Phòng, chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động VHTTDL: Nâng cao ý thức tự giác cộng đồng
01/07/2024 | 14:29Song hành với hệ thống hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện; công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm thường xuyên được tăng cường…, một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác trong cộng đồng.
Gạn đục, khơi trong
Ở một số lĩnh vực nóng, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh vi phạm như quảng cáo, bản quyền tác giả, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội…, thời gian qua đã có nhiều giải pháp đồng bộ được tăng cường. Đơn cử, trong lĩnh vực quảng cáo, thanh tra Bộ VHTTDL cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật, qua đó đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo, đặc biệt đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Năm 2023, Thanh tra các Sở đã tiến hành kiểm tra hơn 800 tổ chức, cá nhân, xử phạt hơn 250 tổ chức, cá nhân, tổng số tiền phạt hơn 5 tỉ đồng, buộc tháo dỡ hơn 6.000 băng rôn, biển quảng cáo, 50 biển hiệu. Nhiều địa phương đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra về quảng cáo như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn...
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, thực thi các quy định pháp luật, Thanh tra Bộ VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, bảo đảm thuê bao/người sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam không truy cập được vào hàng ngàn wesbite, đường link có nội dung vi phạm; đồng thời xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức các cuộc làm việc giữa chủ thể quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính, tác phẩm âm nhạc với doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Hàng nghìn khuyến cáo cũng được gửi đến doanh nghiệp khai thác, sử dụng hình ảnh, âm thanh, video, sử dụng chương trình phần mềm máy tính trong sản xuất, hoạt động kinh doanh thương mại, hoạt động quảng cáo chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Gạn đục, khơi trong, những bất cập nảy sinh từ thực tiễn luôn được nắm bắt và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Quý I năm 2024, Thanh tra Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành Kế hoạch về triển khai công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL năm. Kế hoạch nhằm tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy định pháp luật, góp phần tạo môi trường ổn định cho phát triển VHTTDL. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng ngừa tội phạm và kéo giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL. Các hoạt động tập huấn, hội nghị phổ biến pháp luật về VHTTDL; xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản pháp luật mới, hỏi - đáp pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch… được chú trọng triển khai.
Trong những tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ đã chỉ đạo Thanh tra các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch triển khai thanh, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực VHTTDL nhằm phòng, chống tội phạm; đẩy lùi vi phạm. 10 đoàn thanh tra đã được thành lâp; xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức, tổng số tiền phạt 42,5 triệu đồng…
Còn tồn tại tình trạng đốt vàng mã số lượng lớn
Kết quả kiểm tra tại các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn quốc trong năm 2023 cho thấy, ngoài việc quản lý tiền công đức còn những bất cập cần tiếp tục chấn chỉnh, cơ quan quản lý nhà nước cũng lưu ý tình trạng đốt vàng mã với số lượng lớn gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng, nhất là các đền.
Một số vụ việc tiêu biểu có thể kể đến như nhóm du khách trú tại phường Quang Trung (tỉnh Thái Bình) khi đến làm lễ tại đền Tranh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã chở theo 100 bao tải vàng mã với khối lượng khoảng 1,5 tấn, sự việc gây xôn xao dư luận; hay hiện tượng không ít du khách đi lễ đầu năm 2024 tại đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An) phải dùng xe kéo đồ vàng mã đưa vào đền… Thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ này đã được cảnh báo nhiều năm song vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Nâng cao ý thức tự giác trong cộng đồng
Quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa theo định hướng công khai, minh bạch trong nhiều năm qua luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, kết quả từ hoạt động kiểm tra tổng thể công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn quốc trong năm 2023 cho biết, tổng số thu tiền công đức tại các di tích đạt 4.100 tỉ đồng. Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách cho văn hóa còn khiêm tốn thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa được nhận định là nguồn tài chính rất quan trọng, đóng góp tích cực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích ngoài sử dụng cho tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh chuyển biến tích cực vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, cần giải pháp chấn chỉnh. Đa số địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng không báo cáo.
Tại nhiều di tích đền, chùa, việc đặt đĩa, khay trên ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm mà còn gây lòng tham cho người khác. Việc quản lý nguồn tiền này ở những di tích chưa lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không được cho rằng hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích. Cùng với đó, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro dẫn đến thất thoát, trộm cắp. Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỉ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền... Đáng chú ý, vẫn còn xảy ra “va chạm” trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhằm ngăn chặn vi phạm cũng như các hành vi trục lợi bất chính, cơ quan quản lý lưu ý giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trông coi di tích. Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội tại di tích trong tình hình mới bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch nhằm loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Theo Bộ Tài chính, đối với các địa phương vẫn chưa ban hành văn bản quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC, đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thống nhất thực hiện tại địa phương.