hội họa từ khi còn nhỏ, lớn lên Minh Ngọc quyết tâm thi vào đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hiện cô là sinh viên khóa 59 khoa Hội họa. Là một bạn trẻ đại diện cho thế hệ 9x nhưng cô lại rất tâm huyết trong việc bảo tồn và quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Điều đó thể hiện trong mỗi bức vẽ của Minh Ngọc đều có bóng dáng của đồng bào dân tộc. Nhưng điều mà Minh Ngọc cảm thấy trăn trở là làm sao để quảng bá nét văn hóa độc đáo đó đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Chính vì thế, thông qua việc nghiên cứu các hiện vật hiện có tại bảo tàng và kết quả điền dã, Minh Ngọc đã tổng hợp các họa tiết, hoa văn đặc sắc trên trang phục các dân tộc thiểu số nhóm H'Mông - Dao để thiết kế bộ bưu thiếp. Bộ bưu thiếp được thể hiện trên cơ sở ứng dụng hoa văn, họa tiết đặc sắc kết hợp với hình ảnh các đồng bào người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản phẩm lưu niệm cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần quảng bá về bảo tàng và các nét đẹp văn hóa Việt Nam với cộng đồng du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Với ý tưởng sáng tọa đó, Minh Ngọc đã vinh dự ghi danh vào chung kết giải thưởng Euréka 2019.
Vì sao Minh Ngọc lại có ý tưởng thiết kế trang phục các dân tộc Việt Nam trên bưu thiếp?
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - một trong năm bảo tàng lớn của Việt Nam nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên. Nơi đây không chỉ là không gian dành cho những nhà nghiên cứu mà còn là nơi trải nghiệm, gặp gỡ, giải trí hấp dẫn với nhiều người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Hiện nay, bảo tàng đã hình thành hệ thống quà lưu niệm có nguồn gốc từ các sản phẩm dệt, thêu may và một số đồ dùng như lược sừng, chuông gió... của người dân tộc được bày trong tủ, trên hiên, sảnh của bảo tàng. Nhìn chung, dịch vụ lưu niệm tại bảo tàng còn chưa được đẩy mạnh phát triển. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, các quầy bán đồ lưu niệm đã trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong bảo tàng và là dịch vụ thu hút, đáp ứng đông đảo du khách đến thưởng lãm và mua sắm. Một trong các quà lưu niệm được ưa chuộng là bưu thiếp (Postcard) nhưng đáng tiếc là tại các bảo tàng ở Việt Nam nói chung và tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng, loại hình quà lưu niệm này chưa được chú ý và hình thành. Từ kinh nghiệm của thế giới và nhu cầu của Bảo tàng, tôi đã thiết kế bưu thiếp để làm phong phú thêm các sản phẩm lưu niệm, ấn tượng và hấp dẫn khách du lịch đến bảo tàng.
Bưu thiếp là một trong những sản phẩm lưu niệm được sử dụng phổ biến tại các bảo tàng trên thế giới với thiết kế nhỏ gọn, và tiện dụng. Sản phẩm này không chỉ thể hiện nội dung của các hiện vật được trưng bày, mà còn lưu giữ các thông tin, địa chỉ liên hệ để khách tham quan có thể quay lại, quan tâm và tìm hiểu thêm về bảo tàng trên internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Mặt khác, không ít du khách có thể sử dụng sản phẩm này để ghi lại những cảm xúc, kỉ niệm, dấu ấn cá nhân khi trải nghiệm về nơi du lịch, hứa hẹn mong muốn trở lại thăm và trở thành món quà tặng cho người thân.
Khi tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôi đặc biệt ấn tượng với các hoa văn, họa tiết trên trang phục của các dân tộc thiểu số nhóm H'Mông - Dao. Các họa tiết không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa biểu tượng, thể hiện những tâm tư tình cảm, khát vọng của các dân tộc. Tôi đã quyết định thiết kế bộ bưu thiếp trên cơ sở sử dụng hoa văn, họa tiết trang phục của nhòm dân tộc này để hình thành sản phẩm lưu niệm mới cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đi sâu nghiên cứu về trang phục các dân tộc H'Mông - Dao, Minh Ngọc thấy có điều gì thú vị?
Nghiên cứu các tư liệu, quan sát các hiện vật của nhóm H'Mông - Dao đang trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và điền dã tại một số địa phương, tôi nhận thấy hệ thống hoa văn của các dân tộc này hết sức phong phú và được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, con người, động vật, hoa lá, các sự vật hiện tượng và một số vật dụng thân thuộc trong đời sống được cách điệu hóa thể hiện dưới dạng đường nét và các hình kỷ hà. Các hoa văn họa tiết không chỉ tạo ra sự đặc sắc, nổi bật cho trang phục của các dân tộc mà còn là biểu hiện cho nếp sống tộc người, thể hiện trình độ lao động và quan niệm về thẩm mỹ.
