Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thực trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người

22/12/2019 | 17:11

Trong thời gian qua, thông qua các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người như chính sách về y tế, dân số, chính sách về giáo dục, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa và chính sách đầu tư phát triển bền vững,… vấn đề nâng cao sức khỏe và chất lượng dân số đối với nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người đều được quan tâm.

Trong thời gian qua, thông qua các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người như chính sách về y tế, dân số, chính sách về giáo dục, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa và chính sách đầu tư phát triển bền vững,… vấn đề nâng cao sức khỏe và chất lượng dân số đối với nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người đều được quan tâm.

Thực trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 1.

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu

Nhờ các chính sách về y tế, dân số, chính sách về giáo dục, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa và chính sách đầu tư phát triển bền vững,… cùng với nỗ lực của địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) ngày càng có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng. Nhiều xã vùng (DTTSRIN) sinh sống đã đạt chuẩn về y tế, có bác sĩ. Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được thực hiện đều khắp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát, đẩy lùi như sốt rét, bạch hầu, ho gà uốn ván,… Đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và tiếp tục giảm xuống còn 58/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015. Tỷ suất trẻ tử vong dưới 1 tuổi giảm 3 lần từ 44,4%0 năm 1990 xuống còn 14,5%0 năm 2016. Tỷ suất trẻ tử vong dưới 5 tuổi giảm hơn 2 lần từ 58%0 năm năm 1990 xuống còn 21,8%0 năm 2016. Suy dinh dưỡng ở trẻ em thể nhẹ cân dưới 5 tuổi giảm đều từ gần 50% năm 1990 xuống còn 33,8% năm 2000 và tiếp tục giảm còn 17,5% năm 2010, 13,8% năm 2016.

Mặc dù vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTSRIN vẫn còn hạn chế và bất cập. Do kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng miền làm tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế thiếu và chưa đồng bộ; chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sỹ và cơ sở vật chất y tế ở vùng DTTS, MN còn thiếu và yếu. Số cán bộ có trình độ chuyên sâu thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ người địa phương. Cơ hội và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng của DTTSRIN ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế,…

Thực trạng chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người

Về cơ cấu dân số. Một cơ cấu dân số hợp lý là đảm bảo được tỷ lệ cân bằng giới tính thai nhi theo quy luật sinh sản tự nhiên; số người trong độ tuổi lao động ổn định, tuổi thọ trung bình không quá thấp.

Cơ cấu dân số DTTSRIN phân theo giới tính, đến thời điểm tháng 7/2015 là: nữ 36.664 người/74.359 người, chiếm 49,3% và nam là 37.695 người/74.359 người, chiếm 50,7%. Tỷ số giới tính khi sinh của DTTSRIN thể hiện xu hướng giảm, song vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng, miền, các dân tộc bởi tâm lý thích con trai. Các dân tộc La Hủ, bố Y, Chứt, Ơ Đu có số lượng bé trai cao hơn bé gái từ 50 đến 200 người (Ơ Đu: 50 người; Bố Y: 63 người; Chứt: 65 người; Pà Thẻn 94 người; La Hủ: 206 người).

Số người có độ tuổi dưới 16 chiếm 33,96%, từ 16-35 chiếm 34,89%, từ 36-50 chỉ chiếm 20,12%, đặc biệt, độ tuổi trên 50 chỉ chiếm 11,03%. Số người trong độ tuổi lao động từ 16-50 tuổi chiếm 55,01%. Hầu hết ở các DTTSRIN, số người trong độ tuổi dưới 35 chiếm tỷ lệ lớn, trên 68,8%, Tỷ lệ này ở dân tộc Chứt lên tới 77,1%, Phù Lá: 70,5%, Lự: 68,7%. Tương quan số người trong độ tuổi trên 50 cũng rất thấp, nhất là dân tộc Chứt: 8,4%, Bố Y: 10,3%, Lô Lô: 13%, Pu Péo: 13%.

Chất lượng dân số của đồng bào DTTSRIN thấp. DTTSRIN có tầm vóc thấp hơn so với các dân tộc khác: Chiều cao trung bình là 1m40-1m55, cân nặng trung bình từ 40-45kg.

Tỷ lệ trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao so với phân loại của tổ chức y tế thế giới và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người DTTSRIN. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTSRIN còn ở mức cao và phân bố không dều giữa các vùng miền, trong cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ này ở trẻ người Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, B Râu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ Đu: 12%; Lô Lô; 16,91%.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em DTTSRIN dưới 5 tuổi là 29,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao cho thấy vấn đề xuất phát từ tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014, tỷ lệ cân nặng trẻ sơ sinh thấp ở DTTS rất cao, với 8,1% ở những trẻ được cân ngay sau sinh và thêm 14,6% ở những trẻ không được cân nhưng bà mẹ cho rằng con mình bé hơn những trẻ trung bình khác. Trong khi đó, tỷ lệ cân nặng sơ sinh thấp toàn quốc được ghi nhận là 5,7%. Tỷ lệ thiếu máu vẫn luôn cao ở vùng núi Phía Bắc và Tây Nguyên với 43% trẻ thiếu máu so với tỷ lệ chung toàn quốc là 27,8%. Tỷ lệ thiếu máu cao ở nhóm trẻ dưới 6 tháng cũng phản ánh dinh dưỡng kém ở bà mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng, i ốt, kẽm,… vẫn còn ở mức cao. Dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi nhỏ.

