Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên trong tranh sơn mài của Phạm Hậu

17/07/2020 | 12:52

Nhắc đến dòng tranh sơn mài Việt Nam hiện đại không thể thiếu cái tên Phạm Hậu - Ông là một họa sĩ tên tuổi và có nhiều đóng góp quan trọng cho nền nghệ thuật hội họa nước nhà.

Vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên trong tranh sơn mài của Phạm Hậu - Ảnh 1.

Phong cảnh chùa cổ ở Bắc bộ (1934), Sơn mài, gồm sáu tấm, mỗi tấm có kích thước 104cm x 34 cm [Ảnh: Phạm Gia Yên]

Phạm Hậu - Một trong những họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực sơn mài

Tên đầy đủ của ông là Phạm Quang Hậu (1903 – 1994). Ông sinh ra trong một gia đình nho giáo đông con tại làng Đông Ngạc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Thời niên thiếu của ông lận đận, truân chuyên. Ông sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống nương nhờ vào gia đình các anh chị em và người thân trong họ tộc.

Năm 1929, ông theo học họa sĩ Nam Sơn và đã thi đỗ vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa V (1929 – 1934). Phạm Hậu đứng thứ hai trong sáu người khóa ấy gồm có: Trần Bình Lộc, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Văn Thuần. Trong thời gian ở trường, Phạm Hậu cùng các bạn học vừa học tập vừa sáng tác. Ông đã cùng với Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân nghiên cứu về kỹ thuật sơn ta, tìm ra cách pha chế để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng nhau và mài, thể nghiệm kết hợp thành công chất liệu sơn mài với kỹ thuật gắn vỏ trứng.

Năm 1934, tác phẩm tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Phạm Hậu là bức bình phong sơn mài Phong cảnh chùa cổ Bắc Bộ đã gây ra tiếng vang lớn và được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Trong giai đoạn 1935 - 1945, họa sĩ Phạm Hậu đã cho ra đời nhiều tác phẩm tranh và bình phong cỡ lớn đẹp mắt, đồng thời đạt được nhiều giải thưởng danh giá thời bấy giờ. Cụ thể như năm 1935, tại Triển lãm nghệ thuật lần thứ nhất do Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (Société Annamite d'Encouragement à l'Art et à l'Industrie viết tắt là: SADEAI) tổ chức tại Hà Nội, Phạm Hậu đạt được huy chương vàng cho các tác phẩm tham dự. Cũng tại triển lãm SADEAI lần II năm 1936, ông được tặng Bằng ngoại hạng. Tiếp đến năm 1944, Phạm Hậu cùng Nguyễn Gia Trí tổ chức triển lãm tranh ở Nhà Thông tin Tràng Tiền. Với các cống hiến cho nghệ thuật sơn mài, ông đã được triều đình vua Bảo Đại tặng thưởng Long Bội tinh và sắc phong Hàn Lâm trước tác.

Tuy Phạm Hậu sáng tác rất nhiều, song các tác phẩm của ông vừa vẽ xong đã có những người hâm mộ tìm mua, vì thế việc lưu giữ các tác phẩm của ông tại Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình không nhiều. May mắn, người xem tranh được thưởng lãm tranh Phạm Hậu qua các nghiên cứu và qua tổng hợp của gia đình ông. Phạm Gia Yên – con trai của cố họa sĩ Phạm Hậu đã tổng hợp các thông tin về cuộc đời, hoạt động nghệ thuật và các tác phẩm của cố nghệ sĩ trong ấn phẩm Sơn mài Phạm Hậu (The lacquer Art of Pham Hau). Thông qua quyển sách này, tác giả đã cung cấp các bức tranh tiêu biểu của Phạm Hậu và bài giảng nhập môn của ông về ngành sơn mài. Đây là một tư liệu quý cho quá trình nghiên cứu đề tài, tài liệu đã khẳng định các giá trị tranh sơn mài của Phạm Hậu trong dòng lịch sử phát triển hội họa Việt Nam.