Từ quan sát tỉ mỉ các mẫu vật, đồ lại các hoa văn bằng những nét, đường mảng rõ ràng và kết quả nghiên cứu về bố cục, màu sắc, lựa chọn các mẫu hoa văn đẹp, tiêu biểu ứng với mỗi nhóm, sau đó dựa trên các tư liệu tra cứu về hình ảnh trang phục truyền thống ứng với mỗi nhóm, tôi đã thiết kế hình tượng các nhân vật. Nhận thấy cách tạo hình có nét ấn tượng riêng biệt sẽ khiến bộ bưu thiếp hấp dẫn và thu hút người xem hơn, đề tài đã chọn phương pháp vẽ kết hợp với sử dụng màu sắc và kết cấu đổi mới để tạo nên sự phong phú, đặc sắc của bưu thiếp khiến khách tham quan du lịch có thêm hứng thú khi chọn lựa sản phẩm lưu niệm và góp phần giúp họ có thể tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Về hình thức, bưu thiếp dễ lưu trữ và dùng được nhiều lần, thích hợp với việc vận chuyển cũng như sử dụng lâu dài. Về nội dung, thiết kế lựa chọn các hình ảnh chân dung hoặc hoạt động tiêu biểu trong đời sống của người dân tộc, có chú thích tên của các hoạt động này với tiêu chí đặt ra: hình ảnh đẹp, mang tính đặc trưng với các nhóm ngành dân tộc, phù hợp với đối tượng trong quan hệ tương tác. Các mẫu thiết kế được vẽ theo dạng phẳng, nhưng điểm khác chính là các bức tranh được vẽ theo lối đơn giản gồm các mảng miếng chính phụ lớn, mảng nghỉ - mảng âm. Màu sắc sẽ tập trung thể hiện các họa tiết hoa văn còn các nhân vật được để hiện ở các đường nét. Thông qua cách thể hiện này, tác giả muốn nhấn mạnh hơn vào các yếu tố hoa văn trong trang trí truyền thống - những yếu tố luôn xuất hiện trên trang phục tưởng như để trang trí làm đẹp nhưng lại mang những bí ẩn, ngôn ngữ văn hóa riêng mà ít ai để ý.
Nghiên cứu là công trình tổng hợp các hình ảnh, ý nghĩa và các yếu tố tạo hình của hoa văn thường thấy trên trang phục ba dân tộc nhóm H'Mông- Dao. Có thể nhận thấy cả ba dân tộc này đều sử dụng đường nét cách và các điệu hóa từ các hình ảnh thiên nhiên, con người, động vật, hoa lá, các sự vật hiện tượng thân thuộc trong đời sống xung quanh. Từ đó, có thể thấy các họa tiết trên trang phục của nhóm dân tộc này không chỉ tạo ra sự đặc sắc, nổi bật mà còn biểu hiện nếp sống tộc người, thể hiện trình độ lao động thủ công truyền thống và quan niệm về thẩm mỹ. Hệ thống hoa văn họa tiết này đã trở thành vốn từ vựng nghệ thuật giúp cho người nghiên cứu và công chúng có thể nhận dạng, giải mã văn hóa của từng dân tộc ẩn chứa trong đó. Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.
Minh Ngọc có thể giới thiệu qua về bộ bưu thiếp của mình?
Bộ bưu thiếp được thiết kế có tên "Hoa văn họa tiết H'Mông - Dao". Bộ bưu thiếp gồm bìa và 18 bưu thiếp 148x210mm mang hình ảnh về con người và họa tiết trang phục dân tộc gắn với 18 nhóm ngành dân tộc H'Mông- Dao. Bưu thiếp được in trên 2 mặt được thể hiện một mặt là tranh và một mặt điền thông tin liên quan đến bưu thiếp và thông tin của Bảo tàng.
Về hình thức mẫu thiết kế bưu thiếp: Bộ bưu thiếp được thiết kế theo lối vẽ giản lược và cách điệu hóa, phác thảo trên giấy kết hợp với sử dụng phần mềm Procreat, Photoshop và Illustrator.
Về nội dung mẫu thiết kế: Mẫu bìa phản ánh hình ảnh tổng thể của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Mẫu thiết kế này được hình thành từ ảnh chụp Bảo tàng kết hợp với các hoa văn tự nhiên thường thấy trên trang phục các dân tộc thiểu số nhóm H'Mông – Dao. Trong bộ bưu thiếp từ bìa đến 18 mẫu thiết kế đều sử dụng lôgô và tên của bảo tàng trong tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời, để góp phần quảng bá các hình ảnh văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, tôi còn dịch tên các bưu thiếp này sang tiếng Anh và có hiển thị trên mặt sau và bìa của bộ bưu thiếp.
18 mẫu thiết kế được hình thành phản ánh hoa văn họa tiết nhóm dân tộc H'Mông - Dao và một Các bưu thiếp được đặt tên như sau: Địu con (phụ nữ H'Mông Hoa; Múa khèn (đàn ông H'Mông đỏ; Một thói quen xa dần (phụ nữ H'Mông xanh); Lên nương (phụ nữ H'Mông đen); Ném còn (dân tộc H'Mông); Múa chuông (dân tộc Dao, nhóm Dao đỏ); Trò chơi gọi lồng gà tìm đồ vật (nhóm Dao Tả Pan); Đẩy gậy (dân tộc Dao); Nét thêu hoạ tiết (thiếu nữ Dao đỏ); Tập đi cà kheo ( dân tộc Dao Thanh Y); Lấy pháo đuổi tà ( nhóm Dao Thanh Phán); Đánh trống (phụ nữ dân tộc Dao Tiền); Sau giờ lao động ( nhóm Dao Quần Chẹt); Trò chơi cù quay (Dân tộc Dao Quần Trắng); Khoe sắc (nhóm Dao Coóc Mùn); Nhảy lửa (phụ nữ Dao Tuyển); Thiên nhiên và cuộc sống (nhóm Dao Lô Gang); Thổi sáo tìm bạn (thiếu nữ Pà Thẻn).
Với ý tưởng của mình, Minh Ngọc đã đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm 2018 - 2019 đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng hoa văn họa tiết trang phục dân tộc thiểu số vào thiết kế bộ bưu thiếp tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam". Ngoài ra, cô còn có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về trang phục dân tộc H'Mông - Dao đã được công bố trên các tạp chí và báo điện tử.
Xin chân thành cảm ơn Minh Ngọc về cuộc trò chuyện, chúc bạn luôn thành công trên con đường Hội Họa. Mong rằng tình yêu đam mê với văn hóa các dân tộc thiểu số luôn cháy bỏng trong bạn!