Tuổi thọ trung bình của các DTTSRIN cũng thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của cả nước (73,23 tuổi). So với kết quả chung của cả nước từ điều tra biến động dân số thời điểm 01/4/2015, tuổi thọ trung bình của DTTS thấp hơn 3,4 năm. Tuổi thọ trung bình của DTTS là 69,9 năm, trong đó, của nam là 67,1 năm và nữ là 72,9 năm. Tuy nhiên, một số DTTSRIN có tuổi thọ trung bình thấp như La Hủ (57,6 năm), Lự (59,3 năm), Mảng (60,2 năm), Si La (61,3 năm), Pà Thẻn (65 năm), Chứt (65 năm).

Nguyên nhân chất lượng dân số thấp ở các dân tộc thiểu số rất ít người

Ở những quần thể dân cư nhỏ, sống biệt lập (không có điều kiện kết hôn với các quần thể dân cư khác), các bệnh, tật di truyền bẩm sinh rất cao. Hôn nhân cận huyết cùng với mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dân số của một số DTTSRIN. Một số DTTSRIN có tỷ lệ kết hôn sớm, sinh con lần đầu từ 14-17 tuổi như: Rơ Măm, Chứt, Pu Péo, Mảng. Tỷ lệ mang thai lần đầu dưới 18 tuổi là từ 26,3% đến 41,6% ở các DTTSRIN là quá cao so với mức trung bình trong toàn quốc (khoảng 4,7% vào năm 2013). Tình trạng tảo hôn ở vùng DTTS là hơn 26%, trong đó, một số DTTSRIN có tỷ lệ tảo hôn rất cao như Ơ Đu 72,73%, La Ha 53%, Rơ Măm 50% và Brâu 50%.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định có mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng dân số với mang thai, sinh đẻ. Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện về sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Mặt khác, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh. Đồng thời trẻ em sinh ra từ những người mẹ mang thai ở độ tuổi này cũng có tỷ lệ nhẹ cân cao (dưới 2.500 gram), hoặc dị dạng, dị tật.

Tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn của một số DTTSRIN dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái. Người Si La đang có xu hướng nhỏ dần, cân nặng từ 40-45kg, chiều cao khoảng 1,45-1,60m. Người Brâu, Rơ Măm có nhiều dị tật bẩm sinh, nhiều bệnh tật, tình trạng sức khỏe kém. Phân tích số liệu tử vong trẻ em DTTS cho thấy, mối quan hệ giữa tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi với hôn nhân cận huyết đặc biệt đúng ở những dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết rất cao là dân tộc Mảng (44%0 ), La Hủ (53%0). Đây là hai dân tộc có tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi cao nhất, cứ 1000 trẻ sinh ra có đến 45 hoặc 53 trẻ tử vong trước khi được 1 tuổi.

Các số liệu minh chứng trên cho thấy, cùng với nghèo đói, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết góp phần đẩy cao tỷ lệ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp các gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi, giảm chất lượng nguồn nhân lực. Các rủi ro, hậu quả sức khỏe và chất lượng giống nòi chính là hậu quả lớn nhất, đáng cảnh báo nhất của vấn đề chất lượng dân số các DTTSRIN.

Như vậy, một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chất lượng dân số thấp ở các DTTSRIN là do có nhiều cộng đồng DTTSRIN còn sống biệt lập, ít kết hôn khác tộc người, hôn nhân được lựa chọn là cùng tộc và cùng trong cộng đồng nên dẫn tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết khá phổ biến ở một số dân tộc như Pu Péo, Lô Lô, La Hủ, Phù Lá, Rơ Măm.

Do điều kiện sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp gây trở ngại đến việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, sinh con của phụ nữ. Bên cạnh đó, các quan niệm lạc hậu về mang thai, sinh đẻ, tập quán sinh đẻ tại nhà,… cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong khi tỷ lệ phụ nữ có thai sinh con chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế trên toàn quốc chỉ 6% thì ở DTTSRIN là từ 30% đến 90%.

Tập quán làm nhà ở sát vạt rừng, cửa rừng, chăn nuôi gia súc dưới sàn nhà hoặc thả rông, lạm dụng rượu bia, uống nước lã, không nằm màn, ăn gỏi sống, ít tắm giặt, … làm người dân dễ mắc bệnh. Khi bị bệnh lại không khám, chữa bệnh kịp thời gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ DTTSRIN từ 15 đến 60 tuổi chưa biết chữ còn khá cao, đặc biệt đối với phụ nữ DTTSRIN. Đây là rào cản rất lớn đối với phụ nữ DTTTRIN trong phát triển bền vững. Khả năng tiếp cận và hưởng thụ các thành quả phát triển như các dịch vụ giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến bị hạn chế cũng ảnh hưởng đến chất lượng dân số của DTTSRIN./.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban Dân tộc, dân số dân tộc thiểu số rất ít người là 74.359 người trong tổng số 13.386.330 người dân tộc thiểu số. Xét về quy mô dân số cho thấy, biến động về dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) tương đối lớn. Dân tộc Ngái qua 6 năm có tốc độ tăng dân số âm, từ 1.035 người vào năm 2009 xuống còn 999 người vào năm 2015, giảm 4,5%. Dân tộc Lô Lô từ 4.541 người (năm 2009) xuống còn 4.314 người năm 2015, giảm 5%. Một số dân tộc có dân số không ổn định qua các thời điểm điều tra như Pu Péo, Si La. Chất lượng dân số của đồng bào DTTSRIN thấp.

Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×