Thực hiện có hiệu quả công tác Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm
23/04/2025 | 08:10Chiều 22/4, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm năm 2025” tại TP.Hồ Chí Minh.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên và Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chia sẻ, năm 2024, toàn ngành xuất bản, in và phát hành đứng trước thách thức rất lớn, trong đó có biến động thị trường nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng và những khó khăn mới do sụt giảm sức mua của thị trường trong nước và gián đoạn cung ứng của thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, vượt qua những khó khăn chủ quan và khách quan, toàn ngành đã thu được những kết quả tương đối khả quan thể hiện cụ thể qua những chỉ số phát triển.
Theo đó, ở lĩnh vực Xuất bản, tính đến hết năm 2024, tổng số xuất bản phẩm đạt được là 51.443 xuất bản phẩm với 597.182.861 bản (tăng 37,2% về xuất bản phẩm và tăng 11,3% về bản/lượt truy cập). Đáng chú ý, tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.528,249 tỷ đồng (tăng 10,3%). Trong đó có 05 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu tại hội nghị
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhìn nhận, hiện nay nội dung các xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của đông đảo bạn đọc. Trong năm 2024, nhiều xuất bản phẩm có giá trị được xuất bản để phục vụ những sự kiện quan trọng của đất nước và nhận được sự đánh giá cao của dư luận xã hội như: các cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; sách về chuyển đổi số của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông...
Đặc biệt, phát hành xuất bản phẩm điện tử được đánh giá là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành. Hiện tại, số lượng nhà sản xuất bản tham gia xuất bản điện tử đạt 54,3% (tăng 29,1%) vượt chỉ tiêu tăng trưởng, cùng với đó một số nền tảng dùng chung cho ngành đã được phát triển như "Nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu", "Nền tảng sách khoa học"...
Đối với Lĩnh vực In xuất bản phẩm, hiện nay cả nước có 3.320 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 66 cơ sở in Trung ương và 3.254 cơ sở in địa phương. Doanh thu ngành in ước đạt: 99.200 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2023.
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, đến thời điểm hiện tại nhiều Nhiều doanh nghiệp In đã quan tâm đến việc quản trị, quản lý chất lượng đạt các chứng chỉ quốc tế (các chứng chỉ ISO, GMI, G7...) nhằm đáp ứng các đơn hàng của thị trường các nước G7. Đi cùng với đó, một số cơ sở in trong nước cũng được mở rộng qui mô hoạt động, tham gia vào thị trường in xuất bản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn, định mức của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản để mở rộng thị trường, mạnh dạn bước vào các thị trường "khó tính".

Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản và doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách trên toàn quốc.
Đối với lĩnh vực Phát hành xuất bản phẩm, cả nước hiện có 2.060 cơ sở phát hành sách, trong đó có 572 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; 1.488 nhà sách, hộ kinh doanh; 28 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; 29 đơn vị được cấp xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử và gần 13.500 điểm phát hành xuất bản phẩm. Toàn ngành đã phát hành trên 576.000.000 xuất bản phẩm (tăng 4,0%); doanh thu đạt khoảng 4.800 tỷ đồng (tăng 3,2%) so với năm 2023.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhìn nhận, hoạt động Phát hành xuất bản phẩm điện tử đã có những bước phát triển nhanh, nổi bật và mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành.
"Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng nhanh, có thể thấy thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc" - ông Nguyễn Nguyên đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của toàn ngành cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: Vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách có giá trị tư tưởng, có sức lan tỏa chưa nhiều; sách học thuật, khoa học còn thiếu; sách khoa học, công nghệ giảm.
Nguồn nhân lực tại các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế, thiếu bước phát triển đột phá, đặc biệt trong việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng. Chuyển đổi số nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa trở thành động lực phát triển. Thị trường sách điện tử - thị trường giàu tiềm năng vẫn ở giai đoạn "khởi động" và có dấu hiệu chững lại.

Các đại biểu trình bày tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Đặc biệt, In lậu vẫn là một vấn nạn của ngành. Các đối tượng in lậu tận dụng máy móc công nghệ hiện đại, in lậu với số lượng lớn, gây thiệt hại cho nhà xuất bản, các đơn vị liên kết, tác giả, quyền lợi của người tiêu dùng. Cùng với đó, gian lận thương mại, xâm phạm bản quyền, đặc biệt là trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Các chế tài xử lý còn thiếu, việc xử lý chưa quyết liệt.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, phân tích các nguyên nhân, hạn chế của ngành xuất bản trong năm 2024, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2025, trong đó nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, công tác chuyển đổi số trong quản lý nước nhà nước về xuất bản, in và phát hành tại Hà Nội hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc số hóa hồ sơ TTHC đầu vào còn khó khăn do công tác tổ chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện...
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về xuất bản, in và phát hành một cách đồng bộ và toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in, phát hành; quy định về chuẩn hóa dữ liệu, chia sẻ thông tin, bảo mật trên môi trường số.
Nhằm tăng cường bảo vệ bản quyền trong ngành xuất bản về tình trạng sách giả, sách lậu, lừa đảo bán sách diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Alpha đề xuất Nhà nước cần thực thi mạnh mẽ hơn nữa, tăng mức chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm bản quyền, bán sách lậu, sách giả. Bên cạnh đó, khi sách số phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhà nước cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào tiến trình rà soát, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế năm 2024, trong phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025, Cục trưởng Nguyễn Nguyên đã đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp cho từng khu vực. Đáng chú ý là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực biên tập viên có nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo kế cận, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài như một số NXB thời gian vừa qua. Trong đó, chú trọng chỉ đạo các đơn vị xuất bản trong xây dựng chiến lược cán bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực số, bản quyền và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong bối cảnh hiện nay chính là quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho NXB trong việc thực hiện chuyển đổi số; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để góp phần đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại, trước hết là đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn và động lực phát triển.