Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì

18/12/2019 | 14:03

Dân tộc Hà Nhì ở xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có rất nhiều ngày cúng trong năm, nhưng tưng bừng và nhộn nhịp nhất là ngày Gạ Ma Thú (cấm bản) thường được làm vào những ngày đầu tháng Giêng.

Gạ Ma Thú bao gồm nhiều lễ cúng như: cúng mó nước, cúng rừng cấm, cúng thần mùa màng, cúng đầu bản, cuối bản, cúng thần sét, cúng thần lửa.... và điều đặc biệt nhất trong ba ngày tết, bản "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Mọi sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi được điều hành bởi thầy cúng và trưởng bản.

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 1.

Gạ Ma Thú được người Hà Nhì coi như ngày tạ ơn rừng thiêng mang cho con người đủ thứ sinh sống hàng ngày

Ngày đầu tiên trong ba ngày là làm lễ cúng rừng cấm. Trong đời sống người Hà Nhì, rừng có vị trí rất quan trọng, ông thần rừng che chở cho bản làng, cung cấp cho con người thịt chim thú và rau quả.

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 2.

Theo phong tục, gan con lợn mổ để cúng trên rừng cấm được các thầy cúng xem dự báo điềm lành, điềm gở trong năm

Chính vì vậy, theo phong tục lễ cúng trên rừng cấm chỉ được tập trung những trai bản khỏe mạnh, những thợ săn điêu luyện, họ tự mang lợn, gà, nếp thơm mang lên làm lễ vật báo cáo và trả ơn thần trong năm qua đã cho thợ săn nhiều con thú, nhiều rau quả tươi xanh.

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 3.

Lễ cúng trong Gạ Ma Thú

Sau khi cúng xong, họ tự ăn uống chúc tụng nhau đi săn không bị hổ, gấu vồ, nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp. Đặc biệt, khi ăn uống trên rừng cấm, thợ săn không được mang súng ống, cung tên, không được mang bát đĩa, nồi niêu. Tất cả phải lấy từ rừng, cơm thì làm cơm lam bằng ống tre, thịt thì dùng thịt nướng, thịt hun khói gác bếp từ nhà mang lên. Trong 1 năm, chỉ có ngày này cả bản không được đi săn bắt, không được đi hái rau quả, kể cả việc đi lấy củi khô. Tục lệ này có ý nghĩa, để muôn thú và cây cối trên rừng có một ngày tái sinh.

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 4.

Sau khi cúng xong, họ tự ăn uống chúc tụng nhau đi săn không bị hổ, gấu vồ, nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp.

Lễ cúng quan trọng thứ hai là lễ cúng bản, diễn ra ở đầu bản và cuối bản. Trong lễ cúng này cả bản đều tham gia để cầu mong trong năm bản làng bình yên, chăn nuôi, cấy trồng mùa màng tươi tốt, không bị dịch, sâu bệnh. Sau lễ cúng người nào cũng cố mời nhau về nhà mình ăn uống, thưởng thức rượu ngô đầu mùa mới nấu, cơm nếp nương dẻo thơm. Theo quan niệm xa xưa, nhà nào có nhiều khách, hết nhiều rượu thì sẽ may mắn. Sau bữa ăn mọi người lấy cơm nếp vo tròn ném vào nhau với ý nguyện mùa sau thóc gạo sẽ dư thừa.

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 5.

Họ cùng chúc tục nhau trong ngày Tết Gạ Ma Thú

Trong ba ngày cúng bản, các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, tập trung từng tốp chơi cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà và vỏ cây chuối khô. Người nào làm rơi cầu sẽ bị cả tốp xúm lại véo tai đến khi hai tai đỏ lừ mới thôi. Ngày thứ ba, tại các gia đình, phụ nữ dậy sớm đồ xôi, làm bánh ngô để làm quà tặng cho những vị khách ở xa đến bản. Khách đến tham dự Gạ Ma Thú, theo tục lệ còn được các phụ nữ Hà Nhì tặng cho một quả trứng gà nhuộm màu đỏ được đeo trong chiếc túi nhỏ đan bằng tre nứa.

Tết cấm bản Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì - Ảnh 6.

Đan giò quà tặng cho những khách xa đến dự lễ tết

Món quà tặng này có ý nghĩa luôn chúc những vị khách quý luôn gặp may mắn, sức khỏe và luôn sinh sôi nảy nở. Họ lưu luyến nhắc đi nhắc lại mãi câu chào: "À ma pi po", nghĩa là "Người anh em mạnh khỏe nhé, Tết sau lại về vui với dân bản ta đấy, đừng quên"./.

Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×