Phong cảnh thiên nhiên đề tài chủ đạo trong tranh của Phạm Hậu

Phong cảnh thiên nhiên là chủ đề yêu thích của Phạm Hậu. Nếu thống kê, có thể nhận thấy đây là đề tài chủ đạo trong tranh của Phạm Hậu. Trong tranh của ông, thiên nhiên luôn tươi tắn, đẹp đẽ và thanh bình. Ông lấy cảm hứng từ thiên nhiên và khắc họa thiên nhiên với những khung cảnh khác nhau. Ông có nhiều tác phẩm thể hiện khung cảnh làng quê, núi đồi, thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ mang đậm các nét đẹp đặc trưng Á Đông - Việt Nam. Đó có thể là các làng quê: Khung cảnh làng quê Bắc Bộ, Cảnh làng, Cổng làng… hay phong cảnh trung du, rừng núi miền Bắc: Phong cảnh đồi núi Bắc Bộ, Phong cảnh Trung du Bắc Bộ, Bình minh trong rừng ở vùng Trung du, Phong cảnh vùng trung du Bắc Bộ, Phong cảnh tỉnh Hòa Bình…

Vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên trong tranh sơn mài của Phạm Hậu - Ảnh 2.

Khung cảnh làng quê Bắc Bộ, Sơn mài, 124cm x198 cm [Ảnh: Phạm Gia Yên]

Phạm Hậu đã tạo dựng được những không gian đa chiều, vừa cao, vừa sâu, vừa rộng mở, vừa trùng điệp.

Vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên trong tranh sơn mài của Phạm Hậu - Ảnh 3.

Mục đồng chăn trâu thổi sáo, Sơn mài [Ảnh: Phạm Gia Yên]

Đôi khi thiên nhiên đi vào tranh Phạm Hậu với những khoảnh khắc bất chợt với các hiện tượng như: Gió mùa hạ tự nhiên hay Cơn giông (1950) hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

Vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên trong tranh sơn mài của Phạm Hậu - Ảnh 4.

Gió mùa hạ (1940), Sơn mài, 150 cm x 68cm [Ảnh chụp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam]

Với bức tranh tranh mài Gió mùa hạ, Phạm Hậu đã khắc họa, diễn tả một bản giao hưởng của tự nhiên với vũ khúc của những bông sen trước gió vào độ cuối mùa hè. Mấy bông hoa trắng muốt nổi bật trên mặt nước, có bông đang chúm chím, có bông đang kỳ nở rộ và có bông đã tàn, cánh hoa bay như thả những cánh thuyền trắng mỏng manh trên mặt nước. Tất cả những đối tượng được miêu tả trong tranh cùng chao nghiêng về một hướng trước ngọn gió. Cái động của tranh được họa sĩ nhấn mạnh thêm bằng những cánh hoa rơi rụng bay theo gió, con chuồn chuồn mỏng manh đang cố bay đậu vào cành sen để khỏi bị gió cuốn đi. Chỉ có con chẫu chuộc ngồi trên lá sen dường như vẫn tự tại trước cảnh thiên nhiên an bình, tươi đẹp. Đây có lẽ là một trong những bức tranh thành công ở thể loại tĩnh vật theo dạng tranh hoa điểu – thảo trùng của phương Đông cổ họa trong buổi đầu hình thành nền hội họa Việt Nam hiện đại.

Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Phạm Hậu đã cống hiến không mệt mỏi để phát triển kỹ thuật và nghệ thuật sơn mài. Ông đã để lại một kho tàng đồ sộ, không chỉ có tranh sơn mài với các tác phẩm chính về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, về những làng quê, miền trung du Bắc Bộ, với những ngôi chùa cổ kính… mà còn rất nhiều sản phẩm ứng dụng bằng chất liệu sơn mài trong đời sống xã hội Việt Nam.

Là một trong những họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực sơn mài, với sự kết hợp cảm thụ tinh tế Á Đông với kiến thức bác học châu Âu, Phạm Hậu đã để lại cho chúng ta những bức tranh tuyệt đẹp và bài học quý giá về tạo hình trong tranh sơn mài. Những đóng góp của Phạm Hậu về nghệ thuật và kỹ thuật trong tranh của ông mãi sẽ mãi giá trị với chúng ta hôm nay và mai sau.

Đỗ Vũ Minh Ngọc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×