Sân khấu Hải Phòng: Điểm sáng trong bảo tồn, phát triển nghệ thuật
26/11/2022 | 07:27Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã đi đến cuối chặng đường. Trong gần 2 tuần diễn ra Liên hoan, công chúng đã có cơ hội được thưởng thức nhiều vở diễn hấp dẫn. Đặc biệt, sân khấu Hải Phòng gây bất ngờ khi tham gia đến 3 vở diễn của 3 đoàn nghệ thuật đồng thời được đánh giá là một "điểm sáng" trong việc hồi sinh sân khấu.
Gây ấn tượng với người trong nghề
Trong 19 vở diễn được mang đến Liên hoan, Hải Phòng – nơi từng được xem là "điểm sáng" của sân khấu phía Bắc chiếm tới 3 vở với nhiều thử nghiệm gây ấn tượng với người trong nghề cũng như bạn bè quốc tế.
Ba vở diễn của Hải Phòng gồm: "Đến bến bờ kia" (Đoàn kịch nói Hải Phòng), "Lời thề" (Đoàn múa rối Hải Phòng) và "Đối thoại âm dương" (CLB Sân khấu Biển hẹn - đơn vị xã hội hóa).
"Lời thề" do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, NSND Đinh Tiến Dũng dàn dựng. Chất liệu dân gian về truyền thuyết gắn với hội Minh thề và Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn thời nhà Mạc là tiền đề thuận lợi để Đoàn múa rối Hải Phòng thể hiện sinh động câu chuyện đang rất được dư luận đương thời quan tâm. Đạo diễn đã rất tinh tế khi chọn truyền tải thông điệp vở diễn bằng một câu chuyện giản dị của những người nông dân muốn sống trong sạch, trung thực với lương tâm và lời hứa của bản thân.
Thử nghiệm dễ nhận thấy nhất ở "Lời thề" là việc sử dụng toàn bộ màn hình LED ở 3 tầng diễn thay cho phông màn truyền thống. Từ cách tiếp cận hiện đại ấy, không gian của vở được thay đổi liên tục, khi là sân đình, cung điện, lúc là bến nước, vườn hoa và không bị gián đoạn bởi những phần "tắt đèn chuyển cảnh" thông thường.
"Đến bờ bên kia" được lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Sang sông" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, do NSƯT Như Lai dàn dựng và các nghệ sỹ của Đoàn Kịch nói Hải Phòng thể hiện. Trong vở diễn, 11 nhân vật, từ nhà sư đến cô giáo, gã thi sỹ, kẻ cướp, tên buôn lậu đến Việt kiều đều đeo "mặt nạ" khi qua sông. Và trong hành trình đi từ bờ đục đến bờ trong - những chiếc mặt nạ ước lệ ấy dần lột bỏ, khi các nhân vật lao vào cuộc giành giật tầm thường của những kẻ phàm trần.
Điểm nhấn đầy mới mẻ và sáng tạo của vở diễn đó là không gian được mở rộng dưới hình thức một giàn khung khổng lồ. Các nhân vật đều trở thành trung tâm trong những đoạn thoại của mình. Những đoạn thoại tưởng chừng như vẩn vơ nhưng lại ngồn ngộn chuyện đời.
Vở "Đối thoại âm dương" có thiết kế sân khấu ấn tượng, đặc biệt là thiết kế trang trí uyển chuyển khi là lăng mộ, khi lại là chiếc gương đã tạo nhiều đất diễn cho diễn viên thể hiện.
Ấn tượng của sân khấu Hải Phòng được các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đánh giá cao tại cuộc tọa đàm bên lề Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, tính thử nghiệm của 3 vở diễn này đều rất rõ, cách thử nghiệm khác nhau, mức độ thử nghiệm cũng khác nhau nhưng đều rất thành công.
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu (NSSK) Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi nhận định: "Sau mấy cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp gần đây thì thấy rất rõ sự trưởng thành của đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên của sân khấu Hải Phòng, đặc biệt là trình độ biểu diễn chuyên môn của các nghệ sỹ đã được nâng lên một bậc rất rõ rệt. Sân chơi thử nghiệm không đơn giản nên không phải đơn vị nghệ thuật nào, địa phương nào cũng có thể tham gia. Việc Hải Phòng tự tin dàn dựng tới 3 vở diễn và thực sự đều mang tính thử nghiệm đã tạo nên một yếu tố đặc biệt của Liên hoan lần này".
NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần này, các nghệ sỹ của các đoàn nghệ thuật Hải Phòng tạo bất ngờ cho những người làm nghề, đặc biệt là các thành viên trong Hội đồng giám khảo, trong Ban tổ chức. Ba vở diễn của Hải Phòng đều có màu sắc, sáng tạo mới mẻ, khác biệt; các nghệ sỹ sân khấu ở các loại hình đều vững vàng về chuyên môn và đảm đương được những vai diễn khó, phức tạp mang tính thử nghiệm… Các buổi diễn của các nghệ sỹ Hải Phòng được bạn bè quốc tế thích thú, được giới trong nghề đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào thành công của Liên hoan lần này.
Muốn có tác phẩm đỉnh cao phải đầu tư nghiêm túc
Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ, năm 2022 là năm thứ 3 ngành văn hóa, thể thao Hải Phòng thực hiện "Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng". Theo đó, trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước sáp nhập các đơn vị nghệ thuật biểu diễn theo mô hình Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh hay Nhà hát nghệ thuật truyền thống… để phù hợp với ngân sách và điều kiện biểu diễn, Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật công lập, bao gồm kịch nói, chèo, cải lương, múa rối và ca múa nhạc, các đoàn hiện đều đang hoạt động hết công suất. Các đơn vị nghệ thuật ở Hải Phòng còn mời thêm nhiều tác giả, đạo diễn và nghệ sỹ từ Trung ương và các thành phố lớn tới để hợp tác dàn dựng những tác phẩm quy mô, chất lượng cao…
"Hiện nay rất nhiều đơn vị bị thiếu sự quan tâm của địa phương, nhưng ở Hải Phòng có 5 đơn vị nghệ thuật phát triển, được đầu tư không những về tác phẩm dàn dựng, mà đầu tư cả về cách tiếp cận khác giả, kể cả khán giả vùng sâu, vùng xa"- bà Trần Thị Hoàng Mai cho hay.
Bà Trần Thị Hoàng Mai nhận định, việc mạnh dạn đầu tư và phát triển Đề án "Sân khấu truyền hình Hải Phòng", giữ nguyên cả 5 đoàn nghệ thuật, mạnh dạn đầu tư và phát triển Đề án "Sân khấu truyền hình Hải Phòng", tạo cơ hội và động lực cho nghệ sĩ cống hiến… có thể nói, Hải Phòng không chỉ tìm được hướng đi đúng cho nghệ thuật kịch hát dân tộc mà giúp tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh cho người dân. Sự quan tâm và đầu tư hiệu quả đã giúp cho các đoàn nghệ thuật công lập ở thành phố Cảng hồi sinh và phát triển ở một tầm cao mới.
Điều này nhận được sự đồng thuận của NSND Trịnh Thúy Mùi. Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam cho biết: "Muốn có những tác phẩm đỉnh cao, phải đầu tư nghiêm túc. Khi được đầu tư, các nghệ sĩ hăng say làm việc, khai thác tối đa sức sáng tạo của họ, thắp mãi cho họ ngọn lửa cháy với nghề, khát vọng cống hiến được khơi dậy. Từ đó, khán giả có cơ hội thưởng thức những tác phẩm tốt, lan tỏa những cái hay cái đẹp tới đời sống".
Đồng quan điểm này, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam nhận xét, sân khấu truyền hình của Hải Phòng suốt gần 3 năm qua đã đạt chất lượng nghệ thuật với các chương trình, vở diễn có sự chuyển biến rõ rệt. Đề tài các vở diễn đa dạng, phong phú, không chỉ bó hẹp ở phạm vi lịch sử, mà từng bước chạm đến góc cạnh bắt nhịp với cuộc sống đương đại, rất thu hút khán giả.
Từ thành công của Hải Phòng, thiết nghĩ, hình thức sân khấu truyền hình cần được lan rộng, mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo tồn, phát triển sân khấu nghệ thuật, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh cho người dân./.